7. Kết cấu của luận văn
1.3.3 Bắc hành tạp lục
Gồm 132 bài thơ, được sáng tác trong khoảng 1813 – 1814, khi đó Nguyễn Du được nhà Nguyễn cử làm Chánh sứ sang Trung Quốc tuế cống. Tập thơ ghi lại những điều tai nghe mắt thấy trên đường đi sứ, “mỗi một cảnh, mỗi một di tích, mỗi
một con người của quá khứ và hiện tại trên đất nước Trung Hoa như xác nhận thêm một lần nữa những điều nhà thơ từng nghiền ngẫm, nung nấu” [25;tr.320]. Thơ tập này có thể tạm chia thành hai loại: phản ánh đời sống hiện tại, những điều tai nghe mắt thấy và loại đề vịnh lịch sử.
Nếu ở hai tập thơ đầu, thi nhân rơi vào trạng thái u uất triền miên thì với tập thơ này ta bắt gặp một Tố Như gắn bó hơn với cuộc đời và con người thông qua một thái độ yêu ghét rõ ràng và những phát hiện, suy nghiệm mới mẻ về thiên nhiên, con người và cuộc sống trên đất nước Trung Hoa. Có thể nói, công cuộc đi sứ đã tạo điều kiện cho thi nhân trải rộng lòng mình trên mỗi chặng đường. Thơ đi sứ Nguyễn Du thấm đượm chất trữ tình mà cũng sắc bén chất hiện thực là vì thế.
Ẩn hiện trên trang viết Nguyễn Du là những sắc mặt ốm đói xanh xao, là cảnh khất thực của nhân dân cùng khổ. Nhìn đời, Nguyễn Du băn khoăn, đau xót, day dứt khôn nguôi. “Bắc hành tạp lục” ghi lại bao nhiêu cảnh thương tâm: cảnh một ông già mù đi hát rong ở châu Thái Bình, tỉnh Quảng Tây (Thái Bình mại ca giả), cảnh mấy mẹ con nọ bồng bế, dắt díu nhau thất tha thất thểu xin ăn dọc đường
(Sở kiến hành)…
Bên cạnh những bài thơ viết về đề tài hiện thực, Nguyễn Du còn có một số lượng lớn thi phẩm viết về đề tài các nhân vật lịch sử Trung Quốc. Nhà thơ tập trung vào ba nhóm nhân vật chính: những danh nhân lịch sử - văn hoá; những đế vương, tướng soái quyền thế một thời; những kẻ gian ác, phản bội…
In dấu ấn trong thơ Nguyễn Du là những tấm gương tiết liệt. Đó là bóng dáng uy nghiêm của các đấng minh quân như vua Nghiêu, vua Thuấn… Đó là tấm lòng trung nghĩa sáng ngời của những kẻ bề tôi như Dự Nhượng – con người có “khí lạ cao ngất nghìn tầng mây”.
Tái hoạch tái xả tâm bất di
Lâm tử do năng tam kích y. (Dự Nhượng chuỷ thủ hành)
(Bị bắt, được tha, lại bị bắt, lại được tha mấy lần liền, lòng vẫn không dời/ Đến lúc chết còn đánh được ba lần vào áo Tương Tử).
Viết về lịch sử, song bao giờ Nguyễn Du cũng lồng vào đó những chiêm nghiệm của bản thân, bao giờ ông cũng nhìn thấy những bài học lớn lao cho hậu thế. Không chỉ ngợi ca những con người trung liệt, tiết nghĩa nhà thơ còn đồng cảm sâu sắc với những kiếp “tài hoa bạc mệnh” như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Nhạc Phi, Hàn Tín…đặc biệt là Khuất Nguyên. Cũng trong tập “Bắc hành” này, người đọc bắt gặp những dòng thơ chứa chan yêu thương của Nguyễn Du đối với người phụ nữ (Long Thành cầm giả ca).
Trân trọng và cảm thông cho sự oan uổng của những kiếp người tài hoa, Nguyễn Du đã tiến đến vạch ra bản chất của xã hội phong kiến thời suy tàn. Nội dung này được Nguyễn Du làm sáng tỏ thông qua chân dung những kẻ gian ác, xấu
xa: những kẻ mũ cao áo dài, kẻ ngồi vểnh râu bàn về trung, nói về hiếu nhưng thực ra là bọn ăn thịt người: Tô Tần, vợ chồng Tần Cối – Vương Thị…