Những điểm chính trong kết quả nghiên cứu

Một phần của tài liệu tác động của chi ngân sách nhà nước cho giáo dục và đào tạo đến tăng trưởng kinh tế tại các tỉnh, thành ở việt nam (Trang 70 - 71)

Vai trò của chi NSNN cho giáo dục và đào tạo đối với tăng trưởng kinh tế đã được khẳng định bởi nhiều nghiên cứu trước. Với mục đích nhằm xác định tác động của chi NSNN cho giáo dục và đào tạo lên tăng trưởng kinh tế ở các tỉnh, thành phố của Việt Nam, đề tài đã xây dựng và phân tích mô hình nghiên cứu dựa trên lý thuyết tăng trưởng nội sinh và mô hình thực nghiệm của các nghiên cứu trước. Các phương pháp kiểm tra nghiệm đơn vị dữ liệu bảng đã xác định các biến trong mô hình dừng ở cùng bậc tích hợp I(1). Thông qua kiểm định đồng liên kết dữ liệu bảng của Kao (1999) và Pedroni (1999; 2004) cho thấy có tồn tại mối quan hệ dài hạn giữa các biến trong mô hình. Sau cùng là định lượng tác động của các biến giải thích đối với tăng trưởng kinh tế ở các tỉnh, thành phố bằng phương pháp ước lượng bình phương bé nhất động (DOLS) và bình phương bé nhất đã được hiệu chỉnh hoàn toàn (FMOLS), loại bỏ được vấn đề nội sinh và tương quan chuỗi trong mô hình.

Kết quả phân tích chương 5 cho thấy chi tiêu NSNN cho giáo dục và đào tạo ở các tỉnh, thành có tác động tích cực cùng chiều đến tăng trưởng kinh tế trong dài hạn và hệ số ước lượng đối với biến chi NSNN cho giáo dục và đào tạo trong cả hai phương pháp DOLS và FMOLS gần như tương đương nhau. Điều này hàm ý rằng NSNN đầu tư cho giáo dục và đào tạo là đầu tư cho nguồn nhân lực, đầu tư cho vốn con người, thông qua giáo dục đào tạo khả năng, kỹ năng và kiến thức, lao động có tay nghề cao, làm gia tăng năng suất lao động dẫn đến tăng mức sản lượng của nền kinh tế và thúc đầy tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, các yếu tố tác động dương đến tăng trưởng kinh tế trong dài hạn ở các tỉnh, thành phố đứng sau chi NSNN cho giáo dục và đào tạo phải kể đến là lực lượng lao động đang làm việc và vốn đầu tư ở các tỉnh. Việc gia tăng lao động đang làm việc sẽ mang lại hiệu quả tăng trưởng kinh tế hơn là gia tăng vốn đầu tư. Mặt khác, kết quả nghiên cứu cho thấy, cũng có thể giải thích sự chênh lệch mức sản lượng giữa các tỉnh trong dài hạn dựa trên tỷ lệ tử vong

62

ở trẻ sơ sinh, mặc dù tác động tiêu cực của chỉ tiêu này đối với GDP thực tế trong dài hạn ở các tỉnh là không đáng kể và thấp nhất trong các biến nghiên cứu. Nhưng rõ ràng ta thấy rằng các tỉnh có tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh càng cao thì mức sản lượng của nền kinh tế ở các tỉnh này rất thấp.

Tóm lại, nghiên cứu và phân tích về tác động của chi NSNN cho giáo dục và đào tạo đến tăng trưởng kinh tế ở các tỉnh, thành nêu trên, đã làm rõ được vấn đề nghiên cứu và ý nghĩa của mô hình tăng trưởng nội sinh đó là tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế phụ thuộc vào hành động của Nhà nước (hay của Chính phủ) thông qua chi NSNN cho giáo dục và đào tạo, tức là đầu tư cho nguồn lực vốn con người sẽ mang lại tác động tích cực đến sản lượng của nền kinh tế ở các tỉnh, thành phố trong dài hạn.

Từ kết quả nghiên cứu này, đề tài đưa ra một số gợi ý chính sách phân bổ chi NSNN cho giáo dục và đào tạo giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở các tỉnh, thành của Việt Nam.

Một phần của tài liệu tác động của chi ngân sách nhà nước cho giáo dục và đào tạo đến tăng trưởng kinh tế tại các tỉnh, thành ở việt nam (Trang 70 - 71)