Cách vận dụng tục ngữ trong kịch bản Chèo truyền thống

Một phần của tài liệu Tục ngữ - ca dao truyền thống trong kịch bản chèo hiện đại (Trang 57 - 61)

7. Bố cục

2.1.2. Cách vận dụng tục ngữ trong kịch bản Chèo truyền thống

2.1.2.1. Sử dụng nguyên dạng

Chèo đã sử dụng tài tình tục ngữ, thành ngữ vốn là những kinh nghiệm được đúc rút trong lao động sản xuất, trong đời sống xã hội, trong sinh hoạt hàng ngày của nhân dân để đưa trực tiếp vào lời thoại của nhân vật chẳng hạn như:

Chèo truyền thống đã mượn nguyên cả câu “chọn mặt gửi vàng” với nghĩa tìm người tin cậy để giao trọng trách khi Thị Màu hóa trang cho Nô và nói dối cha rằng đó là cái trống của làng gửi: “Thưa cha, nhà ta phú gia địch quốc nên làng chọn mặt gửi vàng, làng mới đưa gửi vào đó” nhằm để giấu không cho cha biết là Nô đang ở trong buồng của mình. Hay lời mẹ Đốp khi đi rao mõ thay chồng: “Gửi lời thì nói, gửi gói thì mở. Đây rao chả đấy. Hay là thế này, tôi đàn bà con gái, hôn bụng dạ lắm. Hay là tôi đi trước tôi đánh mõ rồi thầy đi sau thầy rao hộ tôi với”; hay lời của thầy Đồ điếc “đánh mõ không bằng gõ thớt” đã được vận dụng khớp với hoàn cảnh của nhân vật. (Quan Âm Thị Kính)

Nàng Châu Long giúp chồng đi nuôi bạn để thành tài cũng bộc lộ niềm lo lắng, băn khoăn, sợ rằng khi hầu hạ bên Lưu Bình sẽ không giữ trọn được đạo tao khang:

Thiếp chẳng quản công phu khó nhọc Thiếp vâng lời chàng đi nuôi bạn học Nhưng đi làm sao về lại làm sao? Thiếp sợ chàng quân tử chí cao

Dạ như bể dò sao cho xiết

Thiếp sợ mình: lửa gần rơm lâu ngày cũng bén

Luống công chàng mà lỗi đạo tao khang…

(Lưu Bình Dương Lễ)

Bị đặt vào một tình huống thật khó khăn khiến từ sâu cõi lòng Châu Long cũng phải suy tư, và nỗi niềm ấy nàng đã bộc bạch với chồng. Ba năm đi nuôi bạn chồng ăn học, nghe có vẻ nhanh nhưng con trai con gái đương thì ở cùng chung một nhà, ban ngày đã vậy còn ban đêm thì sao? Châu Long một bên thể hiện cái nghĩa làm vợ - cái nghĩa bị chi phối bởi đạo đức tam tòng, ở đây là tòng phu “thiếp vâng lời chàng đi nuôi bạn học” thì cũng còn một Châu Long khác thể hiện mình là một con người, một phụ nữ, lại bị một tình huống ngàn cân treo sợi tóc trong quan hệ nam nữ, trong xu thế mà dân gian đã tổng kết “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén” thử thách thì nàng lại sợ chính mình, một nỗi sợ rất nhân bản, rất phụ nữ. Trong trường hợp này, câu tục ngữ “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén” đã được Châu Long sử dụng rất tự nhiên và phù hợp để diễn tả tâm trạng của nàng lúc đó.

Khi giúp bạn thành tài, chiếm bảng khôi khoa, Châu Long giữ trọn đạo trở về, Dương Lễ cảm kích, biết ơn tấm lòng của nàng mà đã ban thưởng cho nàng:

Dương Lễ: … Tấm lòng nàng anh đây đã biết Giữ một lòng thủ tiết trung trinh

Hầu đâu, vào nhà trong lấy ba lạng vàng ra đây, để ta thưởng cô mày, gọi là của chồng công vợ. Ba lạng vàng này gọi là một chút đền ơn”.

Chèo cũng vận dụng nguyên câu “lòng chim dạ cá” để phê phán những người ăn ở bạc bẽo hai lòng, không chung thủy.

Lúc Lưu Bình khó khăn, hỏng thi mong tìm đến người bạn tri âm nhờ cậy giúp đỡ, trước sự lạnh nhạt của Dương Lễ đã cho rằng bạn đã quên mình:

Lưu Bình: …Bạn bút nghiên, một sách một đèn Tưởng cơm sung nhớ lúc cháo dền Ngồi nghĩ đến hai hàng lã chã Chẳng ngờ ra lòng chim dạ cá Thấy mâm cơm nghĩ cực trăm chiều

Bát cơm hẩm quả cà meo

Xót ruột lắm ăn sao được….

(Lưu Bình - Dương Lễ)

Trong vở Chèo Kim Nham thì câu tục ngữ này được chính lời nhân vật Súy Vân thốt ra để chỉ lòng dạ mình đã đổi thay, đã trót say giăng hoa ở ngoài:

Súy Vân: Tôi Súy Vân quỳ xuống thềm hoa Nguyện thiên địa quỷ thần soi xét Tôi có ở ra lòng chim dạ cá

Say giăng hoa không sợ thế gian cười Khi thác thời thi thể trôi nổi

Hình hài mặc cá sông vùi lấp

(Kim Nham)

Khi giả dại hóa điên, Súy Vân cũng sử dụng câu tục ngữ trên để vu cho Kim Nham ăn ở đen bạc, hòng lấy cớ để danh chính ngôn thuận đến với Trần Phương:

Súy Vân: Tôi đã lấy Kim Nham là chồng là vợ Tưởng rằng Nham có giá có tài

Không ngờ Nham đã có nơi

Có khi Chèo cũng sử dụng nguyên câu tục ngữ để vạch trần một khía cạnh nào đó thuộc bản chất của nhân vật chẳng hạn như: Đào Huế cất công từ Huế ra Bắc tìm chồng, bất ngờ Đào Huế thấy Tuần Ty với vợ bé là Thiệt Thê ở trên đường, Tuần Ty thấy vợ cả liền ẩy với vợ bé:

- Mụ chiều hắn, chào hắn một tiếng cho hắn lai kinh”.

Thiệt Thê cong cớn đớp lai: -“Tôi lấy cậu thì tôi biết cậu, chứ tôi biết con phải gió nào mà tôi chào!”. Đào Huế nghe vậy, mụ chẳng ghen chút nào mà một tay mụ thộp lấy cổ áo Tuần Ty, một tay day trán rồi chỉ vào mặt Thiệt Thê:

- Đào Huế: - “Đó là những phường ăn xổi ở thì

Những loài ong bướm chẳng quyến chi về nhà”. (Chu Mãi Thần)

2.1.2.2. Sử dụng có cải biến, sáng tạo

Bên cạnh việc vận dụng trực tiếp kho tàng tục ngữ dân gian thì Chèo truyền thống cũng đã cải biến, thêm lời, đổi ý những câu tục ngữ trong dân gian để đưa vào lời thoại của nhân vật. Có những thành ngữ, tục ngữ được Chèo tiếp thu cả lời lẫn ý nhưng có sửa đổi đi một chút. Chẳng hạn như đoạn lính hầu mắng Lưu Bình:

- “Anh này chỉ nói láo. Quần trứng sáo, áo nước dưa khăn gói gió đưa bạn tôi không đáng mà dám bảo là bạn quan tôi à!” (Lưu Bình - Dương Lễ).

So với câu tục ngữ gốc “Quần trứng sáo, áo hoa tiên” nhằm để chỉ những người nhàn hạ trong xã hội xưa thì khi được vận dụng vào lời thoại của nhân vật lính hầu đã được thêm bớt thành câu nói vần vè hơn“quần trứng sáo, áo nước dưa khăn gói gió đưa…” ám chỉ rằng lúc này Lưu Bình đang gặp khó khăn và ăn mặc như thường dân nên chỉ bằng vai với anh lính hầu mà thôi. Như vậy đưa tục ngữ vào Chèo, tính chất, nội dung của câu tục ngữ đã được thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh nhân vật.

Trong một số trường hợp, tục ngữ được cải biến để thể hiện một cảm nhận, một ý tưởng từ đó phát biểu ý muốn nói, như Trương Viên muốn được mẹ đưa sang nhà quan thừa tướng để hỏi nàng Thị Phương. Bà mẹ ngần ngại, lo lắng vì cảnh nhà nghèo hèn, đơn bạc với nhà quan thừa tướng không thể môn đăng hộ đối, bèn nói:

Mụ: - Ới chao ơi!

Bò gầy chớ trèo tường dốc Méo miệng đừng ăn xôi vò Nhà ta đây tiện sĩ, hàn nho

Sao con ước những cao môn lệch tộc (Trương Viên)

Cũng có khi tác giả dân gian chỉ mượn ý của câu tục ngữ để châm biếm, giễu cợt những điều mắt thấy tai nghe trong cuộc sống như cảnh mụ đồng và phù thủy cùng tới giải ách, trừ tà cho tín chủ Kim Nham. Lúc cô đồng đang loay hoay trấn ngũ phương, thầy phù thủy đứng ngoài nói chõ vào:

Phù Thủy: … “Có trấn thì trấn bốn phương thôi, còn một phương để lại!” (Chu Mãi Thần)

Câu nói trên thoát thai từ câu tục ngữ “đánh đĩ mười phương, trừ một phương lấy chồng” - đã bộc lộ cách thức làm quấy quá của bọn đồng cốt quàng xiên.

Một phần của tài liệu Tục ngữ - ca dao truyền thống trong kịch bản chèo hiện đại (Trang 57 - 61)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(189 trang)