Trách nhiệm công vụ của quan lại

Một phần của tài liệu Quan chế thời hậu lê những nội dung cơ bản và giá trị kế thừa trong sự nghiệp xây dựng nhà nước pháp quyền việt nam hiện na (Trang 55 - 57)

Theo quan điểm Nho giáo, những người làm quan phải làm tròn nghĩa vụ với vua (trung quân) và với dân (chăm dân). Điều này được thể hiện rõ trong bài dụ Hiệu định quan chế của Lê Thánh Tông. Ý chỉ của ông còn được Hiển công đại phu Nguyễn Đôn Phục lĩnh ý khi viết văn bia tiến sĩ khoa Mậu Tuất

(Năm Hồng Đức thứ chín - 1478): “Ngày thường thì can gay nói thiệt tôn vua

giúp dân, đến lúc nguy biến thì phải hy sinh thân mình vì nước quên nhà thấy nguy chịu chết, có như thế mới gọi là người hết đạo làm tôi, không thẹn với khoa danh” [33.Tr.135].

Đảm nhận trọng trách lớn lao: giúp vua cai trị đất nước nên quan lại phải làm cho dân được no đủ, thanh bình…đảm bảo sự bền vững của vương triều.

Do đó, năm 1485, Lê Thánh Tông ban hành chiếu dụ nêu rõ: “Lễ nghĩa để

sửa tốt lòng dân, nông tang để có đủ cơm áo, hai việc cần kíp ấy của chính sự là chức trách của các thú mục” [17.Tr.481]. Cũng trong bản chiếu dụ này, Lê

Thánh Tông yêu cầu: “Từ nay về sau, bọn các ngươi phải biết bỏ hết tệ trước,

phàm sắc lệnh của triều đình phải một lòng vâng làm, nhân dân bị đói rét phải tìm cách kinh lý. Quan phủ huyện châu thì phải hàng năm tuỳ thời xem

xét chỗ ruộng cao thấp, khuyên bảo việc nông tang, đất nào có lợi còn sót thì tuỳ cách mà gióng giả, người nào sức còn rỗi thì tuỳ việc mà khuyên bảo, để cho dân có của thừa mà không có tệ đói rét trốn đi. Trong những lúc đi tuần hành, đến nơi nào phải đem hết những lời văn của sắc dụ đời trước, lời dạy về lễ nhạc xưa nay, ân cần hiểu bảo, để cho dân biết theo tiện, đổi lỗi. Nếu có việc gì hại giáo hoá, tổn phong tục thì phải để ý trị răn; có người nào trung tín hiếu đễ thì phải để lòng khen thưởng. Như thế thì dân theo về trung hậu, đổi bỏ hết thói điêu bạc gian dối” [17.Tr.526]. Năm 1471, trong khi Dụ các

quan Thừa tuyên phủ huyện ở Sơn Nam về công việc hành chính tại địa

phương, ông cũng đã vạch ra: “Bọn các ngươi là hạng phương diện chức to,

thân dân trách trọng, không biết thể theo lòng nhân của triều đình nhà nước yêu nuôi nhân dân, chỉ chăm làm những việc nhỏ mọn như roi vọt sổ sách. Nay sứ ty và phủ huyện các ngươi phải mau mau đi xét trong hạt, những nơi núi chằm bờ biển, chỗ nào có thể làm ruộng được; các đê đập ngòi cừ, chỗ nào có thể đào đắp được, cùng là chỗ nào có giống hổ lang làm hại, có kẻ cường hào xui giục kiện tụng, phong tục điêu bạc, nhân dân đau khổ, hết thảy các việc tiện lợi nên làm, những mối tệ hại nên bỏ, trong hạn 100 ngày phải tâu rõ ràng lên. Nếu để chậm quá hạn thì sẽ bị trị tội…” [17.Tr.484].

Nghĩa vụ với vua và nghĩa vụ với dân của quan lại thể hiện tập trung trong những yêu cầu về trách nhiệm công vụ của người làm quan. Theo đó, đội ngũ quan lại phải có trách nhiệm: tận tụy, chuyên cần trong công vụ; giải quyết công vụ phải chuyên tâm, chính xác, theo đúng thủ tục và thời hạn luật định, có căn cứ xác thực; thực thi công vụ phải đảm bảo giữ bí mật tuyệt đối; giải quyết công việc phải trên cơ sở đi sâu, đi sát thực tế; đảm bảo “văn minh công sở”; chịu trách nhiệm về việc làm của thuộc cấp; liên đới chịu trách nhiệm trong xử lý công vụ; chịu trách nhiệm vật chất khi vi phạm kỷ luật công vụ…Đồng thời, quan lại có trách nhiệm không vi phạm các điều cấm

trong thực thi công vụ: cấm kết bè đảng và bất hòa nội bộ; cấm lợi dụng chức vụ, quyền hạn để mưu lợi cá nhân hay sách nhiễu dân chúng; cấm chối lỗi khi có hành vi sai sót trong công vụ; và các hành vi bị cấm cụ thể khác.

Các yêu cầu nói trên được cụ thể hóa trong các quy định PL. Khi xây dựng Quốc triều hình luật, Lê Thánh Tông dành nhiều Điều trừng trị những hành vi vi phạm lòng trung quân: Điều170; Điều 103; Điều 125; Điều 222...Cùng với đó, các Điều 193, 256, 299, 301, 302 xử phạt nặng quan lại nhỏ dùng uy quyền của mình để bắt dân sai phái, phục dịch riêng; Điều 337 phạt biếm nhà quyền thế lấy con gái lương dân bằng cách ức hiếp; Điều 421, 469 cấm mọi hành vi ngược đãi của quan lại cường hào đối với dân nghèo; Điều 460 ,461, 530 phạt nặng quan đi bắt trộm, nhân đó cưỡng xiết tài sản của nhân dân…

Một phần của tài liệu Quan chế thời hậu lê những nội dung cơ bản và giá trị kế thừa trong sự nghiệp xây dựng nhà nước pháp quyền việt nam hiện na (Trang 55 - 57)