Sự phát triển của Trung Quốc

Một phần của tài liệu chính sách đối ngoại của trung quốc với châu phi trong thập niên đầu thế kỷ xxi (Trang 29 - 30)

7. Bố cục của luận văn

1.2. Sự phát triển của Trung Quốc

Hoàng đế Napoleon đã từng nói một câu rất nổi tiếng: “Trung Quốc là một người khổng lồ đang ngủ. Hãy để cho nó ngủ yên, bởi khi thức dậy, nó sẽ làm cả thế giới ngạc nhiên” [87:83]. Thật vậy, trong lịch sử phát triển kinh tế thế giới, chưa có một nước nào có khả năng duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, gần 10% và liên tục như Trung Quốc trong 30 năm qua. Hiện nay, Trung Quốc được xem là “công xưởng của thế giới”, là một trong những thị trường tiêu thụ hàng hóa và địa bàn đầu tư lớn nhất hành tinh, cùng với đó là sự tăng trưởng kinh tế, tiềm lực khoa học và công nghệ, sức mạnh quân sự...ngày một tăng. Là quốc gia thoát khỏi khủng hoảng kinh tế năm 2008 nhanh nhất, vượt qua Nhật Bản trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới năm 2010 với GDP đạt 5.480 tỷ USD và mức dự trữ ngoại tế lớn nhất thế giới là 2.400 tỷ USD [87:84].

Với quy mô kinh tế ngày càng lớn và ảnh hưởng địa chính trị của nước này ngày càng tăng, Trung Quốc đã có những điều chỉnh chính sách và biện pháp để khuếch trương thanh thế của mình ra khắp các châu lục thông qua các khoảng đầu tư và viện trợ, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ cho “công xưởng thế giới”, thu mua đất đai và tranh chiếm các vùng tài nguyên thiên nhiên, nhất là năng lượng, để nuôi sống bộ máy công nghiệp ngày càng phình to và dân số trên 1,3 tỷ dân. Có thể nói “sự trổi dậy” của Trung Quốc không chỉ mang lại cơ hội mà còn kéo theo những nguy cơ tiềm ẩn cho nhiều nước và cho cả thế giới.

Bên cạnh những thành tựu to lớn về nhiều mặt, thì Trung Quốc cũng gặp không ít những thách thức to lớn. Nền kinh tế tăng trưởng quá nóng, theo chiều rộng, chất lượng tăng trưởng chưa cao, năng lực sáng tạo chưa vượt trội và chất lượng nguồn nhân lực thấp, vấn đề phát triển chưa hài hòa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, giữa các tầng lớp dân cư, nạn thất nghiệp, ô nhiễm môi trường, nguy cơ già hóa dân số, nạn tham nhũng... những mâu thuẫn nghiêm trọng trong

30

phát triển chính trị, xã hội, kinh tế và văn minh đó ngày càng thêm sâu sắc buộc Trung Quốc phải điều chỉnh chính sách lớn cả về đối nội lẫn đối ngoại.

Trong bối cảnh hàng hóa Trung Quốc ngày càng đồ sộ và tràn ngập khắp thị trường thế giới, nhất là thị trường châu Âu, châu Mĩ và châu Á thì thị trường châu Phi hàng hóa Trung Quốc chưa được quan tâm đúng mức. Một điều có thể dễ dàng nhận thấy hiện nay là hàng hóa của Trung Quốc đang bị cạnh tranh mạnh mẽ bởi các nền kinh tế đang phát triển ở các thị trường châu Âu, châu Á, châu Mĩ và liên tục bị các nước phương Tây dựng lên các rào cảng thương mại để ngăn chặn sự xâm nhập hàng hóa Trung Quốc, gây nhiều khó khăn cho nước này. Chính điều này, châu Phi với dân số đông và là thị trường đầy tiềm năng cho hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc xâm nhập. Thực tế cho thấy, quan hệ thương mại Trung Quốc – châu Phi thời gian qua tăng lên nhanh chóng. Thương mại giữa Trung Quốc – châu Phi năm 2008 tăng tới 45%, tăng gấp 10 lần so với năm 2000, tổng kim ngạch thương mại hai bên năm 1990 là 0,8 tỷ USD, đến năm 2010 tăng lên 107 tỷ USD, tăng hơn 100 lần [13:154]. Bên cạnh đó, châu Phi giàu tài nguyên nhưng đa số các nước châu Phi là những nước nghèo, thiếu vốn cho phát triển. Vì vậy , đây sẽ là một thị trường đầu tư tiềm năng cho các doanh nghiệp của Trung Quốc đến làm ăn, nhất là các doanh nghiệp khai thác khoáng sản, xây dựng cơ sở hạ tầng và sản xuất hàng tiêu dùng.

Như vậy, chính sự phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc về mọi mặt cùng với những thách thức tiềm ẩn đòi hỏi Trung Quốc phải tính toán chiến lược kịp thời. Trong đó, những lợi ích về kinh tế ngày càng to lớn là nguyên nhân cơ bản khiến Trung Quốc ngày càng quan tâm hơn tới châu Phi.

Một phần của tài liệu chính sách đối ngoại của trung quốc với châu phi trong thập niên đầu thế kỷ xxi (Trang 29 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(134 trang)