6. Kết cấu luận văn
1.2.2. Chủ thể kể chuyện kiểu "chủ quan hóa" với hình tượng người kể chuyện
"Tôi"
Chiếm số lượng "áp đảo" so với 23 sáng tác có ngôi kể "vô nhân xưng", 65 sáng tác sử dụng ngôi kể thứ nhất là một trong những hiện tượng đáng chú ý trong sự vận động của hình thức ngôi kể ở Nguyễn Khải.
Khi ý thức cá nhân của con người thời đại ngày càng định hình, phát triển, nhu cầu khẳng định yếu tố con - người - cá - thể trong đời sống chung của con -người - xã - hội ngày càng rõ nét, thì ý thức "cá thể hóa hoạt động sáng tạo" (Lê Ngọc Trà) cũng ngày càng mạnh mẽ. Tự sự phát triển, hình thức chủ thể kể chuyện, vì thế, cũng ngày càng mang nhiều dạng vẻ phong phú. Nhà văn, hoặc đứng ra cầm trịch, trực tiếp điều động toàn bộ mạch tự sự, hoặc phó thác, trao quyền tự sự cho nhân vật, hoặc cùng kể với nhân vật.
Nhìn chung, ở tự sự hiện đại, dù ẩn thân hay xuất hiện, là một người kể hay nhiều người kể, các dạng thức khác nhau của chủ thể tự sự đã góp phần khẳng định sự phát triển của nghệ thuật tự sự, đồng thời góp phần định hình những chân dung
sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ.
Từ dòng chảy của chủ nghĩa lãng mạn đến đỉnh cao của chủ nghĩa hiện thực (khởi phát từ văn học phương Tây mà văn học Việt Nam chịu những ảnh hưởng nhất định), ngôi kể thứ nhất (tôi, chúng tôi) ngày càng được chú ý sử dụng. Đặc điểm hoàn cảnh xã hội và những biến động lớn của nó đã tạo nên những cú va đập mạnh vào tình cảm, ý thức của con người, nhất là người nghệ sĩ, khiến nhu cầu được thể hiện, tự thể hiện bộc phát mạnh mẽ. Những nhà văn giàu năng lực và bản lĩnh sáng tạo luôn có ý thức làm mới mình, vượt thoát và tự vượt thoát khỏi những lối mòn nghệ thuật trong quá trình tự hoàn thiện không có dấu chấm cuối cùng. Trong những quá trình tự vượt thoát ấy, yếu tố truyền thống vẫn không mất đi. Có điều, ý thức phát
huy và sáng tạo đã giúp các nhà văn không trở thành cái bóng của người khác và của chính mình ngày hôm qua, ngay cả khi cần vận dụng liên tục một phương thức nghệ thuật nào đó. Chẳng hạn, hiện tượng Nguyễn Khải với kiểu xưng danh "tôi" một giọng trong hàng loạt sáng tác từ sau 1975, mà nhất là từ 1980 trở đi.
Chủ thể kể chuyện xưng "tôi" xuất hiện trong sáng tác của Nguyễn Khải mang nhiều tư cách khác nhau.
Một trong những nét chuyển đổi nổi bật mà giới nghiên cứu, phê bình và bạn đọc nhận thấy ở Nguyễn Khải, chính là cái "tôi" tự kể. Nhà văn tìm được tư liệu cho trang viết ngay trong hồi ức của chính mình. Con người quá khứ trở thành đối tượng khai thác của con người hiện tại, hoặc trong suốt câu chuyện, hoặc trong một khoảnh khắc "chợt nhớ" nào đó.
Đó còn là cái "tôi" - nhà văn, có lúc trực tiếp xuất hiện, là chú Khải, ông Kh., có lúc là nhân vật "tôi" đại diện , trực tiếp kể, độc quyền kể, hoặc cùng kể với nhân vật xứng tôi trong truyện, hoặc làm người dẫn dắt cho mạch tự sự của nhân vật - chủ thể chính trong truyện. Chuyện người, chuyện đời sống, chuyện nghề viết, đã lẫn lượt được phản ánh, khai thác từ nhiều góc độ, nhiều mối quan hệ khác nhau.
Thử thống kê chi tiết các hình thức xuất hiện và kết hợp tự sự của chủ thể kể chuyện xưng "tôi" trong 65 truyện ngắn, chúng tôi có các con số sau :
-"Tôi" : tự truyện 6 tác phẩm
-"Tôi" : người cầm bút kể chuyện người khác 36 tác phẩm -"Tôi" : người cầm bút kể chuyện người khác + tự truyện 11 tác phẩm -"Tôi" : nhân vật được trao quyền kể chuyện 3 tác phẩm -"Tôi" : người cầm bút kể chuyện người khác
+ nhân vật xưng "tôi" kể 7 tác phẩm -"Tôi" : người cầm bút vừa kể chuyện người khác
+ tự truyện + nhân vật xưng "tôi" kể 1 tác phẩm
Bóng dáng Nguyễn Khải hầu như in dấu thường trực trong hầu hết các sáng tác. Xét trên thực chất, thì hình tượng "tôi" nhà văn cũng có cùng xuất xứ với cái tôi tự kể, nhưng ở đây, được chúng tôi tách ra, khảo sát trên phương diện nghề nghiệp.
Nếu ở tự truyện, bóng dáng tác giả tự kể hiện lên ở phần đời, thuộc về số phận, cuộc đời riêng, tiểu sử, gia đình, ký ức dòng tộc,..., thì ở tiếng nói của người cầm bút, bóng dáng người nghệ sĩ hiện lên ở góc độ lao động sáng tạo nghệ thuật, liên quan đến nghề viết, chuyện nghề, vấn đề cảm quan của người nghệ sĩ, của bạn viết và những trăn trở với nghiệp văn chương trước bao biến thiên của cuộc sống,...
Khảo sát có phần tách bạch như thế, e rằng không thể tránh khỏi sự máy móc. Nhưng chúng tôi muốn qua đó, nhận diện rõ hơn phong cách sáng tạo của Nguyễn Khải qua hình tượng nhân vật "tôi" tham gia hoạt động tự sự, nhất là cái tôi tự thể hiện ở cả chuyện đời lẫn chuyện nghề - một xu hướng nổi bật trong trang viết Nguyễn Khải từ sau 1980 so với chính mình trước đó.
1.2.2.1. Nguyễn Khải và cái "tôi" tự truyện
Hình thức chủ thể kể chuyện trực tiếp xứng danh, dẫn dắt, đánh giá, phán xét với lối kể một giọng, có lúc, là một thế lực ức chế cảm hứng tiếp nhận văn chương của người đọc. Tuy vậy, xuất phát từ ý đồ nghệ thuật riêng của nhà văn, có khi cái "tôi" trực tiếp kể ấy - nhất là cái "tôi" tự kể trong các sáng tác có tính chất tự truyện - chính là cách thể hiện bộc trực nhất, chân thực nhất, sâu nhất cái thuộc về tác giả, kể cả những chuyện tưởng chừng đã bị vùi lấp trong lớp bụi quá khứ. Nó hướng thẳng đến người đọc, giãi bày, bộc bạch, thể hiện quan điểm, chính kiến, sự chiêm nghiệm,... mà không cần thiết phải ký gửi, phó thác cho một ai khác.
Thực tế, ngay khi nhà văn tự thuật, thì bản thân cái "tôi" tự kể cũng đã mang trong nó khoảng cách. Đó là khoảng cách giữa "tôi" - hiện tại đang hồi ức, dẫn dắt mạch tự sự, với cái "tôi" - quá khứ đang dần dần hiện ra trước mắt người đọc. Thời điểm hôm qua không phải là thời điểm xảy ra hành động kể. Người kể đang ở trong hiện tại, thực hiện vai trò quan sát, thẩm định chính mình, con - người - quá - khứ. Nói không quá, có khi, những cái "tôi" tự kể ấy đã khiến không biết bao nhiêu trái tim người đọc rung động, thổn thức, trăn trở. Bởi chính hình thức tự truyện đã quy định cho người kể một giọng kể có thể "khiến" được người đọc cùng sông, cùng buồn vui với quá khứ ấy, có cảm xúc đồng điệu, sẻ chia với người kể. Những dòng tự truyện của M. Gorki, Lỗ Tấn, Nguyên Hồng, Nguyễn Khải,... đã "hút" được người đọc bởi những thăng trầm, đổi thay của những số phận, những kiếp đời trong sự thay
đổi thăng trầm của một dân tộc, một thời đại, một gia đình, dòng tộc,..., được hồi ức trực tiếp như thế.
Với 6 sáng tác tự truyện và 12 sáng tác khác có yếu tố tự truyện, Nguyễn Khải đã "nói" với người đọc về mình thật chân thành, về chuyện "chú Khải", "ông Khải",... ở nhiều thời điểm khác nhau. Dĩ nhiên, không thể đồng nhất một cách máy móc rằng, mọi chi tiết tự sự ấy đều là chuyện của tác giả. Nhưng phải công nhận rằng, ở Nguyễn Khải, xu hướng tự thể hiện mình bộc lộ khá rõ, và đây là yếu tố khiến người đọc thường liên tưởng đến tác giả khi bắt gặp sự xuất hiện của chủ thể "Tôi" dẫn dắt mạch tự sự.
Hiện ra trước mắt người đọc là quá khứ xa, quá khứ gần. Quá khứ xa là thời thơ ấu của nhà văn với những ngày tháng sống đầy buồn bã, cay đắng trước khi được giác ngộ cách mạng, là những kỷ niệm sâu sắc khó quên trong kháng chiến. Quá khứ gần là chân dung của một "ông Khải" đời thường, một người già đi qua bao biến thiên của cuộc sống, có lúc chiêm nghiệm từng trải, có lúc lại ngơ ngác trẻ thơ trước dòng chảy của xã hội thời mở cửa.
Cái "tôi" thời thơ ấu của tác giả đã hướng người đọc vào thế giới của những vùng ký ức gia đình, dòng tộc, mà kỷ niệm buồn nhiều hơn vui, cay đắng nhiều hơn ngọt ngào, đau khổ nhiều hơn ấm êm, hạnh phúc. Chủ thể kể chuyện hình như muốn trút gửi cho người đọc tất cả những tủi hờn, mặc cảm thân phận của những ngày tháng sống có cha mà thiếu tình thương phụ tử, phải chứng kiến những đau khổ, thiệt thòi của người mẹ - một thân phận lẽ mọn bọt bèo đầy nước mắt.
Một giọt nắng nhạt (1987) tập trung khá rõ ràng thế giới hình ảnh những người
thân trong gia đình và những tháng ngày tuổi thơ qua hồi ức của nhà văn. Đó là hồi ức của "tuổi mười lăm nửa vui nửa buồn, việc nước thì vui, việc nhà thì buồn".
Trong Mẹ và bà ngoại (1996) từ một người "hiền lành, nhu nhược, thích sống
ỷ lại, phụ thuộc'", người mẹ ấy đã biết vươn lên, tự lực cánh sinh, không để con cái
phải nặng lo cho mình, ngay cả khi đã luống tuổi, đáng được nghỉ ngơi.
Hiện diện trong những trang tự truyện của Nguyễn Khải, còn có những người thân trong dòng tộc nội ngoại, được tác giả nhắc đến với những mức độ đậm nhạt khác nhau.
Ở Má hồng (1997) mạch tự truyện chủ yếu dồn vào câu chuyện về cô Dịu, người mà tác giả tự nhận là "tôi yêu nhất" trong số họ hàng bên ngoại, cũng là người bạn thân thiết nhất hơn sáu chục năm của mẹ tác giả. Từ câu chuyện về bản lĩnh sống của nhân vật, cái "tôi" tự truyện đã "lẩy" lên hai sự chiêm nghiệm thật sâu sắc. Một, là sự chiêm nghiệm về bí quyết "buộc" được đàn ông của người đàn bà, từ chỗ gần như không buộc gì cả :
"Châm ngôn của cô, không nên đòi hỏi gì ở người đàn ông cả, mình cứ làm
cho hết bổn phận. Nếu là người biết nghĩ thì họ sẽ tự sửa đổi chứ không do người
đàn bà buộc họ phải sửa đổi. Đàn ông họ sợ nhất sự bắt buộc. Với những người
chồng có tính phóng đãng, cô khuyên các bà vợ nếu muốn buộc chân họ thì nên dùng
sợi dây dài, chớ dùng dây ngắn mà hỏng. Cô lại nói thêm, tốt nhất là đừng trói buộc
gì cả, cho họ tự do hoàn toàn, còn mình phải tạo ra một gia đình thật ấm áp, là nơi
tin cậy nhất của những ông chồng sau mọi thất bại. Về nhà là về với sự yên tĩnh, sự
tin cậy, để lấy lại những thứ mà họ đã đánh mất ở nơi này hay nơi kia".
Hai, là "phép lạ rất đơn giản" mà người mẹ mang đến cho con cái, mỗi khi chúng gặp đau khổ, bất hạnh : "không ai tránh được những bất hạnh này nọ ở đời. Nhưng cách nhận nó như thế nào lại thuộc cái quyền của mỗi người. Nhận nó bằng
nụ cười vẫn nhẹ nhõm hơn bằng tiếng rên la”. Cùng với sự chiêm nghiệm thứ hai của
nhân vật là sự tự chiêm nghiệm của chủ thể kể chuyện về "cái cười" của mỗi người trong cuộc sống, "cái cười không mất tiền mua mà sao con người ta lại khắt khe với mình đến thế".
Lần lượt xuất hiện trong Nếp nhà và Một người Hà Nội là hai bà cô khác, cũng được tác giả nhắc đến với một thái độ trân trọng. Họ là những người còn giữ lại được bóng dáng một thời của Hà Nội mà vẫn không lạc hậu trước thời cuộc, là những "hạt
bụi vàng lấp lánh" của Hà Nội, sang và đẹp.
Ở Nếp nhà (1987), bà cô - "cái túi khôn của tôi", chủ thể tự sự - là người vẫn
còn giữ được gia pháp mà vẫn được con cháu, dâu rể yêu thương, kính trọng.
Ở Một người Hà Nội (1990) đó là cô Hiền, người suốt đời vẫn sống đúng với
phong cách thanh lịch, tinh tế, sang trọng của người Hà Nội mà vẫn rất thực tế, rất thức thời.
Thời gian sống nhờ, sống chung với những người bà con họ ngoại còn được Nguyễn Khải nhắc đến trong truyện ngắn Đã từng có những ngày vui (1992) mà với cái "tôi" tự truyện, nó thật sự là những ngày vui so với những ngày sống đầy tủi cực trong gia đình bên nội. Tác giả lần lượt dựng lại từng chân dung trong cái gia đình ở phố Đỗ Hữu Vị : bà bác sang cả đầy uy quyền, một đời không mó tay vào việc nhà mà vẫn được chồng con vì nể ; ông anh bác sĩ có tư tưởng đối lập với hai cô em gái thân Việt Minh, đang tích cực tham gia các hoạt động kín của cách mạng. Đưa lời kể thâm nhập vào chuyện quá khứ, những thay đổi của mỗi người giữa những ngày cách mạng sôi động cũng được tác giả điểm lại. Bà bác thì "trở nên rất dễ dãi, có gì ăn
nấy, không mắng mỏ phiền trách ai". Còn hai cô chị họ - Linh và Nga - thì gần như
hòa hẳn vào niềm vui được phục vụ hoạt động cách mạng.
Chuyển sang điểm nhìn hiện tại để soi chiếu quá khứ, cái "tôi" tự truyện vừa nhận định về sự thay đổi diệu kỳ của họ ngày ấy, "mới hay cái phép thiêng của niềm
tin, tình yêu có thể cải tử hồi sinh là chuyện có thật” vừa nghiệm lại cái thời non nớt,
ngây thơ của mình trong không khí cách mạng, "năm ấy tôi nào đã biết gì nhưng rất
hãnh diện được tham dự vào một âm mưu phản loạn của người lớn, được sống trong
cái không khí bí mật của người lớn, chỉ thế thôi cũng đã hơn lứa bạn cùng tuổi nhiều
lắm". Cũng từ điểm nhìn hiện tại, đối diện với những người thân gặp lại sau bao năm
dài xa cách, chủ thể kể chuyện đã sống trong một trạng thái hoàn toàn khác. Người chị họ giờ "to mập, mắt má sựng sịu, bèo nhèo, tóc cắt ngắn đã bạc quá nửa” khiến cậu em không thể nhận ra ngay. "Trời ơi, chị Linh ! chị Linh ơi, sao chị già nhanh
thế, xấu nhanh thế ! Nhưng tối chỉ kêu trời ơi rồi nước mắt trào ra chứ không dám
nói thêm". Thời gian và những biến thiên của dòng đời và cuộc sống mỗi người khiến
chủ thể kể chuyện thoáng bâng khuâng về những ngày vui đã xa mãi mãi vẫn là một ký ức đẹp không thể nào quên.
Lọt vào "tầm ngắm" của "chú em nhà văn" còn có những bà chị họ khác: chị Hoàng, chị Đại, chị Bơ, mà trong Nắng chiều (1989) đối lập với chị Đại, chị Hoàng "hay nói tục nhất trong lọ” nhưng thật ra là "khẩu xà tâm phật", là chị Bơ hiền lành, người đã hy sinh cả một thời thanh xuân cho các cô em họ, cũng là nhân vật chính của câu chuyện.
Trong truyện ngắn Tiền (1989) chủ thể "tôi" giới thiệu với người đọc chân dung cô Hiền, cô em họ đảm đang tháo vát, gánh cả giang sơn nhà chồng nhưng cũng rất quyết liệt, "xù lông giương vuốt để giữ chặt lấy cái phần của mình", và biết tự thủ "vấn liếng riêng" để khi về già không phải ngửa tay xin con.
Đặt điểm nhìn tự sự vào cả nhân vật và người kể chuyện, sự chiêm nghiệm đầy thấm thìa về mối quan hệ giữa đồng tiền và đời sống mỗi con người đã được chủ thể kể chuyện soi chiếu từ những hoàn cảnh sông, quan niệm sống khác nhau. Nó vừa là kinh nghiệm riêng của những con người cụ thể trong câu chuyện, lại vừa mang chứa trong đó bóng dáng của biết bao cuộc đời đã, đang, và sẽ đối mặt với thế giới sông muôn mặt, mà trong từng mặt người ta đểu thấy ít nhiều cái sắc lóe của tiền...
Danh phận và Ông trưởng họ là hai truyện ngắn Nguyễn Khải dành viết về
những người họ nội, ngoài những trang truyện về người bố và gia đình bà cả.