Cõi mong ước

Một phần của tài liệu thơ chữ hán nguyễn du thực và mộng (Trang 65 - 74)

7. Kết cấu của luận văn

2.2.1.Cõi mong ước

Thế giới mộng ảo của thi nhân được dệt nên bởi muôn vàn những mong ước. Đó là cõi của những ước vọng và mộng mơ. Đó là những điều tốt đẹp thi nhân mong muốn mà hiện tại chưa có được, chưa đạt được nên tha thiết có được trong tương lai. Mong ước nếu thành hiện thực sẽ chấm dứt hoàn cảnh hoặc tâm trạng tiêu cực, bế tắc hiện tại.

Phải nói đến đầu tiên là mộng công danh – mong ước thành đạt. Truyền thống gia đình nhiều đời khoa hoạn cộng với nhiệt huyết tuổi trẻ đã hình thành nơi chàng trai trẻ Nguyễn Du một chí hướng phấn đấu riêng cho sự nghiệp của mình. Được đào tạo nơi “cửa Khổng sân Trình” nên Nguyễn Du quyết nhập thế để thực hiện mộng công danh. Không đơn thuần chỉ là “phận sự nam nhi”, đó còn là ý nguyện giúp người giúp đời, là hoài bão tự thân Nguyễn Du. Kỳ vọng nhiều vào tương lai, mong ước ấy thôi thúc con người tự tin hành động. Nguyễn Du say sưa nghĩ đến tương lai với “hoàng các mộng” (giấc mộng gác vàng) (Mạn hứng I),với “vân tiêu

Những giấc mộng “gia hương” - niềm ao ước được trở về quê hương - được Nguyễn Du nhắc đi nhắc lại trong rất nhiều bài thơ:

Ngũ canh tàn mộng tục hương quan (Thủy Liên đạo trung tảo hành)

(Trong giấc mộng tàn canh nằm vẫn còn mơ về quê hương)

Khi phiêu bạt nơi góc bể chân trời, khi làm quan, khi đi sứ, không lúc nào nhà thơ không nhớ, không hướng về quê nhà thân thương:

Thiên lý ly gia lữ mộng trì. (Đại tác cửu thú tư quy)

(Xa nhà ngoài ngàn dặm, giấc mộng đất khách dài)

Những giấc mộng ấy luôn nhắc nhở Nguyễn Du về hoàn cảnh tha hương của mình:

Mộng trung tùng cúc ức qui dư (Lạng Sơn đạo trung)

(Trong mộng, rừng tùng khóm cúc làm ta nhớ chuyện trở về)

Cõi mong ước trong thơ Nguyễn Du tràn ngập những mơ ước về một cuộc sống tự do, bình yên:

Ná đắc khiêu ly phù thế ngoại,

Trường tùng thụ hạ tối nghi nhân. (Sơn thôn)

(Ước gì nhảy thoát ra khỏi vòng trần tục/ Dưới bóng cây tùng già, thích biết bao)

Thoát khỏi vòng trần tục, lánh mình vào nơi “vạn sơn thâm xứ tuyệt phong

trần” (Trong chốn hàng vạn núi sâu, cách tuyệt gió bụi) (Sơn thôn), nhà thơ được

sống cuộc sống ẩn dật như những người lánh Tần ở suối Hoa Đào thuở nào. Cuộc sống giản đơn với những niềm vui nho nhỏ khi thảnh thơi ngắm nhìn những sinh hoạt của xóm núi:

Mục nhi giác chủy hoang giao mộ,

Cấp nữ đồng liên ngọc tỉnh xuân, (Sơn thôn)

(Trẻ chăn trâu gõ sừng giữa đồng hoang chiều hôm/ Cô gái kéo gàu nước ở giếng ngọc ngày xuân)

Hay có khi nhà thơ mơ ước về già được ở một chốn bình yên như xóm núi Hoàng Mai:

Sơn ngoại hưng dữ phế. Sơn trung giai bất tri. Toán lai nhất niên trung, Sở ưu vô nhất thì.

Sở dĩ sơn trung nhân,

Nhân dân giai kỳ di. (Hoàng Mai sơn thượng thôn)

(Những cuộc hưng, phế ở ngoài núi/ Người trong núi thảy không hay/ Điểm lại trong suốt cả một năm/ Không một lúc nào phải lo âu/ Cho nên người trong núi/ Người người đều sống lâu trăm tuổi.)

Cuộc sống lý tưởng, cách biệt với thế giới bên ngoài. Ở đó chỉ có niềm vui và sự an nhàn. Họ không thiết học thi thơ, cũng không cần biết đến thời gian bởi “Các loại hoa báo cho biết mùa trong năm”. Nếu được như thế thì còn lý do gì để nhà thơ

của chúng ta buồn lo nữa.

Xác thân và tâm hồn càng mệt mỏi bao nhiêu, nỗi niềm mong ước càng tha thiết, mãnh liệt bấy nhiêu. Bản thân Nguyễn Du là một ông quan mà lại không thể chăm lo chu toàn cho gia đình, con cái. Ở chốn quan trường, Nguyễn Du còn phải “khom lưng” để “bảo toàn sinh mệnh”. Làm quan mà chí hướng và những điều mình nung nấu, mong muốn làm cho dân không thể thực hiện được, nhà thơ càng thêm chán ngán. Nguyễn Du muốn từ quan để tìm về cuộc sống thanh nhàn, xa lánh vòng danh lợi. Và ông mộng được đi tu:

Hà năng lạc phát qui lâm khứ

Ngọa thính tùng phong hưởng bán vân (Tự thán II) (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

(Ước sao có thể xuống tóc vào rừng/ Nằm nghe tiếng thông reo lưng chừng mây)

Nhà thơ ước ao được rũ bỏ bụi trần, tu tịnh nơi rừng sâu núi thẳm. Khu rừng mơ ước của thi nhân rợp bóng mát của cây cối, vi vu tiếng thông reo. Nơi ấy con người được thiên nhiên ôm ấp, vỗ về. Thanh thản nằm giữa núi rừng, cõi lòng ông cũng nhẹ tênh, khước từ mọi lo lắng trần thế. Nhưng tìm đâu cho thấy khu rừng lý

tưởng ấy khi những sợi dây ràng buộc thi nhân với cõi tục hãy còn vướng vít, bủa vây.

Những tháng ngày mỏi mệt vì vậy cứ kéo dài lê thê. Không đi tu được, nhà thơ ước ao có được giấc ngủ an nhiên của một vị ẩn sĩ đầy thư thái:

Lão nạp an miên Hồng Lĩnh vân,

Phù âu tĩnh túc noãn sa tân. (Dạ hành)

(Vị sư già ngủ yên trong mây núi Hồng/ Chim âu yên ngủ đêm trên bãi cát ấm) Nguyễn Du mong biết mấy một giấc ngủ dịu êm, như chim âu trên bãi cát ấm, như vị sư già trong mây núi. Chìm trong mây núi, vùi trong cát ấm, giấc ngủ sâu quên đi bao vất vả, nhọc nhằn của trần thế. Giấc ngủ quên đời, quên mình, quên người. Buông xả… Nhẹ nhõm… Giấc ngủ mới nhẹ nhàng và êm ái nhường nào. Có hay không trên đời một giấc ngủ đẹp như thế? Chắc chỉ có trong trí tưởng tượng của thi nhân mà thôi. Mây khói ảo mờ, mong manh như chính niềm mơ ước của thi nhân.

Mong muốn thoát khỏi ràng buộc trở thành niềm ao ước thường trực và khắc khoải. Đã có lúc niềm mơ ước dâng lên mãnh liệt, nhà thơ của chúng ta chỉ chực “treo mũ từ quan” mà ra đi ngay:

Ngã dục quải quan tòng thử thệ, Dữ ông thọ tuế lạc cầm tôn. (Tặng nhân)

(Ta cũng muốn từ đây treo mũ áo từ quan mà ra đi/ Cùng ông hưởng thọ vui với đàn, với rượu)

Nếu được dứt nợ với chiếc áo xanh (quan phục), nhà thơ sẽ thảnh thơi “làm bạn cùng hươu nai” rồi “đốc thúc con cháu” trong mùa gặt lúa. Còn gì sung sướng bằng việc được vui vầy cùng bầy cháu con nơi thôn quê, cùng đàn hát và uống rượu với ông bạn già. Viễn cảnh tươi sáng ấy được dệt bằng niềm khát khao tự do cháy bỏng.

Trong tột cùng mong mỏi, Nguyễn Du hé lộ niềm ước ao rất đỗi ngây thơ. Ông ước có được cái may mắn như người khách mình gặp trên đường: “bỗng được

cho về” trong một lần vào chầu vua. Niềm vui bất ngờ ấy cũng có thể đến với ông như một giấc mơ chăng?

Ngẫu phùng qui khách hướng dư thoại,

Tạc tuế triều thiên sạ phóng hoàn. (Thủy Liên đạo trung tảo hành)

(Tình cờ gặp người khách trên đường về nhà nói chuyện cùng ta/ Năm ngoái vào chầu vua bỗng lại được cho về!)

Có lúc sự ngột ngạt trong tâm hồn khiến Nguyễn Du phải kêu gọi ánh sáng:

An đắc huyền quan minh nguyệt hiện,

Dương quang hạ chiếu phá quần âm. (Ngoạ bệnh II)

(Ước gì trước cửa huyền vầng trăng sáng hiện ra/ Ánh sáng rọi xuống phá tan mọi u ám)

Nhà thơ ao ước có một thứ ánh sáng huyền diệu có thể xua tan không gian u ám đang vây quanh mình. Ánh sáng với phép màu kỳ lạ ấy cũng sẽ giúp thi nhân thay đổi tình trạng bế tắc hiện tại.

Và đây cũng là một mong ước nữa để thoát khỏi hoàn cảnh tiêu cực của thực tế:

An đắc phong xa nhật vạn lý,

Phi thân nhất tức lai thiên kinh. (Trở binh hành)

(Sao được cỗ xe gió một ngày đi vạn dặm/ Bay một hơi đến thiên kinh)

Trong hoàn cảnh ngặt nghèo, nhất thời chưa tìm được cách giải quyết, lúc tâm trạng dao động, rối rắm, Nguyễn Du lại vin vào mong ước. Đang trên đường đi sứ, Nguyễn Du bị nghẽn đường vì việc binh đao ở Hà Nam mà chẳng biết đường đi phía trước bao giờ mới yên ổn. Không muốn cứ ngồi thụ động mà chờ đợi, càng

không muốn cứ chứng kiến cảnh binh đao náo động, giết chóc ở Hà Nam, Nguyễn

Du mong sao có thể chóng vượt qua tình cảnh hiện tại. Và cỗ xe gió mơ ước ấy liệu có xuất hiện để giải thoát cho thi nhân?

Không chỉ dừng lại ở niềm mong ước, những giấc mộng của thi nhân cũng hướng đến những điều tươi sáng, ngọt ngào. Giấc mộng hái sen mới lung linh, huyền ảo làm sao. Nhà thơ mơ thấy mình hẹn đi hái sen cùng cô láng giềng:

Khẩn thúc giáp điệp quần, Thái liên trạo tiểu đĩnh. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Hồ thủy hà xung dung,

Thủy trung hữu nhân ảnh. (Mộng đắc thái liên I)

(Buộc chặt quần cánh bướm/ Hái sen, chèo thuyền con/ Nước hồ sao lai láng/ Trong nước có bóng người)

Không gian giấc mộng là Hồ Tây với “nước hồ lai láng”, với “chiếc thuyền

con”. Người đi hái sen thì xinh tươi trong quần cánh bướm bay phấp phới. Khung cảnh thần tiên với mặt nước hồ in bóng người, in sắc trời, sắc sen. Mọi thứ xuất hiện trong giấc mộng cũng đều đẹp: thuyền mộng, sen trong mộng, người trong mộng. Giấc mộngmang vẻ đẹp và hương thơm tinh khiết, thiêng liêng của một tình yêu vừa hé mở. Nhân vật trữ tình khao khát hái mộng, ru mình vào những cuộc tình đẹp như thơ. Giấc mộng êm ái hiếm hoi này chính là hiện thân cho khát vọng hạnh phúc riêng tây của nhà thơ…

Nhà thơ cũng có lúc mang những ước mơ được chiếm lĩnh những không gian cao, những miền xa để thả hồn cùng trời đất, đi tìm những giây phút lãng mạn, đẹp đẽ:

Thu trung khả hữu phù sà quá,

Ngã dục thừa chi tái thượng thiên (Hoàng Hà)

(Giữa mùa thu, nếu có được người thả bè vượt sông này/ Ta cũng muốn cưỡi theo chiếc bè đó lên trời lần nữa)

Mơ ước thoát tục và mộng “lên trời”vì không muốn “chết ngạt” trong thực tại, nhà thơ mơ ước những hành trình vượt thoát miễn là thoát khỏi cảnh chật chội tù hãm của cuộc sống chung quanh.

Cuộc sống tự do không bị ràng buộc, cuộc sống vô ưu, vô lo luôn là niềm mong mỏi thường trực của thi nhân:

Tiễn sát bắc song cao ngọa giả,

(Thèm chết đi được như người nằm khểnh bên song cửa sổ phía bắc/ Thường ngày không có việc gì bận đến tâm tình trong sáng)

Nguyễn Du ước được như vị “Bắc song xử sĩ” Đào Tiềm khi từ quan về vườn, nằm ở cửa sổ phía bắc hưởng thư nhàn, không quan tâm đến chuyện thế sự nữa. Trong cảnh phù sinh vất vả của bản thân, nhà thơ khao khát được tự do:

Tiễn nhĩ dã âu tùy thủy khứ, (Đồng Lung giang)

(Thèm được như đàn âu kia theo giòng nước lội đi)

Ở nơi đất khách, ngồi trong đêm vắng, nghĩ đến “hương vị rau thuần cá vược

ở quê nhà”, nỗi buồn man mác lại tràn ngập lòng. Những nghĩ suy, nhung nhớ

khiến thi nhân mệt mỏi, buồn chán. Nhà thơ chực thèm cái cảm giác hồn nhiên, vô tư lự của một thời niên thiếu. Biết bao giờ cho đến “ngày xưa” để nhà thơ lại được hát ca vui vẻ:

Hà đắc cuồng ca tự thiếu niên (Dạ tọa)

(Làm thế nào được hát ngông như thời niên thiếu?)

Câu hỏi như xoáy sâu vào miền ký ức xa xưa, như xoáy sâu vào lòng người đọc. Từ nghi vấn “hà đắc” (làm thế nào được) đặt ở đầu câu càng làm tăng thêm mức độ tha thiết của ước muốn. Và cũng đủ để ta hiểu rằng điều mong mỏi ấy trong thời điểm ấy là “bất khả đắc”.

Nguyễn Du của chúng ta còn táo bạo hơn khi mong cho mình được quên đời bằng rượu, bằng những thú vui hưởng lạc. Ông nói say sưa về rượu trong khá nhiều bài thơ:

Mỹ tửu lũy bách chi (Hành lạc từ I)

(Rượu quý uống hàng trăm chén ) Hoặc:

Sinh tiền bất tận tôn trung tửu

Tử hậu thùy kiêu mộ thượng bôi (Đối tửu)

(Lúc sống không uống cạn rượu trong bầu/ Thì chết rồi ai tưới chén rượu trên mồ?) Có lúc túng quẫn không có tiền mua thuốc, trong túi chỉ có ba mươi đồng nhưng ông cũng không thôi ý muốn:

Thôn cư bất yếm tần cô tửu,

Thượng hữu nang trung tam thập tiền. (Tạp thi I) (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

(Ở thôn quê, mua rượu hoài không chán/ Trong túi vẫn còn ba mươi đồng tiền) Không có tiền nhà thơ cũng muốn say sưa: “Muốn gán chiếc áo cừu lông chim

túc sương đổi lấy một cuộc say”:

Dục điển túc sương mưu nhất túy (Quảng Tế ký thắng)

Và Nguyễn Du cũng đã từng say (Đối tửu), nhưng điều đáng nói là ông mong muốn được say mãi, say quên tháng ngày, say quên nhân thế:

Bách kì đãn đắc chung triêu túy, (Đối tửu)

(Cuộc đời trăm năm chỉ ước được say suốt ngày)

Mệt mỏi, chán chường, Nguyễn Du ước muốn tìm quên trong men say, như muốn lao vào hưởng lạc (Hành lạc từ). Trở đi trở lại trong thơ ông là ước mơ về chốn “cửa huyền”, về “người ẩn dật”, về chuyện “học đạo thần tiên”… Nguyễn Du có những ý định táo bạo, liều lĩnh như thật, nhưng những ý định ấy có đi đâu xa ngoài ranh giới của niềm mong ước.

Nguyễn Du đưa ra những lý do hết sức thuyết phục, rằng chuyện ăn chơi mà ông ước ao kia có gì là quá đáng. Bởi “đời người không ai sống trăm tuổi” mà “được mất trước mắt còn khó biết(Hành lạc từ I). Thế nên, ông kêu gọi mọi người:

Hữu khuyển thả tu sát

Hữu tửu thả tu khuynh (Hành lạc từ I)

(Có chó cứ nên giết/ Có rượu cứ nghiêng bầu) Và:

Hành lạc dương cập kỳ

Vô vi thủ bần tiện (Hành lạc từ I)

(Nên vui chơi cho kịp thì/ Chớ nên giữ nếp nghèo hèn)

Nguyễn Du say sưa với những ý định hưởng lạc trong tưởng tượng. Ông tỏ ra giống như người ham thích hưởng lạc và muốn hưởng lạc thực sự. Nhà thơ vẽ ra cảnh hưởng lạc phóng túng và “khuyên anh uống rượu rồi vui chơi” (Hành lạc từ

II). Nguyễn Du khuyên mọi người nhập cuộc hành lạc để vui thú cùng hươu nai, và thưởng thức cho bằng hết mọi cái đẹp ở đời – cái đẹp trong lời ca tiếng nhạc, trong điệu múa, cả cái đẹp của mĩ nhân trong tiệc hoa. Trong thơ ông, ta bắt gặp hình ảnh một chàng trai trẻ mặc áo cộc, dắt chó vào núi đi săn:

Nam sơn đa hương mi Huyết nhục cam thả phì

Kim đao thiết ngọc soạn, (Hành lạc từ I)

(Núi Nam nhiều nai hương/ Huyết thịt ngọt lại béo/ Dao vàng thái bày thành bữa tiệc sang)

Có thể nói rằng, lần đầu tiên trong thơ trung đại, đến Nguyễn Du hình ảnh “huyết nai thơm”, “thịt nai béo” được nói đến một cách hào hứng và “hấp dẫn” như

vậy. Những nhà nho thời trước như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm chưa bao giờ nói đến việc ăn thịt chó, thịt hươu nai; chỉ thấy họ nhắc đến trong thơ những cà, rau, dưa, muối… mà thôi. Vậy ra, lúc cao hứng, câu chuyện hưởng lạc của Nguyễn Du cũng có thể đi xa đến vậy.

Nhưng trên thực tế Nguyễn Du không thật sự say sưa, sa đà vào cuộc vui này. Tất cả chuyện vui chơi chỉ xảy ra trong trí tưởng tượng của thi nhân, trong ý nghĩ và trong niềm mong ước. Tìm đến rượu để quên những nỗi lo âu đời thường, nhưng bi kịch thay sau mỗi cơn say, nỗi sầu càng thêm thấm thía, da diết hơn: “Nỗi buồn man

mác về xưa nay, lại đến sau khi say” (Kim cổ nhàn sầu lai tuý hậu) (Dạ toạ). Nhà thơ mơ ước có thể rút lui về xóm núi, “làm bạn với hươu nai”, quên hết mọi ưu tư, lo lắng thời cuộc. Nhưng điều đó khó có thể trở thành hiện thực. Chiếc áo xanh dẫu nhuốm bụi hồng nhưng vẫn chưa chịu buông tha người đầu bạc.

Mơ mộng nhiều nhưng nào có thực hiện được. Mơ ước rốt cuộc cũng chỉ là mơ ước. Nguyễn Du say sưa nói về những điều mình ước ao, mong mỏi như điều đó rất gần đây, nhất định sẽ đến, và sẽ đến với thi nhân trong chốc lát nữa thôi. Nhưng trên thực tế, nó không có thật, nó vượt xa tầm với của thi nhân. Tự sâu thẳm trong lòng, thi nhân cũng ý thức rõ mình sẽ chẳng đạt được điều đó bao giờ.

Quả thật cuộc sống an nhàn, thảnh thơi không dành cho Nguyễn Du bao giờ. Khúc “quy khứ lai từ”, Nguyễn Du cũng đành lỗi hẹn. Làm sao Tố Như có thể vô tư “vui với đàn với rượu” khi bên tai hãy còn vẳng nghe “tiếng khóc nơi đồng nội”

(Thanh minh ngẫu hứng), tiếng “mười miệng trẻ” than đói (Ngẫu hứng IV). Khi nói đến thú vui đáng lẽ thi nhân phải vui, ấy vậy mà Nguyễn Du nhắc đến chuyện hành lạc mà không vui chút nào, không thoải mái chút nào. Nguyễn Du thoải mái làm sao được khi hành lạc đối với nhà thơ chỉ là một chút dỗi đời, khi hành lạc không phải là phương thức sống. Tất cả chỉ là điều ao ước riêng tây trong tâm tưởng mà thôi.

Một phần của tài liệu thơ chữ hán nguyễn du thực và mộng (Trang 65 - 74)