7. Kết cấu của luận văn
1.4.1. Quan niệm về thực
Hiểu theo nghĩa thông thường,“thực” nghĩa là có thật, có thể nhận biết trực tiếp bằng các giác quan. Cái tồn tại trong thực tế thì gọi là “hiện thực”. Về mặt lý luận văn học, tác phẩm văn học nào cũng phản ánh hiện thực. Tinh thần hiện thực
trong tác phẩm văn chương được hiểu là toàn bộ sự phản ánh trung thực cuộc sống. “Vì vậy, khi nói đến tính hiện thực hoặc chủ nghĩa hiện thực trong văn học cổ, trong sáng tác của Hô-me-rơ, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị… là người ta muốn lưu ý rằng tác phẩm của nền văn học đó, của tác giả đó gần gũi, gắn bó với cuộc sống và mang tính chân thực sâu sắc” [17; tr. 77-78]. Ở đó, tác giả không né tránh việc phản ánh xã hội ở những góc khuất, ở những mặt tiêu cực. Nhu cầu tái hiện hiện thực cuộc sống cho dù hiện thực ấy là nghiệt ngã, đau xót, đắng cay…luôn tồn tại trong văn học mọi thời kì.
Trong văn học Việt Nam, chất hiện thực thường được nhìn ở khía cạnh hiện thực phê phán, thường gắn với thái độ tố cáo hiện thực bằng cách phơi bày, lột trần hiện thực xã hội với những ung nhọt, những tật bệnh xấu xa. Tiếp cận với những hiện thực trong đời sống, nhà văn, nhà thơ không phải như một người ghi chép thụ động dửng dưng, mà luôn ý thức chủ động khám phá. “Điều quan trọng nhất đối
với văn học hiện thực chủ nghĩa là sự trung thành, chính xác trong nhận thức tái hiện bản chất cuộc sống và tầm quan trọng của những tư tưởng mà nhà văn muốn thể hiện” [17; tr. 78 – 79].
Văn học Việt Nam giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVIII nửa đầu thế kỷ XIX mang ánh sáng của chủ nghĩa hiện thực. Cơ sở văn hóa - xã hộicủa chủ nghĩa hiện thực giai đoạn này có thể tóm tắt như sau: Trong lúc chế độ phong kiến cũng như ý thức hệ Nho giáo xuống dốc, khuynh hướng “cổ điển” cũng trở nên thoái hóa, thì như để đối xứng trở lại, chủ nghĩa hiện thực đã hình thành tương đối hoàn chỉnh với tất cả những đặc điểm lịch sử - cụ thể của xã hội phong kiến mạt kì ở phương Đông.
Dĩ nhiên, chủ nghĩa hiện thực đã được manh nha từ trước với những yếu tố hiện thực mang tính chất tố cáo sự thối nát của những triều đại phong kiến trong giai đoạn suy tàn. Cơ sở xã hội và ý thức hệ của chủ nghĩa hiện thực này là những phong trào đấu tranh của nhân dân (như đã nói ở mục 1.1.2). Trên cơ sở này, những quan niệm văn học hiện thực và nhân dân xuất hiện. Nhằm thực hiện những yêu cầu bức thiết mang tính chất dân chủ và nhân dân, vì quyền lợi của nhân dân nên trong Hịch Tây Sơn có nói “Tưới mưa dầm khi nắng hạn, kéo cùng dân ra khỏi chốn lầm than” là vậy [dẫn theo 29;tr.556].
Không chủ trương “thi dĩ ngôn chí”, Lê Quý Đôn cho làm thơ phải có ba điểm “Một là Tình, hai là Cảnh, ba là Sự. (…) Tình là người, cảnh là trời, sự là hợp cả trời đất mà quán thông” [16;tr.35]. Như vậy, Lê Quý Đôn rất chú trọng đến mối quan hệ của văn chương với Cảnh (tức thiên nhiên) và Sự (tức đời sống xã hội). Với quan niệm văn chương phải phản ánh sự thật khách quan, Phan Huy Chú chủ trương nhà văn phải đi sâu nghiên cứu cuộc sống, “kẻ học giả phải xét hỏi sâu rộng, tìm
kiếm xa gần, khảo cứu để định lấy lẽ phải, thế mới đáng là người học rộng”
[29;tr.557]. Có thể thấy cả Lê Quý Đôn và Phan Huy Chú đều ý thức được sự gắn bó cần thiết và tất yếu của văn chương với đời sống xã hội. “Quan niệm văn học
không phải chuyên đi truyền thụ đạo đức, mà trước hết phải gắn bó với cuộc đời như vậy, cho nên tất yếu cũng phải gắn bó với vận mệnh của nhân dân” [29;tr.557]. Đó là những tiền đề đầu tiên của việc hình thành quan niệm văn học hiện thực và nhân dân trong sáng tác trung đại.
Tính chất hiện thực trong văn học Việt Nam trung đại thường gắn với một số tác phẩm chứa chan tinh thần nhân đạo phản ánh những số phận đầy bi kịch, đau khổ do hoàn cảnh mang lại. Tinh thần hiện thực còn được biểu hiện ra ở những tác phẩm chứa đựng cách nhìn nhận, đánh giá về hiện thực cuộc đời, có thể đó chưa phải là thái độ phản kháng, chống đối lại xã hội mà mới chỉ dừng lại ở niềm tâm sự u uất trước sự thực tại bất công, đem đến bao đau xót cho con người.
Tinh thần hiện thực buộc nhà thơ, nhà văn phải nhìn thẳng vào bộ mặt của thực tế. Xuất phát từ chủ quan, các nhà hiện thực cố gắng nhận thức, nghiên cứu
thực tế để phản ánh trong sáng tác. Chỉ nhìn thẳng vào sự thật con người mới có thể tìm ra “phương thuốc” hữu hiệu chữa trị những “căn bệnh” của cuộc sống. Trong khi quan sát thực tế, họ đi sâu vào bản chất, phát hiện những mâu thuẫn trong hiện thực.
Thựctrong tác phẩm của Nguyễn Du được hiểu là thế giới hiện thực được ông phản ánh trong tác phẩm. Một khối lượng không nhỏ các tác phẩm chữ Hán chứa đựng tinh thần phản ánh hiện thực của Nguyễn Du đã thể hiện nỗi lòng da diết của thi nhân trước hiện thực mà ông mục kích. Những điều Nguyễn Du viết ra là những điều “sở kiến” (Sở kiến hành), những điều “nhãn kiến” (Trở binh hành), “Ngã sạ
kiến chi” (Thái Bình mại ca giả), “Mục trung sở xúc” (Tỷ Can mộ).
Thực còn là thái độ của nhà văn hiện lên trong sự phản ánh hiện thực ấy. Thái độ ấy là gì? Là “Ngã sạ kiến chi, bi thả tân” (Tôi trông thấy mà thương xót), là “Mục trung sở xúc, năng vô lệ” (Không thể không rơi lệ vì những điều trông thấy.
Trong luận văn này, người viết khai thác giá trị hiện thực của thơ chữ Hán Nguyễn Du, tức khả năng phản ánh những khía cạnh bản chấtcủa cuộc sống xã hội rộng lớn và phức tạp. Ta bắt gặp một Nguyễn Du gắn bó hơn với cuộc đời và con người thông qua một thái độ yêu ghét rõ ràng. Thơ chữ Hán Nguyễn Du thấm đượm chất trữ tình mà cũng sắc bén chất hiện thực là vì thế.