7. Bố cục
2.2.3. Nhận xét việc sử dụng tục ngữ trong kịch bản Chèo hiện đại
Chèo vốn là một loại hình sân khấu bắt nguồn từ dân gian, ngay từ đầu các nghệ sĩ dân gian đã biết tận dụng kho tàng truyện kể dân gian, kho tàng tục ngữ ca dao vô cùng phong phú trong văn học dân gian để sáng tác ra những bản trò đầy hấp dẫn mà cho đến nay nó vẫn còn nguyên giá trị. Cũng chính vì khai thác từ kho tàng văn học dân gian nên Chèo mang đậm tính dân gian - một trong những tính chất chủ đạo của Chèo. Bởi theo Giáo sư Đình Quang “Chèo hiện nay hoạt động theo phương thức chuyên nghiệp, bác học nhưng vẫn đậm màu sắc dân gian. Do đó mà chất dân gian trong Chèo vẫn là chủ đạo, bản chất”. [44, tr.108].
Những câu tục ngữ, thành ngữ vốn có tính chất ngắn gọn, ví von vần vè là những kinh nghiệm, những bài học của ông cha được đúc từ cuộc sống lao động sản xuất đã được tác giả đưa vào ngôn ngữ đối thoại của nhân vật một cách trực tiếp. Các nhân vật đã sử dụng chúng như lời ăn tiếng nói hàng ngày, đã dùng rất tự nhiên và rất phù hợp với hoàn cảnh đối thoại. Đólà những câu tục ngữ về thời tiết mống đông vồng tây không mưa dây thì bão giật; những câu tục ngữ nói về quan hệ gia đình: con dại cái mang, mang nặng đẻ đau, sảy cha còn chú, sẩy mẹ bú dì; những câu tục ngữ nói về phương châm xử thế như mất lòng trước được lòng sau, thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng, khôn ngoan đối đáp người ngoài, gà cùng
một mẹ chớ hoài đá nhau, bán anh em xa mua láng giềng gần, đói cho sạch rách cho thơm; phản ánh những kinh nghiệm, triết lí, nhận thức về đời sống xã hội, về con người như học tài thi phận, gieo nhân nào gặp quả ấy, vỏ quýt dày có móng tay nhọn, đất có thổ công sông có hà bá, một giọt máu đào hơn ao nước lã, trăm bó đuốc cũng vớ được con ếch …
Qua khảo sát chúng tôi thấy một số kịch bản như Đường đi đôi ngả (22 câu), Chị Tâm bến Cốc (46 câu), Sợi tơ vàng (31 câu), Chiếc nón bài thơ (44 câu) là những kịch bản sử dụng khá nhiều tục ngữ để đưa vào lời thoại của nhân vật. Trong đó có một số câu tục ngữ được vận dụng nhiều lần ở các kịch bản như câu tục ngữ “chết vinh còn hơn sống nhục” được sử dụng 3 lần ở kịch bản Cô gái làng Chèo và Chị Tâm bến Cốc (lặp 3 lần), câu tục ngữ “con dại cái mang” được sử dụng ở kịch bản Đường đi đôi ngả, Chị Tâm bến Cốc, Máu chúng ta đã chảy…, câu tục ngữ “mang nặng đẻ đau” được vận dụng trong kịch bản Máu chúng ta đã chảy và Sông Trà Khúc…
Nếu như Chèo truyền thống sử dụng những câu tục ngữ như “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, “xuất giá tòng phu, phu tử tòng phụ” để thực hiện mục đích giáo huấn, xây dựng những người phụ nữ như Thị Kính, Thị Phương, Châu Long, Trinh Nguyên thành những nhân vật mẫu, điển hình cho chuẩn mực của luân lý tam tòng tứ đức thì đến Chèo hiện đại, các tác giả cũng mượn tục ngữ để thể hiện những phẩm chất tốt đẹp, đáng trân trọng của người phụ nữ như “chết vinh còn hơn sống nhục”, “chết đứng hơn sống quỳ” . Người phụ nữ có quyền chủ động hơn, họ dám tham gia đấu tranh chống lại bất công, đi theo cách mạng, vùng lên góp phần giải phóng chính cuộc đời mình và cùng nhau góp sức giải phóng quê hương xây dựng đất nước, họ là những người phụ nữ đảm đang, sẵn sàng hi sinh hạnh phúc riêng cho cách mạng như Tâm trong Chị Tâm Bến Cốc; Trúc trong Sông Trà khúc; Lý trong Cô gái làng Chèo, Lụa trong Sợi tơ vàng…
Tuy cùng sử dụng một câu tục ngữ giống nhau nhưng ở mỗi kịch bản, câu tục ngữ đó lại được biến đổi linh hoạt để phù hợp với từng ngữ cảnh, với từng nhân vật như bộc lộ, diễn tả tính cách, hành vi, suy nghĩ của nhân vật; mô tả tính chất công việc, hay những nhận xét, phán đoán của nhân vật… Điều này cũng cho thấy quá trình vận dụng tục ngữ có sức tái tạo nghĩa không ngừng.
Tục ngữ được vận dụng trong nhiều phong cách chức năng ngôn ngữ khác nhau và trong mỗi phong cách chúng cũng được vận dụng rất đa dạng. Ngay cả với một tục ngữ, khả năng vận dụng của chúng cũng rất linh hoạt, điều này do trường nghĩa của câu tục ngữ thường khá rộng (xoay quanh một nghĩa cơ bản) cho nên nó có khả năng ứng dụng vào những tình huống, hoàn cảnh khác nhau. Trên thực tế, sử dụng một câu tục ngữ một cách đích đáng, ở một hoàn cảnh thích hợp, xét về mặt “hành ngôn” gần như là khám phá ra một nghĩa mới thuộc trường nghĩa của nó.
Mặt khác mỗi câu tục ngữ thường có hai nghĩa (nghĩa đen và nghĩa bóng) hai nghĩa này có quan hệ hữu cơ với nhau. Đa số trường hợp nghĩa đen phản ánh kinh nghiệm quan sát tự nhiên và kinh nghiệm lao động, nghĩa bóng thể hiện kinh nghiệm xã hội. Nghĩa đen trở thành nghĩa bóng khi người sử dụng tục ngữ liên hệ, đối chiếu, tìm thấy sự tương đồng giữa điều mà tục ngữ phản ánh với các hiện tượng đời sống và khi đó nghĩa bóng là nội dung gián tiếp nhưng lại làm mục đích trực tiếp mà người sử dụng muốn thông báo cho người nghe. Vậy nên khi vận dụng, nghĩa bóng đã tạo cho tục ngữ khả năng vận dụng năng động vào các trường hợp, và cứ mỗi lần được sử dụng ở những văn cảnh khác nhau thì nội dung, ý nghĩa kinh nghiệm, những lớp nghĩa nằm bên trong và bên ngoài từ ngữ của nó lại giàu thêm.
Một câu tục ngữ có thể ứng dụng trong nhiều trường hợp cụ thể khác nhau. Quá trình vận dụng tục ngữ là quá trình tạo nghĩa không ngừng. Tính
chất mở là đặc trưng về nghĩa, về sự ứng dụng và thưởng thức tục ngữ. Điều đó làm cho tục ngữ có thể bước từ thời đại này sang thời đại khác và luôn mới. Như thế, ý nghĩa giá trị của tục ngữ được làm phong phú thêm ở những hình thức cụ thể trong quá trình nhân dân vận dụng nó vào cuộc sống.
Mặt khác, tục ngữ là sản phẩm chung của mọi người dân, gần như ai cũng biết, cũng nhớ, cũng thuộc một số câu nhất định. Khi vận dụng trong nhiều hoàn cảnh, ngữ cảnh khác nhau nó dễ dàng để lí tưởng, đối chiếu, so sánh vừa nhanh vừa linh hoạt. Vì vậy mà có câu tục ngữ được lặp đi lặp lại nhiều lần trong nhiều trường hợp, tùy theo ngữ cảnh mà vận dụng khác nhau.
Việc vận dụng tục ngữ ở nhiều dạng khác nhau (giữ nguyên dạng câu tục ngữ gốc, biến đổi thêm từ, đảo từ, mô phỏng, triển khai khuôn hình tục ngữ) là một minh chứng cho việc tục ngữ vẫn luôn vận động và được sáng tạo không ngừng như chính sự vận động không ngừng của cuộc sống.
Khi vận dụng tục ngữ để đưa vào lời thoại trong kịch bản Chèo, nó giúp câu văn, lời thoại trong Chèo sinh động, thuyết phục hơn, mang tính cô đọng, hàm súc và biểu cảm, có những trường hợp nhân vật không phải nói nhiều mà có thể dùng luôn một câu tục ngữ để diễn giải cho điều mình muốn nói, tục ngữ cũng có ưu thế khi diễn tả những tình huống khó nói thành lời, cũng có khi nó được sử dụng với mục đích nói thông thường mà đạt được một sự bất ngờ, gây thêm hiệu quả cho ý muốn nói, hứng thú cho người nghe… Vì thế mà tục ngữ có thể đáp ứng được một yêu cầu cơ bản của văn chương trong Chèo là sử dụng những từ ngữ cô đọng, xúc tích nhưng vẫn nói đúng những tâm trạng sâu sắc, vẫn giúp độc giả khám phá những nét sâu kín bên trong con người.
Tục ngữ là một bộ phận quan trọng của văn học dân gian. Nó đã được nhân dân sáng tạo và lưu truyền phổ biến, sâu rộng. Nó đã trải qua
nhiều thời kì lịch sử và cho đến nay, nhiều câu tục ngữ cổ truyền vẫn còn sức sống, nhiều câu tục ngữ mới vẫn tiếp tục được ra đời cùng với các thể loại khác của văn học dân gian chen vai sát cánh với văn học hiện đại. Trong điều kiện của sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ và các phương tiện thông tin đại chúng, tục ngữ vẫn có sức trường tồn. Sự trường tồn của nó được thể hiện qua việc gắn liền với khẩu ngữ hàng ngày của nhân dân; nó xâm nhập vào văn học thành văn; nó vận động trong các loại hình văn học dân gian và phát huy tác dụng mạnh mẽ trong đời sống quần chúng.
Tục ngữ không chỉ được vận dụng và sáng tạo trong các kịch bản Chèo mà còn được vận dụng trong sáng tác của các nhà thơ cổ điển như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hồ Xuân Hương…, trong các sáng tác của các nhà thơ nhà văn hiện đại như Tố Hữu, Xuân Diệu, Nguyễn Huy Thiệp…. Nếu các nhà thơ cổ điển đã vận dụng tài tình, nhuần nhuyễn vốn tục ngữ ca dao của dân tộc thì ở văn xuôi hiện đại cũng có sự tiếp nối, sự vận dụng ấy. Ở văn xuôi hiện đại đó là phong cách nghệ thuật dân gian - chính phong cách nghệ thuật dân gian này góp phần tạo nên sự đa dạng của phong cách văn xuôi hiện đại. Trong đó, ngôn ngữ dân gian bao gồm tục ngữ, ca dao, vốn từ dân gian, tiếng địa phương cùng với việc sử dụng ca dao dân ca, đồng dao và các biện pháp nghệ thuật khác đóng vai trò quan trọng.
Việc sử dụng phong cách dân gian (trong đó có ca dao tục ngữ) phụ thuộc vào sở trường riêng của từng nhà văn, từng tác giả trong việc tạo dựng tác phẩm, có nhà văn thiên về sử dụng tục ngữ và tiếng địa phương, có người lại chú ý tới việc vận dụng ca dao, dân ca, đồng dao, người khác lại thích khai thác các biện pháp nghệ thuật như kể chuyện, đối thoại…Nhìn chung những tác phẩm có giá trị được bạn đọc đánh giá cao
thường ở đó truyền thống thi pháp sáng tác dân gian được sử dụng có hiệu quả.
Tiểu kết
Trong chương hai của luận văn, chúng tôi đã tiến hành khảo sát, thống kê những câu tục ngữ được sử dụng trong các kịch bản Chèo truyền thống và Chèo hiện đại. Từ kết quả khảo sát, thống kê được chúng tôi đã phân loại các cách vận dụng tục ngữ trong các kịch bản Chèo và phân tích, nhận xét việc vận dụng tục ngữ cũng như hiệu quả của việc vận dụng này trong các kịch bản Chèo. Qua đó chúng tôi thấy, Chèo đã vận dụng linh hoạt sáng tạo kho tàng tục ngữ của dân tộc để đưa vào ngôn ngữ, lời thoại của các nhân vật, Chèo không chỉ vận dụng trực tiếp, nguyên dạng câu tục ngữ gốc mà còn có những biến đổi về từ ngữ, ngữ âm, chen thêm từ, hay mô phỏng, triển khai khuôn hình câu tục ngữ gốc để phù hợp với ngữ cảnh, với tính cách, đặc điểm của nhân vật… Việc vận dụng tục ngữ trong kịch bản Chèo giúp cho ngôn ngữ, lời thoại trong Chèo cô đọng, hàm súc nhưng vẫn giàu triết lý, giúp cho các tác giả có thể chuyển tải được nội dung, chủ đề, tư tưởng của tác phẩm; đồng thời cũng giúp cho Chèo vẫn giữ được tính dân gian, giữ được những nét truyền thống và Chèo cũng là một mảnh đất để tục ngữ được sinh tồn và tái tạo.
CHƢƠNG 3: CA DAO TRUYỀN THỐNG TRONG KỊCH BẢN CHÈO HIỆN ĐẠI
Ngôn ngữ trong Chèo bên cạnh việc sử dụng ngôn ngữ bình dân, bác học, khai thác vận dụng từ kho tàng tục ngữ thì cũng vận dụng kho tàng ca dao dân ca làm chất liệu để chuyển tải nội dung, cốt truyện, chủ đề tư tưởng tác phẩm.