Những biểu hiện giao lưu của văn hóa tinh thần Việt – Khme rở vùng đồng bằng

Một phần của tài liệu giao lưu văn hóa việt – khmer ở vùng đồng bằng sông cửu long (1975 – 2000) (Trang 61 - 67)

7. Bố cục của đề tài

2.2.4.Những biểu hiện giao lưu của văn hóa tinh thần Việt – Khme rở vùng đồng bằng

2.2.4.1. Văn hóa tổ chức xã hội

Trong cách tính dòng họ của người Khmer, một cá nhân không xem mình thuộc dòng họ bên cha hay bên mẹ mà tính theo cả hai phía. Đây là một nét khá đặc biệt của đồng bào Khmer so với các dân tộc khác trong vùng. Trong quá trình cộng cư xen kẽ giữa các dân tộc Kinh, Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long, mối quan hệ dòng họ có sự biến đổi theo chiều hướng chuyển thành phụ hệ. Hiện nay, theo quan niệm chung, người Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long lấy theo họ cha. Tuy nhiên, họ ở đây chỉ đơn thuần là một hình thức chứ không có ý nghĩa hình thành một tộc họ bên nội như người Việt.

Sự biến thiên lịch sử qua các chế độ chính trị khác nhau dù có tạo nên những thử thách, nhưng khách quan mà nói vẫn chủ yếu tạo điều kiện thúc đẩy sự giao lưu, hội nhập của văn hóa Khmer với văn hóa vùng nói riêng. Có thể nhận thấy điều đó qua các biểu hiện sau:

Truyền thống cư trú theo đơn vị phum, sóc tự quản của người Khmer – vận hành chủ yếu dựa trên những tập quán dân tộc truyền thống và những qui định trong giáo lý của Phật giáo Tiểu thừa - mặc dù có sức sống bền vững nhưng cũng có những thay đổi, đặc biệt từ khi nhà Nguyễn và tiếp đó là thực dân Pháp thiết lập bộ máy cai trị ở vùng này. Sóc không được gọi là đơn vị hành chính chính thức mà dần dần được tích hợp vào cơ cấu xã hội theo mô hình như người Việt. Để bảo vệ cơ cấu xã hội truyền thống của mình trước chính sách đồng hóa cưỡng bức của chính quyền thực dân phong kiến, cư dân Khmer đã dựa vào hệ thống quản lý của nhà chùa để giải quyết các công việc nội bộ trong cộng đồng. Từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (tháng 4 năm 1975), vùng nông thôn Khmer được phân định thành các khu

vực hành chính thống nhất: ấp, xã, huyện. Phum, sóc không phải là đơn vị hành chính chính thức, nó nằm trong các ấp, xã của đơn vị hành chính hiện nay.

Quá trình cộng cư của các dân tộc ở đồng bằng sông Cửu Long đã tạo thành một sức mạnh tổng hợp và vô cùng to lớn trong việc khắc phục và chế ngự những thiên tai dịch họa, xây dựng xóm làng, làm cho vùng đất này trước kia chỉ là rừng rậm hoang vu, đầm lầy và sau 300 năm đã trở thành một vùng đất trù phú, đem lại một nguồn lợi to lớn từ thiên nhiên, đất hoang dần dần thu hẹp, xóm làng mọc lên, và đời sống kinh tế ngày càng được nâng cao. Ngay từ thế kỷ XVIII vùng đồng bằng sông Cửu Long đã xuất hiện nhiều thị tứ, tụ điểm buôn bán sầm uất, có thể kể đến như thương cảng Bãi Xàu, thương cảng Hà Tiên, Mỹ Tho đại phố...

2.2.4.2. Văn hóa tôn giáo tín ngưỡng, phong tục, lễ hội

Ngoài sự giao lưu về sinh hoạt kinh tế và văn hóa vật chất, sự giao lưu còn đi vào phong tục tập quán và văn hóa tinh thần của các tộc người:

Trên bình diện tôn giáo: những năm trước hay sau năm 1975 cho đến giai

đoạn đầu bước vào thế kỉ XXI cũng như giai đoạn hiện nay, người Khmer trước theo đạo Bà la môn giáo, một tôn giáo có thể xa lạ với người Kinh, nhưng sau đó, người Khmer theo Phật giáo Nam tông, Tiểu thừa thì lại rất gần gũi với người Việt theo Phật giáo Bắc tông. Mặc dù theo Phật giáo Bắc tông Đại thừa, nhưng Phật giáo nói chung vẫn được xem như một tôn giáo phổ biến của người Việt. Tuy khác nhau tông phái trong hai cộng đồng Phật giáo Việt và Khmer, nhưng sự khác biệt này là không nhiều. Vì vậy, những ảnh, tượng Phật giữa các chùa Khmer và chùa của người Việt gần như có sự giao thoa lẫn nhau.

Sự giao lưu về tôn giáo, tín ngưỡng giữa các tộc người còn thể hiện rất rõ nét qua việc thờ cúng ông bà, cha mẹ đã khuất.“Trước đây, việc thờ cúng ông bà của người Khmer chủ yếu tập trung tại các chùa, nhưng ngày nay họ cũng theo tục của người Việt, người Khmer cũng lập bàn thờ ông bà, cha mẹ, hay người thân dòng họ

đã chết ở trong nhà, tạo cho không khí gia đình thêm ấm cúng hơn. Trên bàn thờ thường để chân nhang cho mỗi người, đôi khi còn có tấm giấy đỏ kẻ chữ Hoa. Ngoài ra, cũng không có gì là lạ khi thấy xuất hiện trên bàn thờ người Khmer tượng Quan Công hay Quan Thế Âm Bồ Tát là những “đấng siêu nhiên” của đồng bào Việt” [106, 81]. Quá trình cộng cư đã tạo ra sự giao lưu về mặt văn hóa giữa các dân tộc. Dù mỗi dân tộc đều có một bản sắc văn hóa riêng, nhưng cuộc sống chung với nhau nhiều ngày đã dẫn đến sự đan xen và pha trộn lẫn nhau giữa các nền văn hóa, tạo nên một nét đặc trưng trong bản sắc văn hóa của vùng sông nước Cửu Long. Một dẫn chứng: về mặt tôn giáo tín ngưỡng, cả hai dân tộc Việt, Khmer đều có thờ Phật, nhưng người Việt cũng đều có thờ NeakTà của người Khmer.

“Ngoài ra, bàn thờ ông Thiên cũng là một dạng tín ngưỡng dân gian phổ biến ở người Kinh mà Phật giáo Hòa Hảo, một tôn giáo địa phương của người Việt ở Nam Bộ đã du nhập vào coi như một điện thờ bắt buộc phải có của tín đồ mình cũng được người Khmer tiếp nhận. Bàn thờ ông Thiên thường được làm đơn giản bằng một thân cây cao khoảng 1 mét, trên có một tấm ván nằm ngang để đựng chân nhang…” [91, 31]. Và có lẽ đây là tàn dư của loại hình tín ngưỡng sơ khai của cư dân bản địa Nam Á hoặc do sự giao lưu văn hóa mà đi vào quan niệm thờ cúng của người Khmer. Vì vậy, trước sân nhà của người Khmer ngày nay cũng có bàn thờ ông Thiên như bao gia đình người Việt theo tín ngưỡng phương Đông hoặc theo đạo thờ cúng ông bà. Bên cạnh đó, một số tập tục thờ cúng, gần như cũng có sự tương tác, giao thoa với nhau. Chẳng hạn, tục cúng thầy pháp của người Việt cũng gần giống với cúng Arăk của người Khmer; tục xây miếu thờ Bà, thờ Ông của hai dân tộc cũng không khác gì nhiều. Nhà văn Sơn Nam có nhận xét về điều này như sau: “Văn hóa Việt Nam truyền thống rất trọng việc thờ Nữ thần, Bà Chúa Xứ ở Nam Bộ là tiếp nối từ Bà Liễu Hạnh ở Nam Định, rồi bà Chúa Ngọc ở điện Hòn Chén, Nha Trang. Vẫn là chầu văn, múa bóng rỗi: “Bà đi Châu Đốc, bà về Nam Vang. Quê bà ở tận Nha Trang”. Bà ở Nha Trang là Po Y Nagar, nhập vào tượng đá của người Chăm. Vào

biên giới Tây Nam, bà lại nhập vào tượng đá Khmer cũng là bình thường” [123, 13- 14], một hiện tượng phổ biến thường thấy hiện nay ở Sóc Trăng.

Hiện nay trong các vùng dân cư hỗn hợp ở đồng bằng sông Cửu Long ta thấy phổ biến hiện tượng là các cơ sở tôn giáo của các dân tộc khác nhau cùng xây dựng bên nhau trong cùng một địa phương, một thị trấn hay một làng xóm. Ở Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu hay Cà Mau… miếu Bà Thiên Hậu, miễu Ông Bổn…đứng chung cùng Phật giáo tiểu thừa của người Khmer, bên cạnh đó trong nhà người Khmer cũng thấy xuất hiện ảnh thờ Quan Thế âm Bồ Tát của người Việt.

Người ta cũng dễ nhận ra sự giao lưu về phong tục giữa các cộng đồng dân tộc Việt – Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long. “Trong tục mai táng, nhiều người Việt ở vùng tập trung sinh sống của người Khmer cũng hỏa thiêu và gởi tro trong tháp của các chùa Khmer (vốn là tập tục của người Khmer); ngược lại, người Khmer cư trú vùng đông người Việt lại chôn xác chứ không hỏa thiêu” [106, 79].

Ở các vùng cộng cư chung của tộc người Việt, người Khmer như ở Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu….đều ăn hai cái Tết lớn là tết Nguyên Đán (ảnh hưởng từ văn hóa của người Hoa) và tết Châul Chhnam Thmei. “Trong các ngày lễ tết, các tộc người đều tiến hành thăm mộ tổ tiên, cúng chùa, thăm hỏi nhau, đồng thời làm những loại bánh truyền thống. Trong lễ Thanh minh, người Việt đi thăm mộ thì người Khmer đi lễ chùa, viếng tháp. Nhất là trong những gia đình hỗn hợp Việt – Khmer, Việt – Hoa, Khmer – Hoa thì những lễ tết của ba tộc người đều không thể thiếu trong đời sống cộng đồng cũng như trong đời sống gia đình” [106, 79-80].

2.4.4.3. Ngôn ngữ, văn hóa dân gian

Sự giao lưu văn hóa giữa người Việt và người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long còn thể hiện trong ngôn ngữ giao tiếp. Đáng chú ý là hầu hết người Khmer vùng này sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp xã hội. Trong giao tiếp nhiều người có thể chuyển từ ngôn ngữ Việt (tiếng phổ thông) sang ngôn ngữ Khmer một cách tự nhiên. Trên bình diện ngữ âm, âm tiết tiếng Khmer và âm tiết tiếng Việt có những điểm giống và khác nhau được ghi nhận sau: Cả hai đều có âm đầu và phần vần,

nhưng âm tiết tiếng Khmer không có thanh điệu và âm đệm (tiền chính âm) “w” như âm tiết tiếng Việt [66, 37].

“Trong thực tế, ngôn ngữ các dân tộc ở vùng đồng bằng sông Cửu Long đã có sự vay mượn lẫn nhau, nhiều từ tiếng phổ thông (tiếng Việt) đã được người Khmer sử dụng nhằm bổ sung vào vốn từ ngữ của dân tộc mình; ngược lại, người Việt cũng dùng những từ của người Khmer, nhất là những dụng cụ, công cụ, món ăn…có xuất xứ từ người Khmer. Việc pha trộn linh hoạt về ngôn ngữ, các món ăn, một số phong tục giữa các dân tộc trong vùng đồng bằng sông Cửu Long diễn ra một cách tự nhiên, đến mức người ta không phân biệt được nguồn gốc của nó và hầu như cũng không quan tâm đến nguồn gốc, xuất xứ từ đâu” [29, 78]. Theo tác giả Trần Phỏng Diều (Báo Bạc Liêu, số 1517, ngày 2-8-2008), trong tiếng nói của người Việt có xuất hiện những từ như: cà ràng, xà quầng, mình ên, canh xiêm lo…xuất phát từ tiếng Khmer. Ở đây còn diễn ra hiện tượng song ngữ và tam ngữ. “Người Khmer, trừ những người già cả, đều nghe, hiểu và nói được tiếng Việt như tiếng phổ thông trong quan hệ xã hội, ngược lại người Việt cũng vậy. Về mặt từ vựng, rất nhiều từ của nhau được vay mượn, trao đổi do nhu cầu giao lưu với nhau, nhất là những từ khoa học kỹ thuật và cách mạng thường bắt đầu từ ngôn ngữ Việt. Ở Minh Hải, có một số người Việt nói tiếng Khmer rất thạo và phong tục tập quán nhiều điểm rất giống người Khmer” [106, 80].

Trên bình diện từ vựng, từ tiếng Khmer và từ tiếng Việt (tiếng người Việt) đều có hai lớp từ vựng: từ gốc dân tộc và từ vay mượn. Từ gốc dân tộc của tiếng Khmer hay tiếng Việt đều có gốc ngữ hệ Nam Á, nhưng tiếng Khmer thì thuộc nhóm ngôn ngữ Môn – Khmer, còn tiếng Việt thì thuộc nhóm ngôn ngữ Việt – Mường. Do cùng một hệ ngữ nên trong tiếng Việt và tiếng Khmer có thể có hiện tượng từ ngữ biểu thị một sự vật, khái niệm, được thể hiện bằng một hình thức ngữ âm gần gũi hoặc giống nhau. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, đó là hiện tượng vay mượn lẫn nhau. Nhưng ý kiến khác thì lại dựa trên cơ sở của ngữ hệ Nam Á mà nhìn nhận mối quan hệ ngữ âm này mang tính chất tộc hệ. Do vậy, ta có thể nhìn nhận sự tương đồng ở

một số yếu tố từ vựng giữa hai ngôn ngữ, tiếng Khmer và tiếng Việt, từ tính chất ngữ hệ có thể chính xác hơn nhìn nhận từ gốc độ tiếp thu, vay mượn [66, 39].

Bên cạnh đó, ngoài ngôn ngữ riêng của mỗi dân tộc, tiếng Việt dần dần trở thành ngôn ngữ sử dụng phổ thông của các dân tộc trong vùng nhưng cũng pha trộn nhiều từ ngữ, thành ngữ của nhau. Trong tiếng Việt đã có sự hiện diện của tiếng dân tộc Khmer và ngược lại, chẳng hạn như các từ cà ràng, xà quầng, mình ên... xuất phát từ tiếng Khmer được khẳng định trong bài viết tác giả Trần Phỏng Diều (Báo Bạc Liêu, số 1517, ngày 2-8-2008).

Nhưng trên bình diện tiếng Việt là ngôn ngữ Quốc gia, người Khmer tiếp nhận nhiều yếu tố Việt ngữ vào trong giao tiếp đời sống. Về mặt ngữ pháp, tiếng Việt và tiếng Khmer có những điểm chung đó là cả hai đều có hệ từ ghép, bao gồm từ ghép chính phụ và từ ghép tổng hợp. Trên bình diện chữ viết, tuy cả hai đều là chữ viết ghi âm, nhưng hệ chữ tiếng Việt là hệ chữ Latinh, còn hệ chữ tiếng Khmer được xác định là hệ chữ cổ của miền Nam Ấn Độ, mà gốc của nó, theo một nhà ngữ văn học Khmer, là chữ Brãhmi (thánh thần) [66, 46].

Ngoài ra, sự giao lưu cũng được tìm thấy trong các loại hình văn nghệ dân gian như: văn học, sân khấu, ca, múa, nhạc… “Trong văn học dân gian như tục ngữ, câu đố, ca dao, đồng dao…của dân tộc Việt – Khmer đều có sự vay mượn những nội dung của nhau, một sự giao thoa hay đồng cảm tư duy sâu sắc. Chẳng hạn để diễn đạt ý niệm “tam sao thất bản” của người Việt, người Khmer nói: “Kaek muôi, kaek dop” (một con quạ thành mười con quạ)” [105, 75]. Cổ tích, ngụ ngôn, truyện cười của người Việt, người Khmer được lưu truyền rộng rãi. “Nhiều truyện cổ dân gian của người Khmer có đề tài và nội dung gần gũi với truyện cổ tích của người Việt như Chao Sanh – Chao Thông (Thạch Sanh – Lý Thông), Neang mahrônah Meađa (Cô gái mồ côi mẹ; Tấm Cám), Chao Srâ tôp Chêk (Chàng Khố chuối: Trần Minh Khố chuối), Cối xay thần, Chàng Cá Cóc, Cây Khế…” [18, 76-77].

“Cũng như văn học, sự giao lưu văn hóa cũng diễn ra trong lĩnh vực văn hóa dân gian cũng là điều thú vị giữa các tộc người. Đặc biệt là kịch hát Yukê của người Khmer ra đời sau Cải lương Nam Bộ không bao lâu, rất được quần chúng Khmer ưa chuộng, còn được gọi là La Khôn Basac (kịch hát vùng Basac tức vùng đồng bằng sông Cửu Long). Ngoài các tuồng tích rút từ anh hùng ca Ấn Độ Ramayana, Yukê còn đưa lên sân khấu một số truyện cổ của người Việt như Thạch Sanh chém chằn, Tấm Cám, những Phật thoại thần thoại như Lin Thông, Mak phu yong kev Săk Kinh Ni…” [106, 82-83].

Cuộc sống “khai sơn phá thạch” trên đồng bằng sông Cửu Long đã khắc họa lên cá tính của người nông dân Việt ở đây một dấu ấn mới: khả năng chan hòa với cộng đồng khác. Trong ứng xử hằng ngày, đấy cũng có thể được xem là biểu hiện của lòng hào hiệp, của đạo lý trọng nghĩa khinh tài. Nhưng rõ nhất là trên bình diện văn hóa: tập quán của người Việt ở Nam Bộ kể cả tập quán văn nghệ còn trữ lại bao nét, bao hình thức, tiếp thu từ các tộc người vốn cư trú ở đây trước họ. Sống gần gũi người Khmer, họ chịu ảnh hưởng rõ rệt về tín ngưỡng (Phật giáo tiểu thừa), về ngôn ngữ (lấy lại của người Khmer một số tên địa phương, tên một số loại thảo mộc.

Nhìn chung, do đặc điểm cảnh quan đồng bằng, do cộng cư lâu dài, quá trình phát triển văn hóa của người Khmer là do những vận động phát triển nội tại và do sự giao lưu văn hóa giữa Việt, Khmer, một mặt, nó thử thách sức sống của các yếu tố văn hóa tộc người, mặt khác, nó du nhập, bổ sung những yếu tố mới, kích thích sự phát triển của văn hóa Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long, để từ đó làm giàu và đa dạng thêm nền văn hóa Khmer cũng như làm rõ thêm phong cách Khmer trong văn hóa chung của dân tộc Việt Nam khi bước vào thế kỉ XXI.

Một phần của tài liệu giao lưu văn hóa việt – khmer ở vùng đồng bằng sông cửu long (1975 – 2000) (Trang 61 - 67)