6. Đóng góp và cấu trúc của luận văn
2.1.1. Thiên nhiên trong bút ký Nguyễn Bắc Sơn là sự khám phá sinh động độc đáo
Không biết tự bao giờ thiên nhiên trở thành đề tài muôn thuở của thi nhân, khơi
nguồn cảm hứng và sáng tạo của tác giả. Nguyễn Bắc Sơn đã hòa mình cùng dòng chảy ấy, nhưng thiên nhiên trong từng trang bút ký là sự khám phá, đi tìm hiểu những cái đặc sắc và chưa được biết về nó. Ông viết về mọi miền của đất nước từ Tuyên Quang, Hà Nội, Côn Đảo, Phú Quốc, là Tây Bắc,… khi là Lào, Campuchia, Trung Quốc…tất cả trở nên gần gủi và lung linh khi bước chân ông đi qua. Nó là sự thể hiện bút pháp tài hoa, khả năng nhìn nhận vấn đề của ông rất sắc bén, có khi là sự tỉ mỉ tinh tế của một lữ khách muốn được chinh phục.
Thiên nhiên trải dài trong mạch cảm xúc của nhà văn, từ quá khứ đến hiện tại, cảnh vật hiện ra như mạch nước tuôn trào, lúc nào cũng đẹp, cũng thơ mộng. Ông viết về nó với lòng tự hào cởi mở. Chúng tôi cho rằng thiên nhiên thấp thoáng trong bút ký của Bắc Sơn luôn có mối quan hệ với cuộc sống hiện tại. Ông ca ngợi nhưng cũng đặt vấn đề cần phải làm gì để bảo vệ nó. Từng lời trong bút ký lúc ấy rất dạt dào và khó cưỡng trước những nét đẹp cuốn hút con người vào thế giới của ông. Bức tranh đó là dòng sông, là biển đảo quê hương, là miền Tây Bắc thân yêu, là miền Tây chảy nặng phù sa. Như một khúc tình ca, dòng sông xuất hiện trong bút ký Bắc Sơn là nhân chứng lịch sử cho thời cuộc, sử dụng biện pháp so sánh vô cùng ấn tượng đã làm nên cách viết rất phong phú và cho thấy ý nghĩa mà ông muốn hướng tới. Chẳng hạn, viết về Tuyên Quang với dòng sông Lô “nhờ nhờ như nước lọc cua. Đã qua mùa nước lũ, nhưng nước vẫn chưa trong. Dòng sông hiền như cô thiếu nữ đang đánh rãnh tra ngô trên bờ đất thoai thoải, nghiêng nghiêng” [12;11]. Dòng sông - minh chứng lịch sử cho thay đổi của một vùng đất, tràn đầy sức sống như thiếu nữ đôi mươi. Sự việc đó làm cho ta liên tưởng đến mảnh đất Tuyên Quang đã thực sự phát triển sau chiến tranh, mảnh đất đã gắn với tuổi thơ của tác giả thời kì kháng chiến: “Tuyên Quang, miền đất lich sử, mà đẹp nhất là lịch sử chống Pháp có đài liệt sĩ vào loại đẹp nhất nước, hình ngọn lửa cháy ngút, hay hình quả phật thủ trên bàn thờ người đã khuất”[5;15]. Đến nơi này, không gian chìm đắm vào
lịch sử, từng gốc cây, ngọn đồi đều như hát vang khúc ca khải hoàn của người anh hùng: “Quả đồi rợp bong mát sấu, bảng che lán trại chúng tôi độ nào, giờ chỉ còn là một đồi chè xanh ngắt, và một cái tên khắc trong lòng người Tuyên Quang: “Đồi âm nhạc”. Rừng sở (một loại thân gỗ, quả cho dầu rất quí) có mấy cái để dàn kèn đồng của đoàn nhạc binh Trung ương mà chúng tôi vẫn vào tập cùng” [21;13]. Mảnh đất này theo ông đã thay đổi, cảnh vật thay đổi, con người đã hòa cùng phát triển của đất nước- niềm tự hào mọi người.
Đôi khi dòng sông lại trở nên rất gần gũi, chứng kiến biết bao sự vất vả của cuộc đời. Dòng sông Hồng: “Mùa khô, sông Hồng gầy guộc như người mẹ vắt kiệt sức lực sau một lần sinh nở. Từ trên đê nhìn xuống, lòng sông cứ thăm thẳm, hun hút như cái giếng cạn, như thung lũng chết”[10;18]. Có thể nói, dòng sông như biểu tượng cho mạch
cảm xúc của nhà văn. Hình ảnh dòng sông xuất hiện trong văn học, khi là một “Tràng
giang” rộng lớn của Huy Cận, khi là dòng sông Hương thơ mộng hiền hòa: ”Sông Hương vui tươi hẳn lên giữa những biền bãi xanh biếc của vùng ngoại ô Kim Long, kéo một nét thẳng thực yên tâm theo hướng tây nam- đông bắc, phía đó nơi cuối đường, nó đã nhìn thấy chiếc cầu trắng của thành phố in ngần trên nền trời, nhỏ nhắn như những
vành trăng non”[9;199] gắn liền với “Ai đã đặt tên cho dòng sông” của Hoàng Phủ
Ngọc Tường, còn với Nguyễn Tuân đó là sông Đà cuồn cuộn chảy “nước sông reo lên
như một trăm độ” trong tùy bút Người lái đò sông Đà. Con người luôn trải qua mọi thử
thách khó khăn, sự thay đổi của thiên nhiên không phải là sự trùng hợp mà xuất phát từ dụng ý của tác giả. Miền Bắc – nơi có thủ đô yêu dấu, là hội tụ biết bao truyền thống của dân tộc, nơi dòng sông Lô, sông Hồng vẫn cuồn cuộn ngày đêm. Nhưng sự thay đổi ấy, chính là nhắc nhở số phận của con người, thế hệ hôm nay phải suy nghĩ về tương lai của chính mình.
Nước ta “rừng vàng biển bạc”, danh lam thắng cảnh nơi nào cũng có. Nguyễn Bắc Sơn như một lữ khách phiêu du khắp mọi miền tổ quốc. Với ông, Tây Bắc là nơi không
thể nào bỏ qua. Nguyễn Tuân nói “đi tìm cái thứ vàng mười trong màu sắc núi rừng
Tây Bắc”. Nơi đây chứng kiến sự trưởng thành của cách mạng, cái nôi của cuộc kháng
chiến vệ quốc vĩ đại. Mảnh đất hào sảng ngày nào vẫn chất chứa đầy đủ thi vị của cuộc sống mới, đang vươn mình thay đổi. Đến với Tây Bắc – đến với những công trình vĩ đại của đất nước, nơi chan chứa tình cảm của con người, hương vị độc đáo ngày xưa còn
đọng lại trong từng ngõ ngách của buôn làng. Từng trang bút ký đưa ta về với miền đất thân yêu “Tây Bắc của chúng ta”, âm thanh vang vọng cả một buổi chiều nắng đẹp: “Chiều nắng. Đẹp như chưa bao giờ đẹp đến thế, nắng đồng bằng vàng rực tất cả, không có chỗ so sánh đối chiếu. Tây Bắc, núi chồng núi, núi chen núi, nên nắng nửa có nửa không. Nửa vạt núi dát vàng, nửa kia vẫn màu xanh sẫm ngàn đời của núi. Nắng mùa hè chín đỏ quả cây. Nắng mùa đông chín đỏ má em gái Thái, Mông chơi nắng túm tụm bên đường” [1;141]. Nắng chiều Sơn La rờn rợn một khung cảnh núi non hùng vĩ, vẫn rạng ngời tuổi thanh xuân của các cô gái dân tộc, vẻ đẹp bình dị mà không gì có thể thay thể được. Nó đúng như ông đã nói “không có chỗ so sánh đối chiếu”, nắng mùa đông xua tan đi cái lạnh mùa đông bởi được sưởi ấm bởi những chàng trai, cô gái đang tràn trề sức sống như chính mảnh đất này phát triển nhanh chóng bắt kịp xu hướng của thời đại. Nhà văn lấy ánh nắng để làm màu chủ đạo trong bút ký, bày tỏ cả nỗi lòng của lữ khách, dường như dưới khung cảnh này, mọi vật trở nên rất sinh sôi: ”Nắng làm những chiếc ô hoa rực lên. Màu đỏ, màu xanh lá chuối non trên những chiếc váy xanh chàm rực lên. Người ta đẩy nắng mùa hè lên. Người ta níu nắng mùa đông xuống, ôm ấp, vuốt ve như người tình. Nắng mùa đông tái mặt lũ con trai. Nhưng hai cánh tay trần, đôi dái ta, đôi gò má bọn con gái lại cứ đỏ lựng mầu mận hậu như đang dậy tình”[7;141]. Sự chọn lọc gây ấn tượng khi tiếp xúc với bút ký của ông, hòa nguyện giữa những con người đang dần chiếm lĩnh cuộc sống. Họ biết lựa chọn cái nào phù hợp với chính mình như đất và người Sơn La đang vẫy gọi du khách về đây khám phá.
Có thể nói, chúng tôi càng đi sâu tìm hiểu, càng phấn khích trước những cảm nhận tinh tế và thật sự sâu sắc. Tiếp tục mạch cảm xúc về miền Tây Bắc, ông khám phá nhiều khía cạnh mà chính xác là giới thiệu những điều tuyệt nhất về nơi này. Ông viết về dòng sông, về núi rừng, mọi thứ đều đẹp mà đẹp nhất có lẽ là những thứ mà nó đem lại phục vụ lợi ích con người. Nói đến Tây Bắc không thể quên con sông Đà “hung dữ” đi vào thơ văn và cả lịch sử phát triển của đất nước. Nó tạo nên sự phát triển của Tây Bắc
mà Sơn La ảnh hưởng nhiều nhất. Nguyễn Tuân viết về sông Đà với cảm hứng để ca
ngợi vẻ hoang sơ, hùng vĩ, còn Bắc Sơn viết về nó: “Giữa bốn bề màu gạch cua của
dòng sông, là màu xanh ngọc bích, xanh da trời, xanh nước hồ Gươm xanh… Nước màu gạch cua lắng đọng từng ngày, trong vắt soi rõ mây trời Sơn La” [31; 150]. Đó là sự ca ngợi trí tuệ con người, con sông ngày nào vẫn dạt dào dòng chảy mang ánh sáng đến mọi
miền đất nước. Đúng như ông nói nước trong soi rõ cả bầu trời đất Sơn La, nhưng hơn hết là lòng người hân hoan trước sự hy sinh và sáng tạo để gây dựng nên những con đê, ngăn những dòng nước, xây dựng nên những nhà máy thủy điện trên con sông Đà.
Thiết nghĩ, chiếm phần lớn trong tác phẩm viết về thiên nhiên của ông chính là thế giới động thực vật vô cùng phong phú và đa dạng. Từng địa phương mà ông đi tới như bức tranh sống động về cuộc chiến giành sự sống nơi chốn núi rừng hoang dại này. Ông như nhà khoa học với vai trò là hướng dẫn viên, đại diện cho họ để giới thiệu và phân tích cho mọi người hiểu hơn về sự việc đó. Các bạn biết không? Thiên nhiên không bao giờ thơ mộng và lãng mạn như chúng ta thường thấy trong văn chương. Với ông, điều ấy xuất hiện rất ít, dường như chỉ là thoáng qua, từng trang bút ký là cung cấp hàng loạt tư liệu số liệu làm rõ hàng loạt vấn đề mà ông hướng tới. Chẳng hạn, viết về đỉnh Bạch Mã: “Mặt trời đội biển phía Vịnh Chân Mây nhô lên. Nắng sóng sánh vàng như cốc bia tươi mời gọi lữ khách trưa nắng hạ. Mây bồng bềnh phủ kín biển Đông, chạy tới chân trời qua 18km ăn vào tận chân Bạch Mã này. Mây dâng kín các thung lũng sâu. Đứng trên Vọng Hải Đài (đài ngắm biển) 1.370m, nếu cứ nắng thế này, màn mây vén lên…”[16;81]. Vừa miêu tả bằng những ngôn từ mượt mà nhưng thấy dần hiện ra vị thế và tầm quan trọng của ngọn núi này. Có vậy, mới thấy hết tài năng của nhà văn, sự so sánh gần gũi đến lạ kì, thể hiện sự phóng khoáng rất bình dân trong con người ông.
Ở một phương diện khác, ông như nhà thám hiểm chẳng những về địa lí mà còn là khả năng quan sát tận tường sự việc. Ông cũng từng thốt lên: “Cái cảm giác được sống giữa thiên nhiên, giữa rừng cây um tùm, giữa non nước thế này thật lạ lùng. Ta cứ muốn như đứa trẻ mười ba chạy lon ton trên con đường mòn vào rừng, leo lên cây cầu khỉ cho
khách chụp ảnh”[9;165]. Không chỉ là sự hiểu biết mà quan trọng hơn chính là đam mê,
niềm yêu thích của một nghệ sĩ nghiêm túc, cống hiến với nghề và xã hội. Đi sâu vào từng trang sách, chúng tôi nhận ra mọi sự việc không phải xuất hiện ngẫu nhiên mà đã được sự chăm chút lựa chọn rất kĩ lưỡng và tinh tế nữa. Từng chi tiết đưa vào tạo ra cảm giác rất thực, rất gần gũi và có lẽ chỉ là Bắc Sơn mới hào sảng đến vậy: “Phía xa, bên kia bờ hồ những đốm trắng như những bông hoa trắng toát trôi trên mặt nước xanh biếc, phẳng như gương. Cái gì đấy? Cò trắng, cò kềnh đấy! Thật không? Anh ngừng chèo, vỗ tay bồm bộp, lập tức đàn cò bay lên, chấp chới đôi cánh rộng, rồi chầm chậm thả mình xuống đám rừng đước xanh non phía ấy”[27;166]. Ông không viết nhiều về con cò như
thế nào, nhưng nó đã xuất hiện rất đẹp, phơi phới trong lòng người cảm nhận. Bởi hình ảnh đó với con ngươi đó cho ta cảm nhận được về một Vàm Sác đa dạng sinh học, tiềm năng du lịch sinh thái. Ở đây, có lẽ ông hi vọng nhiều nhất chính là vùng đất này sẽ phát
triển nhiều hơn, trở mình mạnh mẽ hòa cùng nhịp đập của thành phố mang tên Bác.
Mọi vật qua bàn tay của ông trở nên tươi tắn và tràn đầy nhựa sống. Nó như chính cuộc đời của một con người, dù hoàn cảnh nào cũng vươn lên thích nghi với cuộc sống mới. Từng nơi ông đến như nơi ấy được khai sinh trở lại, mảnh đất ấy bỗng trở nên quyến rũ lạ lùng. Ta có thể theo bước chân ông dọc miền Nam Bắc, đến miền Tây phù sa trái ngọt. Một lần đến Bến Tre – quê hương phong trào Đồng khởi, nơi có những cây dừa cao vút đứng hiên ngang, nơi có những con người anh hùng đã cống hiến suốt cuộc đời cho cách mạng. Nói đến Bến Tre, là nghĩ đến xứ dừa, ông phải thốt lên: “Đến quê dừa, tôi mới biết thế nào là vườn dừa, là miệt vườn. Dừa Bến Tre trồng lên những liếp đất cao, nhờ đất được đào thành máng hai bên vật lên. Máng nước dẫn nước vào ra theo mùa nước nổi“[9; 183]. Điều này dường như trở nên rất bình dị, mọi vật dưới ngòi bút phù thủy của ông như nhẹ nhàng gần gũi đi vào lòng người. Nó không bằng phù phép nào cả, ông viết văn mà như đang kể lại câu chuyện cổ tích, mộc mạc tha thiết về nơi ông đặt chân đến. Mọi vật được miêu tả rất nhanh từ xa đến gần, từ khái quát đến cụ thể. Có thể nói, càng đi sâu thì sự tinh tế càng rõ, thể hiện con người tài hoa, hiểu biết rộng của ông. Quần đảo có bao nhiêu đảo, có bao nhiêu loại cây, có bao nhiêu loài động vật, từng ngọn cây gốc rễ đều được quan sát rất kĩ. “Phú Quốc có đủ núi, rừng, đồng bằng, sông, suối. 99 ngọn núi lớn nhỏ mà cao nhất là ngọn núi Chùa 605m. Phú Quốc có nhiều loại rừng: rừng ngập mặn, rừng tràm, rừng nham, rừng cỏ tranh, rừng nguyên sinh, rừng thứ sinh” [25;245]. Sự sống luôn tạo ra những điều kì diệu, nhưng điều đó lại bắt gặp trong thế giới nghệ thuật của tác giả. Dường như, chính ông đã chinh phục thiên nhiên ấy, để mang đến cho chúng ta nhiều thi vị trong từng trang văn: “Kỳ lạ thay sự sống! Những quả đước thon dài hơn 20 cm, phía dưới to, vuốt nhọn lên phía cuống, lúc chín rụng xuống, trông hệt như quả bom cắm xuống bùn. Thế là mọc dễ, nảy mầm thành cây”[11;158].
Nguyễn Bắc Sơn đã viết và thật sự cảm xúc trước vẻ đẹp của thiên nhiên. Bức tranh mà ông vẽ nên không nhiều màu sắc, nhưng nó mang điểm nhấn tạo nên cảm giác dễ chịu. Những đoạn bút ký miêu tả như chính nguồn cảm hứng đang chảy của một nghệ
sĩ thực thụ. Ông muốn được khám phá, chinh phục những vùng đất mà chưa biết về nó. Thiết nghĩ, cuộc sống hôm nay cũng phải biết và gìn giữ tài sản của tự nhiên ban tặng cho con người. Bởi vậy, ngọn nguồn của con người trăn trở như tác giả thì không thể nào quên những lời ca ngợi, và đánh thức mọi người có cách nhìn đúng hơn. Xuyên xuốt những thiên bút ký, chúng tôi thấy rằng thiên nhiên không phải là đối tượng chủ yếu, mà qua đây ông muốn đề cập đến nhiều khía cạnh địa phương đang phải đối mặt. Bởi dù cho tạo hóa có ưu đãi đến đâu nếu chúng ta không có nhận thức đúng đắn và bảo vệ thì đến một ngày nào đó cũng gây tác hại cho con người. Vì vậy, theo chúng tôi vấn đề mà ông đặt ra chính là mối quan hệ giữa thiên nhiên và con người.