Bài giảng điện tử là một tài liệu cơ bản và chủ yếu của Website dạy học. Nó là công cụ hỗ trợ đắc lực cho hoạt động dạy của GV
Khái niệm bài giảng điện tử được hiểu là toàn bộ kế hoạch hoạt động dạy của GV và hoạt động học tập của HS cùng các phương tiện dạy và học (như tranh ảnh, biểu bảng, biểu đồ, các thí nghiệm được quay phim, chụp ảnh hay mô phỏng bằng các ảnh động trong không gian hai, ba chiều...) của một tiết học được số hoá và cài đặt trên máy vi tính dưới dạng một chương trình nhằm thực hiện mục đích của quá trình dạy học đã đặt ra (truyền thụ tri thức, kỹ năng, kỹ xảo, phát triển trí tuệ và hình thành nhân cách cho HS).
Như vậy, bài giảng điện tử vừa là một bản kế hoạch, vừa là một phương tiện (vì nó là một chương trình), khác hẳn với khái niệm ''giáo án'' trong dạy học truyền thống trước đây hỗ trợ cho hoạt động dạy của thầy và hoạt động học của trò. Sự hỗ trợ ấy phải tạo được điều kiện để GV có thể tổ chức và điều khiển tốt hoạt động nhận thức của HS, tạo được nhiều điều kiện thuận lợi để HS có thể phát huy tốt tính tích cực, độc lập, chủ động sáng tạo chiếm lĩnh tri thức, kỹ năng kỹ xảo và hình thành các hành vi. Chính vì vậy, khi thiết kế nội dung bài giảng điện tử, chúng tôi quan tâm tới những khả năng hỗ trợ của nó đối với hoạt động dạy học.
Nội dung bài giảng bao gồm các câu hỏi, câu trả lời, tranh ảnh, hình vẽ, các phim về thí nghiệm, các biểu bảng, các biểu đồ..., nó sẽ lần lượt được xuất hiện theo tiến trình giảng dạy nhờ vào chỉ một vài thao tác đơn giản (gõ phím kí tự trắng - Space bar hay nháy phím trái của chuột - Click Mouse). Mỗi một thao tác trên máy tính luôn gắn chặt với một nội dung trong hoạt động học tập của HS. Nhờ vậy, GV đã không mất thời gian cho việc ghi bảng, trình bày tranh ảnh, vẽ các biểu bảng, biểu đồ, thực hiện các phép tính, ghi nhớ nội dung bài giảng... Lúc này, bảng đen chỉ là một phương tiện phụ, sử dụng để hỗ trợ những khi cần thiết như ghi chép các phép tính trung gian, các số liệu thí nghiệm... Hơn nữa, những nội dung xuất hiện trong bài giảng điện tử đã được biên soạn kỹ lưỡng về mặt cú pháp ,ngữ nghĩa như những câu hỏi, những chú ý, những giải thích... mà bình thường GV truyền tải chúng thông qua lời nói của mình, trong nhiều trường hợp chưa được chuẩn bị kỹ, có thể sai về cú pháp, thiếu trong sáng về ngữ nghĩa và sẽ làm cho HS hiểu không đúng, giống nhau về một vấn đề do GV trình bày.
Việc sử dụng bài giảng điện tử đã giúp GV trình bày nội dung kiến thức dưới một dạng chuẩn tắc nhất về kích thước (size), kiểu dáng (style), màu sắc (color) của nhiều loại chữ (font) và có cấu trúc logic chặt chẽ. Điều này cũng đồng thời giúp HS rèn luyện được kỹ năng viết, vẽ, trình bày bài học vào vở ghi của mình một cách chính xác, đầy đủ và có thẩm mỹ. Như vậy, lao động chân tay của GV đã được giảm thiểu, hầu như tất cả thời gian của tiết học giờ đây được GV sử dụng vào việc
tổ chức, điều khiển, kiểm soát hoạt động học tập của HS như: phân tích, giải thích thêm để HS hiểu rõ, hiểu đúng nội dung các câu hỏi; nêu thêm các câu hỏi phụ để đào sâu hay mở rộng vấn đề; tổ chức cho học sinh tham gia xây dựng bài; quan sát hoạt động của từng nhóm, từng cá thể HS; tiến hành các thí nghiệm thực hành mẫu; hướng dẫn, gợi mở giúp cho HS phát hiện hay giải quyết các vấn đề đặt ra trong quá trình học tập...
Bài giảng điện tử được xây dựng trên nhiều dạng dữ liệu như : văn bản, hình ảnh hoặc động hai hoặc ba chiều, biểu bảng, biểu đồ, âm thanh, các đoạn phim học tập với nhiều màu sắc khác nhau, được kiết xuất từ máy tính lên màn ảnh thông qua máy chiếu tường Projector. Nhờ đó cho phép GV trình bày bài giảng một cách hết sức sinh động và đầy ấn tượng, có tác dụng tốt trong việc kích thích hứng thú, tăng cường sức chú ý, độ bền trí nhớ của HS trong quá trình học tập. Sự đa dạng trong các kiểu dữ liệu được trình bày như thế trên máy vi tính đã cho phép GV thực hiện được nhiều hơn những yêu cầu của hoạt động dạy học đặt ra so với khi không có nó. Các sự vật, hiện tượng của thế giới khách quan, các thí nghiệm thực hay thí nghiệm mô phỏng được tái tạo lại trước mắt HS thông qua các đoạn Video Clip. Những đoạn phim này đặc biệt hữu dụng khi dùng để tạo tình huống có vấn đề để truyền thụ tri thức.
Nội dung môn học được phân chia thành các bài học trong sách giáo khoa chỉ có tính tương đối, nghĩa là giữa các yếu tố kiến thức trong cùng một bài học, giữa nội dung của các bài học khác nhau có một mối liên hệ mật thiết. Việc xây dựng kiến thức của bài học này luôn dựa trên cơ sở là những kiến thức mà HS đã tiếp thu được từ những bài học trước đó. Nhờ chức năng siêu liên kết (hyperlink) có thể truy cập nhanh chóng đến một nội dung kiến thức của bài học trước được cài sẵn trên bài giảng điện tử, đã cho phép GV thực hiện yêu cầu này theo những cách khác nhau. Có thể chuyển đến một bài học bất kỳ, một mục bất kỳ, một thí nghiệm, một kết luận hay tóm tắt nội dung của một bài học trước đó... Yêu cầu này trong các tiết giảng thông thường (không sử dụng máy vi tính) chỉ được thực hiện bằng cách thông qua phát biểu bằng lời của HS hoặc của GV. Khác biệt một cách căn bản, các liên kết trên Website đã
cho phép nhanh chóng tái hiện lại chúng chỉ qua một thao tác nhắp chuột đơn giản. Khả năng hỗ trợ này đồng thời cũng đã đáp ứng được nhu cầu của GV trong việc ôn tập hệ thống hoá kiến thức khi cần thiết.
Cá biệt hoá HS trong quá trình dạy học là một yêu cầu hết sức quan trọng nhằm hướng tới mục đích là cho mỗi HS được học tập và phát triển theo khả năng riêng của mình. Đối với các tiết học thông thường, yêu cầu này rất khó được thực hiện, giáo viên thường phải căn cứ vào trình độ của đại đa số HS để quyết định cách thức tổ chức và lựa chọn phương pháp giảng dạy tương ứng. Sử dụng bài giảng điện tử có nhiều cơ hội để GV thực hiện nhiệm vụ này. Đi kèm với các câu hỏi chính được xây dựng dựa vào trình độ của đại đa số HS trong lớp (mức khó trung bình), là các câu hỏi phụ được xây dựng dựa vào trình độ của các HS yếu (mức khó thấp) và trình độ các HS khá giỏi (mức khó cao). Khả năng cho phép lưu trữ và cập nhật được hệ thống các câu hỏi này trên máy vi tính đã giúp mỗi một GV xây dựng cho mình một thư viện riêng các câu hỏi - một tài sản quý giá, vì nó hàm chứa trong đó cả trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm và cả nghệ thuật dạy học. Không ép buộc GV phải thực hiện giáo án theo một khuôn mẫu cứng nhắc mà ngược lại vẫn phát huy được khả năng sáng tạo, những năng lực riêng của mỗi GV. Lựa chọn được câu hỏi phù hợp cho từng đối tượng HS sẽ thực hiện tốt được nhiệm vụ cá biệt hoá trong dạy học.
Bài giảng điện tử có thể được in ra giấy để GV làm giáo án giảng dạy trong trường hợp không sử dụng máy tính (vì một lý do nào đó). Nội dung tổng kết cuối bài học (nội dung HS cần ghi vào vở) sau khi đã được rút ra từ bài giảng điện tử cũng có thể được in ra giấy và phát cho HS sau mỗi tiết học để làm tài liệu học tập cho HS ở nhà, ngoài những gì mà các em ghi được vào vở.