Những giá trị văn hóa Việt ở vùng đồng bằng sông Cửu Long

Một phần của tài liệu giao lưu văn hóa việt – khmer ở vùng đồng bằng sông cửu long (1975 – 2000) (Trang 46 - 52)

7. Bố cục của đề tài

2.2.2.Những giá trị văn hóa Việt ở vùng đồng bằng sông Cửu Long

2.2.2.1. Những giá trị văn hóa vật chất tiêu biểu

*Về cư trú: Người Việt sống thành các ấp, giồng như làng ở ngoài Bắc. Nét nổi

bật của làng xóm là được hình thành trên giồng đất chạy dọc các triền sông, các kênh rạch. “Làng không có lũy tre, cổng làng quây chặt và đóng kín khu cư trú, tách biệt với khu canh tác như ở ngoài Bắc; mà gắn liền với hệ thống kênh rạch và đồng ruộng. Nhà cửa không dựng theo lối mật tập mà theo chế đất canh tác, theo kiểu “tiền viên,

hậu điền” (phía trước là vườn, phía sau là ruộng); nhà cửa thường đơn sơ bằng tre

nứa, lá dừa; không phải theo kiểu nhà ngói, sân gạch, kín cổng cao tường như ở ngoài Bắc” [9, 242].

Dù có một số nét khác biệt, song đất Nam Bộ, những con người Việt ở nơi đây - nơi xa xứ luôn nhớ về đất Bắc như nhớ về cội nguồi của mình. Điều này thể hiện ở cách gọi thứ tự anh chị em trong gia đình như: “người con đầu (trai, gái) được gọi là anh hai, chị hai, vì quan niệm anh cả, chị cả đã ở ngoài Bắc, hoặc ở miền Trung, vào miền Nam là em thứ” [9, 248].

Bài thơ Nhớ Bắc của Huỳnh Văn Nghệ đã nói lên tính khắng khít và thống nhất của vùng đất Nam Bộ, con người Nam Bộ và văn hóa Nam Bộ trong quốc gia dân tộc Việt Nam:

“Ai về đất Bắc ta theo với Thăm lại non sông giống Lạc Hồng

Từ độ mang gươm đi mở cõi

Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long…”

*Về phương diện văn hóa ẩm thực: Ngoài một số món ăn Bắc, người Việt ở

Nam Bộ nói chung và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng tạo ra nhiều món ăn mới để thích ứng trong điều kiện thiên nhiên của một vùng có nhiều kênh rạch. Người Việt ưu tiên dùng nguồn đạm thủy sản, kết hợp với các loại chim thú (chuột, dơi, cóc, rùa), các loại côn trùng. Kỹ thuật chế biến thực phẩm có nấu, nướng, phơi khô, ướp, làm mắm.

Người Việt Nam Bộ ưa ăn mặn, ăn cay, chua, gỏi; trong mâm cơm thường có đãi rau tự nhiên trong vườn, đĩa mắm ớt thêm vài lát xoài. Các vùng có dừa (như tỉnh Bến Tre) chú trọng sử dụng dừa trong chế biến thức ăn.

Về uống, “người Việt ưa uống các loại nước mát (chủ yếu là nước dừa), ít dùng trà như người Việt ở miền Bắc” [9,241].

Trong ăn uống của người Việt Nam Bộ, nét nổi bật là cung cách ăn uống rất phù hợp với điều kiện của vùng sông nước và có kinh tế hàng hóa phát triển: ít chú ý đến chế biến cầu kỳ, bày vẽ hình thức mà thường “xuềnh xoàng”, thích ăn uống ở hàng quán, ăn uống kết hợp với giải quyết các mối quan hệ công việc và xã hội (trong khi người Việt ở Bắc Bộ thường mời khách về nhà).

*Về mặc: Khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa thì trang phục của cư dân vùng này không có gì khác biệt so với ngoài Bắc. Nhưng dần dần càng tiến về phương Nam thì trang phục của cư dân Đàng Trong càng có những đặc điểm khác biệt so với cư dân Đàng Ngoài. Đặc biệt là, từ khi người Hoa vào Đàng Trong năm 1680 thì trang phục của cư dân bản địa đã có những ảnh hưởng nhất định. Điều này đã được Trịnh Hoài Đức ghi lại trong Gia Định thành thông chí như sau: “Duy có người Việt ta noi theo tục cũ Giao Chỉ: người quan chức thì đội khăn cao sơn, mặc áo phi phong, mang giày bì đà, hạng sĩ thứ thì bới tóc, đi chân trần, con trai con gái đều mặc áo vắn tay bâu thẳng, may kín hai nách, không có quần, con trai dùng một miếng vải buộc từ sau lưng thẳng đến dưới háng quanh lên đến rún, gọi là cái khố, con gái có người không mặc váy, đội nón lớn, hút điếu binh, ở nhà thấp, trải chiếu ngồi dưới đất, không có bàn ghế. Năm Mậu Ngọ (1738) Thế tôn Hiếu võ Hoàng đế định lại sắc phục, các quan văn võ châm chước theo chế độ của đời Hán Đường, đến Đại Minh thì hình thức mới chế như phẩm phục quan chế ngày nay đã ban hành theo trong Hội điển, gồm đủ cả văn chất. Còn y phục gia thất khí dụng của hàng sĩ thứ đại lược như thể chế đời Minh”.

Đến đời chúa Thế Tông Nguyễn Phước Khoát lại có một biến động lớn xảy ra trong việc cải cách trang phục. Triều đình quy định cư dân Đàng Trong phải ăn mặc như người Tàu, phụ nữ mặc quần chứ không còn mặc váy như người Đàng Ngoài, nhằm tạo nên sự khác biệt trong trang phục so với Đàng Ngoài.

Một quan niệm khác lại cho rằng, “Có thể áo bà ba ảnh hưởng, cách tân từ áo lá và áo xá xẩu may bằng vải buồm đen của người Hoa lao động, là kiểu áo cứng, xẻ giữa, cài nút thắt... Phải chăng do thời tiết quanh năm nóng bức, họ bỏ luôn chiếc cổ thấp của áo lá và áo xá xẩu, mang thêm áo quanh chân cổ cho chắc. Áo xẻ giữa thay vì cài nút thắt đã được làm khuy, cài nút nhựa do ảnh hưởng phương Tây”.

Cho đến nay, về cơ bản, cách mặc của cư dân Đồng bằng sông Cửu Long có sự thống nhất với các vùng miền khác trong nước. Nhưng do đặc điểm địa hình, thời tiết,

khí hậu, mà cư dân Đồng bằng sông Cửu Long đã chọn cho mình những bộ trang phục phù hợp, mang tính đặc trưng. Cư dân Đồng bằng sông Cửu Long sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Làm nông nghiệp thì buộc con người suốt ngày phải bán mặt cho đất bán lưng cho trời, quanh năm chân lấm tay bùn, trong điều kiện thời tiết hai mùa mưa nắng rõ rệt màu sắc trong trang phục của người dân đồng bằng sông Cửu Long ngày xưa thường chọn gam màu chủ đạo là màu đen, nâu sậm, ít khi mặc màu trắng, trừ khi đám tiệc, lễ hội. Ngày xưa, để nhuộm vải, người ta dùng lá bàng, vỏ trâm bầu, trái mặc nưa... làm nguyên liệu. Chiếc áo bà ba và chiếc khăn rằn từng là phục sắc hết sức phổ biến của cư dân. Cho đến nay, chưa thấy có tư liệu nào xác định rõ nguồn gốc của chiếc áo bà ba. Người ta chỉ biết rằng, vào đầu thế kỷ XX loại áo này đã được mặc khá phổ biến của cả vùng Nam bộ. Theo nhà văn Sơn Nam thì “Bà Ba là người Mã Lai lai Trung Hoa. Chiếc áo bà ba mà người miền Nam ưa thích, vạt ngắn không bâu chính là kiểu áo của người Bà Ba”.

2.2.2.2. Những giá trị văn hóa tinh thần tiêu biểu

*Tín ngưỡng tôn giáo, phong tục tập quán: Tôn giáo và tín ngưỡng của người Việt Nam Bộ nói chung và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng khá đa dạng và phức tạp. Người Việt Nam Bộ coi trọng tục thờ cúng tổ tiên, thờ thần thổ địa (có tiếp thu thần Neaktà của người Khmer, thờ ông Bổn của người Hoa), thờ thành hoàng. Bên cạnh đó, người Việt ở đây còn thờ cây, đá, ông hổ, thờ tiên hiền, có các nghi lễ nông nhiệp từ ngoài Bắc; thờ cá voi, thờ mẫu (tiêu biểu là đền Bà Chúa Xứ ở Châu Đốc tỉnh An Giang).

“Trong tục thờ tổ tiên, người Việt ở nhiều địa phương thuộc các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Long An – các vùng đất được coi là người nông dân Việt ở Trung Bộ vào khai phá đầu tiên có một nghi thức đặc biệt là lễ cúng lề - nghi thức hồi tưởng cảnh sống xiêu tán, khổ cực khi từ miền Trung vào khai phá Nam Bộ: phải có nồi cá nấu ám (cá mổ bằng dao tre, để nguyên con, không đánh vảy, nấu trong nồi đất); rải

chiếu ngay trên nền đất để cúng, đồ đựng thức ăn để cúng và để ăn sau khi cúng là bát bằng gáo dừa hay đồ sành thô.

Ngôi đình ở làng Nam Bộ không mang dáng vẻ uy nghi, tiêu biểu như ngoài Bắc. Thành hoàng ở các làng xã là các võ tướng gắn với công cuộc mở đất, dựng nghiệp của các chúa Nguyễn và triều Nguyễn (Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Văn Thoại hay Thoại Bạch hầu, Võ Tánh, Võ Duy Nghi…); vào thời Pháp thuộc là các anh hùng chống Pháp như Nguyễn Trung Trực, Trương Định…” [9, 244].

Nét nổi bật về tôn giáo của người Việt vùng đồng bằng sông Cửu Long là nhiều tôn giáo (Phật, Kitô giáo, Islam, Tin lành) đã được địa phương hóa, kết hợp với các tín ngưỡng bản địa đã trở thành các tôn giáo mới, như Cao Đài, Hòa Hảo, Đạo Dừa…, dễ đi vào mê tín dị đoan, thường gắn với các yếu tố chính trị, xã hội nên bị lợi dụng (khác với Bắc Bộ, tôn giáo có tính “thuần túy” hơn). PGS.TS Phan An, Viện Khoa Học Xã Hội vùng Nam Bộ, trong bài “Có một nét riêng của văn hóa người Việt

ở Nam Bộ”, tác giả viết:

- Đạo Cao Đài, một tôn giáo được coi là bản địa, vì xuất hiện ở Nam Bộ vào đầu thế kỉ XX. Đã có một số công trình nghiên cứu về đạo Cao Đài. Trên điện thờ, có sự hiện diện khá đông đảo của nhiều vị “giáo chủ” của các tôn giáo như Phật Thích Ca, Khổng Tử, Lão Tử, chúa Jesu…và cả Ngọc Hoàng Đại Đế. Một hệ thống giáo lý và cơ cấu tổ chức của đạo cũng có sự hòa trộn của nhiều tôn giáo.

- Đạo Hòa Hảo, một tôn giáo cũng được gọi là bản địa ở Nam Bộ, ra đời vào khoảng thế kỉ XX cùng thời với đạo Cao Đài. Cũng có người gọi là Phật giáo Hào Hảo, thực ra đây là một tôn giáo vừa có yếu tố Phật giáo vừa kết hợp những tín ngưỡng dân gian với nội dung “Tứ ân”: Ơn Tổ quốc, ơn đồng bào, ơn cha mẹ và ơn Đức Phật”. Có thể xem đây là một tôn giáo mang tính bình dân và đại chúng ở Nam Bộ với những giáo lý, nghi lễ đơn giản phù hợp với tâm lý, nếp sống của người nông dân Nam Bộ.

*Vốn văn nghệ dân gian làng xã

Tiếng Nam Bộ là một phương ngữ của tiếng Việt phổ thông, cả âm, giọng, vốn từ cơ bản đã được địa phương hóa. Đặc biệt, Nam Bộ là mảnh đất đầu tiên để hình

thành và phát triển chữ Quốc ngữ; phương ngữ Nam Bộ ra đời cùng với quá trình này nên tạo ra sự thống nhất về không gian, hạn chế sự khác biệt khá rõ nét về âm, giọng và cả vốn từ cơ bản giữa các địa phương như ở ngoài Bắc, góp phần phát triển khẩu ngữ thành ngôn ngữ văn học. Người Việt dù đến từ địa phương nào cũng sớm nói phương ngữ của vùng đất này.

“Người Việt có nguồn vốn ca dao, tục ngữ, dân ca, vè…khá phong phú. Điều đáng lưu ý là các câu ca dao, lời hát, bài đồng dao…của Nam Bộ có nguồn gốc từ Trung Bộ đã được cải biên, cụ thể hóa vào điều kiện của một vùng kênh rạch dày đặc, mới được khai phá; và thể hiện ở các địa danh, phản ánh được đặc điểm địa lý, kinh tế…Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, có hiện tượng “dịch chuyển văn hóa” từ Trung Bộ vào Nam Bộ thông qua nguồn câu ca dao, dân ca này. Bên cạnh đó, nguồn truyện kể dân gian, truyện cười của người Việt cũng rất phong phú, phản ánh rất rõ mối quan hệ hòa đồng của con người với thiên nhiên. Vốn dân ca của người Việt cũng rất đồ sộ, thông qua hàng trăm điệu hò, điệu lý, như Lý con sáo, Lý chiều chiều, Lý quạ kêu…” [9, 243].

Theo PGS.TS Phan An, trong bài viết “Có một nét riêng của văn hóa ở Nam Bộ” thì “người Việt còn có vốn nghệ thuật sân khấu mang tính đặc trưng, với các hình thức cải lương, vọng cổ, đàn ca tài tử. Trên lĩnh vực nghệ thuật, ca vọng cổ và sân khấu cải lương xuất hiện đầu tiên ở Nam Bộ. Đây là hai loại hình nghệ thuật do người Việt Nam Bộ sáng tạo và xuất hiện vào đầu thế kỉ XX. Theo một số nhà nghiên cứu, vọng cổ do ông Cao Văn Lầu (1892 – 1976) quê ở tỉnh Long An, sinh sống ở tỉnh Bạc Liêu là người khởi xướng. Năm 1928, ông sáng tác bài “Dạ cổ hoài lang”, từ đấy thành trào lưu ca vọng cổ ở Nam Bộ. Điều đáng lưu ý là cải lương ra đời ở Nam Bộ, về sau đã truyền bá ra nhiều vùng miền của cả nước, còn vọng cổ hầu như chỉ đóng khung trong vùng đất Nam Bộ”.

2.2.3. Những biểu hiện giao lưu của văn hóa vật chất Việt – Khmer ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (1975 – 2000)

Một phần của tài liệu giao lưu văn hóa việt – khmer ở vùng đồng bằng sông cửu long (1975 – 2000) (Trang 46 - 52)