Nhóm nhân tố kinh tế xã hội

Một phần của tài liệu chuyển dịch cơ cấu cây công nghiệp tỉnh bình phước, thực trạng và định hướng (Trang 37 - 41)

L ỜI CẢM ƠN

6. Cấu trúc của đề tài

1.2.2. Nhóm nhân tố kinh tế xã hội

Nhóm này bao gồm các nhân tố như: thị trường (trong nước và nước ngoài), vốn, hệ thống chính sách kinh tế vĩ mô của Nhà nước, cơ sở hạ tầng, kinh nghiệm, tập quán, truyền thống sản xuất của dân cư, dân số và lao động... Nhóm nhân tố này luôn tác động mạnh mẽ đến sự hình thành và biến đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, cũng như đến cơ cấu cây trồng và cây công nghiệp.

1.2.2.1. Dân cư và lao động

Dân số, lao động và truyền thống sản xuất của dân cư giữ vai trò rất quan trọng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, cũng như ảnh hưởng tới sự phân bố cây trồng ở mỗi địa phương. Dưới góc độ là lực lượng sản xuất trực tiếp, nguồn lao động ảnh hưởng đến quy mô diện tích (mở rộng diện tích trồng trọt, quy mô các loại cây trồng), phương thức sản xuất (thâm canh, tăng vụ) và cơ cấu cây trồng. Các loại cây trồng đòi hỏi nhiều công chăm sóc thường được phân bố ở các vùng đông dân cư và nhiều lao động. Ngược lại, các cây trồng tốn ít công chăm sóc hơn có thể phân bố ở các vùng thưa dân. Tập quán sản xuất của người dân ở mỗi vùng ảnh hưởng đến việc tăng năng suất, sản lượng và chất lượng cây trồng. Tuy nhiên, tập quán canh tác cũng có những thói quen tốt và cũng có những thói quen không có lợi cho cây trồng. Để loại bỏ những thói quen và những tập quán không có lợi cho hoạt động sản xuất của người dân, cần phải trải qua một thời gian tiếp cận với các kỹ thuật canh tác tiến bộ mới có thể giúp họ thay đổi được nhận thức, cũng như nếp nghĩ của mình. Mặt khác, ở mỗi vùng, mỗi địa phương cũng có những kiến thức bản địa tốt cần phải được khai thác và phát huy hiệu quả, hoặc kết hợp với những kiến thức mới để trở thành các cải tiến kỹ thuật hợp lý trong sản xuất. Thêm vào đó, chất lượng nguồn lao động cũng có ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Trình độ học vấn: tỉ lệ lao động được đào tạo nghề nghiệp, tình trạng thể lực và tay nghề của người lao động tại nơi sản xuất cao sẽ giúp nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng cây trồng, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng diễn ra nhanh hơn và đúng hướng. Khi xác định cơ cấu cây trồng cho từng vùng sản xuất, vấn đề quan trọng là cần nắm được trình độ học vấn và kỹ năng của người lao động (đặc biệt là ở miền núi), vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng nhận thức và tiếp thu khoa học kỹ thuật của người dân. Đối với các cây trồng yêu cầu kỹ thuật quản lý và chăm sóc tốt cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng để giảm thiểu rủi ro.

Truyền thống, tập quán ăn uống và nhu cầu tiêu thụ sản phẩm nông sản của dân cư:

ảnh hưởng đến sự có mặt và quy mô của các loại cây trồng. Đồng thời, cũng tác động mạnh mẽ đến sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng của mỗi vùng sản xuất. Nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm nông sản càng nhiều thì quy mô diện tích của chúng càng lớn, chất lượng càng được nâng cao.

Cũng giống như trong sản xuất ngành trồng trọt, dân cư và lao động ảnh hưởng tới sản xuất cây công nghiệp dưới hai góc độ: là lực lượng sản xuất trực tiếp và là nguồn tiêu thụ các sản phẩm cây công nghiệp.

Dưới góc độ là lực lượng sản xuất trực tiếp tạo ra các sản phẩm cây công nghiệp, nguồn lao động được coi là nhân tố quan trọng trong việc mở rộng quy mô diện tích và phân bố các cây công nghiệp. Hầu hết các cây công nghiệp, đặc biệt là cây công nghiệp lâu năm thường cần nhiều lao động có kĩ thuật, kinh nghiệm sản xuất và cần nhiều công chăm sóc.

Ví dụ:

Bình quân 1 ha cà phê cần từ 1 đến 1,5 lao động. Sản xuất cà phê dã góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 20 triệu lao động ở các nước trồng cà phê. Tại Việt Nam, ngành cà phê mỗi năm thu hút khoảng 300.000 gia đình với trên 600.000 lao động. Đặc biệt vào mùa thu hoạch, con số này có thể lên tới 700.000 – 800.000 lao động. Số lao động trong ngành trồng cà phê của nước ta chiếm 1,83% tổng số lao động cả nước nói chung và 2,93% tổng số lao động trong ngành nông nghiệp nói riêng.

Dưới góc độ là nguồn tiêu thụ, nhu cầu của dân cư có ảnh hưởng quyết định đến tốc độ phát triển và xu hướng chuyển dịch cơ cấu cây công nghiệp. Đồng thời cũng ảnh hưởng đến giá cả sản phẩm cây công nghiệp. Hiện nay, sản phẩm cây công nghiệp là mặt hàng xuất khẩu quan trọng mang lại nguồn ngoại tệ lớn ở nhiều nước đang phát triển tại vùng nhiệt đới và cận nhiệt, trong đó cây cà phê là mặt hàng thương mại quan trọng trên thị trường quốc tế.

Nếu so sánh với những mặt hàng được buôn bán nhiều nhất thì cà phê chỉ đứng sau dầu hỏa. Nó thực sự là ngành mang lại nguồn thu nhập lớn cho nhiều nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

1.2.2.2. Vốn đầu tư

Vốn sản xuất giữ vai trò quyết định trong sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nhất là đối với những hệ thống sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu qua kinh tế cao và mang tính thay đổi về chất như nuôi trồng thủy sản, trồng cây lâu năm,...

Trong sản xuất cây công nghiệp, nguồn vốn có giá trị to lớn đối với quá trình phát triển và phân bố cây công nghiệp, cũng như việc xác định cơ cấu cây công nghiệp thích hợp cho từng địa phương. Nguồn vốn tăng mạnh, được phân bố và sử dụng một cách có hiệu quả sẽ tác động đến tốc độ tăng trưởng và mở rộng diện tích các cây công nghiệp, đáp ứng được các tiêu chí của sự chuyển dịch cơ cấu cây công nghiệp và đưa tiến bộ khoa học – công nghệ vào trong sản xuất.

1.2.2.3. Thị trường tiêu thụ

Nhân tố thị trường có ảnh hưởng quyết định tới sự phát triển kinh tế nói chung và sự hình thành biến đổi cơ cấu kinh tế, bởi vì nó chỉ tồn tại và vận động thông qua hoạt động của con người. Những người sản xuất hàng hóa chỉ sản xuất và đem bán sản phẩm ra thị trường, trao đổi thông qua quan hệ cung cầu mà tín hiệu là giá cả, hàng hóa, thúc đẩy hay cản trở người sản xuất tham gia vào thị trường. Thị trường giúp người sản xuất xác định khả năng, quy mô tham gia vào thị trường, cũng như các loại sản phẩm hay hàng hóa sẽ đưa vào buôn bán trên thị trường. Thông qua đó phản ánh cơ cấu kinh tế của từng vùng, từng địa phương. Tuy nhiên, do mức độ tiếp cận thông tin khác nhau và khả năng xử lý cũng khác nhau, điều kiện sản xuất lại chi phối nên lượng người tham gia vào việc tạo ra và tiêu thụ sản phẩm cũng không giống nhau.

Cơ cấu cây trồng về cơ bản phản ánh yêu cầu của sản xuất hàng hóa và thị trường, tuân theo sự phân công lao động xã hội, tính chất chuyên môn hóa và tập trung hóa sản xuất. Nhu cầu sản xuất hàng hóa và thị trường là điều kiện quyết định sự biến đổi về chất của cơ cấu cây trồng. Như vậy, nhu cầu về nông sản và môi sinh của xã hội càng cao thì càng thúc đẩy cở cấu cây trồng chuyển dịch theo hướng hiện đại. Các đặc điểm này đòi hỏi khi xác định cơ cấu cây trồng thì cần phải dựa vào nhu cầu thị trường nông sản, điều kiện tự nhiên và điều kiện kinh tế - xã hội của mỗi vùng, mỗi địa phương, cũng như dựa vào sự phân công, quy

hoạch trong nông nghiệp và phương hướng, chính sách phát triển nông nghiệp trong từng giai đoạn nhất định.

Tương tự, thị trường tiêu thụ cũng là yếu tố cơ bản tác động đến giá cả và chất lượng của sản phẩm cây công nghiệp, có tác dụng thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu cây công nghiệp theo hướng hiện đại, mang lại hiệu quả cao về các mặt kinh tế, xã hội, môi trường và ngược lại. Đồng thời, sự phát triển của thị trường trong và ngoài nước còn có tác dụng điều tiết đối với sự hình thành và phát triển các vùng chuyên canh cây công nghiệp nói riêng và các vùng nông nghiệp chuyên môn hóa nói chung.

1.2.2.4. Cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ nông nghiệp

Khoa học – công nghệ là đòn bẩy thúc đẩy sự tăng trưởng, phát triển nông nghiệp nói chung và đẩy nhanh sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng nói riêng. Nhờ nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học kĩ thuật, con người đã hạn chế được những ảnh hưởng của tự nhiên và chủ động hơn trong hoạt động nông nghiệp, tạo ra nhiều giống cây trồng mới cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao, tạo điều kiện hình thành các vùng chuyên canh, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng hiện đại.

Dưới tác động của cuộc các mạng khoa học kỹ thuật, nền nông nghiệp thế giới trải qua một bước ngoặt lịch sử, đã và đang trở thành ngành sản xuất tiên tiến, một dạng sản xuất kiểu công nghiệp. Nhờ đó, năng suất, sản lượng và chất lượng các cây công nghiệp nói riêng và của cây trồng nói chung được nâng lên rõ rệt. Cơ cấu cây công nghiệp cũ, lỗi thời, năng suất và chất lượng sản phẩm thấp được thay thế bằng cơ cấu cây công nghiệp mới, hiện đại với năng suất và hiệu quả kinh tế cao, tận dụng được những lợi thế về tự nhiên và kinh tế - xã hội của vùng sản xuất. Cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật có liên quan mật thiết với các quá trình cơ khí hóa, điện khí hóa, hóa học hóa, thủy lợi hóa...

Nhờ áp dụng rộng rãi các biện pháp kĩ thuật như điện khí hóa (sử dụng điện trong nông nghiệp và nông thôn), cơ giới hóa (sử dụng máy móc trong các khâu làm đất, chăm sóc cây trồng và thu hoạch), thủy lợi hóa (xây dựng hệ thống kênh tưới tiêu hoặc áp dụng tưới tiêu theo khoa học), hóa học hóa (sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu, diệt cỏ và các chất kích thích cây trồng sinh trưởng và phát triển), sinh học hóa (áp dụng công nghệ sinh học như lai giống, biến đổi ghen, cấy mô...) mà năng suất cây trồng trên một đơn vị diện tích và của người lao động được nâng cao rõ rệt.

1.2.2.5. Đường lối, chính sách kinh tế

Đường lối, chính sách kinh tế có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy hay kìm hãm quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng và cơ cấu cây công nghiệp. Nhờ chính sách đổi mới trong những năm 90 của thế kỷ XX của Nhà nước thông qua việc giao đất lâu dài cho hộ nông dân nên người sản xuất ở một số vùng đã mạnh dạn chuyển đổi hệ thống cây trồng, thay đổi phương thức canh tác và đã thu được lợi ích lớn. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều chính sách gây bất lợi cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng như chính sách an toàn lương thực, chính sách đất đai (ruộng đất bị chia manh mún theo đầu người).

Trong giai đoạn hiện nay, khi chuyển sang nền kinh tế thị trường, đường lối, chính sách phát triển giữ vai trò quan trọng trong việc xác định quy mô diện tích và cơ cấu của từng loại cây trồng, cũng như khả năng mở rộng và hướng chuyển đổi trong tương lai. Vì vậy, việc lựa chọn cây trồng, cũng như lựa chọn cơ cấu cây công nghiệp tại mỗi vùng sản xuất cần phải gắn với các định hướng phát triển kinh tế của các vùng đó nhằm đảm bảo cho sự chuyển dịch đúng hướng và giảm thiểu tình trạng chuyển dịch cơ cấu cây trồng tự phát.

Một phần của tài liệu chuyển dịch cơ cấu cây công nghiệp tỉnh bình phước, thực trạng và định hướng (Trang 37 - 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(148 trang)