GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT
3.2.2. Về hóa đơn hoàn thuế giá trị gia tăng
Trong thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước đã có chủ trương khuyến khích phát triển kinh tế nhiều thành phần với nhiều cơ chế, chính sách, tạo điều kiện môi trường thuận lợi, thông thoáng cho doanh nghiệp thành lập, hoạt động. Các cơ quan chức năng của các tỉnh, thành phố đã thực hiện cải cách hành chính trong việc cấp phép đăng ký kinh doanh, mã số thuế, con dấu nhằm giảm sự phiền hà cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, lợi dụng chính sách thông thoáng này một số người đã thành lập doanh nghiệp không có mục đích sản xuất kinh doanh mà chỉ để mua và sử dụng hóa đơn GTGT bất hợp pháp. Theo đó, các doanh nghiệp này tiếp tay cho các tổ chức, cá nhân khác sử dụng những hóa đơn mua bán bất hợp pháp để hợp thức hóa chi phí đầu vào, khấu trừ thuế, chiếm đoạt tiền hoàn thuế và kinh phí của Nhà nước.
Hóa đơn, chứng từ là vấn đề cốt lõi đặc biệt quan trọng trong hồ sơ hồ sơ hoàn thuế GTGT, là công cụ chủ yếu để kiểm soát hoạt động giao dịch
kinh doanh trên thị trường. Ngoài tác dụng là một chứng từ kế toán, hóa đơn lại giữ một vai trò rất quan trọng chi phối mọi hoạt động của doanh nghiệp, nó luân chuyển cùng với hàng hóa, dịch vụ... Do vậy, các cá nhân, doanh nghiệp muốn chứng minh hợp pháp hàng hóa nhập lậu, muốn tăng khống chi phí đầu vào, tăng khống số thuế GTGT đầu vào (được khấu trừ) để gian lận tiền thuế hoặc rút tiền từ ngân sách nhà nước, phải tìm mua hóa đơn GTGT trên thị trường để hợp pháp hóa hàng hóa lậu.
Những nguyên nhân chính dẫn đến các hành vi lợi dụng hóa đơn, chứng từ và bảng kê để vi phạm trong hoàn thuế GTGT, cụ thể:
Do các quy định của luật doanh nghiệp hiện hành về thủ tục thành lập doanh nghiệp quá thông thoáng, đơn giản, không có sự kiểm tra kịp thời sau đăng ký kinh doanh, chưa theo dõi được liên tục tình hình hoạt động của doanh nghiệp sau đăng ký. Vì vậy, hàng ngàn doanh nghiệp không kinh doanh hoặc đã bỏ kinh doanh nhưng không được phát hiện kịp thời, trong khi cơ quan thuế vẫn bán hóa đơn trên cơ sở hồ sơ đăng ký kinh doanh đã được cấp.
Về thuế suất thuế GTGT: Hiện đang tồn tại 3 mức thuế suất (0%, 5%, 10%), mức thuế suất 0% áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu và một số hàng hóa thiết yếu đối với đời sống của nhân dân. Mức thuế suất đối với một số hàng hóa, dịch vụ vừa phân biệt theo tính chất hàng hóa, vừa phân biệt theo công dụng nên phức tạp trong việc xác định mức thuế suất.
Thực tế có trường hợp, hai doanh nghiệp cùng mua nhựa hạt để sản xuất, thuế suất thuế GTGT đầu vào là 10%. Doanh nghiệp A sản xuất đồ chơi trẻ em, thuế suất thuế GTGT đầu ra là 5%. Doanh nghiệp B sản xuất các sản phẩm tiêu dùng khác, thuế suất thuế GTGT đầu ra là 10%. Như vậy, hai doanh nghiệp cùng sản xuất sản phẩm nhựa, nhưng doanh nghiệp A có lợi thế cao hơn do khả năng được hoàn thuế lớn hơn. Trong đó, mức thuế suất 0% áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu và một số hàng hóa thiết yếu đối với đời sống của nhân dân.
Tình trạng xuất khẩu hàng hóa qua biên giới đất liền và một số trường hợp xuất hàng cho công ty của người Việt Nam ở nước ngoài phổ biến thực hiện thanh toán bằng tiền mặt, không phù hợp với qui định thanh toán hàng hóa xuất khẩu, gây nhiều sơ hở lợi dụng trong kê khai hàng hóa xuất khẩu để lấy tiền hoàn thuế của ngân sách nhà nước.
Sự phối hợp giữa các ngành, các cơ quan quản lý chưa đồng bộ, chưa tốt như việc cấp giấy phép kinh doanh của cơ quan Bộ, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố các cấp không gắn liền với việc kê khai đăng ký kinh doanh, đăng ký nộp thuế của các đơn vị với cơ quan thuế. Từ đó, nhiều doanh nghiệp tuy có quyết định thành lập nhưng địa điểm và hoạt động ở đâu cơ quan thuế cũng như cơ quan ban hành quyết định thành lập doanh nghiệp cũng không tìm ra.
Xử lý các hành vi vi phạm của các cơ quan chức năng còn chậm và chưa nghiêm là một nguyên nhân làm cho việc chiếm dụng tiền hoàn thuế ngày càng nghiêm trọng. Cụ thể, một số doanh nghiệp được hoàn thuế GTGT bị cơ quan thuế và công an phát hiện có sự gian lận, nhưng cho đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm với nhiều lý do như thiếu kinh phí, con người để điều tra, xác minh hoặc tội danh chưa rõ. Đối với những trường hợp đã bị xử lý thì mức phạt chưa nghiêm, chưa có tác dụng răn đe, giáo dục.
Về mặt quản lý nhà nước, nếu kiểm soát được hóa đơn có nghĩa là kiểm soát được tiền và hàng trong khâu lưu thông. Hóa đơn GTGT được phát hành rộng rãi, số lượng lớn, được sử dụng chung cho các loại hình doanh nghiệp, kể cả các cơ quan nhà nước, hành chính sự nghiệp nên cơ quan thuế không thể kiểm soát hết được, lợi dụng những sơ hở đó mà một số cá nhân đứng ra trục lợi. Vì vậy, để ngăn chặn hành vi mua bán hóa đơn bất hợp pháp, phải từng bước trả lại chức năng vốn có của hóa đơn, làm cho hóa đơn trở về với bản chất của nó là chứng từ kế toán, và chức năng kiểm soát của hóa đơn sẽ giao cho một cơ quan tài chính tiền tệ khác, đó là hệ thống ngân hàng và các
tổ chức tín dụng. Làm cho hóa đơn chứng từ trở thành công cụ thứ yếu chỉ để ghi nhận hoạt động giao dịch kinh doanh và phục vụ cho việc hạch toán kế toán của doanh nghiệp. Nghĩa là hóa đơn chỉ là điều kiện cần chứ chưa phải là điều kiện đủ để thanh quyết toán.
Trước mắt, đối với các doanh nghiệp hạch toán theo phương pháp khấu trừ thì ngoài yếu tố bắt buộc phải có hóa đơn GTGT, muốn được khấu trừ thuế hay hoàn thuế GTGT đều phải thực hiện thanh toán qua ngân hàng. Có như vậy, thì hóa đơn GTGT sẽ trở về với bản chất thực của nó là chứng từ kế toán và việc gian lận qua hóa đơn sẽ được hạn chế và đẩy lùi.
Khi đó, doanh nghiệp sẽ tự lựa chọn và đăng ký hình thức sử dụng hóa đơn ngay từ khi đăng ký cấp mã số thuế, đồng thời doanh nghiệp cũng thực hiện đăng ký hình thức sử dụng hóa đơn mà chủ yếu là hóa đơn tự in. Việc tự in hóa đơn theo quy định nhằm xã hội hóa hoạt động phát hành hóa đơn, san sẻ gánh nặng chi phí in ấn hóa đơn cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh. Nhà nước quản lý các đối tượng sử dụng hóa đơn tự in thông qua chế độ đăng ký sử dụng hóa đơn tự in. Khi sử dụng hóa đơn tự in, doanh nghiệp vừa tự quảng bá thương hiệu của mình trên thị trường và tự chịu trách nhiệm về việc sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp mình, đồng thời cũng giảm tải khối lượng công việc của các cơ quan thuế.
Vì vậy, cần tiếp tục xây dựng một hệ thống pháp luật hoàn thiện, chặt chẽ và khả thi về việc phát hành, sử dụng, lưu thông hóa đơn vừa đáp ứng yêu cầu quản lý, đồng thời tạo quyền tự chủ cho các doanh nghiệp trong việc sử dụng hóa đơn, cụ thể như sau:
- Các cơ sở kinh doanh được hình thành dưới hình thức là doanh nghiệp sẽ sử dụng hóa đơn tự in hoặc tự đặt in hóa đơn phục vụ cho hoạt động kinh doanh.
- Cục thuế địa phương chỉ bán hóa đơn cho một số đối tượng là tổ chức không phải là doanh nghiệp nhưng có hoạt động kinh doanh, hộ gia đình
và cá nhân kinh doanh có cơ sở tại địa phương hoặc các tổ chức không phải là doanh nghiệp, hộ gia đình và cá nhân không kinh doanh nhưng có phát sinh hoạt động bán hàng hóa, dịch vụ cần có hóa đơn để giao cho khách hàng.
- Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2011 đã dành hẳn Chương V quy định xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn, cụ thể:
Khoản 1, Điều 33 quy định: "Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 1.000.000
đồng đối với hành vi không ghi đủ các nội dung in sẵn khi lập hóa đơn, hoặc ghi không đúng theo quy định tại Điều 15 Nghị định này" [13];
Khoản 1, Điều 29 quy định: "Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000
đồng đối với hành vi đặt in hóa đơn mà không ký hợp đồng in bằng văn bản" [13];
Khoản 1, Điều 28 quy định: "Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000
đồng đối với hành vi tự in hóa đơn, khởi tạo hóa đơn điện tử không đủ các nội dung quy định tại khoản 3, Điều 4 Nghị định này" [13];
Khoản 6, Điều 2 quy định:
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi đặt in hóa đơn giả, đồng thời bị chỉ định nhà in khi đặt in hóa đơn trong thời hạn 36 (ba mươi sáu) tháng, kể từ khi phát hiện hành vi đặt in hóa đơn giả. Ngoài việc bị phạt tiền, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định tại Điều này phải hủy các hóa đơn được in hoặc khởi tạo không đúng quy định [13].
Việc quy định xử phạt vi phạm hành chính về các vi phạm trên về hóa đơn là cần thiết. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy các lỗi vi phạm tại Khoản 1, Điều 33; Khoản 1, Điều 29; Khoản 1, Điều 28; Khoản 6, Điều 29 vẫn là phổ biến, quy định mức xử phạt như trên là chưa đủ mức răn đe. Vì vậy, cần phải quy định các mức xử phạt mạnh tay hơn đối với các vi phạm hành chính về hóa đơn, đảm bảo rõ ràng dễ hiểu, dễ thực hiện, tạo điều kiện giảm bớt các
vướng mắc, tranh chấp trong quá trình thực thi. Các hình thức xử phạt này phải đảm bảo tính nghiêm minh và có tác dụng răn đe để làm gương đối với các hành vi vi phạm khác, cụ thể:
+ Các hành vi vi phạm hành chính về hóa đơn áp dụng đối với hành vi không ghi đủ hoặc ghi không đúng các nội dung in sẵn khi lập hóa đơn sẽ bị xử phạt với mức thấp nhất là 5 triệu đồng và mức cao nhất là 10 triệu đồng.
+ Các hành vi như đặt in hóa đơn mà không ký hợp đồng in bằng văn bản; vi phạm chế độ báo cáo việc in hóa đơn theo quy định của Bộ Tài chính; hành vi khai không đúng điều kiện để được mua hóa đơn do cơ quan thuế phát hành hay hành vi lập hóa đơn nhưng không giao cho người mua... sẽ bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng.
+ Hành vi tự in hóa đơn hoặc khởi tạo hóa đơn điện tử khi không đủ các điều kiện quy định sẽ bị phạt tiền từ 15 - 50 triệu đồng.
+ Đặc biệt, nếu tự in hóa đơn giả của doanh nghiệp sẽ bị phạt gấp hai lần số tiền ghi trên hóa đơn, đồng thời bị phạt đình chỉ quyền tự in hóa đơn trong thời hạn 36 tháng, kể từ khi hành vi bị phát hiện.
Mức phạt cao nhất này cũng được áp dụng đối với các hành vi: Đặt in hóa đơn giả, in hóa đơn giả, lập hóa đơn khống, sử dụng hóa đơn lập khống.
Đồng thời, đề nghị Quốc hội bổ sung vào Bộ luật hình sự tội phạm về: - Hành vi in ấn hóa đơn giả (hóa đơn không hợp pháp), giúp cho doanh nghiệp khác lập hồ sơ kê khai gian lận để làm tăng thuế GTGT được khấu trừ, được hoàn thuế là hành vi giúp sức cho việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản phải bị xử lý phù hợp với hành vi.
- Hành vi lập hồ sơ kê khai gian lận để làm tăng thuế GTGT được khấu trừ hoặc tăng thuế GTGT được hoàn là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của Nhà nước phải bị xử lý như hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Nhà nước.
- Qui định doanh nghiệp phải ứng dụng công nghệ tin học trong công tác quản lý kinh doanh, hạch toán kế toán, qui định nguyên tắc khai thác dữ liệu của các doanh nghiệp đối với các cơ quan quản lý Nhà nước.
3.2.3. Thanh toán qua ngân hàng
Tại điểm 1.3 mục III Thông tư số 129/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 đã quy định điều kiện để được hoàn thuế GTGT "có chứng từ thanh toán qua
ngân hàng đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào, trừ trường hợp tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào từng lần theo hóa đơn dưới hai mươi triệu đồng theo giá đã có thuế giá trị gia tăng" [2].
Phương thức thanh toán qua ngân hàng là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Hiện Chính phủ đang triển khai đề án "thanh toán không dùng tiền
mặt". Việc lựa chọn hình thức thanh toán là quyền của các doanh nghiệp
nhưng để được khấu trừ, hoàn thuế GTGT từ ngân sách nhà nước thì nhất thiết doanh nghiệp phải thực hiện thanh toán qua ngân hàng.
Trong nền kinh tế hiện đại, dịch vụ thanh toán qua ngân hàng càng trở nên có ý nghĩa quan trọng, là thước đo sức khỏe của nền kinh tế. Đặc biệt, nhờ quá trình phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, công nghệ điện tử và tin học vào hoạt động thanh toán đã tạo ra nhiều sản phẩm tiện ích như: chuyển tiền điện tử, thanh toán điện tử, thanh toán thẻ, thanh toán liên ngân hàng điện tử… mang lại hiệu quả rất lớn đối với ngân hàng, khách hàng và nền kinh tế. Sự phát triển của dịch vụ thanh toán qua ngân hàng một mặt ngăn chặn việc mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, gian lận trong khấu trừ hoàn thuế GTGT, chống thất thu ngân sách nhà nước; mặt khác tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất và lưu thông hàng hóa, tiền tệ, hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế.
Tuy nhiên, việc áp dụng quy định thanh toán qua ngân hàng ở mỗi nơi được hiểu khác nhau. Sở dĩ có tình trạng này là do Luật thuế GTGT năm 2008 có hiệu lực từ ngày 01/01/2009 nhưng phải đến ngày 20/3/2009, Tổng cục Thuế
mới có công văn số 3046/BTC-TCT và tiếp đến ngày 20/7/2009 tiếp tục có công văn số 10220/BTC-TCT hướng dẫn cụ thể về điều kiện chứng từ thanh toán qua ngân hàng để được khấu trừ, hoàn thuế GTGT là: "Chuyển từ tài khoản của
bên bán sang tài khoản của bên mua… theo các hình thức thanh toán phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành như séc, ủy nhiệm chi hoặc lệnh chi, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các hình thức thanh toán khác theo quy định" [35].
Như vậy, để thực hiện chủ trương của nhà nước thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và giải quyết những vướng mắc của doanh nghiệp trong công tác hoàn thuế GTGT vì chứng từ thanh toán, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước cần thiết phải ban hành các văn bản hướng dẫn đồng bộ, nhất quán và hoàn chỉnh về phương thức thanh toán hiện đại dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin, cụ thể:
* Ban hành các quy định về các giao dịch thanh toán giữa các loại hình doanh nghiệp và doanh nghiệp phải thực hiện qua ngân hàng trên phạm vi toàn quốc.
- Quy định nghĩa vụ, trách nhiệm của nhân viên cơ quan thuế theo qui trình trách nhiệm của nhân viên ngân hàng khi kiểm tra chứng từ trong thanh toán quốc tế bằng thư tín dụng.
* Để giảm thiểu thời gian thanh toán qua ngân hàng trong trường hợp tài khoản của người mua và người bán mở ở hai hệ thống ngân hàng khác nhau và khác địa bàn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chủ động nguồn tiền, đẩy nhanh tốc độ lưu chuyển của dòng vốn phục vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước cần thực hiện: