Triết học phân tích do Russell, Moore, Wittgenstein sáng lập đầu thế kỷ XX là một dòng chủ đạo của triết học phương Tây trong suốt gần 100 năm, nó tự cho mình là triết học của khoa học. Trong những năm 20 của thế kỷ trước, trường phái Vienna với nhân vật tiêu biểu là Karnap đã xây dựng chủ nghĩa kinh nghiệm lôgíc, mở ra cao trào triết học phân tích. Trong những năm 30, do sự bức hại của chủ nghĩa phát xít, phần lớn thành viên của trường phái Vienna đã di cư sang Mỹ, truyền bá và phát triển chủ nghĩa kinh nghiệm lôgíc, và dần giành được địa vị chủ đạo vốn của chủ nghĩa thực dụng. Những năm 50, chủ nghĩa kinh nghiệm lôgíc do nghiên cứu một cách tách rời và tĩnh tại kết cấu lôgíc của tri thức khoa học, xa rời con người và thực tế văn hóa xã hội, nên khi gặp phải sự tấn công của cách mạng khoa học và những sự phê phán lý luận cả từ bên trong lẫn bên ngoài, nó dần bước vào thời kỳ suy thoái.
Đối với chủ nghĩa kinh nghiệm lôgíc từ “khách biến thành chủ”, chủ nghĩa thực dụng bản địa Mỹ đã giữ một thái độ rất mềm dẻo: vừa kiềm chế, phê phán vừa thừa nhận, tiếp thu; đồng thời, tự thẩm thấu chính triết học phân tích, trở thành nhân tố tư tưởng mạnh mẽ cho việc cải tạo triết học phân tích. Đặc sắc cơ bản của triết học hậu phân tích Mỹ là tinh thần chủ nghĩa thực dụng được dung nạp ở các mức độ khác nhau và khuynh hướng lý luận của mỗi học thuyết cũng không đồng nhất.
Giáo sư W.V.Quine của Đại học Harvard chính là người sáng lập nên triết học phân tích cải tiến hiện đại ở Mỹ. Năm 1951, ông công bố tiểu luận Hai giáo điều trong lý
luận về kinh nghiệm, đánh đổ hai cột trụ lý luận lớn của chủ nghĩa kinh nghiệm lôgíc, tức là phân chia rạch ròi mệnh đề phân tích và mệnh đề tổng hợp với thuyết hoàn nguyên(1) của thực chứng ý nghĩa(2), gây chấn động mạnh đối với giới triết học phân tích quốc tế. Ông sáng tạo nên một loại chủ nghĩa thực dụng lôgíc để cải tạo triết học phân tích, đề xướng sử dụng toàn bộ lý luận kinh nghiệm của chủ nghĩa thực dụng để nghiên cứu một cách sống động và biện chứng về tri thức khoa học, phản đối khẩu hiệu sai lầm “thải loại tất cả siêu hình học” trong truyền thống phân tích, tái khẳng định vai trò quan trọng của bản thể luận triết học trong xây dựng và phát triển lý luận khoa học. Ông khơi dậy hàng loạt các học thuyết thừa nhận bản thể luận đa nguyên chân lý, chủ nghĩa hành vi, triết học ngôn ngữ của chủ nghĩa tự nhiên, nguyên tắc không chính xác của ngôn ngữ dịch, v.v. có màu sắc chủ nghĩa tương đối rất rừ rệt. Từ những năm 60 về sau, học thuyết của ụng cú ảnh hưởng trực tiếp tới triết học phân tích và triết học khoa học Mỹ, dấu ấn tư tưởng của ông cũng dễ dàng được nhận thấy trong văn hóa Mỹ hiện đại. Sau ông, xoay quanh vấn đề cơ bản của triết học, triết học hậu phân tích Mỹ có khuynh hướng phân hóa thành thực tại luận và phản thực tại luận.
Có hai nhân vật đại biểu cho khuynh hướng thực tại luận. D.H.Davidson là học trò của W.V.Quine, ông thừa nhận lý luận kinh nghiệm và quan niệm khoa học mang tính chỉnh thể và sống động của Quine, nhưng phê phán chủ nghĩa tương đối của Quine. Ông nghiên cứu lý luận về chân lý, xây dựng bản thể luận ngôn ngữ và “nhất nguyên luận biến dịch” mang khuynh hướng thực tại luận, hình thành “cương lĩnh Davidson” rất có ảnh hưởng trong giới triết học phân tích. Nội dung cơ bản của nó là: chân lý khoa học lấy niềm tin làm căn cứ mang tính kinh nghiệm, ý nghĩa của chúng là ở “phép tắc tự nhiên”, người ta có chung ngôn ngữ và niềm tin, tức là họ có cùng một hình ảnh về thế giới chung, khách quan. Học trò xuất sắc thứ hai là giáo sư S.A.Kripke của Đại học Princeton cũng là nhà lôgíc học nổi tiếng. Học thuyết “thế giới khả năng” có liên quan tới ngữ nghĩa học của lôgíc mô thái(3) do ông sáng lập được sử dụng rộng rãi trong giới lôgíc học quốc tế. Ông kiên trì quan điểm mang đặc tính chủ nghĩa bản chất, cho rằng truyền thống phân tích hoàn toàn sai lầm khi chỉ thừa nhận tính tất yếu lôgíc của cái tiên nghiệm và coi các mệnh đề khoa học kinh nghiệm chỉ là cái có tính hoặc nhiên hay ngẫu nhiên, toàn bộ tri thức khoa học đều là
những nhận thức mang tính tất yếu và bản chất về các sự vật thực tại. Ông cho rằng,
“mệnh đề” hay nhận thức của con người chính là một quá trình mang tính xã hội truyền bá những mắt xích nhân quả, cần phải sử dụng quan điểm lịch sử vận động để nghiên cứu tri thức khoa học.
Đại biểu chính của khuynh hướng phản thực tại luận là R.M.Rorty, người tạo nên sự trỗi dậy với hình tượng kẻ phản nghịch của triết học phân tích từ cuối thập niên 70, hiện nay là giáo sư Đại học Virginia. Ông đã xuất bản Triết học và tấm gương phản chiếu tự nhiên, Hậu quả của chủ nghĩa thực dụng, v.v. đề xướng một loại chủ nghĩa thực dụng mới có thể dung hợp với chủ nghĩa nhân văn châu Âu để cải tạo căn bản triết học phân tích, có ảnh hưởng rộng rãi ở phương Tây. Ông cho rằng, toàn bộ các dòng triết học chính trước đây đều lấy tiền đề chia đôi tâm vật hay chủ khách, dựa vào trục nhận thức luận để nghiên cứu về nền tảng tri thức và nền tảng bản chất của thế giới khi mài giũa cái “tấm gương phản chiếu tự nhiên” của tâm trí con người, để tạo nên đủ thứ “hệ thống triết học kiểu tấm gương phản chiếu” và “chủ nghĩa nền tảng” (triết học là nền tảng của mọi tri thức - ND.). Ông muốn đánh sập hoàn toàn thứ triết học “kiểu tấm gương phản chiếu” và thành lập cái gọi là “triết học gợi mở”
của chủ nghĩa thực dụng, coi toàn bộ tri thức và hoạt động văn hóa của con người như là trò chơi ngôn ngữ mang tính chỉnh thể, kinh nghiệm hành vi mang tính xã hội thích nghi với hoàn cảnh, chỉ có như thế mới có thể tiến vào thời đại “cách mạng triết học” trong nghiên cứu toàn cảnh hoạt động văn hóa và đời sống của con người.
Sự phát triển của triết học hậu phân tích hiện đại ở Mỹ đã thúc đẩy việc nghiên cứu các môn khoa học mới, như triết học ngôn ngữ, lôgíc hiện đại, lý luận khoa học về nhận thức hay triết học về tâm trí, v.v. hình thành nên không ít các học thuyết mới có giá trị. Các học thuyết này liên quan chặt chẽ tới các nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo và tin học. Trong đó, nổi bật nhất là lý luận triết học ngôn ngữ của giáo sư A.N.Chomsky thuộc Học viện kỹ thuật Massachusetts. Ông không thuộc vào dòng chính của triết học phân tích mà là một ngọn cờ riêng biệt, sáng lập lý luận sinh thành ngữ pháp, được công nhận như là người thầy lớn của ngôn ngữ học lý thuyết hiện đại. Học thuyết của ông đã dẫn dắt phương hướng nghiên cứu ngôn ngữ học lý thuyết phương Tây gần 30 năm và chứa đựng những giá trị ứng dụng mang tính dẫn dắt rất cao đối với lý luận tin học, dịch thuật tự động, v.v.. Từ những năm 70 về sau,
ông lại đi sâu nghiên cứu triết học tâm trí, cho rằng năng lực đầu óc và ngôn ngữ là thứ thiên phú di truyền vốn có của con người. Triết học của ông chính là sự kết hợp tuyệt vời giữa chủ nghĩa duy lý hiện đại với chủ nghĩa tự nhiên sinh vật học. Ông cũng là một nhà bình luận chính trị rất quan tâm đến hiện thực xã hội, đã xuất bản một số tác phẩm bình luận chính trị, phê bình thể chế quan liêu và chủ nghĩa bá quyền của chính phủ Mỹ.