Từ thực tế đời sống lang bạt đến mong ước viễn vông

Một phần của tài liệu thơ chữ hán nguyễn du thực và mộng (Trang 89 - 91)

7. Kết cấu của luận văn

3.1.2.Từ thực tế đời sống lang bạt đến mong ước viễn vông

Trong “mười năm gió bụi” Nguyễn Du tự nhận mình là kẻ cùng

đường (cùng đồ) (Trệ khách), là người chạy trốn (khứ quốc) (U cư II).Phải đâu vì vô trách nhiệm? Nghèo khổ, trôi giạt nhưng điều đáng nói là ông không tìm thấy đường đi. Nguyễn Du gọi những ngày tháng đó là đêm tối:

Hắc dạ hà kỳ mê thất hiểu, (Dạ hành)

Hắc dạ thiều quang hà xứ tầm?

Tiểu song khai xứ liễu âm âm. (Xuân dạ)

(Đêm tối đen tìm đâu ánh sáng mùa xuân/ Trước song cửa sổ mở chỉ

thấy bóng liễu âm u)

Ông đối diện với chính con người mình, con người bạc tóc, con người thất bại nẻo thanh vân, kiếm cung lỡ bước:

Xuân thu hoàn nhữ lão tu mi (Tự thán I)

(Năm tháng lại đưa về cho ta mày râu già nua)

Lão lai bạch phát khả liên nhữ, (Thu dạ I)

(Già đến, tóc bạc, ngươi thật đáng thương)

“Nhữ” nghĩa là “mày” (ngôi thứ hai) nhưng ở đây lại dùng với ngôi thứ nhất. Có gì như xa xót, như khắc nghiệt trong tiếng gọi chính mình. Nguyễn Du tự gọi mình, đối thoại với mình, cũng là tự thương mình…

Hiện thực khắc nghiệt với những mảng màu xám tối, trần trụi ập vào Nguyễn Du khiến ông muôn phần thất vọng và đau khổ. Không thể hoà đồng với thực tại Nguyễn Du chỉ còn biết tìm đến thế giới mộng ảo để mong gặp một sự đồng cảm, an ủi. Những mong ước viễn vông, những hình dung tưởng tượng đẹp đẽ đến với Nguyễn Du tựa như những “liệu pháp tinh thần”.

Nhiều năm trôi giạt, Nguyễn Du trải qua không biết bao nhiêu biến cố, ông thấm lắm những vất vả, mệt mỏi. Lòng bảo lòng trở về chốn quê xưa. Cố hương là nơi nhà thơ luôn hướng về, vọng về, cũng chính là quá khứ bình yên, thịnh vượng mà trong hiện tại ông không thể nào tìm lại được. Ở Thái Bình (quê vợ) nhưng Nguyễn Du luôn tự biết thân mình đang “ăn nhờ ở đậu”. Thái Bình không phải là nhà. Đến khi làm quan ở Bắc Hà, con đường thanh vân rộng mở, Nguyễn Du vẫn không hào hứng gì mà trong lòng chỉ thấy thấm buồn vì phải sống xa quê. Khi giữ chức quan cai bạ ở Quảng Bình, ông không hoà nhập được với cuộc sống nơi đây, mãi mà vẫn thấy mình là khách ôm mối sầu nhớ quê:

Lệ Thuỷ Cẩm Sơn giai thị khách,

(Ở Lệ Thuỷ, ở Cẩm Sơn mình vẫn chỉ là khách/ Màu mây trắng, màu cây hồng đượm biết bao vẻ thu)

Con người thơ khát khao được về với sông Lam, núi Hồng nhưng điều mong muốn ấy dễ đâu thực hiện được trong thực tại. Đành gửi cả vào giấc mộng. Những giấc mộng gia hương “ươm mầm” trong thơ Nguyễn Du từ đó.

Những giấc mộng về sông Lam núi Hồng dẫu ngắn ngủi nhưng cũng giúp nhà thơ vơi bớt nỗi nhung nhớ. Trông về quê hương mịt mù xa xôi, những đường nét thân thương về miền đất ấy ngày càng ảo mờ: “Mười năm đã quên mất đường về

làng cũ” (Tam Giang khẩu đường dạ bạc), thế nên “Mịt mù xa thẳm không nhận

ra được con đường trở lại quê nhà; Mây nổi ngợp mắt trông chỗ nào cũng như nhau cả”(Nhiếp Khẩu đạo trung).Mà nếu có về được thì “Con vượn, con hạc làm

sao mà nhận ra người láng giềng cũ” (Đồng Lư lộ thượng dao kiến Sài Sơn).

Những mảnh ký ức nhỏ nhoi chắp nối không đem đến cho nhà thơ một hình ảnh trọn vẹn về quê hương. Niềm mong nhớ vì vậy càng trở nên da diết, cháy bỏng. Thế nên, ông thiết tha tìm cách gì đó để mỗi một giấc mộng là một lần được viếng thăm chốn cũ quê xưa:

Ná đắc gia hương nhập mộng tần (Tam Giang khẩu đường dạ bạc)

(Sao cho quê nhà luôn đi vào trong giấc mộng?)

Không thể trở về quê hương, nhà thơ bế tắc và chán nản. Kể từ đây, thơ Nguyễn Du tràn ngập những mơ ước viển vông về một cuộc sống tươi đẹp, bình yên. Hiện thực càng khắc nghiệt, mong ước càng nhiều, mộng mị càng chồng chất.

Càng đi nhiều, quan sát nhiều, càng nhìn sâu vào hiện thực, Nguyễn Du càng thất vọng cho cuộc thế. Ông đi vào thế giới mộng với những ước muốn bay bổng, lãng mạn. Nguyễn Du tự cho phép trái tim mình, linh hồn mình bứt khỏi những ràng buộc, đến với những không gian khác hẳn, rộng hơn, khoáng đạt hơn, bớt ngột ngạt hơn. Những ước mộng dù là viễn vông nhưng cho thấy một khát khao vượt thoát mãnh liệt, chủ động mở rộng không gian sống cho chính mình.

Một phần của tài liệu thơ chữ hán nguyễn du thực và mộng (Trang 89 - 91)