7. Kết cấu của luận văn
3.1.3. Từ khủng hoảng tâm lý đến trốn chạy vào mộng
gắn bó với cửa Khổng sân Trình, cho nên, khi những giá trị vốn được coi trọng, vốn là khuôn vàng thước ngọc bị bẻ gãy, những cái mới chưa xác lập được nấc thang giá trị thì Nguyễn Du cũng như rất nhiều những nhà nho khác đổ vỡ mọi niềm tin. Từ đó, ông luôn có thái độ hoài nghi, cả với những cái mới lẫn những giá trị cũ.
Ý thức cá nhân nơi nhà thơ thể hiện sâu sắc ở chỗ ông nhận ra những giá trị mà mình quý trọng, nâng niu nay trở nên vô dụng, vô nghĩa. Trước hết đó là văn chương mà rộng ra là hệ thống Nho học thời bấy giờ. Những điều bản thân được học tập, rèn giũa bao lâu nay trở nên vô ích trước hiện thực khắc nghiệt của cuộc sống. Nguyễn Du mang trong mình mặc cảm bất lực - cái bất lực của cả hệ thống học vấn thời đại:
Văn tự hà tằng vi ngã dụng? (Khất thực)
(Văn chương chữ nghĩa nào đã từng ích gì cho ta?)
Xã hội cũ đang tan rã, mọi giá trị bị đứt tung không gì cứu vãn nổi. Nho học chỉ có ý nghĩa trong một chừng mực nhất định. Nhận ra cái học từ chương không giúp ích gì cho bản thân, càng không thể dùng nó để gỡ rối cho thời cuộc, Nguyễn Du xót xa, đau buồn và áy náy vô cùng. Tâm trạng ấy sau này Nguyễn Khuyến cũng vương mang:
Sách vở ích gì cho buổi ấy
Áo xiêm nghĩ lại thẹn thân già (Ngày xuân dặn các con – Nguyễn Khuyến)
Giữa thời tao loạn, mọi giá trị của cuộc sống đều bị lật tung lên. Thời cuộc đảo điên, giá trị đảo lộn. Tài năng kiến thức đều vô ích. Còn lại ở Nguyễn Du là nỗi niềm cay đắng bởi “thư kiếm vô thành sinh kế xúc” (Tự thán II- Thư kiếm đều không thành, sinh kế bức bách). Một khi nhận ra “tài vô sở dụng” (tài không được chấp nhận), Nguyễn Du “đóng cửa” (bế môn) và sống “hướng nội”. Thái độ ấy “trải đường”cho tiếng thơ buồn thương, nhiều trăn trở của nhà thơ. Không thể cứ
mãi ôn nghèo kể khổ nhưng nhìn đâu Nguyễn Du cũng chỉ thấy sự đổ vỡ, suy tàn, đau khổ. Nguyễn Du thật sự rơi vào tình trạng khủng hoảng tâm lý. Điều này chi phối mạnh mẽ đến giọng điệu bi quan buồn chán trong thơ. Thể hiện cho giọng điệu này trong Thơ chữ Hán là hệ thống những câu hỏi “hà xứ” vang lên một cách bi
thiết mà không thể tìm được câu trả lời: hà xứ qui (về đâu), hà xứ tầm (tìm ở đâu),
hà xứ trú, tại hà xứ (ở đâu), lai hà xứ (đến nơi nào)... Đặt câu hỏi cho thời cuộc
nhưng Nguyễn Du nhận được gì khi câu hỏi ấy rơi vào thinh không:
Ám tụng Thiên vấn chương
Thiên cao hà xứ vấn? (Bất mị)
(Thầm tự hỏi văn chương (sao lại lụy đến mình)/ (Muốn hỏi trời) nhưng trời cao làm sao mà hỏi?)
Quả vậy, thời thế nhiều đổi thay, biến động dữ dội. Chế độ phong kiến đã tơi tả những lớp son tô vẽ, lộ ra bao điều mục ruỗng bên trong. Nhà thơ càng đi nhiều càng thấy nhiều điều thương tâm hơn. Ở nước mình hay nước người đều như nhau, đâu đâu cũng có người khổ. Đất nước Trung Hoa trong sách vở là một nước hùng mạnh. Quốc gia ấy như một mẫu mực về việc trị quốc an dân. Thế mà, khi có dịp sứ, tận mắt chứng kiến cảnh và người trên đất nước này, Nguyễn Du mới vỡ ra nhiều điều:
Chỉ đạo Trung Hoa tẫn ôn bảo,
Trung Hoa diệc hữu như thử nhân! (Thái Bình mại ca giả)
(Thường chỉ nghe ở Trung Nguyên ai cũng no ấm/ Ngờ đâu Trung Nguyên cũng có người như thế này!)
Hoặc là:
Cộng đạo Trung Hoa thượng tiết nghĩa,
Như hà hương hỏa thái thê lương? (Quế Lâm cù các bộ)
(Ai cũng bảo nước Trung Hoa trọng tiết nghĩa/ Sao ở đây hương khói lại lạnh lẽo thế này?)
Chứng kiến cảnh nhân tình thế thái đảo điên, đạo đức cũ bại vong cùng với những bi kịch cá nhân, Nguyễn Du luôn mang nơi mình nỗi buồn sâu thẳm. Nỗi buồn nào cũng có thời gian, sẽ phai sẽ nhạt theo năm tháng. Nhưng mối thương tâm của Nguyễn Du là nỗi buồn âm thầm trọn một đời. Bản thân Nguyễn Du luôn khát khao làm nên một điều gì đấy lớn lao, có ích cho cuộc đời nhưng ông vẫn "lực bất tòng tâm". Đó là một mâu thuẫn, cũng chính là một bi kịch lớn trong suốt cuộc đời
Nguyễn Du. Chính trạng thái khủng hoảng tâm lý ấy xui Nguyễn Du tìm đến với
mộng - đó là cách để thoát ra ngoài, để quên lãng thực tại, để được sống trong một hoàn cảnh tự do hơn.
Mặt khác, mặc cảm cô đơn là một trong những nguyên nhân khiến Nguyễn Du tìm đến mộng. Có thể giải thích như thế này: những biến cố trong cuộc đời đã khiến cho Nguyễn Du luôn có mặc cảm mất mát và cô đơn. Dù luôn kiếm tìm một sự bù đắp, sẻ chia, nhưng Nguyễn Du càng cô đơn hơn trong mỗi nỗ lực của mình: “Tụ đầu nan đắc thường thanh mục” – Họp bạn, thường khó được người bạn mắt xanh (Phúc Thực Đình). Thế nên: “Cao sơn lưu thủy vô nhân thức” - Điệu đàn “núi cao, nước chảy” ai người hiểu (Lưu biệt Nguyễn Đại lang). Đi giữa “đời
loạn”, Nguyễn Du bơ vơ và cô độc. Những u uẩn trong lòng ông không thể tỏ cùng
ai. Đau đớn hay xót xa, nghẹn ngào hay tủi hổ… chỉ một mình mình biết, một mình mình hay:
Ngã hữu thốn tâm vô dữ ngữ,
Hồng Sơn sơn hạ Quế Giang thâm (My trung mạn hứng)
(Ta có tấc lòng không biết nói cùng ai/ Dưới chân núi Hồng sông Quế sâu) Con người ấy cứ đi tìm cho mình một chỗ dựa tinh thần nhưng rốt cuộc lại chỉ gặp chính mình: lúc nào cũng chỉ là “nhất” (chỉ có một), là “cô” (đơn côi, cô độc), là “độc” (một mình, đơn độc). Không thể tìm cầu ở tha nhân, Nguyễn Du hướng cái nhìn vào nội giới, vào chính bản thân mình để phanh phui, bóc trần hết những nỗi niềm tâm sự của mình. Thi nhân lẫn trốn vào mộng, say mộng để chối bỏ mảnh hình hài quen thuộc, chối bỏ bệnh tật, nghèo khó, chối bỏ tất cả phiền muộn trong đời…