Tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen về tính chính đáng của nhà nước

Một phần của tài liệu TIỂU LUẬN: ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG CỦA ĐẢNG VỚI SỰ NGHIỆP ĐỔI MỚI Ở NƯỚC TA HIỆN NAY ppt (Trang 65 - 70)

- PH.ĂNGGHEN VỀ TÍNH CHÍNH ĐÁNG CỦA NHÀ NƯỚC

2.Tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen về tính chính đáng của nhà nước

Tư tưởng cốt lõi trong lý luận của C.Mác về nhà nước là “Nhà nước được xây dựng trên cơ sở mâu thuẫn giữa đời sống xã hội và đời sống tư, trên mâu thuẫn giữa lợi ích chung và lợi ích riêng”(5). Điều đó có nghĩa, mâu thuẫn lớn nhất của xã hội là mâu thuẫn giữa con người cá nhân và con người cộng đồng. Đồng thời, C.Mác cũng cho rằng, tất cả những đau khổ của con người đừng bao giờ mong đợi được giải quyết từ bộ máy hành chính – với tư cách là bộ máy quản lý, điều hành của nhà nước. Nếu những tệ nạn xã hội, những bất bình đẳng bị xoá bỏ, khi đó nhà nước đã mất đi cái cơ sở tồn tại của nó. C.Mác khẳng định: “...tình trạng phân tán này, tình trạng bỉ ổi này, ách nô lệ của xã hội công dân này là cái cơ sở tự nhiên trên đó nhà nước hiện đại được xây dựng, cũng giống như xã hội công dân chiếm hữu nô lệ là cái cơ sở tự nhiên trên đó xây dựng nên nhà nước cổ đại”(6). Nhà nước, theo quan niệm của chủ nghĩa Mác, chỉ là công cụ nhằm bảo vệ đặc quyền của một giai cấp nào đó và những quan hệ xã hội lấy sự ép buộc làm căn cứ, và trong đó, mọi công dân của nó đều phải chịu đựng những đau khổ và kiếp sống của những người nô lệ do nhà nước gây ra. Chừng nào còn nhà nước, cuộc sống nô lệ của người dân còn tồn tại, như C.Mác đã khẳng định: “Sự tồn tại của nhà nước và sự tồn tại của chế độ nô lệ gắn bó với nhau như hình với bóng”(7). Ông cũng nhấn mạnh rằng, bình đẳng trong xã hội có giai cấp, nhà nước là sự bình đẳng của giai cấp thống trị và sự bất bình đẳng của giai cấp bị trị mà thôi và tự do của giai cấp này là sự mất tự do của giai cấp khác.(5)

Từ cách nhìn này, quyền lực nhà nước không thể có được một địa vị chính đáng. Nó chỉ tạo thành một hệ thống xâm phạm vào các quyền cá nhân của đa số và bảo vệ cho lợi ích của một số ít (giai cấp thống trị). Đứng trước những đau khổ của con người,

nhà nước luôn đi tìm nguyên nhân từ những hoàn cảnh nằm ngoài đời sống của mình, hay từ sự bất lực của bộ máy hành chính (bộ máy này có thể được điều chỉnh). Và, một khi những thiếu sót của bộ máy hành chính không thể điều chỉnh được thì nhà nước bắt đầu thể hiện bản chất lừa bịp của nó và đổ lỗi cho luật trời hay chính những người bị trị. Đó cũng là dễ hiểu! Nhà nước càng hiện đại bao nhiêu (như nhà nước tư sản hiện đại) thì nó càng có nhiều luận chứng để nguỵ biện cho những đau khổ mà nó gây ra cho con người, vì người cai trị luôn dùng “lý tính chính trị” được tư duy trong khuôn khổ của chính trị. Và những tư duy đó càng sắc sảo bao nhiêu, thì nó càng “không thể hiểu được” những tệ nạn xã hội, những đau khổ mà nó đã mang tới. Chẳng có gì có thể bào chữa cho những phân biệt chính trị, nó là một vấn đề để thủ tiêu tất cả các kết cấu tổ chức. C.Mác cho rằng, “muốn xoá bỏ sự bất lực của bộ máy hành chính của mình, nhà nước hiện đại ắt phải xoá bỏ đời sống riêng hiện nay. Mà muốn xoá bỏ đời sống riêng, thì nhà nước ắt phải tự xoá bỏ mình, bởi vì nó chỉ tồn tại như là mặt đối lập với đời sống riêng”(8). Tuy nhiên, nhà nước không bao giờ tự xoá bỏ đời sống riêng của nó – đó là tự sát. Muốn nó biến mất, thì những giai cấp bị trị, bị cô lập với nhà nước phải làm cách mạng. Vì, “linh hồn chính trị của cách mạng là nguyện vọng của các giai cấp không có ảnh hưởng chính trị muốn thủ tiêu sự cô lập của mình với nhà nước và với quyền thống trị”(9). Những cuộc cách mạng do giai cấp công nhân và nhân dân lao động tiến hành, như Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, đã khẳng định, “ghi lên lá cờ chiến đấu khẩu hiệu xoá bỏ chế độ tư hữu”. Nghĩa là những cuộc cách mạng ấy phải xoá bỏ chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa, làm cho đa số nhân dân lao động cũng có quyền chiếm hữu và làm chủ sở hữu, làm chủ tư liệu sản xuất. Nhờ cuộc cách mạng này, các giai cấp bị trị, bị bóc lột sẽ đập tan bộ máy nhà nước cai trị cũ và tổ chức lại theo cách của mình, mà ở đó nhà nước không còn là cơ quan quyền lực riêng của một số ít.(8)

Việc vạch rõ bản chất bóc lột, lừa bịp, của nhà nước cũ, coi đó như nguồn gốc của những tệ nạn xã hội cho thấy, bản thân nhà nước đã là không chính đáng! Tuy nhiên, C.Mác cũng khẳng định, chừng nào quần chúng chưa giác ngộ thì nhà nước vẫn còn có thể thuyết phục xã hội chấp nhận nó, và tất nhiên quyền lực của những người cai trị vẫn còn được duy trì, khi đó tính chính đáng của nó vẫn là giả tạo. Chừng nào mà quần chúng còn chưa nhận ra được sự giả tạo về tính chính đáng của nhà nước thì lúc

đó, nỗi bất hạnh lớn nhất của con người vẫn chưa được xóa bỏ.

Bên cạnh việc vạch trần sự giả tạo về tính chính đáng của nhà nước nói chung, nhà nước tư sản nói riêng, C.Mác và Ph.Ăngghen đã đi tìm tính chính đáng thực sự cần có của nhà nước trong tương lai (tức mang tính lý tưởng). C.Mác cho rằng, tổ chức lại xã hội sau khi tan vỡ bằng chủ nghĩa tư bản không thể đưa đến sự thủ tiêu việc tập trung lợi ích và sản xuất trong tay một số ít người, con người trong xã hội tư sản càng mất tự do hơn. Ông khẳng định: “... dưới sự thống trị của giai cấp tư sản, các cá nhân tưởng rằng được tự do hơn trước vì những điều kiện sinh sống của họ là ngẫu nhiên đối với họ; thực ra thì dĩ nhiên là họ ít tự do hơn, vì họ bị phụ thuộc nhiều hơn vào sức mạnh vật chất”(10). Muốn thủ tiêu được một cách triệt để những bất bình đẳng trong xã hội thì phải tổ chức theo một cơ chế quản lý nhất nguyên và không có tính cá nhân của xã hội cộng sản. Chính vì thế, C.Mác cho rằng, nhà nước như một công cụ áp bức, vẫn là một sự thành lập mang tính tạm thời. Sự tiêu vong của nhà nước là mang tính lịch sử.

Với sự xoá bỏ của đấu tranh giai cấp, nhà nước cũng đi đến tiêu vong. Điều này được C.Mác và Ph.Ăngghen luận giải đồng thời với tư tưởng về nhà nước vô sản. Trong quá trình luận giải về tính tất yếu của cuộc đấu tranh giai cấp sẽ dẫn đến chuyên chính vô sản, các ông cũng khẳng định chuyên chính vô sản là đỉnh cao cách mạng trong cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản. Tuy nhiên, nhà nước chuyên chính vô sản chẳng qua chỉ là “nhà nước nửa nhà nước”, là hình thức quá độ để nhà nước đi đến tiêu vong. Trong Chống Đuyrinh, Ph.Ăngghen khẳng định rằng, “khi Nhà nước cuối cùng, thật sự trở thành đại biểu của toàn thể xã hội, thì bản thân nó sẽ trở thành thừa. Một khi không còn giai cấp xã hội nào cần phải duy trì trong vòng áp bức nữa, một khi mà cùng với sự thống trị giai cấp và sự đấu tranh để sinh tồn xây dựng trên tình trạng vô chính phủ từ trước đến nay trong sản xuất, những xung đột và tình trạng rối loạn nảy sinh từ tình hình đó cũng đều bị loại trừ, thì lúc đó sẽ không còn gì để áp bức nữa, khi đó một lực lượng đặc biệt để đàn áp, tức là Nhà nước cũng sẽ không còn cần thiết nữa. Hành động đầu tiên, qua đó Nhà nước tỏ thật sự thể hiện là đại biểu của toàn thể xã hội - chiếm lấy các tư liệu sản xuất nhân danh xã hội - cũng đồng thời là hành động độc lập cuối cùng của nó với tư cách là Nhà nước. Sự can thiệp của chính quyền nhà nước vào các mối quan hệ xã hội sẽ hóa ra thừa trong lĩnh

vực này đến lĩnh vực khác và tự lịm dần đi. Việc cai quản người sẽ nhường chỗ cho việc quản lý vật và chỉ đạo quá trình sản xuất”(11). Khi đó, các cá nhân trong xã hội sẽ được tự do và bình đẳng với nhau trong quá trình sản xuất. Xã hội sẽ tổ chức lại nền sản xuất trên cơ sở liên hợp tự do và bình đẳng giữa những người sản xuất. Sự chiến thắng mang đến một sự biến đổi cuối cùng trong lối sống của con người qua sự hoà hợp giữa cá nhân với thế giới con người, bằng cách loại trừ sự phân chia giữa địa vị xã hội và địa vị cá nhân.

Theo C.Mác, công bằng xã hội đạt được không phải bằng cuộc cách mạng hợp pháp được thiết kế nhằm làm cho lợi ích vị kỷ cá nhân hoà hợp với lợi ích tập thể, mà bằng cách xoá bỏ những đối kháng của nó, bắt đầu từ sự phân công lao động. Một khi những đối kháng đó biến mất, sự thống nhất một cách tự nguyện, không có sự điều khiển và cưỡng ép của các thể chế sẽ cho phép đảm bảo sự hài hoà trong các mối quan hệ giữa người với người. Sự kết thúc bất bình đẳng xã hội cũng là hồi chuông báo hiệu cái chết của những khác biệt về chính trị. Chức năng tàn nhẫn do vai trò chính trị của nhà nước mang lại là những dấu hiệu của những xã hội tâm thần (alienated- societies), sẽ không còn tồn tại nữa và nhà nước chỉ giữ lại các chức năng quản lý xã hội đơn thuần. Những mâu thuẫn cá nhân không còn lý do để tồn tại. Mỗi người, sau đó, có trách nhiệm để phát huy khả năng của mình với mức độ lớn nhất có thể, tiến tới tính xây dựng cần thiết từ ý chí của tập thể. Ph.Ăngghen khẳng định: “Chỉ có trong cộng đồng cá nhân mới có được những phương tiện để có thể phát triển toàn diện những năng khiếu của mình và do đó, chỉ có trong cộng đồng, mới có thể có tự do cá nhân”(12). Để giành lại quyền tự do của con người, việc giành lấy tự do chính trị trở thành một nhiệm vụ cấp thiết đối với giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Bởi vì, nếu không có tự do chính trị, không có và không thể có ảnh hưởng gì đến công việc của nhà nước thì họ vẫn là một giai cấp không có quyền, bị lăng nhục và không được bày tỏ ý kiến của mình. Trong học thuyết của C.Mác và Ph.Ăngghen, giải phóng cá nhân chính là chìa khoá cho mọi sự giải mã về tự do, bình đẳng và quyền con người. Điều này được phản ánh qua luận điểm vĩ đại của C.Mác và Ph.Ăngghen trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản: Sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người.(12)

của nhà nước nói chung và nhà nước tư sản nói riêng. Đồng thời, các ông đã khẳng định tính chính đáng của nhà nước chỉ có được khi nhà nước đó tạo ra được các yếu tố nhằm phục hồi và xây dựng một xã hội công bằng, bình đẳng giữa các cá nhân với nhau trong quá trình sản xuất của những con người tự do liên hợp lại - đó là xã hội lý tưởng, trong đó mỗi cá nhân có quyền tự do lựa chọn phát triển theo năng lực vốn có của mình. Hình thức nhà nước duy nhất đáp ứng được điều đó, như C.Mác và

Ph.Ăngghen đã chỉ rõ, chính là Nhà nước chuyên chính vô sản với tư cách hình thức quá độ trong tiến trình nhà nước tự tiêu vong.

********************

(*) Thạc sĩ, Học viện Chính trị - Hành chính khu vực III, Đà Nẵng.

([1]) Sternberger, Dolf. Legitimacy in International Encyclopedia of the Social Sciences (ed. D.L.Sills). Vol.9, New York: Macmillan, 1968, p.244 .

(2) Lipset, Seymour Martin. Political Man: The Social Bases of Politics (2nd ed), London: Heinemann, 1983, p.64.

(3) Coicaud, Jean - Marc. Legitimacy and Politic. Cambridge University Press, 2002, p.10.

(4) Dẫn theo: Ashcraft, Richard (ed). John Locke: Critical Assessments. London: Routledge, 1991, p.524.

(5) C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập, t.1. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.605. (6) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.1, tr.605. (7) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., tr.605. (8) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.1, tr.605. (9) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.1, tr.615. (10) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.3, tr.111. (11) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.20, tr.389 – 390. (12) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.3, tr.108.

Một phần của tài liệu TIỂU LUẬN: ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG CỦA ĐẢNG VỚI SỰ NGHIỆP ĐỔI MỚI Ở NƯỚC TA HIỆN NAY ppt (Trang 65 - 70)