trẻ 5 – 6 tuổi tại trường mẫu giáo Cây Trường, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương
Ở trường mầm non có nhiều các biện pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ, tuy nhiên, các biện pháp hình thành kỹ năng tiền học đọc học viết cho trẻ mẫu giáo chưa được đề cập nhiều. Việc hình thành kỹ năng tiền học đọc học viết cho trẻ mẫu giáo 5 – 6 tuổi không tách rời sự phát triển ngôn ngữ nói chung:
Dựa vào điều kiện lớp, chủ đề đang thực hiện (chủ đề "thế giới động vật"), nhóm chữ cái cần cho trẻ làm quen (nhóm chữ v, r), chúng tôi lập kế hoạch tổ chức các hoạt động hình thành kỹ năng tiền học đọc học viết cho trẻ tại thời điểm thực nghiệm.
Xác định mục đích hình thành ở trẻ kỹ năng tiền học đọc học viết cụ thể như: Tập trung chú ý vào nhiệm vụ bằng lời nói (bằng miệng); phân tích và tự phát hiện thành phần âm thanh của lời nói, đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ bằng lời nói; hình thành ở trẻ ý thức đơn giản về ngôn ngữ của bản thân. Việc hình thành kỹ năng tiền học đọc học viết cho trẻ mà chúng tôi thực hiện nhằm vào đối tượng là lời nói hoàn chỉnh có nghĩa, rồi tập dần cho trẻ phân tích các thành phần của lời nói đó, từ lời nói rồi mới tới chữ viết chứ không tập trung cho trẻ làm quen với chữ cái một cách khô khan, cứng nhắc như các trường mầm non vẫn làm.
Hình thành mong muốn hiểu lời nói, và ý nghĩa của chữ viết, mong muốn hiểu những gì chữ viết truyền đạt xuất phát từ chính bản thân trẻ sẽ là động lực mạnh mẽ thôi thúc trẻ học chữ.
Với các nhiệm vụ hình thành kỹ năng tiền học đọc học viết đã xác định chúng tôi lựa chọn các hình thức giờ hoạt động chung (hoạt động học tập) và giờ hoạt động vui chơi với biện pháp cụ thể sau:
Hình thành kỹ năng tách từ như là đơn vị ý nghĩa đọc lập của ngôn ngữ: thông qua việc liên hệ từ gọi đối tượng với các đối tượng bằng cách cho trẻ gọi tên đối tượng lặp lại từ để gọi dối tượng đó, rồi phân tích từ vừa gọi: từ vừa gọi đối tượng là từ gì? Từ đó có bao nhiêu tiếng? Gồm có những tiếng nào? Tiếng nào đứng trước, tiếng nào
đứng sau? Và khi hỏi ngược lại, từ đó chỉ đồ vật hay đối tượng cụ thể nào trẻ có thể trả lời được bằng cách chỉ vào đối tượng mà từ gọi tên.
Hình thành kỹ năng tách câu như là đơn vị ý nghĩa độc lập của ngôn ngữ bằng cách cho trẻ làm quen với một đoạn văn, câu chuyện ngắn có ý nghĩa trọn vẹn, có số lượng câu từ 3 đến 4 câu; giúp trẻ nhận biết đoạn văn, câu chuyện ngắn đó có bao nhiêu câu (đọc từng câu, có ngắt nghỉ và nhấn mạnh để trẻ nêu được từng câu riêng biệt). Nêu được ý nghĩa một câu đơn giản qua diễn đạt bằng lời nói và trẻ có thể nói được câu đơn giản có bao nhiêu tiếng. Đồng thời giáo viên còn giúp trẻ tách câu chuyện được nghe thành các phần chính và nêu nội dung từng phần theo thứ tự đơn giản như: phần đầu câu chuyện nói đến điều gì (mở đầu- phần đầu), tiếp theo là chuyện gì xảy ra (để có sự nhận thức về phần nội dung câu chuyện hay đoạn giữa), câu chuyện kết thúc như thế nào? (kết chuyện); qua các bước như vậy dần trẻ hiểu được một câu chuyện thông thường có ba phần chính là mở đầu, phần giữa và phần cuối…
Hình thành kỹ năng phân tích âm thanh của một tiếng đơn giản: bằng biện pháp đọc kéo dài âm để phát hiện âm trong từ; Mô hình hóa âm thanh để biết vị trí của âm trong từ, vị trí từ chứa âm; Khoanh hình các đối tượng mà tên gọi có âm nào đó như yêu cầu; Nối âm yêu cầu khi đọc tên đối tượng rồi nối âm đó với ô trong mô hình tiếng đã được vẽ đúng vị trí phát hiện của âm đó (ví dụ: khi nhìn thấy hình cái va li trẻ sẽ đọc "va li" và bằng cách chỉ ngón tay vào mô hình tiếng va li, xác định và nối chữ ghi âm "v" với ô đã xác định là các ô đã được đánh số 1, 2, 3, 4 theo thứ tự tương ứng). Biện pháp trò chơi với các trò chơi học tập nhằm luyện tập thường xuyên các kỹ năng với chữ cái, từ, câu;…
Hình thành kỹ năng liên hệ đúng đắn âm vị và chữ cái: bằng cách nghe âm thanh và chỉ được chữ cái, chỉ chữ cái và đọc được âm của nó; nghe và chọn đúng thẻ chữ ghi âm của âm được nghe; tìm được chữ ghi âm được nghe trong môi trường chữ xung quanh trẻ;… tạo hình chữ cái từ nhiều vật liệu khác nhau như hột hạt, đất sét, giấy, mô phỏng bằng cử chỉ, hình dáng….
Hình thành kỹ năng ghép được một số chữ đơn giản (2 chữ cái) và đọc được nó, kỹ năng "Đọc" được một số từ, câu đơn giản, quen thuộc: bằng các trò chơi như vòng tròn xoay xoay, ngôi nhà âm r (v, n…): giúp trẻ phản xạ đọc khi nhìn thấy chữ đơn
giản được ghép từ hai chữ cái đứng cạnh nhau đúng vị trí phụ âm đầu nguyên âm cuối, giúp trẻ dần biết tạo chữ từ việc ghép 2 hai chữ cái với nhau đúng vị trí, đọc khi nhìn thấy các chữ đơn giản, quen thuộc.
Giúp hình thành kỹ năng nhận biết một số cấu tạo của một quyển sách; Thực hiện được một số quy tắc của việc đọc qua biện pháp cho trẻ tiếp xúc thường xuyên với các ấn phẩm, bắt chước hành động đọc của cô, hỏi trẻ về tên sách và vị trí của nó; hỏi xem trang trẻ đang đọc là trang mấy, quyển truyện tranh ngắn nào đó có mấy trang…; Hướng dẫn trẻ cách đọc bằng cách chỉ từng từ khi đọc, đọc từ trái sang phải, từ trên xuống dưới…
Hình thành kỹ năng tiền học viết: (ngồi học đúng tư thế, cầm viết đúng cách) qua cho trẻ thực hành viết theo ý thích, thường xuyên sử dụng bút viết, vẽ, bắt chước người ngồi viết, hướng dẫn trẻ cách ngồi, cách cầm viết một cách khoa học…
Hình thành kỹ năng học tập: (Kĩ năng tự kiểm tra, đánh giá bài làm của mình. Kỹ năng thực hiện các quy định trên giờ học): bằng cách thường xuyên giao nhiệm vụ cho trẻ, yêu cầu trẻ nhận xét sản phẩm của bạn và tự nhận xét bản thân, khi trẻ thực hiện các yêu cầu được giao là các bài tập hay các trò chơi thì cô tổ chức cho trẻ nhận xét việc hoàn thành các yêu câu đó (nhận xét từ nhóm, bạn và cá nhân trẻ)… ban đầu là nhận xét bằng lời nói, sau đó sẽ nhận xét bằng vật thật theo màu ở hai mức độ đúng hoặc sai (chẳng hạn đúng thì dán hoa màu đỏ, sai dán màu vàng…) dần tăng lên 3, 4 mức độ tùy theo khả năng của trẻ
Trong quá trình thực hiện các biện pháp trên, giáo viên quan sát, nhận định tình hình và khả năng của trẻ, tách riêng và hướng dẫn thêm cho trẻ yếu vào các giờ hoạt động khác (quan tâm đến từng trẻ để giúp cân bằng mức độ kỹ năng giữa các trẻ được đồng đều). Chia nhóm nhỏ hoặc cá nhân để giúp trẻ luyện tập thường xuyên các kỹ năng một cách thuần thục. Khuyến khích trẻ tạo môi trường học tập và làm các đồ dùng đồ chơi học tập cùng với cô, giúp trẻ hứng thú và tích cực hoạt động với các vật liệu viết và vật liệu tạo thành chữ viết.