Thứ nhất, cần nâng cao nhận thức cho người dân trong diện giải tỏa, nhất là người dân thuộc vùng nông thôn có trình độ học vấn chưa cao, chưa nhận thức hết tầm quan trọng của dự án. Ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân về việc Nhà nước thu hồi đất còn hạn chế, trong đó có không ít đối tượng cố tình kích động, lôi kéo nhân dân, cản trở việc thu hồi đất... Để làm được điều này, BQLDA nói riêng và Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình nói chung cần phải có những biện pháp kết hợp như tuyên truyền, thuyết phục thông qua chính quyền địa phương bằng cách tổ chức các buổi nói chuyện lắng nghe và giải quyết những yêu cầu của người dân, giúp người dân thấy được lợi ích mà dự án này mang lại là cải thiện đời sống người dân và xóa đói giảm nghèo. Đồng thời cũng phải phổ biến cho người dân biết các chính sách và quy định của nhà nước, khuyến khích người dân thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, tạo điều kiện cho “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” và cùng hưởng lợi trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tiến tới xây dựng nông thôn mới phát triển theo hướng văn minh, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Bên cạnh đó cũng phải có các biện pháp cưỡng chế để đảm bảo dự án được thực hiện theo đúng tiến độ.
Thứ hai, việc dự kiến quỹ đất, công tác giải phóng mặt bằng cần được thực hiện trước khi BQLDA lập kế hoạch vốn đầu tư cho dự án. Để việc giải
phóng mặt bằng diễn ra thuận lợi thì công tác lập kế hoạch giải phóng mặt bằng cần phải được thực hiện chi tiết, cụ thể, dự trù được những vấn đề phát sinh. Việc xác định từng loại đất đai, tài sản thuộc điện đền bù cần phải theo đúng định mức đơn giá đền bù của nhà nước, thống nhất trong toàn bộ các tiểu dự án của tỉnh, tránh tình trạng đến bù chênh lệch gây nên sự khiếu nại, bất bình của người dân đẫn đến việc giải tỏa bị chậm chễ. Cụ thể:
Tỉnh Hòa Bình cần chuẩn bị đủ quỹ đất tái định cư, sau đó đề nghị bồi thường bằng đất đối với các hộ đủ điều kiện bồi thường. Về giá bồi thường cần thiết phải có hướng dẫn tiêu chí cụ thể để xác định giá đất sát với giá thị trường trong điều kiện bình thường. Đối với các trường hợp bị thu hồi một phần thì: đối với các trường hợp phần còn lại lớn hơn hạn mức giao đất tối đa (trên 90 m2) thì không được bố trí tái định cư; đối với phần diện tích bị thu hồi đủ điều kiện bồi thường từ 30 - 90 m2 mà phần diện tích còn lại nằm trong hạn mức giao đất (40 - 90 m2) thì được giao tái định cư một lô đất có diện tích bằng hạn mức giao đất tối thiểu là 40 m2; đối với các trường hợp phần diện tích bị thu hồi đủ điều kiện bồi thường nhỏ hơn 30 m2 thì không được tái định cư, chỉ được bồi thường bằng tiền, trừ trường hợp diện tích còn lại cũng nhỏ hơn 30m2 thì phải có đơn xin thu hồi nốt thì mới được xem xét tái định cư như trường hợp bị thu hồi toàn bộ.
UBND tỉnh Hòa Bình cũng cần áp dụng hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề và tạo việc làm bằng hình thức tiếp tục giao đất dịch vụ đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp còn lạiđể đảm bảo tính thống nhất trong việc thực hiện chính sách giải phóng mặt bằng...