7. Cấu trúc luận văn
3.2.3. Tuyển chọn, bổ nhiệm và sử dụng hợp lý
Văn kiện Đại hội IX Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ rõ "Có cơ chế và chính sách phát triển, tuyển chọn, đào tạo bồi dưỡng cán bộ trọng dụng những người có đức có tài" (5-141), công tác tuyển chọn bổ nhiệm phải gắn liền với việc đánh giá quy hoạch. Tuyển chọn, bổ nhiệm không dựa vào đánh giá, quy hoạch thì công tác tuyển chọn, bổ nhiệm sẽ không mang lại kết quả tốt, ngược lại có đánh giá đúng, làm tốt công tác quy hoạch nhưng không có kế hoạch tuyển chọn, bổ nhiệm kịp thời thì công tác quy hoạch không còn ý nghĩa, khó phát huy được sự phấn đấu của đội ngũ. Mặt khác từ đánh giá cho đến tuyển chọn phải trải qua một quá trình, chú ý cân nhắc về động cơ mục đích nhằm tránh được sự nhầm lẫn.
Cho đến nay việc đánh giá đội ngũ CBQL tại Bạc Liêu chưa có một tiêu chuẩn cụ thể, việc đánh giá chủ yếu dựa vào các hoạt động của nhà trường và dựa vào đề nghị của Hội đồng thi đua của trường. Kết quả đánh giá chủ yếu để khen thưởng thành tích hoàn thành nhiệm vụ học kỳ hoặc năm học, chưa được chú ý sử dụng trong đề bạt, miễn nhiệm.... do đó chưa kích thích được sự nỗ lực trong công tác quản lý của đội ngũ CBQL.
Ngoài ra, việc đề bạt, bổ nhiệm CBQL còn nặng tính cục bộ địa phương, chủ yếu là cử tuyển, nhưng với cách làm này chất lượng người được đề bạt phụ thuộc rất lớn vào chất lượng hoạt động của các trường, ở những trường vùng sâu rất khó tìm được CBQL có năng lực đủ sức đưa nhà trường vươn lên mà thường chỉ đảm bảo giữ được sự ổn định của nhà trường.
Để làm tốt công tác tuyển chọn, bổ nhiệm đội ngũ CBQL các trường tiểu học tỉnh Bạc Liêu hiện nay, theo chúng tôi cần quan tâm một số công việc :
- Đổi mới khâu đề bạt bổ nhiệm CBQL: kết hợp hai hình thức cử tuyển và khoa cử, có thể tổ chức thi tuyển để chọn CBQL trong đội ngũ kế thừa, một số phó hiệu trưởng có thể đề bạt theo đề nghị của Hiệu trưởng. Nếu quan niệm quán lý là một nghề thì việc tổ chức thi tuyển để bổ nhiệm CBQL chúng tôi nghĩ cũng là điều cần thiết.
- Bổ nhiệm CBQL theo nhiệm kỳ như quy định của Điều lệ trường tiểu học.
- Mạnh dạn thay thế những CBQL không hội đủ các điều kiện để hoàn thành nhiệm vụ, những người này không bổ nhiệm lại trong nhiệm kỳ tiếp theo.
Cần giao quyền chủ động cho các Phòng GD - ĐT trong việc bổ nhiệm, miễn nhiệm CBQL. Nên có quy định phân biệt rõ ràng giữa miễn nhiệm và cách chức để tránh những khiếu nại không đáng có, giúp Phòng GD - ĐT củng cố kịp thời những trường hợp CBQL không hoàn thành nhiệm vụ do không đủ năng lực .
Cần xây dựng một tiêu chuẩn đánh giá CBQL một cách hợp lý, công bằng và phổ biến công khai đến các trường : Những tiêu chuẩn này có thể chủ yếu dựa trên những phẩm chất, năng lực đã được nêu trong đề tài nghiên cứu và trình độ đào tạo chuẩn mà Nhà nước đã quy định trong tiêu chuẩn công chức, để trên những tiêu chuẩn đó đội ngũ CBQL sẽ phấn đấu khắc phục những nhược điểm, đội ngũ giáo viên có cơ sở để nhận xét, đánh giá đội ngũ CBQL nhà trường và nhờ đó Phòng GD - ĐT có thể phân loại chính xác đội ngũ CBQL các trường. Trên cơ sở phân loại ấy có kế hoạch bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động hoặc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ của đội ngũ CBQL.
- Quan tâm đến đội ngũ trẻ, bảo đảm tính kế thừa và phát triển, đặc biệt cần quan tâm đến nữ, hiện nay tỷ lệ nữ CBQL còn thấp chỉ chiếm 15,7% trong khi nữ trong đội ngũ CB - GV chiếm tương đương 50%, phấn đấu tỷ lệ nữ CBQL trong vài năm tới đạt 25 - 35%.
- Bố trí CBQL phải hài hòa về cơ cấu (nam, nữ, gia, trẻ v.v....) các trường Kim Đồng, Phường 2A, Phường 2B, Tân Hiệp A, Gánh Hào B, Long Điền Tây, Phong Thạnh Nam... đội ngũ CBQL chưa có Đảng viên, do vậy cần lựa chọn những Đảng viên có phẩm chất, năng lực để bổ nhiệm hoặc điều động Đảng viên từ nơi khác để bổ sung vào đội ngũ CBQL các trường này. Chú ý đến nguyện vọng hoàn cảnh từng người nhưng khi bố trí CBQL phải bảo đảm yêu cầu : "Vì việc mà tìm người" chứ không "vì người mà tìm việc".
Việc sử dụng CBQL có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc phát triển đội ngũ CBQL nhà trường nói liêng và phát triển GD - ĐT nói chung. Nếu việc sử dụng CBQL đúng đắn, hợp lý thì nó có tác dụng thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của nhà trường và tận dụng mọi khả năng của người CBQL. Ngược lại nó sẽ khiến cho người CBQL bị ức chế không phát huy được tác dụng, không sử dụng được năng lực sở trường, khiến cho nhà trường mất ổn định, lâm vào tình trạng chia bè chia cánh ảnh hưởng đến hiệu quả đào tạo của trường. Theo chúng tôi, việc sử dụng CBQL phải phát huy được năng lực quản lý, năng lực chuyên môn và năng lực tác động tới cộng đồng của CBQL.
Sử dụng phát huy năng lực quản lý.
Năng lực quản lý là điều kiện cần phải có đối với mỗi CBQL nói chung. Nếu người CBQL mà không có năng lực quản lý thì sẽ không thực hiện được vai trò, chức năng của người CBQL. Do vậy, trong việc sử dụng đội ngũ CBQL các trường tiểu học cần phát huy được năng lực quản lý của đội ngũ, cụ thể :
+ Cần sử dụng những người có tầm nhìn xa, trông rộng, dự báo được sự phát triển của bậc học, của ngành, của xã hội. Đặc biệt là có khả năng nắm bắt và xử lý thông tin một cách chính xác và linh hoạt để có thể theo kịp sự phát triển.
+ Lao động của đội ngũ CBQL giáo dục là một loại hình lao động đặc biệt là đối tượng chủ yếu của họ là những người có trình độ, do đó người CBQL cần phải giải quyết mọi vấn đề một cách khoa học, biết cách giải quyết các vấn đề hành chính, điều hòa, giải quyết tốt các mối quan hệ trong nhà trường, biết cách tổ chức bố trí đội ngũ một cách hợp lý giúp cho việc GD - ĐT đạt hiệu quả cao.
+ Hàng năm, các Phòng GD - ĐT cần tổ chức hội thảo khoa học về nghiệp vụ quản lý trường tiểu học, xây dựng và nhân rộng các điển hình tiên tiến trong công tác quản lý nhà trường.
Sử dụng phát huy năng lực chuyên môn.
Năng lực chuyên môn như là điều kiện thiết yếu không thể thiếu của người quản lý trường tiểu học bởi nó xuất phát từ hai lý do cơ bản. Một là đối tượng quản lý chủ yếu của họ là giáo viên, đây là những người có trình độ, được đào tạo từ các trường sư phạm do đó họ cũng am hiểu về chuyên môn như đội ngũ CBQL. Hai là nhiệm vụ trọng tâm của nhà trường là tổ chức các hoạt động dạy và học trang bị cho học sinh vòn trí thức, hình thành những cơ sở ban đầu của sự phát triển đúng đắn và lâu dài về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản khác.
Để sử dụng phát huy năng lực chuyên môn của đội ngũ CBQL các trường tiểu học tỉnh Bạc Liêu được tốt, theo chúng tôi cần thực hiện tốt một số việc sau :
+ Tuyển chọn CBQL từ những giáo viên có khả năng giảng dạy từ loại khá trở lên, những người am hiểu về chương trình, phương pháp đặc trưng ở bậc tiểu học.
+ Yêu cầu CBQL các trường phải tham gia giảng dạy một số buổi, dành thời gian cho việc chỉ đạo chuyên môn, kiểm tra các hoạt động chuyên môn nhiều hơn.
+ CBQL phải thường xuyên tham dự các chuyên đề về chuyên môn để nắm vững chương trình, phương pháp đặc trưng, phát huy khả năng giảng dạy, chỉ đạo tốt các môn ở bậc tiểu học.
+ Nên tổ chức thi tay nghề quản lý trường tiểu học vì trước nay chúng ta chỉ chú trọng vào các hội thi giáo viên dạy giỏi mà quên đi đây cũng là cách để đánh giá, phân loại CBQL.
* Sử dụng phát huy năng lực tác động tới cộng đồng.
Sự nghiệp GD - ĐT là sự nghiệp của toàn xã hội, chất lượng GD - ĐT không chỉ đơn thuần phụ thuộc vào đội ngũ CBQL - GV ở trường học mà còn phụ thuộc vào nhiều nhân tố, yếu tố ngoài trường học.
Quan điểm về việc góp sức để xây dựng nền giáo dục quốc dân của Đảng ta là: "Huy động toàn xã hội làm giáo dục, động viên các tầng lớp nhân dân góp sức xây dựng nền giáo dục dưới sự quản lý của Nhà nước " (2-61)
Sử dụng đội ngũ CBQL trường tiểu học nhằm phát huy năng lực tác động tới cộng đồng cần chú ý :
+ Sử dụng những người có mối quan hệ tốt với địa phương để có điều kiện làm tốt công tác vận động xã hội tham gia sự nghiệp GD - ĐT, có thể xem Hiệu trưởng là nhà hoạt động xã hội, người tổ chức trong thực tiễn.
+ Mạnh dạn điều chuyển hoặc miễn nhiệm đối với CBQL không có uy tín với địa phương.
+ Chỉ đạo triển khai, kiểm tra Quyết định số 04/QĐ.BGD-ĐT ngày 1/3/2000 của Bộ trưởng Bộ GD - ĐT ban hành quy chế dân chủ trong trường học.
+ Trước khi các phòng GD - ĐT quyết định điều động CBQL, tham mưu cho Sở GD - ĐT quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm CBQL cần thống nhất với cấp uy Đảng và chính quyền địa phương về nhân sự mới.
Bố trí, sử dụng đội ngũ CBQL các trường nhằm mục đích phát huy được năng lực, phẩm chất của người CBQL trường học, do vậy những CBQL không phát huy được năng lực chuyên môn, không phát huy được vai trò lãnh đạo của người quản lý cần phải được thay thế. Đây là vấn đề khó trong công tác cán bộ song đứng trước những yêu cầu nhiệm vụ nặng nề của GD - ĐT trong giai đoạn hiện nay, đòi hỏi các cấp quản lý phải mạnh dạn kiên quyết, không kéo dài, chần chừ.