Cách vận dụng ca dao trong kịch bản Chèo hiện đại

Một phần của tài liệu Tục ngữ - ca dao truyền thống trong kịch bản chèo hiện đại (Trang 100 - 111)

7. Bố cục

3.2.2. Cách vận dụng ca dao trong kịch bản Chèo hiện đại

3.2.2.1. Sử dụng trực tiếp kho tàng ca dao để đưa vào ngôn ngữ đối thoại của nhân vật

Từ những câu ca dao, bài ca dao quen thuộc, các tác giả đã mượn nguyên lời để đưa vào lời thoại như Tư trong kịch bản Đường đi đôi ngả, khi được Duyên nhận lời yêu đã rất vui mừng mà hát rằng:

Yêu nhau cởi áo cho nhau

Về nhà dối cha dối mẹ qua cầu áo bay

Thế là bước đầu ta đã thắng. Cô ả hôm nay phải ở nhà mới hay.

(Đường đi đôi ngả)

Vận dụng ca dao dân ca không chỉ đem lại tri thức thực tiễn cho quần chúng mà chủ yếu mà còn đưa lại cho họ nguồn tình cảm phong phú, làm cho tâm hồn họ tươi vui, hồn nhiên, thoải mái trước cuộc sống. Đó là tiếng hát trao đổi, đùa vui của những thanh niên đang hăng hái tham gia sản xuất, chống hạn hán, xây dựng làng xóm:

Hỡi cô tát nước bên đàng

Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi. (Đường đi đôi ngả)

Vẻ đẹp, tấm lòng kiên trung, trong sạch của Trúc trong kịch bản

Sông Trà Khúc đã được ví ngầm như loài hoa sen - một biểu tượng quen thuộc, đặc trưng của người Việt Nam, khi tác giả sử dụng nguyên lời cả bài ca dao:

Trong đầm gì đẹp bằng sen

Nhị vàng bông trắng lá xanh

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. (Sông Trà Khúc)

3.2.2.2. Sử dụng có biến đổi phù hợp với cách cảm, cách nghĩ của ca dao bằng cách thêm bớt, đảo trật tự hay ghép lời, sáng tạo thêm lời.

Không chỉ vận dụng trực tiếp kho tàng ca dao dân ca để đưa vào lời

thoại của nhân vật mà các tác giả còn vận dụng ca dao bằng cách cải biến câu ca dao truyền thống, hình thức này rất phổ biến và đa dạng trong các kịch bản Chèo.

*Vận dụng ca dao bằng cách thay đổi một số từ ngữ từ câu ca dao gốc

Chẳng hạn như Tư trong kịch bản Đường đi đôi ngả, nghĩ rằng mình là người có tiền của nên đã mua chuộc bà Lợi (mẹ của Duyên) và nhờ thế sẽ lấy được Duyên:

Có của thì có mẹ nàng

Có bạc có vàng thì có người yêu

(Đường đi đôi ngả)

So với câu ca dao truyền thống thì có sự thay đổi về từ ngữ, nội dung của câu ca dao mới trong kịch bản Chèo được giới hạn hơn “kẻ ưa” đối tượng sẽ rộng hơn, chỉ nhiều người => “người yêu” chỉ đối tượng cụ thể:

Có của thì có mẹ nàng

Có bạc có vàng thì có kẻ ưa.

Tình yêu của các chàng trai cô gái trong ca dao xưa rất bạo dạn:

Yêu nhau cởi áo cho nhau

Về nhà dối cha dối mẹ qua cầu gió bay.

Trong thời hiện tại, tình yêu ấy cũng táo bạo nhưng nếu như trước kia họ chỉ có chiếc khăn tay, tấm áo làm tin thì nay nó gắn với những thứ vật chất cụ thể:

Về nhà dối cha dối mẹ qua cầu đánh rơi.

(Đường đi đôi ngả)

Câu ca dao: Bao giờ chạch đẻ ngọn đa

Sáo đẻ dưới nước thời ta lấy chàng đã mượn từ những hiện tượng tự nhiên không có thực để thể hiện một lời từ chối khéo của cô gái đối với chàng trai thì khi vào kịch bản Chèo Con trâu hai nhà đã được đổi thành:

… Bao giờ cá đẻ ngọn cây

Chim bay đáy nước thì Mây phụ chàng

Đối tượng, chủ thể trữ tình được nhắc đến cụ thể là Mây, một cô gái giỏi giang, xinh đẹp, nết na thông qua câu hát trên của Thơ để khẳng định tình cảm chân thành, chung thủy mà Mây dành cho Khoát là không thay đổi.

* Trích một vài câu trong bài ca dao

Từ bài ca dao gốc, tác giả không sử dụng nguyên cả bài mà nhiều khi chỉ sử dụng một vài câu chẳng hạn như Mụ Tuyên trong kịch bản Con trâu hai nhà, đã mượn bài ca dao:

Chẳng chua cũng thể là chanh

Chẳng ngọt cũng thể cam sành chín cây

Muốn cho có đó có đây

Sơn Lâm chữa dễ một cây nên rừng (Ca dao) để chỉ sự đanh đá đáo để, không ai có thể “đụng”, bắt nạt được mụ và Vân:

Chẳng chua cũng thể là chanh

Chẳng nhọn cũng thể là đanh lò rèn

Ta đây chẳng phải gái hèn

Trêu vào có lúc ho hen chẳng còn.

Khi vận dụng vào ngôn ngữ của nhân vật, từ câu ca dao gốc, tác giả đã thay đổi một số từ ngữ khiến cho hình ảnh so sánh cụ thể, sắc bén hơn.

Trong ca dao, con trâu xuất hiện như là người bạn thân thiết với người nông dân, gắn bó, vất vả với những người “chân lấm tay bùn”

Trâu ơi ta bảo trâu này Trâu ra ngoài đồng trâu cày với ta

Cấy cày vốn nghiệp nông gia Ta đây trâu đấy ai mà quản công

Bao giờ cây lúa còn bông Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn

Cách nói nhân hóa thể hiện tình cảm gần gũi yêu thương và có sức biểu cảm cao, giữa người và vật như không còn xa cách mà đều là những người bạn cày cùng chung sức tạo ra hạt lúa củ khoai đã được vận dụng để chỉ sự phấn khởi, niềm tin tưởng của những người nông dân trong thời kì xây dựng xã hội chủ nghĩa

…Hôm nay thấy ruộng đồng bao la

Ruộng đồng là của chúng ta

Ta đây trâu đấy ai mà quản công

Mong sao cây lúa lên bông…

(Con trâu hai nhà)

Kịch bản Sợi tơ vàng của tác giả Việt Dung xoay quanh câu chuyện thi đua trồng dâu nuôi tằm của một đội sản xuất, bên cạnh việc phản ánh cuộc sống lao động, sản xuất, tác giả cũng mượn nhiều bài ca dao khác nhau để diễn tả tình cảm đôi lứa của các nhân vật như:

Từ bài ca dao diễn tả tâm trạng chờ đợi, lời nguyện ước mong được chung đôi:

Mối tơ chín khúc ruột tằm

Vì tình ai lẽ làm lơ

Cắm sào quyết chí đợi chờ bến xuân

Ước sao chỉ Tấn tơ Tần

Sắc cầm hòa hợp lựa vần quan thư

Đôi bên ý hiệp lòng ưa

Đắp đền công thiếp lại vừa lòng anh (Ca dao)

Tác giả đã mượn một câu trong cả bài ca dao dài kết hợp với viết những lời thoại mới để diễn tả tình yêu, nỗi nhớ của chàng trai trong kịch bản Chèo qua câu hát của Vân:

…Nhìn ai chăn tằm đẹp mắt người thương Cho nên yêu vụng dấu thầm

Mối tơ chín khúc ruột tằm vấn vương

Nhớ ai năm nhớ mười thương (Sợi tơ vàng).

Hay từ bài ca dao:

Một nong tằm là năm nong kén Một nong kén là chín nén tơ

Em thương anh tháng đợi năm chờ

Lòng nào đứt mối lìa tơ cho đành vào Chèo biến đổi thành:

Một nong tằm là năm nong kén Một nong kén là chín nén tơ Vì ai vụng dại ngẩn ngơ

Để cho ai đợi ai chờ ai mong (Sợi tơ vàng).

Tác giả đã mượn nguyên hai câu đầu bài ca dao để làm cái cớ bộc lộ nỗi mong nhớ, chờ đợi của Hồng, một kĩ sư điện về làm nhiệm vụ tại thôn Tằm dành cho Lụa - cô đội trưởng đội sản xuất.

Từ bài ca dao quen thuộc diễn tả vẻ đẹp mộc mạc với những hình ảnh gần gũi, quen thuộc của làng quê Việt Nam, đồng thời cũng bộc lộ kín đáo lời tán tỉnh của chàng trai:

Giếng làng em vừa trong vừa mát Đường làng em lằm cát dễ đi Em ơi trang điểm làm chi

Để cho anh phải sớm đi tối về (Ca dao)

Chèo đã mượn để miêu tả cảnh vật, vẻ đẹp của người phụ nữ thôn Tằm:

Giếng thôn Tằm vừa trong vừa mát Đường thôn Tằm lắm cát nhiều cây Cô gái thôn Tằm má đỏ hây hây

Mắt đen lay láy cổ tay trắng ngần (Sợi tơ vàng).

* Mượn ý của bài ca dao để sáng tạo lời mới nhưng khi đọc, khi nghe người đọc vẫn liên tưởng đến những câu ca quen thuộc

Khi Vui nói với Hai Cua:

Ngày xưa có anh chồng yêu vợ

Nhìn cuộc đời cứ nở như hoa

Vợ hay đi ăn quà

Chồng yêu chồng bảo về nhà đỡ cơm

Trên đầu những rác cùng rơm

Chồng yêu chồng bảo hoa thơm cài đầu

Nói thì cảu nhảu càu nhàu

Chồng yêu chồng bảo thánh tha thánh thót Như tiếng đàn bầu nghe rất êm tai (Sợi tơ vàng).

Chúng ta có thể nhận ra ngay lời hát của Vui bắt nguồn từ bài ca dao:

Lỗ mũi mười tám gánh lông

Đêm nằm thì gáy o o

Chồng yêu chồng bảo ngáy cho vui nhà

Đi chợ thì hay ăn quà

Chồng yêu chồng bảo về nhà đỡ cơm

Trên đầu những rác cùng rơm

Chồng yêu chồng bảo hoa thơm cài đầu. (Ca dao)

Qua bài ca dao truyền thống có thể thấy người chồng ở đây không chỉ dễ tính mà còn vui tính nữa, trước mỗi cái xấu của vợ (mà rất có thể do những người khác xoi mói chỉ ra), anh ta đều đùa được, hóa giải được, khiến các chỉ trích trở nên vô nghĩa. Điều này, ngoài chuyện "Khi yêu trái ấu cũng tròn", còn thể hiện một thái độ bao dung, chấp nhận cái xấu của nhau khi đã làm vợ chồng, của người đàn ông. Có thể nói đây là một đức tính tốt; nó tạo không khí hòa thuận và có khả năng cảm hóa cái xấu. Khi vào Chèo nó trở thành một lời nhận xét, một lời bông đùa nhẹ nhàng, hài hước.

Bài ca dao:

Anh đi em ở lại nhà

Hai vai gánh vác mẹ già con thơ Lầm than bao quản nắng mưa

Anh đi anh liệu tranh đua với đời là lời dặn dò của người vợ đối với chồng, vừa là lời đảm nhận trách nhiệm trong gia đình để người chồng yên tâm có thể là đi lính khi vào Chèo dùng để diễn tả nỗi băn khoăn, muốn được chồng san sẻ giúp đỡ việc nhà, và ngăn không muốn cho chồng đăng lính theo quân giặc của Tâm:

…Anh nghĩ lại mà xem

Tôi lấy anh do mẹ cha sắp đặt

Nhưng đã là tình nghĩa vợ chồng

Em thơ ai dỗ ruộng đồng ai lo

(Chị Tâm bến Cốc)

Câu ca dao: Tưởng nước giếng sâu nối sợi dây dài

Ai ngờ giếng cạn tiếc hoài sợi dây là lời tâm sự, nỗi buồn của chàng trai khi tình yêu tan vỡ khi vào Chèo tác giả Trần Đình Ngôn đã mượn ý của bài ca dao để diễn tả tâm trạng của Nhâm, cô bâng khuâng với duyên mới nhưng lại chạnh lòng khi nghĩ tới chút nghĩa tình xưa với Bính:

Lối này qua lại năm xưa

Mòn chân đi nắng về mưa với tình

Giận ai lại tiếc cho mình

Nhìn cây vọng đắng ngỡ cành hoa mai

Em tưởng nước giếng sâu em nối sợi dây dài Ai hay giếng cạn phí hoài sợi dây!

(Chiếc nón bài thơ)

3.2.2.3. Sáng tạo lời mới mang phong vị ca dao dân ca

Khi vận dụng kho tàng ca dao, dân ca vào trong tác phẩm của mình, các tác giả không những vận dụng trực tiếp, biến đổi một cách linh hoạt cho phù hợp với cách cảm cách nghĩ của ca dao dân ca mà ở một cấp độ cao hơn tác giả đã sáng tạo ra những lời thoại mới vẫn mang phong vị của ca dao dân ca bằng cách vận dụng các biện pháp tu từ được sử dụng trong ca dao như so sánh, ẩn dụ, nhân hóa…và sử dụng một cách dày đặc các thể thơ dân tộc như thơ bốn chữ, năm chữ và đặc biệt là - thể lục bát.

Đó là cách nói, cách dùng hình ảnh so sánh ví von của cô nữ dân quân trong kịch bản Đường về trận địa:

Nai kêu ruột gan như gào

Hay sử dụng biện pháp nhân hóa để miêu tả cảnh vật một cách sinh động:

Sông Mã ung dung ra cửa Lạch trào

Hai hàng dừa chạy bên dọc núi

(Đường về trận địa)

Nếu ca dao truyền thống cũng có rất nhiều bài giới thiệu, miêu tả về vẻ đẹp của nhiều vùng đất, nhiều địa danh với những sản vật nổi tiếng thì trong Chèo ta cũng bắt gặp những câu thơ, đoạn hát mang đậm chất ca dao:

Quê ta con cá bằng bạc

Con tôm bằng vàng

Lúa thơm, đất mát, nước trong, người hiền

Có ao rau muống làng Sen

Có bừa Vĩnh Lộc có liềm Vĩnh Khang

Dứa mùa Tam Đảo đưa sang

Chè Chi Chủ, bưởi Phủ Đoan đưa về

Nhất cao là núi Ba Vì…

(Chị Tâm bến Cốc)

Miêu tả, giới thiệu khái quát về con người:

Làng em có vườn có ngõ

Có ao thả cá có bóng dừa xanh

Có người đồng đất tỉnh Thanh

Sắt đanh với giặc nghĩa tình với nhau

(Đường về trận địa)

Hay những câu thơ thể hiện tư tưởng chủ động, làm chủ thiên nhiên của con người xã hội chủ nghĩa, không còn là tư tưởng “lạy trời mưa xuống” nữa mà là ý thức chủ động đào mương chống hạn của người nông dân:

Rủ nhau đi chống thiên tai

Chúng mình hợp tác cùng nhau

Núi san biển lấp chứ có sợ đâu ông giời

(Đường đi đôi ngả)

Những câu thơ thể hiện tình cảm quân dân trong Đường về trận địa

cũng thấm đẫm chất trữ tình, dư vị của ca dao dân ca:

Kìa kìa sông chảy ra khơi

Sông bao nhiêu nước tình người bấy nhiêu.

(Đường về trận địa)

Hay bản lĩnh, sự vững vàng của Tâm, một người phụ nữ đảm đang nhưng phải chịu nhiều khổ cực đắng cay:

Dù rằng Tam Đảo thành gò

Sông Hồng thành lạch, biển khô thành đồng Thì tôi cũng chẳng chịu ngã lòng Còn người yêu nước thì không chịu về

(Chị Tâm bến Cốc)

Đó còn là hình ảnh so sánh, miêu tả sức mạnh của quân đội ta:

Trăm nghìn bão táp phong ba

Quân ta như sắt dân ta như đồng

(Mối tình Điện Biên)

Mối tình Điện Biên (Lưu Quang Thuận) là vở Chèo viết về mối tình quân dân mà tiêu biểu là tình yêu của cô Ban - người dân tộc Thái và Minh - chiến sĩ Điện Biên, mối tình của họ tượng trưng cho tình nghĩa cao đẹp của những con người mới, được nảy nở, vun đắp trong một hoàn cảnh mới, trong một cuộc sống mới. Tình cảm ấy được thể hiện qua những lời thoại, lời ca đậm phong vị dân gian, qua cách cảm, cách nghĩ và khẩu ngữ hàng ngày của những người chiến sĩ, của bà con trong bản làng một cách chân thực, hồn nhiên. Đó là những đoạn thơ đằm thắm, trữ tình như lời tâm sự của Ban:

Đêm nằm áo mỏng làm chăn

Sáng ra lấy áo làm khăn đội đầu

Đi tìm chẳng thấy người đâu

Như chim mất tổ, như dâu mất tằm

Vắng người quýt rụng cam rơi

Xa nhau tấm vải ruộm chàm không xanh

(Mối tình Điện Biên)

Nỗi nhớ nhung, khắc khoải của Ban được nhân hóa vào hình ảnh chiếc khăn:

…Em về em cởi khăn Piêu

Vắt vào phên nứa khăn thêu chỉ hồng

Khăn buồn khăn cũng chờ mong.

(Mối tình Điện Biên)

Dù chỉ có một tia hi vọng nhỏ nhoi nhưng Ban vẫn quyết tâm đi tìm Minh, anh bộ đội đã cứu cô khỏi tay giặc, cô vẫn nguyện thủy chung, một mực đợi chờ anh:

… Anh ơi, mưa lâu đường rậm cỏ

Nắng chiều mưa cạn giếng khô

Dù nắng dù mưa em đợi em chờ

Cây đổi lá nhưng lòng em chẳng đổi

(Mối tình Điện Biên)

Còn có thể dẫn ra rất nhiều những lời thoại, lời thơ, những làn điệu hát, những đoạn độc bạch của nhân vật trong nhiều vở. Đó là những câu hát, lời nói chọn lọc mang đậm đà phong vị ca dao dân ca, rất phù hợp với cách cảm, cách nghĩ của người Việt Nam.

Một phần của tài liệu Tục ngữ - ca dao truyền thống trong kịch bản chèo hiện đại (Trang 100 - 111)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(189 trang)