6. Kết cấu luận văn
1.3. Sự “Chuyển cực” rốt ráo đáng chú ý từ ngôi kể thứ ba sang ngôi kể thứ
Hiện diện trong một một hành trình văn học, mỗi nhà văn vừa là một thành tố trong cái guồng quay nghệ thuật chung, lại vừa phải là một cá thể. Nhìn chung, tùy theo mục đích, ý tưởng riêng và ảnh hưởng của âm hưởng thời đại, xã hội, sự kế thừa và sáng tạo trong lao động nghệ thuật cứ diễn ra không ngừng, hài hòa và phong phú.
Yếu tố chủ thể tự sự cũng vậy. Vận động của nó vừa mang chất truyền thống (ảnh hưởng, học tập, kế thừa), vừa thuộc về sự chọn lựa riêng của nhà văn. Đến lượt nó, bản thân sự lựa chọn ấy lại trở lại phản ánh mối quan hệ riêng - chung của tâm tưởng, ý thức , quan điểm của người cầm bút đối với cuộc sống , con người và với chính mình.
Chủ thể kể chuyện trong những trang tự sự của Nguyễn Khải cũng vận động trong mối quan hệ riêng - chung ấy : truyền thống và hiện đại; từ ngôi kể ẩn mình đến ngôi kể trực tiếp; từ người kể mang tư cách nhà văn , nhà báo, người nghe chuyện, quan hệ, tiếp xúc, đến người kể trực tiếp tự sự về mình; từ nhân vật được trao quyền kể đến hình thức phối hợp dẫn dắt mạch tự sự giữa tác giả và nhân vật... ở đây, chúng tôi không chỉ chủ tâm chú mục khảo sát xem nhà văn đã sử dụng những hình thức tự sự nào, mà qua đó, chúng tôi muốn làm rõ sự "chuyển cực" rốt ráo từ ngôi kể thứ ba sang ngôi kể thứ nhất, nhất là cái "tôi" tự kể ở ông. Sự chuyển cực ấy, có lẽ ngay cả với nhà văn, nó vốn cũng không phải là cái mà ông định trước. Và đây cũng chính là hiện tượng gây ngạc nhiên, đáng quan tâm đối với giới nghiên cứu văn học.
Trả lời phỏng vấn trên báo Văn nghệ (số 6,7/1991), Nguyễn Khải tự phân biệt hai thời kỳ sáng tác rõ rệt : "Từ 1955 đến 1978 tôi sáng tác theo một cách, từ 1978
đến nay, theo một cách khác", ở đây, chúng tôi có phần đồng quan điểm với nhà
nghiên cứu Lê Thị Hồ Quang khi chọn mốc 1980 để khảo sát các truyện ngắn của Nguyễn Khải, vì sự gián cách trong thể loại sáng tác của nhà văn khi ông chuyển ngòi bút sang vùng đất của ký, tiểu thuyết,... trong khoảng hơn mười năm từ 1963 đến 1973, và từ 1974 đến đầu thập niên 80.
Khảo sát 88 tác phẩm của Nguyễn Khải (sáng tác từ năm 1956 đến năm 2001), chúng tôi đưa ra thống kê như sau :
-Từ 1956 - 1974 : 17 truyện, trong đó : +Ngôi kể thứ 3:12 truyện +Ngôi kể thứ nhất: 5 truyện. -Từ 1981 - 2001 : 71 truyện, trong đó : +Ngôi kể thứ 3:11 truyện +Ngôi kể thứ nhất: 60 truyện.
Hai truyện ngắn Người mơ mộng và Một trường hợp ly dị (1974) trở lại trình làng sau gần 10 năm gián cách - đều được kể ở ngôi thứ nhất - đã có những báo hiệu đầu tiên cho một sự đổi mới mạnh mẽ của hình thức chủ thể kể chuyện : Cái "Tôi" kể chuyện bắt đầu thể hiện mình (suy nghĩ, nhận định,...) qua đối thoại và độc thoại, dù chỉ mới ở tư cách nhà văn tiếp cận hiện thực.
Từ 1981 trở đi, với Hai ông già ở Đồng Tháp Mười, Người gặp hàng ngày,
Một giọt nắng nhạt,... Cái thời lãng mạn, Nếp nhà, Chúng tôi và bọn hắn,... Nguyễn
Khải gần như chuyển sang hình thức tự sự chủ quan hóa. Từ cái tôi - nhà văn với những trăn trở, xúc cảm của người cầm bút trước hiện thực cuộc sống , con người và chuyện nghề nghiệp, cho đến cái tôi tự truyện, sự hiện diện của "chú Khải", "ông Khải", "anh K." dẫn người đọc từng biết ông đi từ chỗ ngạc nhiên, bất ngờ đến thành quen thuộc trước một hiện tượng, một cái "tạng" tự sự "độc đáo, chẳng giống bất cứ
ai" [85.5,94]. Trước đó, Nguyễn Khải gần như giấu kín thế giới riêng tư - con người
cá nhân, với những ký ức về gia đình, dòng tộc, những mối quan hệ họ hàng, những hỉ, nộ, ái, ố trước thói đời và tình người. Và cũng chính nhà văn, sau đó, đã chuyển sang gần như giãi bày tất cả trên trang giấy, ngay cả trong những tràng viết tưởng chừng như chỉ nói đến chuyện nghề của người cầm bút.
Chẳng hạn, trong Những năm tháng yên tĩnh, trước khi viết về nhân vật Quân - người anh hùng với những chiến công thầm lặng, người cầm bút xưng "tôi" đã "kịp" nói về sự hiện diện gần như thường trực của mình trong các sáng tác về sau này : "về già còn hay nhớ những năm còn trẻ, xa hơn nữa, những năm còn là trẻ con.
Trong mỗi trang văn của tôi luôn luôn có bóng dáng một thằng bé con ẩn nấp đâu đó
giữa các dòng chữ. Nhưng tuổi thơ của tôi rất nhạt và buồn ..."
Mà ở Nguyễn Khải, dù xuất hiện trực tiếp hay ẩn mình, hình tượng tác giả - người kể chuyện vốn đã muốn bằng cách này hay cách khác, bộc lộ mạnh mẽ cái chủ quan của mình. Có điều, sự bộc lộ chủ quan ấy cũng "chuyển cực" theo hình thức ngôi kể. Nó đi liền với hai quãng đời khác nhau, tiếp liền nhau trong cùng một con người : con người trẻ tuổi say lý tưởng và người già trung thành với lý tưởng đang chiêm nghiệm trước nhiều thực tại khác nhau của cuộc sống, của "cái hôm nay ngổn
ngang, bề bộn" (Nguyễn Khải). "Cái hôm nay" ấy có sức khơi nguồn cho một sự tự
vượt thoát mạnh mẽ của một ngòi bút đầy sinh lực, không hề biết mệt mỏi trong lao động sáng tạo, không ngừng tự làm mới mình trên chính cái đường ray nghệ thuật mà ông đã chọn từ hơn nửa thế kỷ trước.
Huống chi, những chặng đời của nhà văn quân đội Nguyễn Khải lại gắn liền với những thời điểm quan trọng trong dòng lịch sử cách mạng của dân tộc, từ những
ngày tháng máu lửa chiến tranh đến những công cuộc xây dựng, kiến thiết, cho đến thời kỳ mở cửa đầy sôi động... Cho nên, ngoài những vấn đề có tính chất lý luận, chúng tôi muốn khảo sát sự chuyển cực mạnh mẽ trong hình thức chủ thể kể chuyện của Nguyễn Khải trên cơ sở mối quan hệ với những hoàn cảnh lớn nhỏ khác nhau, mà ở đó, người cầm bút mặc áo lính Nguyễn Khải đã sống và viết, đã gắn bó máu thịt, gắn bó đến tận cốt hồn.
Chủ đề cách mạng - kháng chiến và lao động xây dựng chủ nghĩa xã hội trong suốt 30 năm văn học chiến tranh (1945 - 1975) đã trở thành hơi thở chung của một thời đại văn học. Hít thở không khí đó, các thế hệ nhà văn, lớp cũ - lớp mới, lớp trước - lớp sau, đã từng bước hội nhập và góp phần xây dựng một nền văn học mới, kết tinh
từ "những vận hội lớn và thách thức lớn", mang đậm cảm hứng sử thi và chất anh
hùng ca, thể hiện lý tưởng yêu nước và yêu chủ nghĩa xã hội. Không phải trăn trở, lột xác đầy đau đớn, vật vã, "rất tự hào mà xót tận trong da” trước khi làm cuộc "nhận đường" lịch sử trên trang viết như lớp nhà văn tiền chiến, Nguyễn Khải ngay từ lúc khởi nghiệp cầm bút đã là Người - Cách - Mạng. Huống chi, nhà văn lại thuộc lớp người cầm bút mặc áo lính, nên càng ý thức rõ vai trò "người thư ký thời đại" đối với cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại của cả dân tộc.
Nếu trong những trang viết của lớp văn nghệ sĩ chuyển mình theo cách mạng, người đọc thường bắt gặp tình cảm "chịu ơn" và những cảm xúc lớn lao được tái sinh, được giác ngộ, được đổi đời, kiểu "Người thay đổi đời tôi, Người thay đổi thơ
tôi", thì thế hệ Nguyễn Khải sống và viết trong niềm tự hào trọn vẹn của lớp trẻ say
lý tưởng thời đại, lớn lên và trưởng thành cùng với từng bước ngoặc vĩ đại của lịch sử. Hơn ai hết, họ là những người "khấn trọn mình" với lý tưởng, luôn ý thức rõ những yêu cầu của lịch sử và sứ mệnh thiêng liêng mà người cầm bút thọ lãnh. Mang tư cách công dân và tư cách người lính, xác định trước hết quan điểm tính Đảng, tính giai cấp như là một yêu cầu tối thượng phục vụ cho cuộc kháng chiến, họ biết mình nên viết cái gì, không nên viết cái gì, ngợi ca cái gì, phê phán cái gì trong vô vàn mảng hiện thực của cuộc sống thời chiến.
Nhìn nhận lại chính mình và những bạn viết cùng thời, nhà văn Xuân Thiều bộc bạch :
"Chúng tôi (...) từng đứng giữa cơn lốc của chiến tranh và cũng đã từng chịu đựng khá nhiều vất vả của cái thời đại thô thiển và ấu trĩ trong văn học còn ngáng
trở sự sáng tạo của người cầm bút. Bởi thế cần phải nói thêm một sự thực khác. Lúc
cả nước đang tiến hành chiến tranh, tác phẩm chúng tôi viết ra là để cho người lính,
nông dân đọc, mà họ đang cầm súng đối mặt với một kẻ thù tàn bạo, nên chúng tôi tự
hiểu nên viết cái gì, dẫu đấy là hiện thực chiến tranh. Nghĩa là với ý thức trách
nhiệm công dân, trách nhiệm người cầm bút, chúng tôi không viết những điều
phương hại đến mục tiêu của cả dân tộc là "tất cả để chiến thắng" [118].
Nghĩa là, đã có lúc, bên cạnh những thành tựu đáng được công nhận, người ta buộc phải chấp nhận một sự "nhân nhượng" trong thẩm định nghệ thuật, chấp nhận "sự thô thiển ấu trĩ" đã hạn chế không ít khả năng sáng tạo của người cầm bút. Nghĩa là, đã có lúc, vì yêu cầu chung của thời cuộc, người cầm bút buộc phải vận dụng có phần máy móc những nguyên tắc của phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa. Phải là những trang viết không có bi kịch, tránh nói về nỗi buồn, sự mát mát, chia lìa,..., những thứ có thể làm cho con người ủy mị, yếu mềm, thối chí, đánh mất bản chất con người mới xã hội chủ nghĩa. Một thời, lối viết đó đã được coi là một thứ khuôn phép tư tưởng để khẳng định khả năng "sống" hay cần phải "xem lại" đôi với tác phẩm văn học. Không ít sáng tác đã phải chịu những "oan án" trước khi được đặt đúng vào vị trí xứng đáng của nó, bởi những cái gọi là "biểu hiện tư tưởng lệch lạc, xa rời giai cấp", là "buồn rớt, mộng rớt tiểu tư sản", là "chưa đoạn tuyệt với quá khứ". Nguyễn Khải không gặp cảnh ngộ đó. Cầm bút ở tuổi đôi mươi, khao khát được đi và được viết, nhà văn sớm được khuôn mình rất trọn vẹn trong định hướng mục tiêu sáng tác của văn học cách mạng ngay từ những năm đầu của cuộc kháng chiến. Tự nhận mình là người "gặp thời", được đi nhiều, thâm nhập nhiều, được viết với tư cách nhà văn của nhân dân, cùng hành trình với nhân dân, thân cận với các giai cấp tiên tiến của cách mạng, nhà văn đã hòa nhập vào ý thức của người cầm bút giai đoạn này, là "phải nhanh chóng chuyển sang tiếng nói của đời sống khách quan,
tiếng nói của quần chúng nhân dân" [133, 100].
Cảm hứng sáng tạo thuộc về chủ quan của người nghệ sĩ, nhưng nó không phải là sự vận động tự thân. Nó bắt rễ từ mảnh đất thực tại, từ hiện thực khách quan của
cuộc sống, mà trở lại tỏa cành xanh lá trong bầu khí quyển của hiện thực khách quan ấy. Chính là cái hoàn cảnh lớn của đất nước những năm có chiến sự, chính là những yêu cầu bức thiết của công cuộc cách mạng thời chiến đã tạo ra một thứ "xung lực" lớn, tác động vào cuộc sống, ý thức, tư tưởng con người, giai cấp, nhất là người cầm bút. Nó đặt ra cho nhà văn ý thức về chỗ đứng, về tiếng nói nghệ thuật đối với dân tộc, nhân dân, giai cấp, thời đại. Nó trực tiếp chi phối cái bầu không khí mà nhà văn hít thở và lao động sáng tạo. Nó góp mặt cả vào việc định hướng tình cảm, ước mơ, khát vọng, những thói quen tư duy và cảm xúc của nhà văn. Nó "khiến" nhà văn sống trọn vẹn với cái hoàn cảnh lớn ấy, để say, để viết, và có khi, bước hẳn qua cái hoàn cảnh nhỏ thuộc về cuộc đời riêng, những quan hệ gia đình, những ký ức vui buồn,... vốn vẫn gắn bó máu thịt với một phần đời nào đó của người cầm bút.
Hoàn cảnh lớn ấy tạo ra một ảnh hưởng chung đối với người nghệ sĩ : là văn học phục vụ công nông binh, viết về công nông binh, dĩ nhiên nhà văn phải thuộc về công nông binh, đi với công nông binh, mới "thấm" được, viết được. Nó hình thành xu thế chung trong những lớp người cầm bút, từ thế hệ tiền chiến theo cách mạng, đến thế hệ hình thành trong kháng chiến, cái "xu hướng chối từ bản ngã, không nói
về mình" [223].
Trong Nhật ký ở rừng (1947), Nam Cao viết:
"Hồi ấy tôi viết văn để cho người ta biết đến tên tôi. Tôi ao ước tạo một cái gì đó nó sẽ sống lại sau tôi. Tôi thèm lời khen của các bạn văn, của những người sơ
học đọc.
...Sau cuộc Cách mạng Tháng Tám, càng ngày tôi càng thấy rằng cái "tôi" của
mình thật ra chẳng nghĩa lý gì. Nó có một chút giá trị nào, là khi nó biết hòa hợp vào
những người xung quanh.Nhiều khi phải biết quên mình đi, quên cái tên tuổi của
mình, nếu muốn thành một người có ích...".
Tâm sự của Nam Cao có lẽ cũng là của lớp bạn viết cùng thời với ông. Đi ra từ cuộc sống cũ, đến với đời sông văn học kháng chiến với tất cả sự cố gắng, không ít lần họ mang cái mặc cảm tự thấy mình "bất lực", "ỳ ạch" so với thời cuộc bão lửa của dân tộc. Họ luôn bằng mọi cố gắng, mọi khả năng, thể hiện trên trang viết cái ý nguyện, ý hướng hòa nhập từ con người đến tiếng nói nghệ thuật của mình vào biển
sông bao la của dân tộc và thời đại cách mạng. Họ cho rằng bàn tay họ "nếu chưa
cầm súng một phen thì cầm bút cũng vụng về". Họ ước mơ cây bút mình "khạc ra lửa
và đạn như cây súng" để có thể theo kịp phong trào, thể hiện ở mức cao nhất sự thâm
nhập vào xu thế thời đại. Nó được coi là một thế mạnh mà người cầm bút giai đoạn này cần thiết phải có.
Thế mạnh ấy hội tụ ở thế hệ Nguyễn Khải.
Sáng tác của Nguyễn Khải trước 1980 thể hiện rất rõ xu hướng ấy. Nhà văn rất tránh kể về bản thân, tránh nói về những chuyện riêng tư của mình, từ gia đình đến đời sống, từ tình cảm đến ý thức, trừ vài dòng "tự bạch" trong bài viết Con đường
dẫn tôi đến nghề văn (1963). Tác phẩm chỉ hè ra cho người đọc một chút tư liệu ít ỏi
về một người trẻ tuổi "chậm chạp", "ngốc nghếch" ,“rụt rè", "thường mang vẻ mặt
sầu muộn". Người trẻ tuổi ấy lại trở thành một nhà văn, thành một người "gặp
thời", được cái thế "tự do vùng vẫy cho thỏa chí bình sinh" trên trang viết ! Người trẻ
tuổi chân thành tự nhận mình là "cá gặp nước", "rồng gặp mây trong cái vận hội văn chương của dân tộc thời kháng chiến. Chỉ có thế, không hơn. Khổng có những trang, dòng thuộc về tiểu sử cá nhân, để người ta có thể biết thêm chút ít về cuộc đời của người cầm bút, mà sự khởi đầu của nghiệp văn chương gần như trùng khít với sự khởi đầu của một thời kỳ đầy sôi nổi, hào hùng (nếu không nói là "sự trùng khít kỳ
lạ" giữa những cột mốc lịch sử và tiểu sử nhà văn).
Trong Người gặp hàng ngày (1981), một truyện ngắn đánh dấu sự chuyển hướng trong sáng tác , Nguyễn Khải từng nói về quan điểm chọn nhân vật cho trang viết của mình, như chúng tôi đã đề cập ở mục 1.2.2.2. Đến Nghề văn cũng lắm công phu (1992), nhà văn một lần nữa nhìn nhận, rõ hơn, chân thành hơn :
"Năm ấy những người trí thức trong quân đội có xu hướng tự phủ nhận mình để được toàn tâm chiêm ngưỡng người lính, trầm trồ trước mọi hành động và lời nói