Trước hết, cấu trúc pháp luật được hiểu là tổng thể thống nhất của một hệ thống pháp luật, hay một ngành luật, một đạo luật cụ thể trong đó bao gồm các nội dung quy định liên quan chặt chẽ với nhau để điều chỉnh một lĩnh vực nhất định.
Liên quan đến pháp luật về giải quyết tranh chấp tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp, vấn đề giải quyết tranh chấp trong hoạt động kinh doanh, thương mại được quy định trong Luật Thương Mại. Theo đó, để tiến hành giải quyết các tranh chấp này, pháp luật ghi nhận bốn phương thức giải quyết tranh chấp là thương lượng, hòa giải, trọng tài và Tòa án. Tiếp đến, tranh chấp xảy ra trong hoạt động của doanh nghiệp có thể là giữa các doanh nghiệp với nhau hoặc giữa các thành viên trong doanh nghiệp thì phải xem xét đến Luật Doanh nghiệp. Đối tượng của tranh chấp của các doanh nghiệp hay giữa các thành viên của doanh nghiệp là “tài sản trí tuệ” thì phải áp dụng Bộ luật Dân sự quy định về tài sản và quyền tài sản của chủ thể và Luật Sở hữu trí tuệ để xem quy định các tài sản thuộc quyền sở hữu trí tuệ là tài sản nào. Do đó, khi giải quyết tranh chấp vấn đề liên quan đến tài sản trí tuệ thì phải có sự kết hợp của tối thiểu bốn ngành luật gồm Luật dân sự, Luật Thương mại, Luật Doanh nghiệp và Luật sở hữu trí tuệ. Như vậy, pháp luật về giải quyết tranh chấp là sự tổng hợp của nhiều ngành luật khác nhau để giải quyết được một vấn đề cụ thể.
Rõ ràng, bất kỳ một lĩnh vực nào như đất đai, hôn nhân gia đình, giao dịch dân sự đều có thể xảy ra xung đột lợi ích bất cứ lúc nào, tranh chấp hoàn toàn có thể xảy ra. Khi đó, pháp luật giải quyết tranh chấp đều có bốn phương thức đặc thù cho mọi vấn đề đó. Tuy nhiên, luật áp dụng cho từng vấn đề cụ thể là khác nhau. Ví dụ tranh chấp đất đai thì sử dụng Luật Đất đai, không thể sử dụng Luật sở hữu trí tuệ, tranh chấp tài sản trong hôn nhân gia đình thì dùng Luật hôn nhân gia đình. Do đó, giải quyết tranh chấp không có một cấu trúc pháp luật thống nhất vì chưa có một đạo luật hay ngành luật riêng cho lĩnh vực này. Đây cũng chính là một thiếu sót của quy định pháp luật.
Nếu nói đến cấu trúc của pháp luật giải quyết tranh chấp thì chỉ có thể nói đến cấu trúc của quan hệ pháp luật trong giải quyết tranh chấp.
“Quan hệ pháp luật là dạng quan hệ xã hội đặc trưng bởi sự hiện diện
và tương tác về quyền, nghĩa vụ pháp lý của các chủ thể, được pháp luật quy
định và được đảm bảo bằng các biện pháp nhà nước” [22, tr.378].
Theo đó, cấu trúc quan hệ pháp luật liên quan đến giải quyết tranh chấp tài sản trí tuệ bao gồm:
- Chủ thể của quan hệ pháp luật: là những cá nhân, tổ chức tham gia vào quan hệ pháp luật có quyền và nghĩa vụ pháp lý liên quan theo quy định pháp luật. Đối với pháp luật về giải quyết tranh chấp tài sản trí tuệ, tùy từng quan hệ tranh chấp mà các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật khác nhau.
+ Trong quan hệ tranh chấp giữa các doanh nghiệp: chủ thể tham gia quan hệ pháp luật là các pháp nhân (doanh nghiệp).
+ Trong quan hệ tranh chấp giữa các thành viên trong doanh nghiệp: chủ thể tham gia quan hệ pháp luật các cá nhân.
- Khách thể của quan hệ pháp luật: là những lợi ích và giá trị xã hội mà các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật cùng hướng tới khi tham gia quan hệ pháp luật [48, tr.390]. Theo đó đối với pháp luật về giải quyết tranh chấp tài
sản trí tuệ, chính giá trị lợi ích đạt được của tài sản trí tuệ là đối tượng mà các chủ thể trong quan hệ tranh chấp này hướng đến. Khách thể có thể là thương hiệu của doanh nghiệp, kiểu dáng công nghiệp của sản phẩm, …
- Nội dung của quan hệ pháp luật: chính là quyền và nghĩa vụ pháp lý giữa các chủ thể trong quan hệ pháp luật. Theo đó đối với pháp luật vê giải quyết tranh chấp tài sản trí tuệ, chính mâu thuẫn phát sinh từ tài sản trí tuệ ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ pháp lý của các bên chính là nội dung của quan hệ tranh chấp này.