Chế độ điều chuyển quan lại

Một phần của tài liệu Quan chế thời hậu lê những nội dung cơ bản và giá trị kế thừa trong sự nghiệp xây dựng nhà nước pháp quyền việt nam hiện na (Trang 57 - 61)

Chế độ điều chuyển quan lại là hoạt động quan trọng của NNPK, xuất hiện từ thời nhà Lý và dần trở thành chế độ thường xuyên trong sử dụng đội ngũ quan lại phong kiến. Nội dung của hoạt động điều chuyển quan lại là chuyển một viên quan từ vị trí này sang một vị trí khác trong hệ thống quan trường hay chuyển địa bàn trị nhậm của một viên quan từ nơi này sang nơi khác. Việc luân chuyển có thể diễn ra đối với từng vị trí ở cấp Trung ương, có thể là sự điều động từ Trung ương xuống địa phương và ngược lại. Hoạt động thăng, giáng chức diễn ra bình thường, có công được phong, có tội bị giáng, thậm chí bị cách tuột hết mọi chức tước, nhưng sau đó lại vẫn có thể được phục hồi như cũ.

Việc luân chuyển quan lại nhằm mục đích phát huy tối đa năng lực của quan lại thông qua việc điều chuyển sang vị trí thích hợp hơn, tạo sự công bằng về quyền lợi và trách nhiệm của quan lại, đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định của chế độ Hồi tỵ và ở mức độ nhất định còn nhằm phòng tránh việc

quan lại lợi dụng thời gian trị nhiệm lâu dài tại một địa phương hay một vị trí nào đó để gây thanh thế lớn có thể trở thành nguy cơ đe dọa sự an toàn của chế độ quân chủ. Hoạt động này được Nhà nước thực hiện dựa trên các căn cứ sau:

Yêu cầu quản lý và nhu cầu công việc

Thông thường NN chủ trương đặt việc rồi mới đặt chức, sau đó căn cứ vào số lượng công việc để cắt cử số lượng quan lại cho phù hợp với yêu cầu thực tế. Việc điều chuyển quan lại cũng căn cứ vào nhu cầu công việc để thực hiện. Thời Lê Thánh Tông việc điều chuyển quan lại diễn ra dồn dập có quy mô rõ rệt. Nhiều công thần khai quốc vốn bị tước hết quyền lực thời Lê Lợi đến thời Lê Thánh Tông lại được tuyển dụng trở lại. Nhiều quan lại ở địa phương nếu trông coi chính sự tốt, có tài năng thì được điều động về Trung ương. Như vậy, căn cứ vào nhu cầu công việc trong từng địa phương, từng thời kỳ khác nhau mà nhà vua thực hiện việc điều chuyển quan lại. Việc điều chuyển quan lại được thực hiện dựa trên các căn cứ sau:

Kết quả đánh giá năng lực thực tế của quan lại

Ngay từ khi được tuyển chọn vào hệ thống quan trường, năng lực của

người làm quan đã được thể hiện ở học vị. Nhưng để bố trí vào một chức vụ cụ thể trên một địa bàn nhất định, nhà Hậu Lê đã căn cứ vào năng lực điều hành thực tế và qua đó định vị được khả năng thích ứng với công việc tại vị trí điều hành chính sự. Năng lực điều hành thực tế của mỗi viên quan thường được xác định chủ yếu thông qua hoạt động khảo hạch, bao gồm cả việc khảo về hoàn thành thiệm vụ và khảo về học vấn. Trên cơ sở kết quả của kiểm tra, đánh giá, sát hạch quan lại, NN có sự điều chuyển cho phù hợp với khả năng của từng người.

Yêu cầu của chế độ “Hồi tỵ”

Chế độ Hồi tỵ khởi nguồn từ nhà Đường (Trung Quốc), được tiếp thu, vận dụng ở nước ta từ thời vua Lê Thánh Tông sau đó được nhà Nguyễn mở rộng nội dung và phạm vi thực hiện, đồng thời được quy định cụ thể thành Điều luật.

Hồi tỵ là một từ Hán Việt cổ, “hồi” là trở về, “tỵ” là lánh ra. Hồi tỵ nghĩa là lánh ra hay tránh đi. Theo đó những người có quan hệ huyết thống, đồng hương, thầy trò, bạn bè không được cùng làm quan hay làm việc ở cùng một địa phương, công sở. Về sau Hồi tỵ còn mang ý nghĩa cấm một số trường hợp nhất định trong bố trí, sắp xếp quan lại khi có những quan hệ thân thuộc hay lệ thuộc nhất định nhằm phòng tránh tình trạng quan lại kéo bè kết cánh hay móc ngoặc, nể nang, bao che, tham nhũng, sách nhiễu dân chúng gây ra các tiêu cực làm giảm sút hiệu quả hoạt động của NN.

Nội dung chính của chế độ Hồi tỵ là: quan lại không được lấy vợ, kết làm thông gia với người ở nơi mình cai quản; không đưa quan lại về quê hương, bản quán nhậm trị; quan lại không được tậu đất, vườn, ruộng, nhà tại nơi cai quản; quan lại không được lấy người cùng quê làm người giúp việc; người có quan hệ thầy trò, bạn bè không được làm việc tại cùng một công sở.

Nghĩa vụ xác định các trường hợp cần Hồi tỵ này thuộc về cơ quan tuyển chọn và sử dụng quan lại. Tuy nhiên, bản thân người làm quan và những người tiến cử có nghĩa vụ khi thấy mình rơi vào các trường hợp Hồi tỵ cần phải báo lên cấp trên để kịp thời thuyên chuyển đi nơi khác. Nếu có hành vi giấu diếm, những người này sẽ phải chịu sự trừng phạt nặng của NN.

NN cũng xác định rõ một số cơ quan và một số ngành không phải áp dụng chế độ Hồi tỵ. Đó là những cơ quan mà những quan hệ thân thuộc và lệ thuộc của những người điều hành không có khả năng gây ảnh hưởng xấu đến

hiệu quả công việc và hiệu lực của bộ máy NN. Ví dụ như cơ quan Thái y viện, cơ quan coi việc lễ nghi, xem thiên văn địa lý…

Các yêu cầu về giải quyết về chính sách, chế độ đối với quan lại

Đây là yêu cầu tất yếu đặt ra nhằm tạo sự bình đẳng trong công vụ, động viên khuyến khích quan lại nỗ lực phục vụ. Thời Lý, quan lại trị nhậm ở miền núi 9 năm được chuyển về miền xuôi, thời Hậu Lê thì thời hạn đó là 6 năm.

Như vậy, điều chuyển quan lại là một chính sách sử dụng quan lại đem về kết quả cao cho hoạt động cai trị đất nước. Căn cứ vào nhu cầu công việc, chế độ khảo công, chế độ Hồi tỵ và vào các yêu cầu giải quyết chế độ, chính sách mà thực hiện việc điều chuyển quan lại. Dưới triều Hậu Lê, đặc biệt ở thời Lê Thánh Tông, hoạt động luân chuyển quan lại diễn ra dồn dập, có quy

mô rõ rệt và được xác lập thành một chính sách rõ ràng. Ông quy định “người

nhậm chức ở tại biên giới xa phải đủ 9 năm mới được đổi về các huyện dưới kinh” [17.Tr.242]. Sau đó lệ điều động quan lại giữa các địa phương được sửa

lại, theo hướng, những quan viên nhậm chức biên cương xa xôi, nếu hoàn

thành nhiệm vụ thì “đủ hạn 6 năm cho chuyển về nơi đất lành” còn nếu không hoàn thành nhiệm vụ thì“lại phải bổ nhiệm đi biên cương xa, đủ 6 năm

nữa mới được quyết định lại” [17.Tr.423]. Mặt khác, một số quan cao cấp ở

Trung ương được điều động lên biên giới do có những hoạt động lấn đất của nhà Minh cùng những quan lại địa phương nếu trông coi chính sự tốt, có tài năng được điều động về Trung ương. Việc luân chuyển quan lại không chỉ thể hiện rõ rệt trong việc điều động quan cai trị từ Trung ương về địa phương, từ địa phương lên Trung ương, mà còn thể hiện giữa các địa phương với nhau, áp dụng với tất cả các vị trí, dù là quan to hay quan nhỏ. Tuy nhiên, có những vị trí với con người cụ thể lại không thay đổi như quan làm giáo dục đào tạo. Vì vua cho rằng càng giữ chức lâu càng có điều kiện đào tạo nhân tài.

Việc điều động quan địa phương một mặt đảm bảo chính sách đãi ngộ thỏa đáng, mặt khác cũng chú trọng luân chuyển liên tục để tránh sự cát cứ lộng hành. Như vậy, quy chế tuyển chọn, bổ dụng quan lại của nhà Hậu Lê đã thấm nhuần tư tưởng một mặt nâng cao chất lượng quan lại, mặt khác tích cực ngăn ngừa nạn cát cứ bè cánh địa phương, nhằm tạo lập đội ngũ quan lại địa phương mạnh và tuân phục triều đình. Chính yếu tố này góp phần làm vững mạnh, trong sạch bộ máy quan lại dưới thời Hậu Lê, một yếu tố góp phần vào sự hùng mạnh của quốc gia Đại Việt thời kỳ này.

Một phần của tài liệu Quan chế thời hậu lê những nội dung cơ bản và giá trị kế thừa trong sự nghiệp xây dựng nhà nước pháp quyền việt nam hiện na (Trang 57 - 61)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)