7. Cấu trúc luận văn
2.3. Thực trang phát triển du lịch văn hóa Chă mở Ninh Thuận
2.3.1. Các di tích đền tháp Chăm
Tỉnh Ninh Thuận hiện tồn tại 3 ngôi tháp Chăm là cụm tháp Hòa Lai, Po Klaung Garai, Po Rame. Hiện nay, các đền tháp đang trong quá trình trùng tu để đưa vào khai thác du lịch.
Cụm tháp Hòa Lai
Theo đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu, cụm tháp Hòa Lai hay còn gọi là Tam Tháp (tại làng Ba Tháp, xã Tân Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận) là một trong những cụm di tháp Chăm cổ nhất (đầu thế kỉ IX) và đẹp nhất hiện còn. [P. Stem. L’
Art du Champa (ancien Annam) et son évolution, Paris. 1942].
Đầu thế kỉ 20, Hòa Lai là một khu di tích lớn, nằm trên vùng đất cao nhất của một cánh đồng dài và rộng ở phía bắc Phan Rang, gồm ba dải kiến trúc xếp dọc theo ba trục đông – bắc. Ngoài ba ngôi tháp, Hòa Lai còn có vết tích của nhiều kiến trúc khác như tường gạch bao phía đông, tháp cổng, gian nhà ngoài ở khu sân ngoài và nhiều công trình lớn nhỏ khác. Ba ngôi tháp còn lại ở Hòa Lai được đánh giá là những kiến trúc tháp thành công nhất, đẹp nhất của Champa.
Với Hòa Lai, cụm kiến trúc cổ nhất hiện nay, tháp Chăm đã bộc lộ những sắc thái riêng của mình. Tuy là tháp tầng kiểu Ấn Độ nhưng tháp Chăm lại khác các tháp Ấn, tháp Giava, tháp khmer. Nếu như tháp Ấn và Campuchia, các đền tháp có dáng vẻ bề thế, chắc chắn nhờ chất liệu đá, thì ở các tháp Chăm, chất lượng gạch và kĩ thuật xây gạch đã làm cho công trình kiến trúc trở nên cân bằng hơn, có nhịp điệu hơn. Ở tháp Chăm tính đường bệ và hoành tráng được những cột ốp và các trang trí làm tăng thêm và bằng những nét và khối nhịp nhàng, cân đối.
Tháp trung tâm (chỉ còn phần thân và một bộ phận của tầng thứ nhất) nhỏ hơn hai ngôi tháp hai bên nhưng lại được xây dựng cẩn thận hơn và còn giữ lại được nhiều trang trí hơn.
Cửa ra vào phía đông có cấu trúc và hình dáng như các cửa giả nhưng lớn hơn và nhô ra nhiều hơn. Giống như cửa giả, cửa ra vào chính là một cấu trúc kép gồm có chân, trụ ốp và vòm hình cung. Trước kia phía trên cửa ra vào còn có một tầng nữa, nhưng đã bị mất chỉ
còn lại dấu vết. Điểm đặc biệt của tháp trung tâm là trên các tầng không có các tháp nhỏ trang trí ở góc và những hình điêu khắc đá trang trí các góc phía trên của các cột ốp góc tường ở các tháp Chăm sau này. Bên trong lòng tháp, trên ba mặt tường tây, nam, bắc có 12 ô khám. Ở phía trên của nội thất còn dấu vết của một bức trần gỗ che vòm mái. Cửa ra vào cũng bị mất, không còn vết tích.
So với tháp trung tâm, tháp bắc lớn hơn về mặt bằng, về chiều cao. Nội thất của tháp bắc cũng có các ô khám tương tự như ở tháp nam nhưng không sâu bằng. Ngoài ra trong mỗi khám lớn có một ô để đèn và ở góc vách tường phía bắc có thêm một ô khám để đèn phụ nữa. Phần nền của tháp bắc được trang trí bằng các hình áp và các ô chạm khắc hình vuông, ô thì có hình đầu voi nhìn chính diện, ô thì có hình con vật huyền thoại đầu voi, mình sư tử đang vừa đi vừa tung vòi lên cao. Các hình áp dài hơn so với các hình áp ở tháp trung tâm và hơi khác một chút trong các hình chạm khắc trang trí hình đầu Kala và hình người chắp tay được thay bằng các mảng nổi đơn giản hình vuông và hình chữ nhật.
Trong cả ba tháp ở Hòa Lai, tháp nam lớn hơn và cũng còn nguyên vẹn hơn cả. Thế nhưng, dựa trên một số hoa văn hiện còn ở các tầng, các nhà nghiên cứu lại cho rằng, tháp nam là kiến trúc được xây dựng đầu tiên trong cụm ba tháp Hòa Lai. Nội thất của tháp nam có ba khám lớn vách nghiêng ở chính giữa ba mặt tường: tây, nam, bắc. Vòm của các khám xây theo kiểu so le giật cấp thành hình chóp, chân vòm khám cao hơn đường tiếp giáp giữa vòm tháp và gian tiền sảnh. Vòm của tháp cao nhưng không kéo thẳng một mạch lên tới đỉnh mà lại hơi bóp vào ở đoạn giữa.
Về cơ bản tháp nam giống tháp bắc và tháp trung tâm nhưng lại khác hai tháp kia trong cách bố trí và trang trí các chi tiết. Các trụ ốp được đặt gần nhau hơn và mặt giữa trụ ốp hẹp hơn, cửa giả rộng hơn nhưng lại không có hình người đứng bên trong. Thay cho hình người là một kiểu trang trí rất hiếm trong nghệ thuật kiến trúc Champa, nhưng lại phổ biến ở Giava cùng thời – mô típ cánh cửa giả đội cái bình phía trên.
Hòa Lai là cả một quần thể kiến trúc đền tháp vào loại lớn và cổ của người Chăm. Thế nhưng, khác với những cụm di tích khác, tại đây hầu như không phát hiện ra một đồ thờ bằng đá hoặc bằng kim loại nào và cũng không có dấu tích một bia kí nào. Còn trên mặt tường các tháp lại mang hình ảnh của các tôn giáo, thần điêu Garuđa của Ấn Độ giáo. Vì thế, chúng ta khó có thể xác định được chức năng thờ tự của Hòa Lai một cách chính xác.
Ngày nay, trải qua quá trình lịch sử với các cuộc chiến tranh, tháp Hòa Lai đã bị hư hại nặng. Để khôi phục tháp thì địa phương đã có những chính sách, chương trình đầu tư góp phần giữ gìn và bảo tồn di tích này.
Căn cứ quyết định số 5783/ QĐ- BVHTT ngày 07/07/2005 của Bộ Văn hóa Thông tin về việc phê duyệt dự án Tu bổ và phục hồi nhóm Tháp Hòa Lai. Mục tiêu là bảo tồn tôn tạo các di tích có giá trị lịch sử - văn hóa – nghệ thuật.
Tu bổ, phục hồi nhóm tháp với một số di tích như sau: Tháp Bắc, tháp Nam, trưng bày ngoài trời tháp giữa và các công trình phụ trợ như hàng rào, nhà bảo vệ, cây xanh, sân đường,…và công tác khảo cổ với tổng mức đầu tư: 9.188.000.000 đồng. Thời gian khởi công và hoàn tất trong năm 2005.
Tiếp theo, ngày 23/01/2009 Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Quyết định số 310/ QĐ – UBNN về việc phê duyệt điều chỉnh nội dung dự án “Tu bổ và phục hồi nhóm tháp Hòa Lai, xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc” cụ thể như sau: Bổ sung xây dựng tường rào phía Nam dài 21m. Bổ sung khối phát sinh tu bổ và phục hồi phần chân tháp Bắc và tháp Nam bị hư hỏng và sạt lở. Tổng mức đầu tư: 11.545.018.113 đồng. Thời gian hoàn thành năm 2009.
Sau khi hoàn thành công tác tu bổ và phục hồi, tháp Hòa Lai đã đón những lược khách đến tham quan, nghiên cứu. Tuy nhiên do mới đưa vào khai thác nên lượng khách đến còn hạn chế, chủ yếu là khách đến vì mục đích nghiên cứu, người Chăm ở địa phương thì không còn tổ chức những nghi lễ tại tháp Hòa Lai mà đa phần đều tập trung về tháp Po Klaung Garai hoặc tháp Po Rame. Hiện nay, tháp Hòa Lai vẫn còn trong quá trình tu sửa những hạn mục còn lại.
Tháp Po Rame
Tại khu vực làng Hậu Sanh, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận có hai quả núi đá khá cao nhô lên giữa cánh đồng trù phú. Hai quả núi đó nằm cạnh nhau, trên đỉnh một trong hai quả núi đó (trên 50m), đến nay vẫn sừng sững một tòa tháp cổ Champa – tháp Po Rame. Tuy được xây dựng từ lâu (thế kỉ XVII), hiện nay tháp Po Rame vẫn là nơi vào những ngày lễ, tết người Chăm thường xuyên làm lễ cầu khấn vị vua đã được thần hóa Po Rame phù hộ độ trì.
Cũng như mọi tháp điển hình khác, tháp Po Rame là một tháp vuông bốn tầng (cao 8m, rộng 8m). Tháp mở cửa về đông bằng một cấu trúc cổng dạng tiền sảnh. Trên mặt tường của thân tháp, trang trí kiến trúc chỉ còn lại hai cột ốp giả ở các góc tường và cửa giả
ở các mặt tường. Cột ốp giả có ba phần: chân là một đế bằng phẳng không có hình trang trí ốp, thân cột hình chữ nhật đứng, phẳng phiu và đầu cột thô, nặng nề. Tại gò các đỉnh cột ốp nhô ra các phiến đá trang trí hình ngọn lửa. Trên các đầu cột nổi lên ở bốn góc bốn cái u nhọn trang trí ở trên và dưới bằng những hình lá. Các cửa giả có ba thân để trơn, gồm trán cửa ở phía trên hình mũi giáo ba lớp và khung cửa gồm ba lớp cột ốp ở bên dưới. Trán cửa được khoét rỗng để đặt tượng người ngồi. Quanh rìa tráng cửa được trang trí các hình đất nung giống như ngọn lửa cấm vào.
Hai tầng trên lặp lại y hệt bố cục và hình dáng của phần thân. Tầng thứ ba cũng giống như hai tầng dưới, nhưng không có u nhọn ở các góc và các đá trang trí góc có hình thần bò Nandin bán thân. Còn trong cửa giả tượng người được thay thế bằng một phiến đá có khắc hình một chiếc đĩa nằm trên một hình lưỡi liềm. Đỉnh nóc là một tảng đá lớn hình tháp cong bốn mặt được trang trí bằng những nét khắc vạch.
Gian tiền sành có hình dáng đơn giản. Hai cạnh của vòm mái tạo thành một hình khum khum gẫy khúc gần giống hình con bò đang nằm. Cũng như các cửa giả, cửa chính có ba lớp. Quanh mép trán cửa hình mũi nhọn cũng được trang trí những mảnh đất nung hình ngọn lửa cấm vào. Chính trên các trụ cửa ra vào bằng đá ở cửa chính có nhiều bia kí Chăm cổ.
Nội thất của tháp hẹp và kéo dài theo chiều đông – tây. Ở khoảng giữa và gần vách tây là tượng Po Rame bằng đá. Cuối hành lang có cánh cửa gỗ. Trong gian hành lang tiền sảnh có hai tượng bò Nandin bằng đá quay mặt về phía tượng thờ bên trong.
Mặc dù không trang nhã và tinh tế như các tháp khác cổ hơn nhưng tháp Po Rame vẫn là một kiến trúc tháp cổ bằng gạch bề thế, hùng tráng của người Chăm và có giá trị lớn về nghệ thuật, kiến trúc. Hơn nữa, tháp Po Rame là một trong số ít tháp Chăm còn nguyên vẹn cho đến nay và đạp nước Ma Rên là một trong hai công trình thủy lợi quan trọng nhất của Ninh Thuận là do vua Po Rame xây dựng.
Tháp Po Rame là nơi để người Chăm đến thực hiện các nghi thức đền tháp vào các dịp lễ lớn như lễ Katê. Ngày nay, để khai thác các giá trị văn hóa Chăm ở Ninh Thuận đặc biệt là các di tích đền tháp, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã tiến hành các dự án trùng tu, tôn tạo lại tháp Po Rame. Mục đích là gìn giữ nét đặc sắc trong kiến trúc Chăm và phục vụ cho phát triển du lịch tham quan, nghiên cứu.
Tháp Po Rame ít chịu ảnh hưởng nhiều của chiến tranh. Ngày nay, công tác trùng tu đang được tiến hành và hứa hẹn sau khi hoàn thành tháp Po Rame sẽ là một điểm đến của
người Chăm nói riêng và cộng đồng các dân tộc nói chung để cùng nhau nghiên cứu về văn hóa của vương quốc Champa.
Việc trùng tu tháp Po Rame được tiến hành sau khi được Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận phê duyệt quyết định số 3830/ QĐ – UBND ngày 24/09/2009 về việc phê duyệt dự án “đầu tư xây dựng công trình bảo tồn, tu bổ và tôn tạo di tích Tháp Po Rame, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước”. Mục tiêu của dự án là nhằm bảo tồn một di tích có giá trị nghệ thuật đặc trưng trong thời kì cuối cùng của vương quốc Champa đang bị xuống cấp, tạo không gian cảnh quan và điều kiện hạ tầng kĩ thuật phục vụ cho hoạt động tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Chăm và hoạt động tham quan du lịch của du khách. Tổng kinh phí đầu tư 19.091.972.261 đồng.
Năm 2009 – 2010 đã hoàn thành giai đoạn 1 với các hạng mục bảo tồn, tu bổ di tích. Các hạng mục còn lại được tiến hành sau khi xác định nguồn vốn. Hiện nay, tháp đang trong quá trình hoàn thiện quá trình trùng tu.
Do mức độ hư hỏng trầm trọng nên công tác trùng tu tiến hành bằng công việc gia cố chân tháp, thân tháp và tầng mái thứ nhất ở tháp Bắc. Gia cương chống sạt lở sườn đồi bảo vệ tháp Nam.
Xây nhà quản lí kết hợp trưng bày và bán hàng lưu niệm, nhà bảo vệ và cổng tường rào, cổng và biểu tượng.
Đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước và mạng lưới điện tại đền tháp.
Trong quá trình trùng tu, tháp Po Rame vẫn mở cửa cho đồng bào Chăm vào thực hiện các nghi lễ ở đền tháp. Hiện nay vẫn chưa đưa vào khai thác du lịch.
Tháp Po Klaung Garai
Tháp Po Klaung Garai còn có tên gọi khác là Bửu Sơn, là một trong những cụm tháp lớn nhất và còn nguyên vẹn nhất của nguời Chăm. Tháp được dựng trên đỉnh quả núi mà nhân dân gọi là núi Trầu, cách thành phố Phan Rang khoảng 5km về hướng tây bắc. Xét về phong cách nghệ thuật thì cụm tháp Po Klaung Garai được xây dựng dưới thời vua Jaya Simhavaman III (thế kỉ thứ XIII – XIV). Theo truyền thuyết tháp được vua Jaya Simhavaman III (sử liệu Việt Nam gọi là Chế Mân) xây để thờ vua Po Klaung Garai, người có nhiều công trạng đối với dân tộc Chăm trong việc chống giặc ngoại xâm và có công trong việc tổ chưc khai mương, đắp đập làm cho đồng ruộng tươi tốt mà minh chứng là đập Nha Trinh ở Ninh Thuận hiện nay vẫn còn tồn tại.
Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu nghệ thuật Champa, tấm điêu khắc đá trên trán cửa tháp chính ở Po Klaung Garai là một trong những tác phẩm điêu khắc đẹp nhất của phong cách nghệ thuật Tháp Mắm. Chiếc trán cửa bằng đá này thể hiện thần Siva đang múa. Hiện nay, đền Po Klaung Garai có ba ngôi kiến trúc gạch: tòa tháp chính (tháp thờ vua Po Klaung Garai), ngôi tháp nhỏ phía đông, ngôi tháp mái dài cong phía nam.
Tháp chính là kiến trúc lớn nhất, cao trên 20m, mỗi cạnh rộng 10m. Tháp là một tháp tầng, bình đổ vuông theo kiến trúc truyền thống của Champa với nội thất là một hình chữ nhật theo hướng đông – tây và mở cửa ở mặt đông. Các mặt ngoài của tường thân tháp được trang trí bằng các cột ốp mỗi mặt tường 5 cột nhô ra để trơn. Ở chân mỗi cạnh ốp có một trang trí áp nhô mạnh ra ngoài như hình một tháp mái cong nhọn còn đầu của cột ốp là hệ thống các gờ lượn mang nhưng hình lá dài đối xứng quanh một mô típ trung tâm. Tại các góc trên đỉnh đầu các cột ốp góc tường, nhô ra một phiến đá trang trí, hình thủy quái ở góc ngoài, hình thiên nữ ở góc trong. Ngoài các cột ốp mỗi mặt tường đều nổi lên phần cột trung tâm là một cấu trúc cửa giả. Các cửa giả gần như tách khỏi tường tháp thành một cấu trúc độc lập gồm ba lớp cửa vòm hình mũi lao. Lớp trong cùng chỉ là một bộ phận gắn liền với tường tháp và có chức năng làm nền cho hai lớp giữa.
Cửa ra vào nằm ở chính giữa mặt tiền phía đông của thân tháp là một khối kiến trúc dạng phòng dài khá lớn gồm tòa tiền sảnh và phần cửa ba thân. Tòa tiền sảnh là một cấu trúc như một ngôi nhà mái vòm bằng vững chãi gồm tường và mái. Vòm mái cong hình cung nhọn được trang trí ở chân bằng một dãy bốn trụ ốp ngắn. Hai lớp cửa phía trong hoàn toàn bằng gạch và được trang trí ở mép vòm cửa các hình ngọn lửa bằng đất nung. Lớp cửa ngoài cùng có hai trụ lớn bằng đá, một lanh tô lớn cũng bằng đá đỡ vòm cửa hình mũi lao lớn bằng gạch phía trên. Giữa trán cửa ở vòm cửa ngoài cùng là một ô khám chứa hình điêu khắc thể hiện thần Siva múa.
Tòa kiến trúc quan trọng thứ hai là tháp cổng, nằm mở phía đông đối diện trực tiếp với tháp thờ. Vì chức năng làm tháp cổng nên ngôi tháp này có hai cổng thông nhau (cửa đông và cửa tây) được trang trí đơn giản hơn so với tháp thờ và có bình đồ hình chữ nhật bè ra hai