7. Kết cấu của luận văn
1.4.2 Quan niệm về mộng
“Mộng” là hiện tượng thấy người hoặc sự việc hiện ra như thật trong giấc ngủ (chẳng hạn: giấc mộng, bàng hoàng như người trong mộng…). “Mộng” còn là điều luôn luôn được hình dung, tưởng tượng tới và mong muốn trở thành sự thật (chẳng
hạn: ôm ấp mộng văn chương, xây mộng, vỡ mộng…).
Ở Từ điển Hán Việt của Thiều Chửu “mộng” là trạng thái chiêm bao, nằm mê; tức là cái mà người ta thường cảm giác trong khi ngủ. Cảnh trong mộng không thật, như cái bọt nước, cái bóng chợt hiện ra rồi lại mất ngay. “Mộng ảo bào ảnh” là vậy. Rất gần với “mộng”, nội hàm của từ “mơ”, theo Từ điển tiếng Việt, cũng có nội dung tương tự là thấy trong giấc ngủ người hay việc mà thường ngày có thể nghĩ tới; là tưởng tượng và mong ước những điều tốt đẹp.
Như vậy “mộng”, “mơ” là từ dùng chỉ hiện tượng xảy ra trong giấc ngủ (giấc mộng, giấc mơ, giấc mê, chiêm bao) và gắn liền với tưởng tượng của con người (mơ tưởng, mộng tưởng). Khái niệm “mộng” mà người viết muốn đề cập trong đề tài này cũng bao gồm cả:
mộng ảo (cũng như ảo mộng): điều ước muốn viễn vông, không thực tế; mộng mị (hay chiêm bao): giấc mơ khi ngủ;
mộng triệu: điều thấy trong mộng, được coi như điềm báo trước;
mộng tưởng: điều mong ước quá cao xa, dường như chỉ thấy được trong mộng; mộng ước: điều luôn luôn mơ ước;
mơ mộng: say mê theo những hình ảnh tốt đẹp nhưng xa vời, thoát ly thực tế; mơ tưởng: mong mỏi, ước mơ điều chỉ có thể có trong tưởng tượng;
…
Theo quan niệm dân gian thì “mộng” và “chiêm bao” là một hiện tượng báo trước những điều sẽ xảy ra ở tương lai trong đời sống con người và con người sẽ hành động theo những chỉ dẫn trong “mộng” và “chiêm bao”. Còn khái niệm “mộng” theo ý nghĩa từ điển được hiểu như một trạng thái tâm lý của con người. Nhìn từ mối quan hệ với hiện thực (cái tồn tại thực tế) mộng là cái không giống như, thậm chí trái ngược với thực.
Theo quan niệm phương Tây, nguồn gốc của những giấc mộng có thể do một ám ảnh, ẩn ức tâm lí, do những dằn vặt, đau khổ hoặc những khát vọng nào đó chưa thành hiện thực. Ở góc độ phân tâm học, Sigmund Freud (1856-1939) đã đi sâu tìm hiểu “Giải đoán giấc mơ” để lí giải nhiều hành động, nhiều trường hợp mà nếu dùng lí trí bình thường chúng ta sẽ không thể lí giải nổi. Freud xem giấc mơ là hiện tượng tâm lý. Theo ông, giấc mơ là biểu hiện, thậm chí là sự thực hiện những dục vọng bị kìm nén. Các giấc mơ với Freud chứa các ẩn nghĩa. Ông đã cố gắng lí giải các giấc mơ như là một cách để hiểu về hành động và suy nghĩ của con người. Freud tin rằng mọi suy nghĩ và hành động của con người bắt nguồn từ sâu trong tâm thức và giấc mơ có thể là một con đường quan trọng để hiểu những gì đang xảy ra trong tâm trí họ, về các mối lo lắng nằm sâu trong lòng họ.
Với phương Đông, Trang Chu (Trang Tử) là người đầu tiên nói tới mộng, truyện Trang Chu hóa bướm. “Trang Chu nằm mộng thấy mình hóa bướm vui vẻ
bay lượn, mà không biết mình là Chu nữa. Rồi bỗng tỉnh dậy, ngạc nhiên thấy mình là Chu. Không biết phải mình là Chu nằm mộng thấy hóa bướm hay là bướm mộng thấy hóa Chu” [21;tr.175]. Truyện này không nhằm giải thích mộng là gì, nó nằm trong luận điểm của Trang Tử khi nói về “vật hóa”, tức sự biến hóa, biến thiên của vạn vật. Mọi vật đều biến thiên, “một việc lúc này cho là phải, lúc khác cho là trái” [21;tr.178] Vì luật biến hóa đó mà “mộng có thể là thực mà thực cũng có thể là mộng” [21;tr.178]. Không thể biết được Trang Chu mộng thấy mình là bướm hay bướm mộng thấy nó là Trang Chu. Truyện này còn được giải thích theo quan niệm Tề vật luận – mọi vật đều ngang bằng nhau, có giá trị như nhau: Ta và Vật bình đẳng. Từ đó có thể hiểu mộng và thực, theo Trang, là có giá trị như nhau. Trang Tử còn có quan niệm nhân sinh như mộng với hàm nghĩa cuộc đời ngắn ngủi, phù du.
Thế giới mộng ảo cũng chính là một khía cạnh của đời sống tâm linh con người. Mộng đối với những bậc tao nhân mặc khách thời xưa giống như một quá trình ảo hóa hoặc tự hóa thân, làm cuộc siêu thoát tâm linh để khi tỉnh dậy tâm hồn rời bỏ sự chấp mê, nhận ra ý nghĩa của cuộc đời: mộng hóa bướm của Trang Chu hay giấc mộng của chàng nho sinh họ Lư, thường gọi là giấc mộng kê vàng: “Đời nhà Đường có một nho sinh họ Lư đi thi không đỗ. Trở về, dọc đường, vừa buồn lại vừa đói nên ghé vào một ngôi chùa con bên cạnh khu rừng xin cơm chay. Chùa nghèo, nhà sư nấu kê thay gạo đãi khách. Vì mệt mỏi nên họ Lư nằm một lúc thì ngủ khò. Chàng thấy mình đã thi đỗ, được quan chức cao, nhà vua lại còn gả công chúa, phong cho chàng làm phò mã và cho đi trấn nhậm một nơi. Thật là vinh quang phú quý, không ai bằng. Nhưng khi đi đến nửa đường thì bỗng gặp quân giặc đỗ đến đánh. Lư chống cự không lại. Lính hộ vệ bị giết. Xe kiệu bị đập phá tan tành. Chúng thộp cổ cả vợ chồng Lư, đưa gươm kề họng... Lư hoảng hốt, kêu lên một tiếng, giật mình thức dậy mới biết là chiêm bao… Mà giữa lúc ấy nồi kê cũng chưa chín”. Theo thuyết nhà Phật thì có thể ví cuộc đời này là một giấc mộng lớn (đại mộng). Thế nên, khi nhắm mắt lìa đời, con người chỉ nắm tay không mà đi. Phật
giáo cho rằng giấc chiêm bao của chúng ta có thể ví là tiểu mộng, thức dậy, mọi việc trong chiêm bao liền hoàn không. Cả hai cùng là giấc mộng, chỉ khác nhau là giấc mộng dài, hay giấc mộng ngắn mà thôi. Thế giới mộng ảo cũng thể hiện niềm tin vào thế giới vô hình, thế giới của những người đã khuất, của thiên địa, thần linh, ma quỷ…
Trong đời sống, mộng thể hiện trong giấc mơ khi ngủ hoặc là những tưởng tượng của con người khi thức. Ở trường hợp thứ nhất, mộng hình thành trong cõi vô thức, tiềm thức, vượt ra khỏi ý thức của con người, không do một ý thức nào chi phối trực tiếp. Do đó, những yếu tố phi lí rất thường thấy trong mỗi giấc mơ. Dù ý thức không chi phối trực tiếp nhưng các hình ảnh trong giấc mơ xét đến cùng chính là những hình ảnh gián đoạn của những ý thức nào đó ám ảnh con người lúc thức. Ở trường hợp thứ hai, mộng được hiểu là những ước mơ, khát vọng của con người vượt ra ngoài giới hạn thực tại của cuộc sống. Các giấc mơ này đều có sự chi phối của ý thức. Thế giới tưởng tượng ấy đa sắc màu, phong phú vô ngần nhưng cốt lõi nó đều cấu trúc như một thế giới sống động, có nhân vật, có thời gian và không gian, có âm thanh màu sắc với những trạng thái hoạt động cùng tất cả sự phức tạp và phong phú của đời sống xã hội. Nó có thể là một thế giới đầy sắc hương, đẹp đẽ, hạnh phúc cũng có khi đầy sầu đau, buồn khổ. Cảnh vật trong thế giới mộng có thể hoàn toàn khác lạ, kỳ dị chỉ có trong tưởng tượng, trong mộng nhưng cũng có thể rất gần gũi quen thuộc với đời sống con người trên mọi phương diện, cung bậc của tâm hồn.
Trong sáng tạo văn học, mộng là một phương thức cơ bản của người nghệ sĩ sáng tác theo chủ nghĩa lãng mạn. Thế giới mộng đã xuất hiện trong văn học trước Nguyễn Du. Thần thoại, sử thi…là những minh chứng đầu tiên cho thấy sự xuất hiện của thế giới mộng. Đó là thế giới của thần, tiên, của những phép màu, những con người mang sức mạnh thần linh… Trong nghệ thuật, mộng không chỉ là việc ghi lại những giấc mơ khi ngủ của nhà văn, mộng còn là mong ước, tưởng tượng của tác giả trong cuộc sống thực tại. Dù trong trường hợp nào, khi đã là một sáng tạo hiện hữu trong văn bản ngôn từ nghệ thuật, mộng đều đã đi qua sự khúc xạ đặc
biệt của ý thức nhà văn để diễn tả một quan niệm của nhà văn về cuộc sống, về thế giới. Mặc dù những giấc mơ đến từ thế giới tiềm thức, vô thức nhưng khi nhà văn viết lại những giấc mơ ấy thành mộng trong tác phẩm thì ý thức của ông đã làm việc, đã in dấu vào giấc mộng trong nghệ thuật kia rồi.
Mộng, xét đến cùng, chính là một cách ứng xử của con người đối với hiện thực cuộc đời. Trong văn học trung đại, không ít nhà nho băn khoăn giữa xuất và xử, cuối cùng chọn cuộc sống ẩn dật, tiêu dao. Quan niệm “Xử thế nhược đại mộng” (Sống ở đời như giấc mộng lớn) của Lý Bạch từ thế kỉ VIII đã ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều lớp nhà nho Việt Nam, trong đó có Nguyễn Du. Các nhà nho hành đạo thường mơ về xã hội bình trị, ấm no thời Nghiêu - Thuấn. Đặc biệt, trong thế giới nghệ thuật của các nhà nho ẩn dật và nhà nho tài tử, mộng luôn luôn hiện hữu. Từ thái độ bất hợp tác, bất mãn với hiện thực, họ thường vẽ ra một thế giới cho riêng mình, thoát ra khỏi vòng danh lợi tầm thường. Thậm chí đó còn là thế giới kì ảo, ma quái, hư thực lẫn lộn như trong “Liêu Trai chí dị” (Bồ Tùng Linh), “Truyền
kì mạn lục” (Nguyễn Dữ)…
Mộng trong thơ chữ Hán Nguyễn Du theo nghĩa hẹp có thể hiểu là những giấc mộng, cơn mơ của ông; theo nghĩa rộng là toàn bộ những tưởng tượng lãng mạn, vượt ra ngoài “đường biên” thực tế của tác giả thể hiện trong sáng tác.
Yếu tố mộng mị, mộng ảo này là một nét lớn trong mạch trữ tình của thơ chữ Hán Nguyễn Du. Khảo sát về hiện tượng này, giá trị tư tưởng và giá trị nhân văn của thơ chữ Hán Nguyễn Du sẽ được bộc lộ rõ nét.
Chương 2.
CÕI THỰC VÀ CÕI MỘNG TRONG THƠ CHỮ HÁN NGUYỄN DU 2.1.Cõi thực trong thơ chữ Hán Nguyễn Du
Khác với lối thơ ca tụng vương triều, ca tụng vua sáng tôi hiền thường thấy trong văn học trung đại thời Nho giáo thịnh trị, thơ Nguyễn Du bao quát một phạm vi hiện thực rộng lớn. Đó chính là những điều Nguyễn Du từng trải, những điều ông “sở kiến” (Sở kiến hành), “nhãn kiến” (Trở binh hành), hay “Mục trung sở xúc”
(Tỷ Can mộ). Quan sát của nhà thơ tinh tế, tình cảm của nhà thơ chân thành, thế nên bức tranh hiện thực đời sống xã hội, con người một thời đại hiển hiện sinh động đầy ám ảnh trước mắt độc giả.