1.3.5.1. Động cơ của hoạt động học
Chúng ta đều hiểu rằng hoạt động – đó là sự đáp trả lại của cá thể đối với một tình huống hiện thực xác định. Hoạt động được thúc đẩy bởi những động cơ xác định và diễn ra trong một tình huống xác định. Vả lại, động cơ không phải là cái gì trừu tượng ở bên trong cá thể. Nó phải được thực hiện ở đối tượng của hoạt động. Nói cách khác, đối tượng của hoạt động chính là nơi hiện thân của động cơ hoạt động ấy.
Động cơ học tập của HS được hiện thân ở đối tượng của hoạt động học, tức là những tri thức, kỹ năng, kỹ xảo, thái độ… mà giáo dục sẽ đưa lại cho họ.
Những công trình nghiên cứu đã chứng tỏ rằng có hai loại động cơ: những động cơ hoàn thiện tri thức và những động cơ quan hệ xã hội. Hai động cơ này
tương ứng với A.V.Petropxki gọi là động cơ bên trong và động cơ bên ngoài.
- Động cơ bên trong là động cơ do những yếu tố kích thích xuất phát từ mục đích học tập của HS như lòng khao khát mở rộng tri thức, mong muốn có nhiều hiểu biết, say mê với bản thân quá trình giải quyết các nhiệm vụ học tập… tất cả những biểu hiện này đều do sự hấp dẫn, lôi cuốn của bản thân tri thức cũng như những phương pháp giành lấy tri thức đó.
- Động cơ bên ngoài là động cơ do những yếu tố kích thích bên ngoài đối với mục đích học tập của các em HS như thưởng và phạt, đe dọa và yêu cầu, thi đua và áp lực, khơi lòng hiếu danh, mong đợi hạnh phúc và lợi ích tương lai, cũng như sự hài lòng của cha mẹ, sự khâm phục của bạn bè… Đây là những mối quan hệ xã hội khác nhau của các em. Ở đây, những tri thức, kỹ năng, thái độ, hành vi…, đối tượng đích thực của HĐHT chỉ là phương tiện để đạt mục tiêu cơ bản khác. Trong trường hợp này, những mối quan hệ xã hội của cá nhân được hiện thân ở đối tượng học tập. Do đó, ta gọi động cơ học tập này là động cơ quan hệ xã hội.
Thông thường, cả hai loại động cơ học tập này cũng được hình thành ở HS. Chúng làm thành một hệ thống được sắp xếp theo thứ bậc. Vấn đề là ở chỗ, trong những hoàn cảnh, điều kiện xác định nào đó của dạy và học thì loại động cơ nào được hình thành mạnh mẽ hơn, nổi lên hàng đầu và chiếm địa vị ưu thế trong sự sắp xếp theo thứ bậc của hệ thống các động cơ.
Động cơ học tập không có sẵn, cũng không thể áp đặt, mà phải được hình thành dần dần chính trong quá trình HS ngày càng đi sâu chiếm lĩnh đối tượng học tập dưới sự tổ chức và điều khiển của thầy [22, tr.85].
1.3.5.2. Mục đích của hoạt động học
Đối tượng học tập là nơi hiện thân của động cơ. Muốn cho HĐHT thực hiện được động cơ, đối tượng của HĐHT phải được cụ thể hóa thành hệ thống các khái niệm của môn học. Thông qua hành động học tập, HS chiếm lĩnh từng mục đích bộ phận, riêng rẽ và dần dần tiến tới chiếm lĩnh toàn bộ đối tượng. Như vậy, mỗi khái niệm của môn học thể hiện trong từng tiết, từng bài là những mục đích của HĐHT.
Hoạt động học bao giờ cũng có mục tiêu, từ mục tiêu riêng của từng tình huống, từng bài học đến mục tiêu chung của một khóa học, một cấp học, cho đến mục tiêu cuối cùng hay mục đích học.
Mục đích học cần được định hướng theo yêu cầu của thời đại về sự phát triển con người (phát triển bản thân con người và mối quan hệ với người khác) và về sự hòa nhập xã hội và nghề nghiệp của chủ thể (cộng đồng xã hội mà sự sinh tồn và tiến hóa lệ thuộc vào từng thành viên).
1.3.5.3. Các hành động học tập
HS giải quyết các nhiệm vụ học tập của mình nhờ vào các hành động học tập. Đó là các hành động sau:
- Hành động tách các vấn đề từ các nhiệm vụ học tập được đề ra;
- Hành động vạch ra phương thức chung để giải quyết vấn đề trên cơ sở phân tích các quan hệ chung trong tài liệu học tập;
- Hành động mô hình hóa các quan hệ chung của tài liệu học tập và các phương thức chung đã giải quyết các vấn đề học tập;
- Hành động cụ thể hóa và phong phú hóa các thể hiện cục bộ, riêng lẻ của các quan hệ chung và các phương thức hành động chung;
- Hành động kiểm tra tiến trình và kết quả hoạt động học tập;
- Hành động đánh giá sự phù hợp giữa tiến trình và kết quả hoạt động học tập của HS với nhiệm vụ học tập và các vấn đề được rút ra từ nhiệm vụ đó [1, tr.56].