Thực hiện phương châm “Minh chúa tiên trị lại, nhi hậu trị dân”, triều Hậu
Lê có hai cơ chế để giám sát quan lại nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các sai phạm của quan lại và răn đe, phòng ngừa các hành vi sai trái trong quá trình quan lại thực thi các công việc NN.
2.3.4.1 Cơ chế giám sát từ phía NN
Cơ chế này được thực thi bởi ba hình thức giám sát chủ yếu:
Thứ nhất, giám sát của các cơ quan giám sát chuyên môn, bao gồm:
Ngự sử đài; Lục khoa; Giám sát ngự sử đặt ở cấp chính quyền địa phương cao nhất; Hiến sát sứ ty.
Đây là chế độ giám sát độc lập và không có ngoại lệ (tất nhiên trừ nhà
vua) theo nguyên tắc “lớn nhỏ, trong ngoài cùng ràng buộc lẫn nhau”. Nguyên tắc này được xác định rõ: “Các viên chức các Khoa, Đạo theo lệ
được phong kín đưa thẳng lên nhà vua, sau nếu có đàn hặc người nào mà viện trưởng cùng Khoa, Đạo cùng có ý kiến thì cứ cùng ký tên tham hặc tâu lên. Nếu tự ý kiến của Khoa, Đạo thì Khoa, Đạo tâu riêng” [44.Tr.129]
Ngự sử đài được đặt ở vị trí quan trọng, có đủ các chức Đô ngự sử (hàm
từ Tòng nhị phẩm trở lên), Phó Đô ngự sử (hàm Tòng Tam phẩm), Thiên Đô ngự sử (hàm Chánh ngũ phẩm), thường do những người có học vị tiến sĩ nắm giữ. Đô sát viện được giao quyền hành rất lớn: quyền đàn hặc (chỉ trích tội lỗi của quan lại), quyền can gián nhà vua, quyền dự nghe chính sự, quyền kiểm tra hoạt động của các cơ quan khác trong triều đình, quyền kiểm soát trường thi, quyền phúc duyệt các bản án hình sự.
Lục khoa được đặt ra từ năm 1471 trong cuộc cải cách hành chính do vua
Lê Thánh Tông tiến hành. Đây là cơ quan thanh tra ở sáu Bộ, có trách nhiệm tâu hặc quan lại sai trái và các việc làm không đúng thể thức ở mỗi Bộ. Đứng đầu mỗi khoa có Quan Cấp sự trung và Đô Cấp sự trung mang hàm Chánh Ngũ phẩm.
Giám sát ngự sử là một chức quan đồng thời là một cơ quan độc lập đặt
ở địa phương (Trấn, Đạo, Xứ thời Lê, Tỉnh thời Nguyễn) nhằm giám sát hoạt động của quan lại từ cấp Đạo trở xuống. Quan Giám sát ngự sử thường mang hàm Chánh Thất phẩm.
Hiến sát sứ ty là cơ quan giám sát đặt trong bộ máy chính quyền cấp Đạo
(Tỉnh) có chức trách thanh tra quan lại, đề cao vai trò và trách nhiệm của quan lại ở Đạo, Phủ, Huyện đối với các công việc của NN và đối với nhân dân. Đứng đầu cơ quan này là Hiến sát sứ và quan Hiến sát phó sứ. Trong hoạt
động, các viên quan này phải phối hợp với quan Giám sát ngự sử để “hặc tâu
các quan làm bậy, soi xét uẩn khuất của dân”.
Thứ hai, giám sát của cơ quan chính quyền cấp trên đối với cấp dưới,
do chính các viên quan phụ trách đơn vị hành chính địa phương cấp trên đảm nhiệm nhằm phát hiện các sai trái của thuộc hạ mình ở cùng cấp hoặc ở cấp d- ưới trực tiếp.
Thứ ba, giám sát đặc biệt, là hình thức giám sát đột xuất theo vụ việc,
do nhà vua trực tiếp lập ra khi thấy cần thiết. Đoàn giám sát thường bao gồm những quan đại thần có hạnh kiểm, kinh nghiệm và uy tín cao. Trong quá trình giám sát tại địa phương, đoàn giám sát được trao quyền rộng rãi, được chủ động giải quyết vụ việc trên cơ sở phát hiện các sai trái của quan lại, sau đó tâu lại với nhà vua
Hình thức giám sát đột xuất được áp dụng khá thường xuyên dưới triều Lê Thánh Tông. Năm Quang Thuận thứ 8 (1467) vua Lê Thánh Tông định lệ
chọn ở sáu Bộ, sáu Khoa và sáu Tự, mỗi cơ quan hai người có hạnh kiểm “đi
thăm hỏi, điều tra nỗi đau khổ của sinh dân và điều hay, dở của chính sự”.
Trong những trường hợp đặc biệt, nhất là khi ở một địa phương có binh đao, giặc giã, dân tình tao loạn, quan lại lộng quyền ức hiếp nhân dân, nhà vua thường cử một đoàn thanh tra đặc biệt, do một hai viên quan đại thần có uy tín, gọi là Kinh lược sứ, xuống địa phương đó xem xét hoạt động của quan lại tại địa phương. Quan lại tha hóa, tham ô nhũng nhiễu dân chúng đều bị trừng trị nghiêm khắc, những oan ức của người dân phần nào được giải quyết, kỷ cương hành chính đi vào nề nếp hơn.
2.3.4.2 Cơ chế giám sát quan lại từ phía nhân dân
Cơ chế này thể hiện ở hai hình thức kiểm soát của nhân dân được NN khuyến khích thực hiện:
Thứ nhất, dân được quyền yết bảng công khai để viết ra các điều thiện,
ác của quan lại tại địa phương;
Thứ hai, dân có quyền đưa đơn tố cáo lên các chính quyền cấp trên về
các hành vi sai trái của quan lại. Nhà Hậu Lê cho phép người dân được tố cáo đến bất kì cấp nào, kể cả đưa đơn trực tiếp đến nhà vua nhân dịp vua đi tuần thú hoặc thông qua việc đánh trống kêu oan tại triều đình. Tất nhiên, nếu việc tố cáo không có cơ sở sẽ bị trừng phạt thích đáng.
Kết quả giám sát của nhân dân đối với hoạt động của một viên quan hay một cấp chính quyền cụ thể nào đó sẽ được NN đánh giá chủ yếu thông qua số lượng các đơn khiếu nại của nhân dân tại địa phương và thông qua thái độ của nhân dân khi NN thực hiện việc khảo hạch, điều chuyển quan lại.