6. Đóng góp và cấu trúc của luận văn
3.2.1. Khái niệm ngôn từ nghệ thuật
Văn chương là nghệ thuật ngôn từ. Nhà văn là nhà sáng tạo ngôn từ. Nó được cá thể hóa đến mức trở thành quy luật ngữ pháp riêng, giọng điệu riêng của từng người chứ không chỉ tuân theo quy luật ngữ chung của ngôn ngữ. Ngôn từ là chìa khóa mở cho
chúng ta bước vào thế giới nghệ thuật của nhà văn. Maiakovsky nói: “Tôi biết sức mạnh
của ngôn từ …ngôn từ là tướng của đạo quân sức mạnh con người”. Hơn ai hết, các nhà văn đều ý thức về sức mạnh này. Và thực tiễn đã chứng minh, các nhà văn lớn luôn chú trọng đến việc sử dụng ngôn từ trong tác phẩm của mình. Vậy thế nào là ngôn từ nghệ thuật (ngôn từ trong văn học)?
Từ điển thuật ngữ văn học, định nghĩa về ngôn từ nghệ thuật: “Ngôn ngữ mang tính nghệ thuật được dùng trong văn học. Trong ngôn ngữ học, thuật ngữ này có ý nghĩa rộng hơn, nhằm chỉ một cách bao quát các hiện tượng ngôn ngữ được dùng một cách chuẩn mực trong các văn bản báo chí, đài phát thanh, trong văn học và khoa học”[18; 185].
Từ điển giải thích thuật ngữ ngôn ngữ học đã đưa ra cách nhìn khác: “Ngôn ngữ văn học được xem là một trong những hình thức tồn tại chủ yếu của ngôn ngữ, một trạng thái ngôn ngữ tiêu biểu với những đặc điểm khác biệt là: tính đa chức năng về mặt biểu đạt; đặc tính tinh luyện và chuẩn mực về cấu trúc và nguồn gốc phương ngữ của ngôn ngữ văn học”[45; 106].
Huỳnh Như Phương quan niệm: “Ngôn từ trong tác phẩm văn học là kiểu lời nói nghệ thuật do nhà văn sáng tạo trên cơ sở sản phẩm ngôn ngữ của một xã hội mà ông ta tiếp thu được”[19; 170].
Như vậy, ngôn từ nghệ thuật chính là ngôn ngữ mẫu mực đã được chuẩn hóa chọn lựa nhằm phục vụ cho hoạt động giao tiếp, mang dấu ấn cá nhân, thể hiện phong cách, tài năng, cá tính sáng tạo của nhà văn. Nó vừa là công cụ tư duy, vừa là phương tiện chuyển tải hình tượng nghệ thuật chủ quan của người nghệ sĩ. Và điều đó cũng cho thấy rằng, những nhà văn lớn đều là những bậc thầy về tiếng nói. Qua năng lực nghệ sĩ, ngôn từ đã tự biểu diễn, tự nói lên cái mà chỉ nghệ thuật ngôn từ mới nói được.
Nói đến nghệ thuật ngôn từ, người ta nghĩ ngay đến Nguyễn Tuân – bậc thầy trong việc sử dụng ngôn ngữ theo phong cách riêng biệt, ngoài việc kì công kiếm chữ nghĩa độc đáo, dễ gây ấn tượng ông còn làm cho từ ngữ bình thường bỗng toát lên ý nghĩa mới. Đọc văn Nguyễn Tuân, ta luôn được hưởng sự thú vị của chữ nghĩa, hết dòng này đến dòng khác, hết trang này đến trang khác mà không nhàm chán. Như vậy, có thể thấy rằng không phải bất cứ ai cũng trở thành hiện tượng văn học. Bản thân cá nhân nào đó muốn trở thành nhà văn thì trước hết phải ý thức được việc chú trọng ngôn từ của mình. Chính vì thế, các nhà văn lớn đều là những trải nghiệm, học hỏi, miệt mài sáng tạo.
Văn học Việt Nam trên những chặng đường phát triển của riêng mình, các nhà văn đã luôn cố gắng tìm tòi, phát hiện sử dụng ngôn từ một cách hiệu quả, dù rằng chưa
được gọi là “bậc thầy’’, nhưng ở góc độ nào đó điều đã có sự đóng góp nhất định. Vì vậy, chúng tôi nghĩ rằng nhà văn Nguyễn Bắc Sơn cũng là một trong những trường hợp như thế. Sự kết hợp đầy ngẫu hứng giữa hai ngôn ngữ nghệ thuật và ngôn ngữ báo chí đã tạo nên phong cách riêng cho ông.