Vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên

Một phần của tài liệu Cải thiện môi trường đầu tư nhằm tăng cường thu hút FDI vào tỉnh Thái Nguyên (Trang 40 - 44)

2.3.2.1 Vị trí địa lý

Tỉnh Thái Nguyên là trung tâm kinh tế - chính trị của vùng trung du miền núi Đông Bắc nói chung và khu Việt Bắc nói riêng, là cửa ngõ giao lưu kinh tế xã hội giữa vùng trung du miền núi phía Bắc với vùng đồng bằng Bắc Bộ. Trung tâm thành phố Thái Nguyên cách thủ đô Hà Nội 80km, phía bắc giáp tỉnh Bắc Kạn, phía đông giáp tỉnh Lạng Sơn và Bắc Giang, phía tây giáp Vĩnh Phúc và Tuyên Quang. Diện tích tự nhiên 3526,215 km2.

Với vị trí thuận lợi về giao thông, cách sân bay quốc tế Nội Bài 50km, cách biên giới Trung Quốc 200km, cách trung tâm Hà Nội 80km và cảng Hải Phòng 200km. Thái Nguyên còn là đầu nút giao thông của hệ thống đường bộ, đường sắt, đường sông hình rẻ quạt kết nối các tỉnh phía bắc, với đường quốc lộ 3 nối Hà Nội đi Bắc Kạn, Cao Bằng và cửa khẩu Việt Nam – Trung Quốc; quốc lộ 1B Lạng Sơn; quốc lộ 37 Bắc Ninh, Bắc Giang. Hệ thống đường sông Đa Phúc – Hải Phòng, đường sắt Thái Nguyên – Hà Nội – Lạng Sơn.

Thái Nguyên có nhiều dãy núi cao chạy theo hướng Bắc Nam và thấp dần xuống phía Nam. Cấu trúc vùng núi phía Bắc chủ yếu là đa phong hóa mạnh, tạo thành nhiều hang động và thung lũng nhỏ.

Ngoài dãy núi trên còn có dãy Ngân Sơn bắt đầu từ Bắc Kạn chạy theo hướng Đông Bắc - Tây Nam đến Võ Nhai và dãy núi Bắc Sơn chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Cả ba dãy núi Tam Đảo, Ngân Sơn, Bắc Sơn đều là những dãy núi cao che chắn gió mùa đông bắc.

Thái Nguyên là một tỉnh trung du miền núi nhưng địa hình lại không phức tạp lắm so với các tỉnh trung du, miền núi khác, đây là một thuận lợi của Thái Nguyên cho canh tác nông lâm nghiệp và phát triển kinh tế xã hội nói chung so với các tỉnh trung du miền núi khác.

2.3.2.2 Tài nguyên thiên nhiên. a. Tài nguyên đất

Do ảnh hưởng của địa hình nên đất đai ở Thái Nguyên được chia làm ba loại đất chính:

- Đất feralit núi chiếm 48,1% diện tích tự nhiên, phân bố ở độ cao trên 200m, hình thành do sự phong hoá trên các đá macma, đá biến chất và đá trầm tích. Đất này thích hợp cho việc phát triển lâm nghiệp, trồng các cây đặc sản, cây ăn quả và một phần cây lương thực cho nhân dân vùng cao.

- Đất feralit đồi chiếm 31,1% diện tích tự nhiên, chủ yếu hình thành trên cát kết, bội kết, phiến sét và một phần phù sa cổ kiến tạo.

- Đất dốc tụ và đất đồng bằng trên thềm phù sa cổ, phù sa sông suối chiếm 12,4% diện tích tự nhiên.

Trong tổng quỹ đất của tỉnh, diện tích đất đã sử dụng chiếm 67,5%. Diện tích đất chưa sử dụng còn khá nhiều và có thể khai thác sản xuất nông nghiệp và lâm nghiệp.

b . Tài nguyên nước

Thái Nguyên có hai con sông chính là Sông Công và Sông Cầu. Sông Công có lưu vực 915km2 bắt nguồn từ vùng núi Ba Lá huyện Định Hóa, chạy dọc theo chân dãy núi Tam Đảo. Dòng sông được ngăn lại tại Đại Từ tạo thành hồ Núi Cốc

có mặt nước rộng khoảng 25km2, chứa khoảng 175 triệu m3 nước, có thể điều hòa dòng chảy và chủ động tưới tiêu cho 12.000 ha lúa hai vụ, hoa màu, cây công nghiệp và cung cấp nước sinh hoạt cho thành phố Thái Nguyên, thị xã Sông Công. Sông Cầu nằm trong hệ thống sông Thái Bình có lưu vực 3.480 km2 bắt nguồn từ chợ Đồn tỉnh Bắc Kạn chảy theo hướng Bắc – Đông Nam. Hệ thống thủy nông Sông Cầu tưới cho 24.000 ha lúa hai vụ của các huyện Phú Bình (Thái Nguyên), Hiệp Hòa, Tân Yên (Bắc Giang).

Ngoài ra, tỉnh Thái Nguyên còn nhiều sông nhỏ khác thuộc hệ thống sông Kỳ Cùng và hệ thống sông Lô. Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn thì trên các con sông nhánh chảy trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có tiềm năng thuỷ điện kết hợp với thuỷ lợi quy mô nhỏ.

Bên cạnh nguồn nước mặt, Thái Nguyên còn có trữ lượng nước ngầm khá lớn, nhưng việc khai thác và sử dụng còn hạn chế.

c. Khoáng sản

Thái Nguyên nằm trong vùng sinh khoáng Đông Bắc Việt Nam, thuộc vành đai sinh khoáng Thái Bình Dương. Khoáng sản Thái Nguyên chia thành 4 nhóm như sau:

- Nhóm nguyên liệu cháy: Bao gồm than mỡ, than đá được phân bố tập trung ở 2 huyện Đại từ và Phú Lương.

+ Than mỡ: Thái Nguyên có tiềm năng than mỡ khoảng trên 15 triệu tấn, trong đó trữ lượng tìm kiếm thăm dò khoảng 8,5 triệu tấn, chất lượng tương đối tốt, tập trung ở các mỏ: Phấn Mễ, Làng Cẩm, Âm Hồn.

+ Than đá: Có tổng trữ lượng tìm kiếm và thăm dò khoảng 90 triệu tấn tập trung ở các mỏ: Bá Sơn, Khánh Hòa, Núi Hồng, Cao Ngạn.

Thái Nguyên được đánh giá là tỉnh có trữ lượng than lớn thứ 2 trong cả nước, sau tỉnh Quảng Ninh.

+ Kim loại đen:

Sắt: Có 47 mỏ và điểm quặng trong đó có 2 cụm mỏ lớn:

 Cụm mỏ sắt Trại Cau có trữ lượng khoảng 20 triệu tấn có hàm lượng Fe 58,8% - 61,8%.

 Cụm mỏ sắt Tiến Bộ nằm trên trục đường ĐT 259 có tổng trữ lượng quặng phong hóa khoảng 30 triệu tấn.

Titan: Đã phát hiện 18 mỏ và điểm quặng (trong đó 3 mỏ lớn, 3 mỏ nhỏ và 12 điểm quặng) phân bố chủ yếu ở phía bắc Đại Từ. Thành phần chính của quặng là limenhít có hàm lượng 30% -80%. Tổng trữ lượng thăm dò khoảng 18 triệu tấn.

+ Kim loại màu:

Thiếc: Có ở 3 mỏ thuộc huyện Đại từ: Các mỏ Phục Linh, Núi Pháo, Đá Liền. Tổng trữ lượng của 3 mỏ này khoảng 13.600 tấn.

Vonfram tìm thấy ở mỏ Đá Liền, trữ lượng khoảng 28.000 tấn.

Chì kẽm: Tìm thấy ở Lang Hít, Thần Sa, Đại Từ qui mô điểm quặng nhỏ. Vàng: Có ở khu vực Thần Sa, chỉ là vàng sa khoáng hàm lượng thấp. Ngoài ra còn có đồng, ni ken, thủy ngân...trữ lượng quặng nhỏ. - Nhóm khoáng sản phi kim loại:

Có pyrít, barít, phốtphorít... trong đó đáng chú ý là phốtphorít ở một số điểm quặng: Núi Văn, Làng Mới, La Hiên. Tổng trữ lượng khoảng 60.000 tấn.

- Khoáng sản vật liệu xây dựng:

Thái Nguyên có nhiều khoáng sản vật liệu xây dựng trong đó đáng chú ý là đất sét xi măng ở 2 mỏ Cúc Đường và Khe Mo, trữ lượng khoảng 84,6 triệu tấn. Đá Cacbônat bao gồm đá vôi xây dựng, đá vôi xi măng, Đôlômit tìm thấy ở nhiều nơi. Riêng đá vôi xây dựng có trữ lượng xấp xỉ 100 tỷ m3, trong đó 3 mỏ Núi Voi, La Hiên, La Giang có trữ lượng 222 triệu tấn. Đó là vùng nguyên liệu dồi dào cho sự phát triển ngành vật liệu xây dựng, trong đó có xi măng và đá ốp lát.

Nhìn chung tài nguyên khoáng sản của tỉnh Thái Nguyên rất phong phú về chủng loại, trong đó có nhiều loại có ý nghĩa lớn trong cả nước và vùng như sắt, than (đặc biệt là than mỡ). Điều này tạo cho Thái Nguyên một lợi thế so sánh lớn trong việc phát triển các ngành công nghiệp luyện kim, khai khoáng... để có thể trở thành một trong các trung tâm luyện kim lớn của cả nước.D

d. Tiềm năng du lịch

Với lợi thế có nhiều danh lam thắng cảnh tự nhiên và nhân tạo như hồ Núi Cốc, hang Phượng Hoàng, núi Văn, núi Võ; các di tích lịch sử như: An toàn khu Việt Bắc - ATK, có rừng Khuôn Mánh và di tích khảo cổ học thời kỳ đồ đá cũ ở huyện Võ Nhai. Bên cạnh đó, còn có các di tích kiến trúc nghệ thuật chùa chiền, đình, đền tại nhiều địa phương trong tỉnh như: Khu Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam, Đền Đuổm, chùa Hang, chùa Phủ Liễn, đền Xương Rồng, đền Đội Cấn. Hiện nay, Thái Nguyên đang triển khai quy hoạch khu du lịch hang Phượng Hoàng, suối Mỏ Gà, Hồ Suối Lạnh... và cả hệ thống khách sạn chất lượng cao gần đạt tiêu chuẩn quốc tế. Năm 2007 Thái Nguyên đã tổ chức rất thành công năm du lịch quốc gia hướng về cội nguồn chiến khu Việt Bắc thu hút hàng triệu khách du lịch đến thăm trong đó có nhiều khách nước ngoài.

Một phần của tài liệu Cải thiện môi trường đầu tư nhằm tăng cường thu hút FDI vào tỉnh Thái Nguyên (Trang 40 - 44)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(72 trang)
w