Nhân vật người nông dân

Một phần của tài liệu ĐẶC ĐIỂM TRUYỆN NGẮN NGUYỄN QUANG THÂN (Trang 40 - 45)

Đề tài người nông dân vốn rất quen thuộc với nhiều thế hệ nhà văn. Từ Nam Cao với Chí Phèo, Lão Hạc, Kim Lân với Vợ Nhặt, Làng; Lão Khổ của Tạ Duy Anh, Phiên chợ Giát của Nguyễn Minh Châu hay Thời xa vắng của

Lê Lựu, Bến trần gian của Lưu Minh Sơn, Nỗi đau dòng họ của Sương Nguyệt Minh, Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư… Và Nguyễn Quang Thân cũng góp một tiếng nói về số phận người nông dân qua các truyện ngắn tiêu biểu: Gió heo may, Cây bạch đàn vô danh, Chị Hoa Cải về làng, Người đẹp làng chiếu, Người làm ra động đất…

Trước năm 1975, hình tượng người nông dân trong tác phẩm của Nguyễn Quang Thân chủ yếu là những người nông dân chất phác, hiền lành. Họ sống thu hẹp trong khuôn khổ làng xã với những tính cách giản đơn, đời sống tâm lí dễ hiểu như O Than, O Đồ Luận, Dũng, cô em gái làng Vọt, Cô

gái trong Bài hát Đào Liễu, các bà, các cô tham gia các tổ nuôi tằm, cấy cày

trong hợp tác xã. Họ có những sáng kiến để nuôi tằm nhanh lớn, mùa gặt đạt năng suất cao. Giữa những nhân vật này ít có mâu thuẫn và xung đột.

Sau năm 1975, trước sự thay đổi của xã hội, văn học cũng có những chuyển biến mới. Truyện ngắn viết về nông thôn đã quan tâm tới mối quan hệ cá nhân riêng với gia đình dòng họ, làng xóm. Người nông dân được khám phá soi chiếu ở nhiều tầng bậc như tư tưởng, tình cảm, đời sống tự nhiên, bản năng và khát vọng cao cả, những con người cụ thể cá biệt trong xã hội.

Nguyễn Quang Thân đặc biệt quan tâm tới số phận con người. Ông luôn dành sự ưu ái đặc biệt cho những con người bất hạnh. Ông dám nói thay họ những khát khao bản năng, những mong muốn tình cảm mà lẽ ra ai cũng có quyền được hưởng. Trong Gió heo may, chị Chắt Sang ở làng Kẻ Đồng – vì tư tưởng còn lạc hậu, ấu trĩ phải sống với người chồng vũ phu mà không dám bỏ. Chị lấy anh vì anh là người đã cấu vào mông chị. Mẹ chị bảo: “như thế là đã thất tiết với người ta rồi, dù đó là người không ra gì cũng phải lấy”. Chồng chị nát rượu vũ phu nhưng một thời gian sau bị bệnh xơ gan mà chết. Chị vốn đã khổ nay còn khổ hơn. Một buổi sáng khi cơn gió heo may thổi về đã bùng lên trong chị những khát khao tình cảm ái ân tưởng như đã nguội

lạnh trong tâm hồn người đàn bà góa. Cuối cùng chị đã tìm được anh cu Ca - người cũng bất hạnh trong tình cảm gia đình. Họ tìm đến với nhau như một sự bù đắp của tạo hóa.

Nguyễn Quang Thân đã rất tinh tế khi phát hiện ra khát khao rất đời thường đáng trân trọng của con người. Họ là nạn nhân của bao hủ tục lạc hậu, những lề thói mà bao năm nay vẫn tồn tại sau những lũy tre làng Việt.

Trong Người đẹp làng Chiếu, Lụa là người có số phận bất hạnh. Ba đời chồng đều bỏ chị ra đi, và ai người trong làng đều để cho chị cái tiếng xấu là sát chồng. Họ còn cho rằng do chị ở cái mảnh vườn đuôi chuột đã làm đảo lộn nếp phong thủy của làng xưa nay nên làng mới không phất lên được. Cái định kiến của làng đã đè nặng lên khiến chị bị xa lánh chỉ tại chị có “gò má cao sát phu lại không chửa đẻ gì. Người ta đua nhau xoay nhà lập lại vườn vì đàn ông thì sợ chết non, đàn bà sợ mang tiếng sát phu hoặc dâm đãng. Ai cũng lo lắng cho đạo đức suy đổi, nhất là của người khác”. Người ta còn đổ

tại chị đã “gieo thói lẳng lơ cho mèo chó, trâu bò và ngay đến cây cối. Và

chính chị đã không chịu sửa lại miếng vườn đuôi chuột.”

Nỗi khổ tâm trong lòng và ác ý của người đời đã khiến chị Lụa trở nên lầm lì ít nói mà chính chị cũng “tưởng mình bị câm”. Ban ngày làm việc vất vả đã vậy nhưng đêm về, khát khao hạnh phúc vợ chồng lại trào dâng lên trong chị. Căn phòng trống trải, những hạnh phúc xưa kia nay đã “cỏ che mưa

xóa” cũng tại bởi chị đẹp – đó là nguồn gốc cho mọi sự đố kị, đơm đặt đầy ác

ý và nham hiểm. Nhưng nó cũng là vũ khí duy nhất và mạnh mẽ nhất. Thế rồi chị Lụa cũng gặp được họa sĩ Dzuy - người biết cảm thông và yêu thương chị đã mang chị đi ra khỏi làng Chiếu trước khi dân làng đến bắt vạ chị.

Rồi những người nông dân chân chất hiền lành như chú Bạch Vân trong Cây bạch đàn vô danh phải chịu cảnh cô đơn. Khi con trai chú được 3 tuổi thì vợ mất, chú mười ba năm trời nuôi con một mình. Rồi khi con trai

trưởng thành, nó trốn chú đi bộ đội, mấy năm không thấy về cũng chẳng có lá thư nào cả. Chú khô héo đến bạc người. Đến khi chú gặp chị Bình Dân - một phụ nữ chờ chồng đi bộ đội biền biệt không về, cũng không tin tức gì, chẳng biết còn sống hay đã chết thì hai người ấy gặp nhau. Họ phải chịu bao điều tiếng xấu, bị người đời dè bỉu. Ngay cả ông Hàn – tộc trưởng của họ chú Bạch Vân mắng chú : “Chú làm xấu cả họ Nguyễn nhà mình. Kim đã có chỉ rồi chú

còn xâu vào nữa làm gì” và còn khinh bỉ chị Bình Dân: “cái ngữ ấy có sống cũng coi như đã chết”. Ngay cả khi chú Bạch Vân và chị Bình Dân rời làng đi

nơi khác, ông vẫn còn đánh con vì chuyện nó giấu khi biết chú Bạch Vân và chị Bình Dân ngủ trong nhà từ đường: “Mày cầm cái thuổng, cái cuốc theo

tao. Hai bố con lặng lẽ như thằng ăn trộm ra nhà từ đường. Ông cả Hàn chỉ đến chỗ đất trống đã mủn từng đám. Nó nằm ở đây phải không? Hai bố con dùng thuổng và cuốc đào miếng đất nền to bằng cái chiếu. Thịnh xúc đất cho vào rổ, đổ ra vườn. Đào xong cả hai ra vườn nhà thờ khuôn đất mới đổ vào, lấp lại như cũ. Sau khi làm xong, ông cả Hàn nói: “Khiêng mấy bao urê này đè lên” – Còn con gà dò. Mai tao làm một mâm cúng tổ”. Hành động này cho

thấy tư tưởng bảo thủ, lạc hậu của làng quê vẫn còn đè nặng, nhất là những người đứng đầu họ tộc. Và ngay cả với tập thể làng xã cũng còn có những hành động, lời nói chà đạp lên danh dự và nhân phẩm của con người. Chị Bình Dân một mình nuôi mẹ chồng và hai em chồng ăn học nhưng bị chính quyền xã không cho đi dắp đê dù cho “chỉ còn hơm một khối nữa là có thể

được lên anh hùng”. Nhưng chị không đạt khâu đạo đức bởi lí lẽ của họ là:

“vác đất cũng là làm cách mạng, phải chọn người tử tế.” Chao ôi, chị có làm gì sai đâu! Nhưng ở cái thời mà nghĩa vụ con người đặt lên hàng đầu thì những tình cảm, riêng tư, sâu kín nhất cũng bị dẹp bỏ. Chị không được sống cho mình mà phải sống cho người khác, nếu như đi ngược lại sẽ bị cộng đồng lên án.

Cũng với tiếng nói đồng cảm với người nông dân trong khát khao hạnh phúc, tác giả Nguyễn Quang Thân đã đi sâu vào thế giới nội tâm của Lão Hạ và chị Chắt dê. Chị làm việc chăm chỉ, quên ngày tháng nhưng không hạnh phúc trong hôn nhân. Chồng chị không thể cho chị một đứa con nhưng lại ghen tuông vô cớ thường xuyên đánh đập chị. Rồi một ngày chồng chị chết vì “bệnh mất nước do khóc quá nhiều và ung thư ruột do ghen tuông” thì chị đã có tuổi, sống thui thủi một mình. Cái khao khát tình yêu vẫn cứ thổn thức trong chị từ lúc trẻ đến lúc chị già. Tuy lửa lòng đã tắt nhưng vẫn còn đám than hồng âm ỉ cháy nung nấu ngày đêm không ngủ của chị… và cuối cùng chị Chắt đã tìm lại được Lão Hạ - một người có gia đình không hạnh phúc, cuối đời lão sống cô độc. Hai con nương tự vào nhau trong những thời khắc hiếm có. Họ đã chết bên nhau với nét mặt rạng rỡ và thánh thiện. Nguyễn Quang Thân đã dành cho họ tình cảm vừa cảm thông vừa xót thương, cả cuộc đời hiếm hoi hạnh phúc, cuối cùng cũng được bên nhau dù là cái chết.

Hình ảnh Người bẫy chim trên núi Cu Kỳ gợi cho người đọc số phận của người nông dân gặp bất hạnh sự xót thương. Thằng Lợi bị tàn tật, đi cà nhắc, y mồ côi sớm nhưng sống đến ngần này tuổi mà tự làm nhà, tự kiếm sống được nên ai trong xóm cũng thương. Anh ta làm nghề bẫy chim Cu Kỳ. Nhờ món tiền bán chim tích lũy được mà Lợi mua được cái sân bẫy chim trên núi. Rồi một lần sau khi bán ba mươi bảy con chim cho nhà nghỉ Hải Đông để có hơn năm trăm ngàn nhét túi, Lợi đã tìm thú vui bên trong nhà nghỉ qua lời dẫn dắt của thằng Nông bảo vệ. Tại đây, Lợi gặp Phượng – một cô gái giang hồ có số phận tủi cực. Sự xót thương cô gái và khao khát có một gia đình đã khiến Lợi dốc hết vốn liếng cứu chuộc cô ra khỏi nhà nghỉ và lấy làm vợ. Nhưng hai vợ chồng Phượng vẫn nơm nớp lo sợ khi “thằng Nông bảo vệ vẫn

dọa bắt em về vì em hợp đồng miệng với họ làm tiếp viên hai năm. Em có nhận một số tiền để may quần áo. Biết chúng em chẳng có gì, chúng nó siết

nợ ngày hai con cu kỳ, cho bằng hết mới thôi”. Lúc đầu nhìn Lợi khâu mắt

mấy con chim mồi thấy dã man quá nhưng nó cũng đã cứu được một con người. Và Phượng cũng như con Cu Kỳ đang nằm trong lưới thì được Lợi thả ra. Hai người cũng sẽ đi nơi khác - tránh xa cạm bẫy của con người nơi đây khi mà hàng ngày, hàng giờ chứng kiến những cảnh con Cu Kỳ lấy mạng mình ra trả nợ từng con một cho những món nợ người.

Người nông dân trong tác phẩm của Nguyễn Quang Thân phần lớn là hiền lành, chất phác, chịu thương, chịu khó nhưng lại gặp hoàn cảnh kém may mắn, phải bươn chải khó nhọc. Nhân vật “tôi” trong Sông nước đời thường

đã kể lại chuyện cuộc đời mình. Bố của nhân vật tôi chết đói, hai mẹ con bơ vơ, lưu lạc trên dòng sông Lam và được ông vạn chài của Hội góa vợ cứu giúp. Cuộc sống đói khổ quá khiến nhân vật tôi phải vào thành Vinh tự kiếm ăn khi vẫn còn là một đứa trẻ. Những năm tháng lê la dọc đường, làm thuê làm mướn cũng giúp cậu bé trưởng thành. Rồi cuộc đời lênh đênh trên sông nước đã giúp nhân vật tôi se duyên với Hồng – con gái của một chủ đò nhưng rồi họ không sống được với nhau lâu. Mười bảy năm lưu lạc để rồi nhân vật tôi gặp lại vợ mình và con trai khi cả hai đã chết vì thuyền đâm phải cọc đáy khi họ đang tìm đường trốn sang Hồng Kông.

Những người nông dân trong sáng tác của Nguyễn Quang Thân hầu hết là những người có số phận bất hạnh, họ không chỉ sống nghèo khổ về vật chất mà còn cô đơn về tinh thần. Tác giả bày tỏ sự cảm thông, xót thương và trân trọng những ước mơ, dù là rất nhỏ bé và mong muốn cuộc sống trong xã hội này sẽ không còn những cảnh đời khốn khó như vậy nữa.

Một phần của tài liệu ĐẶC ĐIỂM TRUYỆN NGẮN NGUYỄN QUANG THÂN (Trang 40 - 45)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(110 trang)
w