Trong xã hội truyền thống của Việt Nam – Hàn Quốc sự tương đồng về tôn giáo tín ngưỡng thể hiện rõ nét nhất ở sự hội nhập hai tôn giáo; nho giáo và phật giáo. Trong sự hội nhập đó, theo từng thời kỳ lịch sử, Nho giáo hay Phật giáo thay nhau chiếm vị trí độc tôn
Phật giáo được du nhập vào Việt Nam từ sớm và theo hai hướng. Hướng thứ nhất từ Ấn Độ, hướng thứ hai từ Trung Quốc. Các nhà sư Ấn Độ theo đường biển đã đến Việt Nam từ đầu Công nguyên. Luy Lâu, trụ sở của Giao chỉ trở thành trung tâm của phật giáo. [52, 241] Từ Trung Hoa Phật giáo cũng được truyền vào Việt Nam. Do thâm nhập một cách hòa bình, ngay từ thời Bắc thuộc, Phật giáo được phổ biến rộng rãi. Đến thời Lý- Trần Phật giáo phát triển cực thịnh. Toàn dân theo đạo Phật, nhiều chùa tháp được xây dựng. Nhà Nho Lê Quát, học trò Chu Văn An đã nhận xét như sau “ từ kinh thành đến châu phủ, đường cùng ngõ hẻm, chẳng khiến đã theo, chẳng thể mà tin; hễ chỗ nào có nhà ở thì có chùa Phật; bỏ đi thì làm lại, hư thì sửa lại” . [52, 241]
Tại Hàn Quốc, Phật giáo được du nhập vào năm 372 [46, 112] sau đó nhanh chóng được tiếp thu. Sở dĩ Phật giáo này được tiếp nhận vì nó thích hợp để trở thành chỗ dựa tâm linh, tăng cường cơ cấu cai trị cho tầng lớp vương quyền. Năm 668 Phật giáo được coi như quốc giáo ở Shilla. Từ vua đến dân đều theo đạo Phật. Vào thời này đã có nhiều cao tăng sang Trung Quốc học (thời Đường), 5 tông phái chính được hình thành ở Shilla; phái Niết bàn tông, phái Giới luật tông, phái Pháp tính tông, phái Pháp tướng tông, phái Hoa nghiêm tông. [68, 110]
Như vậy có một điểm chung là Phật giáo được truyền vào Việt Nam và Hàn Quốc từ rất sớm, tôn giáo này đã nhanh chóng được tiếp thu và đã từng trờ thành quốc giáo ở hai nước với hai thời gian khác nhau. Chùa được xây dựng khắp nơi, dân chúng khắp nơi theo đạo Phật. Rõ ràng đây là một minh chứng cho sự phát triển rộng khắp của đạo phật, mặc dù có lúc hưng, lúc suy, tuy nhiên lòng thành với với đức Phật ở cả hai dân tộc vẫn tồn tại cho đến nay.
Đối với Nho giáo- đây là một tôn giáo cũng được du nhập vào Việt Nam và Hàn Quốc từ sớm, tuy nhiên phải mất thời gian dài, tôn giáo này mới có chỗ đứng trong xã hội của hai quốc gia.
Tại Việt Nam, Hán Nho được các quan lại Trung Hoa như Tích Quang, Nhâm Diêm, Sĩ Nhiếp tích cực truyền vào Việt Nam từ đầu Công nguyên. Đây là thứ thứ văn hóa do kẻ xâm lược áp đặt, cho nên trong suốt cả giai đoạn chống Bắc thuộc, Nho giáo chưa có chỗ đứng trong xã hội Việt Nam. Năm 1070, vua Lý Thánh Tông cho lập Văn Miếu thờ Chu Công và Khổng Tử. Đây được xem là sự kiện Nho giáo được tiếp nhận chính thức.. [52, 265]
Đến thời hậu Lê, Nho giáo phát triển mạnh, trở thành quốc giáo dưới thời Lê sơ (1428-1527). Nhà nước phong kiến Việt Nam chủ động tiếp nhận Nho giáo chính là để khai thác những yếu tố là thế mạnh của Nho giáo, thích hợp cho việc tổ chức và quản lý đất nước. Khoa thi đầu tiên được tổ chức vào năm 1075 với nội dung lấy Nho học làm nội dung thi cử. Điều này là một minh chứng cho sự tồn tại và chỗ đứng vững chắc của tôn giáo này trong xã hội Việt Nam.
Tại Hàn Quốc Nho giáo xuất hiện ở thời trung hưng của Shilla, xuất hiện như một hệ tư tưởng độc lập với Phật giáo. Nho giáo đã phát triển manh dưới thời kỳ này. Năm 682 Hàn quốc thành lập Quốc Học- một minh chứng cho sự phát triển của Nho giáo. Năm. Năm 717 chân dung Khổng Tử được mang từ Trung Quốc (thời Đường) sang shilla được bày trong nhà Quốc Học. Năm 750 Quốc Học được đổi tên thành Thái Học Giám- như một trường Đại học về Nho giáo. [68, 114]. Chương trình học tại đây gồm 3 khóa trình với các môn học.
Khóa 1. Luận Ngữ, Hiếu kinh, Lễ ký, Kinh dịch Khóa 2. Luận Ngữ, Hiếu kinh, Tả truyện, Thi kinh
Để học tại trường Thái Học Giám, phải là con em quan lại, quý tộc. Năm 788 khoa thi đầu tiên được áp dụng để tuyển chọn người ra làm quan. Các thí sinh phải vượt qua 3 vòng đọc hiểu văn bản chữ Hán. Khoa thi dựa vào kinh điền của Nho giáo, chữ Hán được giảng dạy tại đây. [68, 114]
Đối chiếu với quá trình du nhập, tồn tại của Nho giáo tại Hàn Quốc và Việt Nam, rõ ràng đều có nét tương đồng. Nho giáo đã có mặt tại hai quốc gia từ sớm, ban đầu cũng gặp khó khăn cho sự xuất hiện của mình. Tuy nhiên sau một thời gian dài, tôn giáo này cũng chính thức được chấp nhận và đã trở thành quốc giáo của hai quốc gia. Mặt khác cả hai nước đều đã xây dựng nơi thờ Khổng Tử- vị khai sinh ra đạo nho. Văn Miếu của Việt Nam cũng như Thái học giám của Hàn Quốc
Sang thời kỳ cận hiện đại, Công giáo và đạo Tin lành của phương Tây đều ảnh hưởng tới hai quốc gia. Nhà nước phong kiến của hai quốc gia, tức chính quyền Choson (Hàn Quốc) và nhà Nguyễn (Việt Nam) đều chống đối quyết liệt nhưng vẫn không thể ngăn cản. Công giáo và tin lành đã có mặt ở hai nước( đạo tin lành phát triển ở Hàn Quốc mạnh hơn Việt Nam) và ngày lễ giáng sinh trở thành ngày lễ chung của các giáo dân, một ngày lễ tính theo dương lịch.
Như vậy trên cở sở tìm hiều và rút ra những nét tương đồng về văn hóa, có thể đưa ra những những nhận xét sau:
Thứ nhất, sự tương đồng văn hóa hai nước là ngẫu nhiên, không phải có sự thỏa thuận hay bố trí sắp xếp của các triều đại phong kiến.
Thứ hai, sự tương đồng về văn hóa có nguồn gốc sâu xa, được hình thành trong suốt hàng ngàn năm và có sự bền vững lâu dài.
Thứ ba, sự tương đồng văn hóa có nguồn gốc sâu xa bền vững lâu dài này là cơ sở vững chắc, tạo dựng mối quan hệ bang giao Việt – Hàn [13, 58]