GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT
3.2.5. Phƣơng thức giải quyết tranh chấp về hoàn thuế giá trị gia tăng
Như đã phân tích ở mục 2.5, tranh chấp liên quan đến hoàn thuế GTGT hiện nay ở nước ta, chủ yếu được giải quyết bằng đơn khiếu nại tới cơ quan thuế có thẩm quyền hoặc bằng đơn khởi kiện của chủ thể có quyền hoàn thuế gửi đến tòa hành chính kiện cơ quan thuế liên quan đến hoàn thuế GTGT.
* Cơ quan thuế do đặc thù vừa có bộ phận giải quyết hoàn thuế GTGT cho các chủ thể có quyền hoàn thuế lại vừa có bộ phận giải quyết đơn, thư khiếu nại liên quan đến tranh chấp về hoàn thuế GTGT khi cần thiết. Mặc dù luật đã quy định rõ ràng nhưng để tránh việc cơ quan thuế chỉ xem xét lại hoặc sửa các lỗi của mình mà không có bất kỳ một biện pháp cụ thể nào khác như xử lý cán bộ thuế có sai phạm trong hoàn thuế GTGT.
Do vậy, để nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp liên quan đến hoàn thuế GTGT qua giải quyết bằng đơn khiếu nại thì cán bộ thuế trực tiếp làm công tác hoàn thuế GTGT phải nắm vững chính sách pháp luật của Nhà nước nói chung, nắm vững pháp luật về hoàn thuế GTGT nói riêng. Nâng cao trình độ nghiệp vụ khi giải quyết hoàn thuế GTGT theo hướng thuận lợi, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi cho chủ thể có quyền hoàn thuế GTGT.
Cơ quan thuế cần giảm thiểu tối đa những sai phạm trong quá trình hoàn thuế GTGT, nếu cán bộ thuế nào có sai phạm trong hoàn thuế GTGT thì phải chịu trách nhiệm cá nhân đối với quyết định của mình và phải chịu trách nhiệm đền, bù vật chất đối với nhà nước và với các chủ thể có quyền hoàn thuế GTGT.
* Trình tự, thủ tục giải quyết các vụ án liên quan đến hoàn thuế GTGT theo trình tự giải quyết một vụ án hành chính. Các vi phạm trong lĩnh vực hoàn thuế GTGT thực tế đã gây thiệt hại hàng tỷ đồng cho cả ngân sách nhà nước và các chủ thể có quyền hoàn thuế. Đặc biệt, trong điều kiện nền kinh tế nước ta hiện nay, các vi phạm về hoàn thuế GTGT ngày càng "tinh vi" và có
mức độ nghiêm trọng hơn. Vì vậy, các vi phạm về hoàn thuế GTGT cần phải được xử lý kịp thời, trong đó có xử lý về hành chính. Tuy nhiên, số tiền phạt đối với các vi phạm này thường chưa cao hoặc chưa đủ răn đe (thông thường chỉ cao gấp từ 01 đến 05 lần số tiền thuế vi phạm). Trong thực tế, nhiều chủ thể mặc dù biết rõ tính chất sai phạm của mình những vẫn cố tình thực hiện vi phạm hoàn thuế GTGT để rút ruột ngân sách nhà nước hoặc gây thiệt hại đến chủ thể được hoàn thuế GTGT.
Vì vậy, bên cạnh việc quy định các chế tài quy định cho các tổ chức, cá nhân khi vi phạm pháp luật về hoàn thuế GTGT, cần phải có các quy định kèm theo chế tài phạt tiền hoặc áp dụng biện pháp hành chính khác như: tịch thu tài sản; cấm hành nghề trong lĩnh vực kinh doanh đó trong một thời gian nhất định...
Với những đánh giá về những bất cập nêu trên trong quá trình áp dụng pháp luật về hoàn thuế GTGT hiện nay và một số kiến nghị nhằm giải quyết những bất cập đó, tôi hy vọng pháp luật về hoàn thuế GTGT ở Việt Nam sẽ sát với thực tế hơn, được hoàn thiện hơn trong thời gian tới bảo đảm pháp luật thuế GTGT nói chung và hoàn thuế GTGT nói riêng sẽ là công cụ pháp lý hữu hiệu trong việc đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước và công bằng cho các chủ thể, các tổ chức cá nhân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
KẾT LUẬN
Pháp luật về hoàn thuế GTGT giữ vị trí quan trọng trong hệ thống các văn bản pháp luật về thuế ở nước ta hiện nay. Qua phân tích cho thấy, pháp luật về hoàn thuế GTGT là những quy định pháp luật về thuế mới và tiến bộ. Cơ chế hoàn thuế GTGT có tác động rất lớn và tích cực đến các đối tượng thuộc diện hoàn thuế. Cụ thể, thông qua việc hoàn thuế GTGT, nhà nước đã ưu đãi, hỗ trợ các doanh nghiệp, tận dụng các nguồn lực tái đầu tư mở rộng, tăng khả năng cạnh tranh và đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay thì những cơ hội và thách thức đặt ra đối với các doanh nghiệp Việt Nam là rất lớn. Hơn bao giờ hết, việc hỗ trợ các doanh nghiệp một cách hiệu quả sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thể đứng vững trên thương trường, nâng cao được năng lực sản xuất hàng hóa và dịch vụ cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài, các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp nội địa sẽ được người tiêu dùng yêu thích, ưa chuộng.
Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, nền kinh tế đất nước vẫn còn chịu nhiều tác động, ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Các doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn về tài chính trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nếu đồng tiền hoàn thuế GTGT được nhà nước chi trả kịp thời, đúng đối tượng, phù hợp với từng trường hợp hoàn thuế thì sẽ có tác dụng hỗ trợ tích cực và có ý nghĩa rất lớn với các doanh nghiệp. Vì vậy, chính sách thuế GTGT nói chung, pháp luật về hoàn thuế GTGT nói riêng của Việt Nam cần phải có những chỉnh lý, sửa đổi kịp thời, hướng tới các mục tiêu minh bạch, hiệu quả, công bằng, đáp ứng và đảm bảo phù hợp với các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Việc thực hiện các giải pháp về pháp luật hoàn thuế GTGT ở Việt Nam giúp Nhà nước khắc phục được những lỗ hổng, tồn tại trong chính sách hoàn thuế, gây dựng niềm tin cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính vào chính sách hoàn thuế GTGT của nhà nước, góp phần ngăn ngừa có hiệu quả đối với những doanh nghiệp có hành vi lợi dụng chính sách hoàn thuế GTGT để chiếm đoạt tiền hoàn thuế, làm thâm hụt ngân sách nhà nước như thời gian qua. Mặt khác, các cơ quan thuế nhà nước có thẩm quyền giải quyết về hoàn thuế GTGT cũng cần phải đẩy mạnh và tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với các chủ thể thuộc diện hoàn thuế trong việc chấp hành và thực hiện các quy định pháp luật về hoàn thuế GTGT, tránh tình trạng thực hiện không đúng quy định pháp luật, gây thiệt hại và ảnh hưởng đến các doanh nghiệp.
Nếu các doanh nghiệp đều có ý thức chấp hành và thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật về hoàn thuế GTGT ở Việt Nam thì sẽ tạo dựng được môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh, góp phần ổn định ngân sách nhà nước. Ngược lại, nhà nước cũng có thể hỗ trợ tích cực, hiệu quả trở lại đối với các doanh nghiệp thuộc diện hoàn thuế trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Có như vậy, cơ chế hoàn thuế mới thực sự phát huy được các ưu điểm nổi trội của hoàn thuế GTGT, góp phần kích thích, tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ để phát triển kinh tế đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.