Những giá trị văn hóa Khme rở vùng đồng bằng sông Cửu Long

Một phần của tài liệu giao lưu văn hóa việt – khmer ở vùng đồng bằng sông cửu long (1975 – 2000) (Trang 39 - 46)

7. Bố cục của đề tài

2.2.1.Những giá trị văn hóa Khme rở vùng đồng bằng sông Cửu Long

2.2.1.1. Những giá trị văn hóa vật chất tiêu biểu

*Về đặc điểm cư trú phum, sóc:

Như đã trình bày trong phần chương 1, Phum, sóc là những đơn vị cư trú trong tổ chức xã hội cổ truyền của đồng bào dân tộc Khmer vùng đồng bằng sông Cửu

Long do các ban quản trị mà được gọi là “Mê Phum” hay “Mê Sóc” đảm nhận vai trò quản lý. “Mê Phum” ngoài việc đảm nhận trách nhiệm chăm lo công việc nội bộ của phum mà còn quan hệ với bên ngoài phum. Những công việc trong phum thường nặng về các hoạt động tín ngưỡng tôn giáo như cúng Neckta, cúng Arak, tổ chức lên chùa trong các ngày lễ, các công việc liên quan đến chu kì đời người như cưới hỏi, tang ma, vận động các gia đình giúp đỡ lẫn nhau trong đời sống, sản xuất và sinh hoạt. Đối với “Mê Sóc”, những thành viên trong ban quản trị này được nhân dân tuyển chọn trong số những người đàn ông lớn tuổi có uy tín, trình độ học vấn, hiểu biết phong tục, tập quán và có tinh thần trách nhiệm với đồng bào. Trách nhiệm của “Mê Sóc” và ban quản trị là thay mặt các thành viên của sóc điều hành các công việc chung trong nội bộ sóc và quan hệ với bên ngoài, đặc biệt là quan hệ với ngôi chùa của sóc. “Tuy nhiên, mỗi người dân có thể ít hoặc không tham gia công việc của xã, ấp, song không thể không tham gia công việc của chùa, vì quyền lợi tinh thần của họ hầu như gắn bó với chùa nhiều hơn là gắn bó với xã, ấp” [29, 21]. Tất cả các thành viên của dân tộc trong từng phum, sóc phải thương yêu, đùm bọc lẫn nhau, có trách nhiệm bảo vệ danh dự của phum, sóc; phải xây dựng quan hệ đoàn kết, thân thiện, phải tu tâm, tích phước, thực hiện nghĩa vụ đóng góp xây dựng ngôi chùa Phật giáo nơi mình cư trú một cách tự nguyện, tự giác. Tùy theo từng vùng, số lượng các ngôi nhà trong phum có từ 5 – 10 nhà, hoặc nhiều hơn. Các gia đình trong phum hầu hết đều có quan hệ huyết thống, chủ yếu về phía giới nữ. Thông thường gồm gia đình của cha mẹ, gia đình của các con gái và con rể. Ngoài ra, còn có thêm một vài gia đình không có quan hệ huyết thống, kể cả gia đình người Hoa và người Kinh.

Việc cư trú tập trung lâu đời đã tạo thành khối đoàn kết cộng đồng dân tộc chặt chẽ và cũng rất thuận lợi cho việc bảo lưu bền vững những giá trị truyền thống qua các phong tục, lễ nghi của người dân. Đây là một giá trị văn hóa Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long cần phát huy tốt trong điều kiện mới nhằm củng cố sự cố kết cộng đồng và đoàn kết dân tộc.

“Đơn vị cư trú phum, sóc của người Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long còn mang ý nghĩa là một đơn vị tín ngưỡng tôn giáo. Dân trong sóc có trách nhiệm

xây dựng và bảo tồn ngôi chùa của sóc. Các hoạt động lễ nghi trong các ngày lễ, tết cũng được tập trung tại chùa, thông qua đó họ duy trì phong tục, tập quán và truyền thống văn hóa của dân tộc mình. Ngoài các nghi lễ tôn giáo, người dân trong sóc còn có trách nhiệm thực hiện các nghi lễ tín ngưỡng dân gian. Đặc biệt, tín ngưỡng cúng Neakta, phản ánh nét đặc thù của tổ chức xã hội phong kiến phân quyền cát cứ xưa kia ở trên vùng đất này, khác hẳn với tín ngưỡng Neakta ở Campuchia, phản ánh xã hội phong kiến tập quyền” [102, 99].

Cơ cấu tổ chức gia đình của người Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long có những nét chung và những nét đặc thù riêng. Chính đặc điểm cư trú phum, sóc đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến cơ cấu tổ chức gia đình của người Khmer, làm cho cơ cấu gia đình của người Khmer mang những nét đặc thù riêng. Trong cơ cấu gia đình của người Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long, gia đình hạt nhân, tức là gia đình có vợ, chồng và con cái chiếm đại bộ phận. Trong hệ thống các gia đình, không có vai trò trưởng tộc, mà chỉ có người đứng đầu các phum. Quan hệ vợ chồng trong gia đình tương đối bình đẳng, cùng nhau chia sẻ mọi công việc. Tuy nhiên, người đàn ông vẫn giữ vai trò trụ cột trong gia đình. Cha mẹ không có sự phân biệt con trai và con gái, con trưởng hay con thứ. Quyền thừa kế được chia đều cho các con. Chế độ đa thê tuy vẫn còn tồn tại ở người Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long nhưng không phổ biến và thường là những người đàn ông giàu có.

*Hạn chế: Kiểu cư trú phum, sóc cũng hình thành những rào cản, gây trở ngại cho quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa giữa dân tộc Khmer với các dân tộc khác trong vùng. Cộng đồng phum, sóc Khmer có những hoạt động mang tính biệt lập, cô lập trong giới hạn khép kín. Ngoài ra, kiểu cư trú trên còn gây ảnh hưởng đến môi trường sống, môi trường tự nhiên ở địa bàn các phum, sóc Khmer. Do cơ cấu tổ chức gia đình và cư trú theo phum, sóc như vậy nên thanh niên nam, nữ Khmer ít có điều kiện kết hôn với thanh niên bên ngoài, thường là giới hạn trong phạm vi phum, sóc, trong phạm vi chi phối của một ngôi chùa, nếu có mở rộng ra vùng xung quanh thì cũng vẫn trong phạm vi hạn hẹp của một xã.

Về quan hệ dòng họ, người Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng có nét khá độc đáo. Phần lớn người Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long mang các họ như: Thạch, Châu, Danh, Sơn, Kim…Phụ nữ Khmer thì được phân biệt bằng “thị” hoặc “Neang”. Những họ này xuất hiện từ giữa thế kỉ XIX, do nhà Nguyễn qui định, trước đó người Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long không có họ. Mặc dù yếu tố phụ hệ được xác lập và củng cố trong quan hệ gia đình và hôn nhân theo pháp luật, nhưng những tàn dư của chế độ mẫu hệ vẫn tồn tại, thể hiện trong các quan hệ xã hội như tên gọi của những người đứng đầu phum, sóc đều bắt đầu từ chữ “Mê” nghĩa là mẹ; hoặc sau khi kết hôn, các cặp vợ chồng thường làm nhà bên cạnh cha mẹ vợ, tạo nên kiểu cư trú phum rất phổ biến. Đó là một trong những nét văn hóa của đồng bào Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, trong quan niệm hôn nhân, hầu hết đám cưới của người Khmer diễn ra với nhiều nghi lễ phức tạp, có khi đến khắt khe, điều đó vừa có mặt tích cực vừa có mặt tiêu cực khi xã hội đã có sự phát triển mạnh mẽ.

*Kiến trúc, điêu khắc, hội họa:

Về nhà ở, trong bài “Tìm hiểu người Việt gốc Miên”, tạp chí số 2, năm 1971

của tác giả Lê Hương có viết: “nhìn vào các phum, sóc của người Khmer đồng bằng sông Cửu Long, nhà cửa được xây cất rất đơn giản, ít nhà ngói, nhà giàu như người Việt thì bản tính họ không thích cạnh tranh, đua chen để làm giàu và lại tin vào số phận nên ít chịu tìm hiểu để kiếm cách cho tăng năng suất, thu hoạch được nhiều như người Việt nên thường chịu nhịn, chịu thua thiệt”. “Họ còn thiên về đời sống tinh thần, tiền bạc dư thì chỉ để cúng vào chùa, xây chùa cho nguy nga đồ sộ để ngày sau được lên Niết Bàn còn bản thân hiện tại thì cam ở nhà tre vách lá” [106, 94].

Nhà làm theo kiểu nối mái, khác với người Việt là nối đầu. Nối mái là nhà chính được cất lên trước và những nhà phụ cứ theo thứ tự mái mà nối mái về phía sau. Nhà chính có mặt tiền quay ra đường hoặc sông rạch, phía trước nhà có mảnh sân con. Người Khmer trổ cửa ra vào ở giữa nhà, cửa sổ ở hai bên. Cửa ra vào dẫn ngay vào bàn thờ Phật và tổ tiên. Phía trong nhà thường là buồng ngủ hay kho chứa thóc nối mái với nhà dưới là nhà bếp và nơi để nuôi heo, gà. “Người Khmer làm nhà thường

dùng số lẻ như cột cao 5 hoặc 7 mét, cửa nhà xoay về hướng Đông. Việc dựng nhà đối với người Khmer lại là một điều quan trọng. Ai muốn xây nhà phải đến ông Achar nhờ chỉ dẫn để tránh sự va chạm đến các thần linh và ma quỷ, chứ không ai dám tự tiện làm nhà một cách không ý thức” [106, 95]. “Kiểu nhà sàn truyền thống hiện nay chỉ còn ở một số vùng ven biển, ven rừng, trong các chùa” [29, 33].

Nghệ thuật điêu khắc: Điêu khắc là một bộ phận thiết yếu gắn liền với kiến

trúc, làm tăng thêm giá trị thẩm mỹ, ý nghĩa của từng bộ phận cùng toàn thể ngôi chùa Khmer. “Điêu khắc tạo hình nổi bật với kiến trúc chùa (ba cấp mái) và trang trí ở chùa, trang trí tượng; nguồn tranh dân gian với màu sắc sặc sỡ gắn với các tích của đạo Phật” [9, 234]. Hiện huyện Tri Tôn có 36 ngôi chùa Khmer, huyện Tịnh Biên có 24 ngôi chùa Khmer. Chùa là chốn thiêng liêng, là trung tâm của đời sống tinh thần mà mỗi người Khmer đều có trách nhiệm vun bồi và tự nguyện vun bồi. Cho nên, dẫu cho họ nghèo, chùa vẫn khang trang, các sư vẫn được nuôi dưỡng tốt nhờ thức ăn dâng cúng hằng ngày của họ. Sư sãi ở các chùa Khmer thường là trẻ tuổi, sau thời gian tu tập từ một tuần cho đến ba năm thì có thể hoàn tục để lập gia đình. Theo tập san Khoa học xã hội và Nhân văn, số 56, tháng 9/2012 có ghi: “Ngôi chùa Khmer nổi tiếng nhất An Giang là chùa Xvay Ton (Xà Tón) ở Tri Tôn, nơi lưu giữ bộ kinh lá buông khắc chữ Khmer xưa nhất Việt Nam. Ngôi chùa được xây dựng đã hơn 200 năm, được Bộ Văn hoá - Thông tin xếp hạng di tích theo Quyết định số 235/VH-QĐ ngày 12/12/1986, và công nhận là “Di tích lịch sử - văn hoá quốc gia” năm 1989”. Điêu khắc Khmer rất phong phú về đề tài, thể loại cũng như chất liệu. Căn cứ vào chất liệu, điêu khắc chùa Khmer làm từ nhiều loại: Gỗ: thường được dùng làm tượng Phật, gồm các loại gỗ quí, bền và chắc. Ngoài ra, gỗ còn dùng để chạm khắc phù điêu, hoa văn khung cửa, khung tượng Phật. Một số chùa hiện còn lưu giữ như chùa Ông Mẹl (Trà Vinh), Sàm Rông, Khléang (Sóc Trăng)…Đá: cũng được dùng làm tượng Phật, gồm các loại đá quí. Những tượng Phật làm bằng đá thường là loại trung bình và nhỏ như chùa Khléang (Sóc Trăng)…nhưng nói chung, đối với chất liệu đá người Khmer ít làm tượng. Xi-măng: hiện nay đa số tượng Phật lớn để trong chùa Khmer làm bằng xi-măng, làm những bức tượng lớn. Nghệ thuật đúc khuôn và

đổ khuôn xi-măng của nghệ nhân Khmer đã đạt tới trình độ khéo léo, tinh xảo. Kim

loại:rất nhiều tượng nhỏ làm bằng đồng thau, kẽm.

Về trang phục: người Khmer là tộc người khéo tay trong việc kỹ nghệ, xưa kia

họ có những kiểu quần áo riêng, trang trí nhiều họa tiết đẹp, màu sắc lộng lẫy. Nhưng ngày nay nếu đến đồng bằng sông Cửu Long, nhìn vào quần áo thì sẽ không phân biệt được người Khmer hay người Việt vì họ mặc giống nhau. Chỉ trong dịp lễ hội dân tộc, những phụ nữ trung niên mới mặc áo dài dân tộc gọi là áo “Tầm vông”, kiểu áo vạt dài, may bịt bùng không có xẻ nách, khoét cổ tròn. Nữ thanh niên mặc váy “Sâm pốt”, áo ngắn, tay cụt rộng hoặc choàng có màu sắc, hoa văn rực rỡ. “Riêng ở huyện Tri Tôn và Tịnh Biên (tỉnh An Giang) còn nhiều người Khmer mặc “Sa rông” vắt mối phía sau lưng gọi là “Sâm pốt”, áo trên ngắn, tay cụt nhưng rộng, cổ đứng, cúc tròn làm bằng đồng thau hoặc đá quý thậm chí bằng vàng tùy theo mức độ giàu nghèo” [29, 34].

2.2.1.2. Những giá trị văn hóa tinh thần tiêu biểu

*Tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội truyền thống:

Sinh sống lâu đời tại vùng đồng bằng Nam Bộ, người Khmer đã tạo ra nền văn hóa riêng rất rõ nét. “Do mộ đạo Phật (chủ yếu là dòng Tiểu thừa) nên người Khmer đã tạo ra một hệ thống chùa (trước giải phóng năm 1975, vùng đồng bằng này có đến 400 ngôi chùa. Chùa không chỉ là nơi thờ Phật (chỉ thờ Phật Thích Ca, chứ không thờ đa Phật như chùa ở ngoài Bắc); mà còn là nơi quản lý nhân khẩu (mỗi chùa có một số gia đình đến đăng ký hành lễ cố định, trước năm 1975, thường mỗi chùa có khoảng 1600 dân), bàn bạc các công việc và tổ chức các sinh hoạt của cộng đồng, nơi tiếp khách và là trường học ở nông thôn. Trẻ em Khmer đến tuổi đi học thường vào chùa học và tu một thời gian mới ra lập nghiệp. Mỗi chùa có ban quản trị riêng gồm hai sư cả, 2 sư phó, 10 ông luật (những nam giới ở tuổi trung niên, đã xuất tu, có uy tín trong phum). Ban quản trị chùa thay mặt sư trông nom chùa, quản lý tài chính, lo tu bổ chùa, mua sắm đồ thờ (sư chỉ làm nhiệm vụ tụng kinh), hàng ngày ở chùa là chính. Nhiều chùa có thư viện riêng, nghĩa trang cho các tín đồ của chùa. Sư ở chùa Khmer

cũng như nam giới Khmer khi đi tu chỉ phải kiêng ăn mặn từ 12 giờ trưa hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau, song được uống sữa. Sỡ dĩ có hiện tượng này vì theo truyền thuyết, một vị sư tụng kinh suốt từ buổi trưa đến sáng hôm sau mệt lả, đói, lả đi và kiệt sức; may được một người đi chăn dê đưa cho một cốc sữa để uống, hồi tỉnh lại. Từ lý do này mà về sau, các sư và người đi tu người Khmer được phép uống sữa vào buổi chiều” [9, 231].

Người Khmer có tục thờ cúng tổ tiên, song điều đặc biệt là phần lớn gia đình không đặt hoặc ít đặt bàn thờ tổ tiên trong nhà, vì lễ cúng tổ tiên thường diễn ra ở chùa là chính. Nơi trang trọng nhất trong nhà thường là bàn thờ Phật.

Ngoài đạo Phật, người Khmer có nhiều hình thức tín ngưỡng truyền thống như: - Tín ngưỡng tô tem, thờ rồng do đồng bào sinh sống trên vùng đất sông nước, nhiều sình lầy (mô típ rồng thường được gắn trên nóc chùa, nóc đền đài).

- Các thần bảo hộ có Arắck (thần bảo hộ của xóm, giống như thổ địa). Đáng lưu ý là Arắck được thiết kế theo dòng nữ.

- Tín ngưỡng nông nghiệp có lễ cầu mưa vào dịp đầu năm mới, khi mùa mưa sắp đến, lễ cúng thần ruộng, thần mục súc (để xua đuổi các loài thú, côn trùng làm hại cây trồng), cúng hồn lúa khi gặt về…

Về phong tục (gắn với lễ tiết và tín ngưỡng), trong một năm người Khmer có

ba lễ tiết quan trọng:

- Lễ mừng năm mới (Chôn Chnam Thmây) vào ba ngày 14 - 15 - 16 của tháng Chét (giữa tháng tư dương lịch). Ngoài lễ cúng gia tiên ở các gia đình, có các lễ thức chung của cộng đồng ở chùa theo một trình tự.

- Lễ cúng tổ tiên (Xên Đônta) từ ngày 29 tháng Tám (Asát) đến mồng 1 tháng Chín (Soráp).

- Lễ cúng trăng (Ok om Book, lễ nuốt cốm) vào tối ngày Rằm tháng Mười (Phétôrôbot) – ngang với Rằm tháng Tám của người Việt, mục đích của lễ này là cầu mùa. Lễ được tổ chức tại sân chùa, sân nhà hoặc một khoảng đất trống để có thể ngắm trăng được thuận lợi. “Cũng trong dịp này, người Khmer có tục thả đèn bay (thể hiện tục thờ trăng), thả bè chuối gắn đèn trên sông, đua ghe ngo hay đua thuyền

hay ghe ngo (thể hiện tục cầu nước). Ghe ngo là loại thuyền độc mộc, dài 25 - 30 mét, rộng 1 – 1,4 mét, mỗi thuyền có 40 – 60 người bơi, một số vùng còn có tục đua bò” [9, 234].

*Về văn hóa dân gian

Người Khmer có một kho tàng văn học dân gian, gồm nguồn truyện kể (truyện cổ tích – có nhiều nét giống mô típ các truyện của người Việt, thần thoại, ngụ ngôn, truyện cười), các câu tục ngữ, châm ngôn đúc kết các hiện tượng tự nhiên và xã hội. Bên cạnh đó, văn học viết cũng khá phát triển.

“Âm nhạc Khmer thường gắn với sinh hoạt ca múa và sân khấu; các nhạc cụ có dàn nhạc dây dùng trong các dịp vui; dàn nhạc Arak dùng trong cúng tế thần và đám ma; các đàn chiêng, trống vỗ…Nguồn dân ca gắn với các điệu múa khá phong phú.

Một phần của tài liệu giao lưu văn hóa việt – khmer ở vùng đồng bằng sông cửu long (1975 – 2000) (Trang 39 - 46)