3.1.1 Rủi ro tín dụng
Rủi ro tín dụng là rủi ro liên quan đến chất lượng hoạt động tín dụng của ngân hàng. Rủi ro tín dụng đo lường ảnh hưởng của chất lượng các khoản cho vay trong danh mục tài sản lên vốn. De Bondt và Prast (2000) cho rằng các ngân hàng phản ứng lại sự thay đổi của danh mục rủi ro bằng cách thay đổi vốn của họ. Tác giả sử dụng tỷ lệ cho vay/tổng tài sản để phản ánh tài sản rủi ro nhất của ngân hàng. Tỷ lệ cho vay gia tăng đồng nghĩa với rủi ro tín dụng tăng khiến cho tài sản theo trọng số rủi ro gia tăng, nếu vốn ngân hàng không thay đổi thì tỷ lệ an toàn vốn sẽ sụt giảm. Tuy nhiên các nhà quản trị ngân hàng xác định rủi ro tín dụng gia tăng và theo chuẩn mực Basel họ sẽ nâng tỷ lệ an toàn vốn lên tương ứng với sự tăng lên của rủi ro. Kết quả này được kiểm chứng đúng đối với các ngân hàng tại Pháp và Mỹ. Al-Sabbagh (2004) cũng cho rằng nếu cho vay càng nhiều, ngân hàng càng rủi ro. Khi rủi ro gia tăng, người gửi tiền nên được đền bù nếu tổn thất xảy đến vì vậy CAR cần tăng. Mối quan hệ thuận chiều giữa tỷ lệ vốn và rủi ro tín dụng thể hiện các ngân hàng chủ động tăng vốn để có thể vượt qua được tình trạng khó khăn tài chính của họ. Quan điểm này phù hợp với kết quả các nghiên cứu trước đây của Jacques và Nigro (1997), Rime (2001).
Tại Việt Nam các ngân hàng đã trải qua giai đoạn tăng trưởng tín dụng nóng như thời kỳ 2007 – 2010 với tốc độ tăng trưởng luôn trên 20%, một số ngân hàng gặp khó khăn trước nguồn vốn huy động khan hiếm để đáp ứng nhu cầu vay của khách hàng, lĩnh vực cho vay về bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng gặp khá nhiều rủi ro. Tuy rủi ro tín dụng tăng nhưng các ngân hàng đã tuân thủ đúng quy định của NHNN về hệ số CAR tối thiểu 8% và sau đó nâng lên 9%. Do đó nghiên cứu kỳ vọng khi rủi ro tín dụng gia tăng, các ngân hàng đã nỗ lực duy trì hệ số CAR tốt hơn.
Trang 28 Vì vậy giả thuyết nghiên cứu được đưa ra:
H1: Rủi ro tín dụng tác động cùng chiều đến tỷ lệ an toàn vốn.
3.1.2 Rủi ro thanh khoản
Thanh khoản là khả năng tiếp cận các khoản tài sản hoặc nguồn vốn có thể dùng để chi trả với chi phí hợp lý ngay khi nhu cầu vốn phát sinh. Theo Aspal và Nazneen (2014) thanh khoản là một dấu hiệu đáng lưu ý thể hiện tình trạng tài chính của ngân hàng, thanh khoản tiết lộ khả năng thực hiện nghĩa vụ thanh toán đối với người gửi tiền, hình ảnh của ngân hàng được phản ánh qua tỷ lệ rủi ro thanh khoản. Thanh khoản tăng sẽ giảm được rủi ro thanh khoản và gia tăng vốn (Abusharba và ctg, 2013). Trong nghiên cứu của Amad và ctg (2009) đề cập rằng khi một phần của quỹ ngân hàng để dưới dạng tiền mặt hoặc các tài sản có khả năng chuyển hóa thành tiền càng gia tăng, rủi ro thanh khoản càng giảm, dẫn đến hạ thấp phần bù rủi ro liên quan đến vấn đề thanh khoản mà nhà đầu tư yêu cầu trong tỷ suất sinh lời của cổ phiếu, với tỷ suất này tạo điều kiện thuận lợi cũng như khuyến khích ngân hàng gia tăng vốn chủ sở hữu. Vì vậy tính thanh khoản có tác động tích cực đến tỷ lệ an toàn vốn.
Theo Mehranfar (2013), điều quan trọng đối với ngân hàng là đảm bảo tài sản hiện thời phải phù hợp với nợ hiện thời. Nói một cách khác ngân hàng có tính thanh khoản thấp sẽ gặp rủi ro tại những thời điểm không đáp ứng đủ nghĩa vụ thanh toán nợ ngắn hạn cho khách hàng do sự không phù hợp giữa tài sản và nợ. Trong tình trạng đó, ngân hàng phải bán một phần tài sản hoặc lấy từ vốn để thanh toán cho khách hàng. Điều này có nghĩa tính thanh khoản thấp sẽ làm sụt giảm vốn.
Dựa trên cơ sở nghiên cứu của Ahmad và ctg (2009), Wen (2009), Al – Tamimi và Obeidat (2013), Mehranfar (2013), Aspal và Nazneen (2014), Võ Hồng Đức và ctg (2014) về mối quan hệ đồng biến giữa tính thanh khoản và tỷ lệ an toàn vốn, nghiên cứu này đưa ra giả thuyết H2 như sau:
H2: Rủi ro thanh khoản tác động cùng chiều đến tỷ lệ an toàn vốn.
3.1.3 Rủi ro vốn chủ sở hữu
Khoản mục vốn chủ sở hữu trong báo cáo tài chính thể hiện giá trị vốn của những người chủ sở hữu (cổ đông) ngân hàng. Các ngân hàng đều huy động vốn từ
Trang 29 công chúng để tạo đòn bẩy cho hoạt động. Tỷ lệ tổng nợ/vốn chủ sở hữu cao nghĩa là ngân hàng có đòn bẩy tài chính cao và ngược lại. Rủi ro cổ đông sẽ gia tăng khi đòn bẩy gia tăng, vì vậy ngân hàng có đòn bẩy tài chính cao gặp khó khăn trong việc huy động thêm vốn cổ phần do cổ đông đòi hỏi tỷ suất sinh lời cao hơn đồng nghĩa với việc chi phí huy động vốn của ngân hàng gia tăng (Ahmad và ctg, 2008; Wen, 2009). Điều này giải thích tại sao ngân hàng với tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao hơn nắm giữ vốn chủ sở hữu ít hơn vì vậy có tỷ lệ an toàn vốn thấp hơn. Các nghiên cứu của Al-Sabbagh (2004), Ahmad và ctg (2009), Wen (2009), Büyükşalvarcı và Abdioğli (2011), Bateni và ctg (2014), Raharjo và ctg (2014), Thân Thị Thu Thủy và Nguyễn Kim Chi (2015) đều chứng minh tỷ lệ tổng nợ/vốn chủ sở hữu có tác động ngược chiều đến tỷ lệ an toàn vốn. Căn cứ trên cơ sở các nghiên cứu trước đó, nghiên cứu này đưa ra giả thuyết H3:
H3: Rủi ro vốn chủ sở hữu tác động ngược chiều đến tỷ lệ an toàn vốn.
3.1.4 Tỷ số hiệu quả hoạt động
Tỷ số hiệu quả hoạt động thể hiện tỷ lệ giữa chi phí và thu nhập hoạt động, là một trong các thước đo phản ánh rõ nhất tính hiệu quả trong hoạt động ngân hàng (Rose và Hudgins, 2010). Trong nghiên cứu của Aspal và Nazneen (2014), tác giả cho rằng thông qua tỷ số hiệu quả hoạt động thấy được khả năng sinh lời của ngân hàng và tỷ số này là một yếu tố tác động đến CAR. Khi tỷ số hiệu quả hoạt động thấp, lợi nhuận ngân hàng tăng dẫn đến vốn tự có tăng theo, từ đó tỷ lệ an toàn vốn cũng tăng lên. Mehranfar (2013) nhận định về ảnh hưởng của tỷ số hiệu quả hoạt động lên vốn theo chiều hướng tích cực, bởi vì một sự gia tăng trong tỷ số này, điều đó cho thấy ngân hàng đang được quản trị tốt và đạt được lợi nhuận. Abusharba và ctg (2013) cũng cùng quan điểm với Mehranfar khi xem tỷ số hiệu quả hoạt động là một chỉ số đánh giá chất lượng quản trị ngân hàng.
Với các nghiên cứu của Mehranfar (2013), Aspal và Nazneen (2014), Nuviyanti và Anggono (2014) đã khẳng định tỷ số hiệu quả hoạt động có tác động ngược chiều với tỷ lệ an toàn vốn. Do đó giả thuyết nghiên cứu được đưa ra như sau:
Trang 30
3.1.5 Tỷ lệ thu nhập lãi cận biên
Tỷ lệ thu nhập lãi cận biên NIM đo lường mức chênh lệch giữa thu từ lãi và chi phí trả lãi mà ngân hàng có thể đạt được thông qua hoạt động kiểm soát chặt chẽ tài sản sinh lời và theo đuổi các nguồn vốn có chi phí thấp nhất. NIM là một thông số phản ánh khả năng sinh lợi của ngân hàng (Rose và Hudgins, 2010).
Nhiều quy định ở nhiều quốc gia đã sử dụng tỷ lệ an toàn vốn cao như là một chỉ số thể hiện chất lượng tốt của ngân hàng. NIM có ảnh hưởng tích cực lên vốn ngân hàng do thu nhập cao tạo điều kiện thuận lợi cho ngân hàng gia tăng thêm vốn từ lợi nhuận giữ lại và cung cấp một tín hiệu thị trường tích cực về giá trị của ngân hàng đó trong sự tồn tại của thông tin bất cân xứng (Rime, 2001). Tỷ lệ này cho thấy khả năng sinh lời trong hoạt động tín dụng vốn là hoạt động cơ bản của ngân hàng. NIM nếu tạo ra đầy đủ được kỳ vọng góp phần tạo ra đủ lợi nhuận để gia tăng vốn khi rủi ro gia tăng. Theo Ahmad và ctg (2009), lợi nhuận cao cung cấp cho các cổ đông ngân hàng có đủ thu nhập để gia tăng vốn chủ sở hữu chống lại rủi ro phá sản.
Raharjo và ctg (2014) cũng cho rằng một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến CAR đó là NIM. NIM được sử dụng để lượng hóa khả năng quản trị tạo ra thu nhập lãi thuần. Mặt khác lại có quan điểm khả năng sinh lợi cao có nghĩa khả năng phá sản thấp (Yu, 2000). Vì vậy lợi nhuận cao có thể gây ra việc giảm đi tấm gối đệm của vốn do rủi ro phá sản thấp, điều này dẫn đến tỷ lệ thu nhập lãi cận biên và tỷ lệ an toàn vốn nghịch chiều nhau.
Bên cạnh một số nghiên cứu không tìm thấy ý nghĩa về sự tác động của NIM đến CAR như trong nghiên cứu của Büyükşalvarcı và Abdioğli (2011), Nuviyanti và Anggono (2014), Raharjo và ctg (2014) thì nghiên cứu của Wen (2009) lại kết luận NIM có tác động lên CAR theo hướng nghịch biến. Căn cứ trên cơ sở hơn 50% tổng tài sản đầu tư vào khoản mục cho vay và thu nhập lãi là nguồn thu chính của các NHTM Việt Nam (bình quân chiếm khoảng 80% tổng thu nhập của ngân hàng) do đó thu nhập từ lãi sẽ tác động mạnh vào lợi nhuận của ngân hàng nên sẽ ảnh hưởng đến vốn và tỷ lệ vốn an toàn của ngân hàng, nghiên cứu của luận văn đặt ra giả thuyết như sau:
Trang 31
3.1.6 Tỷ suất lợi nhuận trên tài sản
ROA là một thông số chủ yếu về tính hiệu quả hoạt động trong việc quản lý quá trình chuyển hóa tài sản của ngân hàng thành thu nhập ròng (Rose và Hudgins, 2010). Ngân hàng đạt được ROA cao đồng nghĩa với lợi nhuận đạt cao sẽ có khuynh hướng sử dụng nguồn tạo vốn từ nội bộ là lợi nhuận để gia tăng vốn vì vậy ROA và CAR có mối quan hệ thuận chiều. Theo Al-Sabbagh (2004) khả năng tạo ra được lợi nhuận luôn đi kèm với sự đầy đủ vốn. Trong khi đó Büyükşalvarcı và Abdioğli (2011) cho rằng phần lớn các ngân hàng dựa vào lợi nhuận giữ lại để gia tăng vốn. Có rất nhiều nghiên cứu trước đây đã khẳng định về mối tương quan cùng chiều này, cụ thể như các nghiên cứu của Al-Sabbagh (2004), Wen (2009), Al – Tamimi và Obeidat (2013), Bateni và ctg (2014),… Đối với phần lớn các NHTM Việt Nam, theo như quan sát trên bảng CĐKT thì khoản mục Lợi nhuận chưa phân phối chiếm tỷ trọng cao hơn các khoản mục còn lại trong Vốn chủ sở hữu, chỉ thua sau Vốn điều lệ. Vì vậy khi các NHTM quản lý hiệu quả tài sản, khiến cho tài sản sinh lời tốt hơn thì lợi nhuận chưa phân phối được các NHTM bổ sung thêm vào vốn và hệ số CAR đạt cao hơn.
Vì vậy trong nghiên cứu này, giả thuyết về tác động giữa ROA và CAR là:
H6: Tỷ suất lợi nhuận trên tài sản tác động cùng chiều đến tỷ lệ an toàn vốn.
3.1.7 Quy mô ngân hàng
Quy mô ngân hàng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến vốn của ngân hàng. Vì vậy trong phần lớn nghiên cứu về các yếu tố tác động đến CAR thì biến quy mô ngân hàng luôn được xét đến.
Theo Al-Sabbagh (2004), khi quy mô ngân hàng gia tăng thì hoạt động của ngân hàng cũng mở rộng. Điều này dẫn đến sự gia tăng rủi ro đi kèm với hoạt động. Vì vậy những người gửi tiền và nhà đầu tư sẽ cần một sự đảm bảo chống đỡ lại rủi ro tổn thất. Do đó tỷ lệ an toàn vốn chính là sự đảm bảo cần được nâng lên khi quy mô ngân hàng tăng. Tuy nhiên Ahmad và ctg (2009) lại cho rằng ngân hàng có thu nhập cao có khả năng đa dạng hóa tốt hơn vì vậy sẽ có nhiều cơ hội đầu tư đồng thời có được chi phí vốn thấp. Khả năng tiếp cận thị trường vốn tương đối thuận lợi cùng với việc Chính phủ các nước luôn cứu vớt các ngân hàng lớn với chính sách quá lớn không thể để phá sản vì sẽ gây ra tác động xấu lan rộng nên ngân hàng quy mô lớn thường giữ tỷ
Trang 32 lệ vốn thấp hơn so với các ngân hàng nhỏ. Nhìn chung quy mô ngân hàng tác động mạnh đến chiến lược đa dạng hóa, rủi ro, cơ hội đầu tư và khả năng tiếp cận thị trường vốn của ngân hàng (Rime, 2001). Như vậy các ngân hàng có quy mô lớn có thể vẫn hoạt động tốt với những tấm đệm vốn/tài sản thấp do hoạt động của họ được đa dạng hóa tốt trong các thị trường khác nhau và họ có nhiều công cụ hạn chế rủi ro (Rose và Hudgins, 2010). Do đó quy mô ngân hàng và CAR sẽ có tương quan nghịch biến, điều đó có nghĩa các ngân hàng lớn nắm giữ tỷ lệ vốn an toàn thấp hơn các ngân hàng nhỏ.
Các nghiên cứu của các tác giả Aspal và Nazneen (2014), Bateni và ctg (2014), Võ Hồng Đức và ctg (2014), Raharjo và ctg (2014), Thân Thị Thu Thủy và Nguyễn Kim Chi (2015) đều kết luận có mối tương quan nghịch biến giữa quy mô ngân hàng và tỷ lệ an toàn vốn. Tại Việt Nam, các NHTM lớn là những ngân hàng được thành lập sớm hơn, có nhiều uy tín và kinh nghiệm, đã niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán,… vì vậy khả năng huy động vốn thuận lợi, dễ tiếp cận nhiều nguồn vốn do đó các ngân hàng này chỉ cần giữ một lượng vốn đáp ứng đủ theo quy định pháp lý. Với những cơ sở đó, giả thuyết tiếp theo của nghiên cứu luận văn như sau:
H7: Quy mô ngân hàng tác động ngược chiều đến tỷ lệ an toàn vốn.