Ở hoạt động nào cũng vậy, muốn chiếm lĩnh đối tượng, chủ thể phải có những phương tiện nhất định, những công cụ cần thiết. Phương tiện hữu hiệu, công cụ thích hợp thì sự chiếm lĩnh đối tượng càng thuận lợi và đạt hiệu quả cao. Bản thân các phương tiện học tập chứa đựng những quy tắc, những con đường để tiến hành các thao tác học tập, nếu thiếu nó sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới kết quả học tập. Phương tiện học tập có 2 dạng: phương tiện vật chất và phương tiện tư duy.
- Phương tiện vật chất đó là toàn bộ các thành tố vật chất giúp HS tiến hành các thao tác học tập như: thư viện, sách, vở, phòng thí nghiệm với các thiết bị bộ môn... Trong nhà trường, sách vở, tài liệu tham khảo là những công cụ đắc lực của người học. Thư viện trường cần có nhiều tài liệu mang tính cập nhật. Có như vậy mới tạo điều kiện cần thiết cho hoạt động học tập của HS diễn ra có kết quả. Ngoài sách vở và tài liệu tham khảo, các yếu tố vật chất khác như: bàn ghế, ánh sáng, phòng học, phòng đọc, các phương tiện kỹ thuật như máy tính... cũng sẽ là những yếu tố quan trọng tạo cho HS có được sự hứng thú, niềm say mê thực hiện các thao tác tự học để đạt tới mục đích học tập [1].
- Phương tiện tư duy: trong hoạt động học tập, tư duy là phương tiện cơ bản. Như ta đã biết, tư duy đó là sự phản ánh hiện thực một cách khái quát, gián tiếp, vì nó phản ánh những thuộc tính hiện thực, lôgic của đối tượng thông qua các khái niệm. Không những thế, nó còn thay thế những hành động thực tế với chính các sự vật bằng các hành động tinh thần với những hình ảnh tinh thần (hình tượng, biểu tượng, khái niệm) do đó cho phép giải quyết các nhiệm vụ học tập, nhiệm vụ thực tế thông qua hoạt động tinh thần (lý luận). Ngoài lý do đó, tư duy còn bao hàm cả việc biến đổi những cứ liệu đã có và nhờ sự biến đổi đó người ta đạt được mục đích học tập đề ra.
Vì vậy, trong quá trình dạy học GV phải chú ý đến 2 loại phương tiện này nhằm hỗ trợ về phương tiện vật chất và dần rèn luyện về phương tiện tư duy giúp cho HS hình thành một công cụ hữu ích trong việc chiếm lĩnh tri thức.