3. Thành tựu và hạn chế của việc sử dụng khoáng sản rắn vào sự phát triển kinh tế đất
3.2. Đối với nhóm khoáng sản phóng xạ:
Trên lãnh thổ Việt Nam, kết quả các công tác nghiên cứu địa chất và tìm kiếm khoáng sản nói chung và urani nói riêng đã phát hiện khoáng hoá urani ở nhiều nơi, trên các địa hình khác nhau, với các tuổi khoáng hoá từ Protezozoi đến Đệ Tứ, tức từ 1800 - 2000 triệu năm đến 25 - 30 triệu năm trở lại đây. Tuy nhiên, quặng khoáng hoá urani có triển vọng tập trung nhiều ở Trung Bộ và Tây Nguyên, Việt Bắc, Tây Bắc, ứng với các tuổi từ Mezozoi (160 - 200 triệu năm) trở lại đây
Nguyên liệu phóng xạ nói chung, urani nói riêng là một loại nguyên liệu mang tính đặc thù, chủ yếu làm nguyên liệu cho các nhà máy điện nguyên tử. Nhìn chung, tài nguyên urani của Việt Nam tương đối phong phú. Lãnh thổ Việt Nam, với những đặc điểm địa chất của nó có tiềm năng chứa urani đáng kể, đặc biệt urani trong cát kết Nông Sơn có nhiều khả năng trở thành mỏ công nghiệp. Tuy nhiên, công tác điều tra địa chất nguyên liệu phóng xạ ở Việt Nam hiện nay đang ở giai đoạn nghiên cứu phát hiện, cần phải được đầu tư nhiều hơn để thăm dò nâng cấp trữ lượng và nghiên cứu tính khả thi về kinh tế. Công tác điều tra nghiên cứu về urani chỉ thực sự được tiến hành sau năm 1975, nhất là sau năm 1980 công tác này được đẩy mạnh với việc phát hiện một số điểm khoáng hoá urani ở Tiên An, khu mỏ than Nông Sơn và đặc biệt là phát hiện loại hình urani trong cát kết vùng trũng Nông Sơn. Tuy nhiên về mức độ điều tra còn sơ sài, so với các loại hình khoáng sản khác như than đá, chì - kẽm, sắt, vàng... mức độ đầu tư còn ít về vốn, số các công trình nghiên cứu cũng như các công trình sâu (khối lượng khoan máy từ năm 1983 đến nay khoảng 20.000 m) với khoáng sản urani mới chỉ thăm dò 1 khu với diện tích khoảng 0,5 km2 ở Bình Đường. Song ở đây số lượng công trình khoan cũng hạn chế, còn các diện tích khác chỉ mới dừng ở mức đánh giá tỷ lệ 1:5.000 - 1:2.000 (đề án đánh giá urani khu Khe Hoa - Khe Cao, Pà Lừa, Pà Rồng, An Điềm, Đông Nam - Bến Giằng...) hoặc được đánh giá đi kèm trong các đề án điều tra, đánh giá và thăm dò khoáng sản khác (đề án thăm dò đất hiếm Nậm Xe, điều tra, đánh giá đất hiếm Mường Hum...) ....
Tại Hội thảo đánh giá môi trường chiến lược quy hoạch, thăm dò, khai thác, chế biến quặng phóng xạ do Sở Công thương Quảng Nam và Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp - Bộ Công thương tổ chức ngày 26/8/2011 tại Quảng Nam các nhà khoa học và các chuyên gia đầu ngành đã chính thức công bố 7 mỏ quặng uranium được phát hiện tại Quảng Nam. Đây là 7 trong tổng số 11 mỏ, điểm quặng phóng xạ phát hiện trên toàn quốc. Theo tài liệu chính thức được công bố tại Hội thảo, tài nguyên quặng phóng xạ (là quặng có urani (U) và/hoặc thori) tại Quảng Nam có chất lượng tốt nhất Việt Nam. Vị trí các mỏ, điểm quặng phóng xạ này nằm ở vùng trũng huyện Nông Sơn và huyện Nam Giang, bao gồm: mỏ U Pà Lừa, mỏ U Pà Rồng, mỏ U Khe Hoa - Khe Cao, mỏ U Đông Nam bến Giằng, mỏ U An Điềm, mỏ than (U) Nông Sơn, mỏ graphic (U) Tiên An. Trong đó, các mỏ U Pà Lừa, U Pà Rồng dự kiến hoàn thành thăm dò trước năm 2015. Đến giai đoạn 2016-2020 sẽ xây dựng mỏ và khai thác quặng urani tại đây với công suất 100-130 nghìn tấn quặng nguyên khai/năm ở mỗi mỏ. Khối lượng quặng này sẽ được Việt Nam chế biến tại chỗ phục vụ cho yêu cầu phát triển kinh tế đất nước. Hiện Quảng Nam đang hoàn tất các thủ tục để trình chính phủ cho phép khai thác và chế biến.