Đặc điểm của Quan chế thời Hậu Lê ở Việt Nam

Một phần của tài liệu Quan chế thời hậu lê những nội dung cơ bản và giá trị kế thừa trong sự nghiệp xây dựng nhà nước pháp quyền việt nam hiện na (Trang 27 - 30)

1.2.2.1 Quan chế được thể chế thành “khuôn mẫu” và ngày càng hoàn thiện.

Trong nền quân chủ tập quyền, quan lại là yếu tố quan trọng thứ hai sau nhà vua, đóng vai trò căn bản đối với sự tồn tại của vương quyền. Vì vậy, ngay từ những triều đại phong kiến (TĐPK) đầu tiên, việc đặt ra các quy tắc về đào tạo, sử dụng, đãi ngộ quan lại và chế định hóa các quy tắc đó dưới hình thức văn bản PL đã là mối quan tâm thường trực của người cầm quyền.

Mặc dù hai văn bản PL tổng hợp của triều Lý (bộ Hình thư) và triều Trần (bộ Hình luật) đã bị thất truyền nhưng các nguồn sử liệu khác nhau đều cho thấy quan chế là một nội dung quan trọng được đề cập trong hai văn bản này. Ngoài ra, triều Trần đã quy chế hóa hầu hết các hành vi của quan lại trong quá trình thực thi công vụ và tập hợp trong một văn bản mang tính hội điển là “Quốc triều quan chế”.

Một trong những nội dung quan trọng trong cuộc cải cách hành chính dưới thời Lê Sơ là cải cách quan chế. Lê Thánh Tông là người nêu cao ngọn cờ chủ súy về một NN quân chủ tập quyền quan liêu phong kiến, bởi vậy ông không thể không trăn trở về vai trò, trách nhiệm và tiêu chuẩn, biện pháp xây dựng đội ngũ quan lại – rường cột của NN quan liêu. Năm 1471, Lê Thánh

Tông cho sửa định “Hoàng triều Quan chế”, quy định cụ thể về tiêu chuẩn Đức và Tài của người làm quan, đồng thời đặt ra quy chế về lương bổng, ruộng lộc, phẩm tước rõ ràng và thống nhất theo thứ bậc cao, thấp. Đặc biệt, PL thời Lê Sơ mà đỉnh cao là Quốc triều hình luật (Luật Hồng đức) đã quy định rất cụ thể về quyền hạn và trách nhiệm của quan lại, về các hành vi bị cấm, về các chế tài đối với sai phạm của quan lại trong hoạt động công vụ…

Tính “khuôn mẫu” của Quan chế thời Hậu Lê còn thể hiện rõ tinh thần “pháp tiên vương”, coi các quy tắc, cách làm của các triều vua trước là các tiền lệ cần được tuân thủ. Cũng vì lẽ đó, Quan chế thời Hậu Lê thể hiện bước phát triển liên tục, nhất quán, ngày càng hoàn thiện.

1.2.2.2 Quan chế thời Hậu Lê có nội dung phong phú, điều chỉnh hầu hết các khía cạnh liên quan đến quá trình đào tạo, sử dụng quan lại của NNPK

Xuất phát từ nhận thức về tầm quan trọng của quan lại trong hoạt động cai trị đất nước và bảo vệ vương quyền, triều đại Hậu Lê dành sự quan tâm đặc biệt tới tất cả các khâu của quá trình đào tạo và sử dụng quan lại. CĐQL Hậu Lê điều chỉnh các hoạt động liên quan đến đào tạo quan lại (tổ chức trường lớp, tiến hành đào tạo, quản lý đào tạo về nội dung và chương trình, xây dựng quy chế thi cử và tổ chức hoạt động thi cử, đào tạo lại…), sử dụng quan lại (xác định tiêu chuẩn và tiến hành tuyển chọn quan lại, bố trí sắp xếp các vị trí trong quan trường phong kiến, quy định trách nhiệm và nghĩa vụ của quan lại, quy định lương bổng và các chế độ đãi ngộ khác đối với quan lại, kiểm tra, giám sát quan lại, thăng thưởng, xử phạt quan lại…), đấu tranh phòng, chống tham nhũng nhằm duy trì sự trong sạch và hiệu quả hoạt động của đội ngũ quan lại (xây dựng các biện pháp phòng, chống tham nhũng, triển khai các hoạt động phòng, chống tham nhũng…). Có thể nói, CĐQL là một chế độ toàn diện và đặc trưng nhất trong các bộ phận cấu thành thể chế NNPK thời Hậu Lê.

1.2.2.3 Quan chế thời Hậu Lê hướng tới mục tiêu xây dựng một đội ngũ quan lại có năng lực và nhân cách theo quan điểm Nho giáo

Như đã nói ở trên, Nho giáo chính thức trở thành hệ tư tưởng thống trị ở Việt Nam vào thời Lê Sơ (thế kỷ XV) nhưng trước đó Nho giáo đã có vị trí toàn trị trong quá trình tổ chức bộ máy NN và thiết kế phương châm cai trị của NNPK Việt Nam. Điều này được lý giải bởi Phật giáo và Đạo giáo vốn đều là những học thuyết “xuất thế”, ít quan tâm tới chính trị, không đề ra được đường lối cai trị hiệu quả hướng tới mục tiêu bảo vệ vương quyền. Trong khi đó, bằng nhiều con đường khác nhau, Nho giáo đã thâm nhập vào nước ta trong suốt khoảng 10 thế kỷ sau công nguyên và lập tức trở thành bệ đỡ tư tưởng cho việc tổ chức và hoạt động của NN Việt Nam độc lập - một NN ít nhiều chịu ảnh hưởng từ mô hình NN quân chủ phong kiến Trung Quốc mang đậm sắc thái Tống nho. Vì vậy, vào thời kỳ đỉnh cao của Nho giáo, Quan chế thời Hậu Lê đã lấy các chuẩn mực Nho giáo để làm căn cứ cho quá trình xây dựng và phát triển. Mục đích chỉ đạo hành động của quan lại là bảo vệ đạo Tam cương của Nho giáo, thể hiện ở trách nhiệm đối với nhà vua và đối với dân chúng. Năng lực và nhân cách của quan lại được xác định tùy thuộc vào việc quan lại có thực hiện tốt trách nhiệm với nhà vua và với dân chúng theo tinh thần của đạo Tam cương hay không. Mọi chính sách của NNPK thời Hậu Lê đối với quan lại đều xoay quanh cái trục trung tâm này.

1.2.2.4 Quan chế thời Hậu Lê vừa tiếp thu, mô phỏng quan chế của NNPK Trung Quốc, vừa thể hiện chính sách đào tạo và sử dụng quan lại phù hợp với nhu cầu cai trị, điều hành đất nước của TĐPK Hậu Lê.

Sự tiếp thu, mô phỏng quan chế Trung Quốc diễn ra chủ yếu trên phương diện tước vị, phẩm hàm, nội dung đào tạo (đào tạo theo hệ thống kinh sách Nho giáo), các quy định cấm đoán (liên quan đến việc bảo vệ trật tự Nho giáo trong mối quan hệ Vua – Tôi), và một số thể lệ trong quá trình sử dụng quan

lại (chế độ khảo khóa, chế độ Hồi tỵ…).

Bên cạnh đó, CĐQL trong thời kỳ Hậu Lê hàm chứa nhiều quy định và biện pháp ứng xử phù hợp với nhu cầu cai trị, điều hành đất nước của các ông vua Đại Việt. Đáng chú ý nhất là việc xác định rõ trách nhiệm của quan lại đối với dân, xem đó là một tiêu chí thể hiện lòng trung thành của đội ngũ quan lại. Chẳng hạn: Từ năm 1470. Lê Thánh Tông lệnh cho các trưởng quan phụ trách ty, viện phải thực hiện đều đặn phép khảo khoá, trong đó tiêu chí để đánh giá hoàn thành tốt chức trách là: có được nhân dân yêu mến không; có lòng thương yêu nhân dân không; trong hạt, nhân dân có trốn đi nơi khác không. Trong lời Dụ về phép khảo khoá này, Lê Thánh Tông hướng dẫn định

lệ khảo khoá quan lại nơi cai quản: “Trưởng quan các nha môn trong ngoài

khi đi khảo khoá các quan viên trong phạm vi cai quản thì phải xét kĩ thành tích trong công việc mà viên đó đã làm. Nếu quả là có lòng chăm con yêu thương dân, được nhân dân yêu mến mà trong nơi cai quản ít kẻ trốn tránh thì mới là xứng chức. Nếu vơ vét, quấy nhiễu, gây tệ riêng tư và trong nơi cai quản có nhiều người trốn đi thì là không xứng chức.” [17.Tr.447].

Một phần của tài liệu Quan chế thời hậu lê những nội dung cơ bản và giá trị kế thừa trong sự nghiệp xây dựng nhà nước pháp quyền việt nam hiện na (Trang 27 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)