Vai trò của cộng đồng người Khmer và người Việt ở vùng đồng bằng sông Cửu

Một phần của tài liệu giao lưu văn hóa việt – khmer ở vùng đồng bằng sông cửu long (1975 – 2000) (Trang 83 - 85)

7. Bố cục của đề tài

3.1.Vai trò của cộng đồng người Khmer và người Việt ở vùng đồng bằng sông Cửu

ĐỐI VỚI LỊCH SỬ VĂN HÓA DÂN TỘC VIỆT NAM

3.1. Vai trò của cộng đồng người Khmer và người Việt ở vùng đồng bằng sông Cửu Long Cửu Long

Người Khmer là dân tộc có nét văn hóa độc đáo riêng góp phần tạo nên nét đặc thù của văn hóa vùng Nam Bộ. Biểu hiện đậm nét sắc thái văn hóa đó có phần quan trọng của hệ thống lễ hội. Nếu các tour du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long gắn với hệ thống lễ hội của người Khmer, ngành du lịch có thể cung cấp cho du khách nhiều hiểu biết không chỉ là sinh hoạt lễ hội mà còn nhận thức đầy đủ hơn về kiến trúc, điêu khắc, hội họa,... của người Khmer.

Có thể nói, văn hóa Khmer có vai trò quan trọng trong việc hình thành vùng văn hóa Nam Bộ tạo cho du khách những ấn tượng về sự phong phú của nền văn hóa Việt Nam. Văn hóa của người Khmer cũng như lễ hội của họ sẽ góp phần không nhỏ vào việc phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long nếu biết khai thác một cách hợp lý.

Là một dân tộc thiểu số trong cộng đồng dân tộc Việt Nam, dân tộc Khmer ở vùng đồng bằng sông Cửu Long có nền văn hóa phát triển khá sớm và chắt lọc được nhiều nét giá trị đặc sắc, phản ánh tương đối đầy đủ những đặc trưng văn hóa Khmer nước ta. “Những giá trị văn hóa do dân tộc Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long sáng tạo ra trong quá trình lịch sử là vô cùng đa dạng và phong phú, nó bao gồm cả văn hóa vật chất (đình, chùa, miếu, kiến trúc, công cụ sản xuất…) và văn hóa tinh thần (truyền thống, phong tục, tín ngưỡng…). Những giá trị văn hóa đó thể hiện bản sắc của người Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long trong lao động sản xuất, cải tạo thiên nhiên, chiến đấu chống thiên tai và giặc ngoại xâm, cũng như trong đời sống sinh hoạt tinh thần” [29, 66].

Những cư dân người Việt tìm đến vùng đất Nam Bộ từ hơn ba thế kỉ về trước, khoảng cuối thế kỉ XVI và đầu thế kỉ XVII. Trước đó vùng đất này còn hoang hóa, bởi những kiến tạo địa lý và thủy văn. Cùng với người Việt, trước đó một ít là người Khmer từ thượng lưu sông Mê Công cũng tìm đến tham dự việc khai khẩn vùng đất Nam Bộ. Những cộng đồng di dân này tìm đến vùng đất Nam Bộ với mục đích quan trọng hàng đầu là tìm đất mưu sinh, lập nghiệp.

Người Việt ở Nam Bộ nói chung và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, vốn là những lưu dân có gốc Bắc Bộ và Trung Bộ. Phần lớn họ là những nông dân, thợ thủ công, dân nghèo sống không nổi ở quê nhà vì nhiều lý do đành phải buộc lòng ly hương tìm nơi đất sống mới. Cùng đến đất Nam Bộ, thành phần của dân người Việt còn khá nhiều các lớp người khác như các binh lính được phái đi đồn trú, khẩn hoang, những thương nhân hay những tội đồ bị đầy đi biệt xứ,…

Đến đất Nam Bộ định cư, những lưu dân người Việt đã tập hợp lại thành nhóm, những cộng đồng với người Khmer, hay người Hoa…bắt tay vào công cuộc khai mở đất đai, lập ấp khẩn hoang. Vốn là những cư dân của nền văn minh nông nghiệp lúa nước, họ đã nhanh chóng thích ứng với vùng đất mới. Người Việt với những hành trang, với chiều dày lịch sử hàng ngàn năm, kinh nghiệm trồng lúa, trồng hoa màu, với cách tổ chức đời sống cộng đồng là cái vốn quý nhất để họ đối diện và tồn tại trên vùng đất mới này. Thêm vào đó là sự cộng cư của người Khmer và các dân tộc bản địa anh em, người Việt đã có thêm những học hỏi văn hóa mới, tạo nên sự giao lưu văn hóa giữa các dân tộc trên cả vùng Nam Bộ.

Hơn ba thế kỷ qua, người Việt đã đạt được nhiều thành công, thành tựu lớn lao trong công cuộc định cư và khai mở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Những xóm ấp được lập nên, xen lẫn với những phum, sóc của người Khmer, những cánh đồng trồng lúa, hoa màu, cây ăn trái…trải dài khắp miền đất phương Nam. Cùng với cuộc sống vật chất, nhu cầu tâm linh cũng đã dần dần được đáp ứng đó là những đền, chùa, miếu cũng được xây cất, một số tín ngưỡng tôn giáo ra đời, và cả phương thức tổ chức đời sống cộng đồng làng xã quen thuộc được đem từ phía Bắc vào, với sự trải

nghiệm và thích ứng với môi trường tự nhiên và xã hội, người Việt hay người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long đã hình thành một nét văn hóa riêng của mình.

Cho đến nay, có khá nhiều bài viết, công trình nghiên cứu, tìm hiểu về văn hóa người Việt và người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long. Những lí giải từ nhiều góc cạnh khác nhau về văn hóa người Việt hay người Khmer. Đối với người Việt ở đồng bằng sông Cửu Long hay các vùng khác ở Nam Bộ kể cả người Việt ở các vùng miền khác của đất nước, có cội nguồn văn hóa chung từ hàng nghìn năm, từ cái nôi văn minh sông Hồng, văn minh trồng lúa nước ở Bắc Bộ. Đó là điều cơ bản. Người Việt Nam Bộ là một trong những bộ phận của người Việt sống trên lãnh thổ Việt Nam, đã chuyển dịch không gian sinh tồn vào vùng đất phương Nam. Ở đây, họ đã tái lập (hoặc tái cấu trúc) văn hóa Việt truyền thống trên một vùng đất mới, không gian văn hóa của vùng đất Nam Bộ. Nơi đó văn hóa Việt truyền thống đã tìm cách thích ứng và phát triển trong điều kiện tự nhiên và xã hội khác với vùng “đất Tổ” của mình. Chính điều đó đã tạo nên nét riêng của văn hóa của người Việt ở vùng đồng bằng sông Cửu Long này.

Một phần của tài liệu giao lưu văn hóa việt – khmer ở vùng đồng bằng sông cửu long (1975 – 2000) (Trang 83 - 85)