Thái Nguyên thuộc Vùng trung du và miền núi phía Bắc, một vùng được coi là nghèo và chậm phát triển tại Việt Nam. Mặc dù vậy , kinh tế Thái Nguyên đang dần chuyển sang công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tỷ trọng nông nghiệp đang giảm dần. Năm 2011, cơ cấu kinh tế của Thái Nguyên có tỉ lệ công nghiệp và xây dựng chiếm 41,77%; dịch vụ chiếm 36,95%, nông lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm 21,28% Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) trên địa bàn năm 2011 là 10,1% (kế hoạch điều chỉnh là tăng 10%); GDP bình quân đầu người năm 2011 ước đạt 22,3 triệu đồng, vượt mục tiêu kế hoạch và tăng 2,5 triệu đồng/người so với năm 2010; Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 1994) trên địa bàn là 9.972 tỷ đồng, bằng 100,2% kế hoạch đầu năm và tăng 14% so với năm 2010; Giá trị xuất khẩu trên địa bàn ước đạt 65,38 triệu USD, bằng 93,4% kế hoạch điều chỉnh; Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 2.631,87 tỷ đồng, trong đó tổng thu ngân sách trong cân đối là 2.022,37 tỷ đồng, bằng 124,22% dự toán đầu năm; bằng 108% dự toán điều chỉnh và tăng 28,48% so với năm 2010. Riêng thu nội địa 1.908,17 tỷ đồng; bằng 120,57% dự toán đầu năm; bằng 108,38% dự toán điều chỉnh và tăng 24,21% so với năm 2010; Giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thuỷ sản (theo giá so sánh 1994) ước đạt 2.316 tỷ đồng, tăng 4,02% so với năm 2010, bằng mục tiêu kế hoạch điều chỉnh; Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi năm 2011 là 725 tỷ đồng, đạt tốc độ tăng 12,7% so với năm 2010 và vượt mục tiêu kế hoạch đề ra đầu năm là tăng 8% trong năm 2010; Diện tích trồng rừng tập trung toàn tỉnh đạt 6.565 ha, tăng 11,4% so với trồng mới năm 2010. Trong đó, riêng địa phương trồng theo dự án 661 đạt 5.045 ha, bằng 112,1% kế hoạch.