- PH.ĂNGGHEN VỀ TÍNH CHÍNH ĐÁNG CỦA NHÀ NƯỚC
1. Khái niệm tính chính đáng chính trị
Tính chính đáng (legitimacy) là một khái niệm phức tạp trong khoa học chính trị. Cho đến nay, vẫn chưa có một định nghĩa thực sự có tính thuyết phục, thống nhất về khái niệm này. Tính chính đáng chính trị không phải gần đây mới được quan tâm, mà nó đã được một số nhà tư tưởng chính trị cổ đại, như Platon, Arixtôt... hay Khổng Tử, Lão Tử… đề cập đến ở những khía cạnh khác nhau. Hiện nay, vấn đề tính chính đáng chính trị đang được tranh luận khá sôi nổi, đặc biệt là các nhà khoa học chính trị phương Tây.
Theo nhà triết học chính trị người Đức, Dolf Sternberger, “tính chính đáng chính trị là sự thiết lập và thực thi quyền lực cai trị, trong đó về phần chủ thể quyền lực thì có ý thức là mình có quyền cai trị, còn về phía người dân là sự chấp nhận về sự cai trị đó”(1).
Seymour Martin Lipset - nhà xã hội học chính trị người Mỹ tranh luận rằng, tính chính đáng chính trị “liên quan đến năng lực của một hệ thống chính trị khiến người ta nảy sinh và giữ vững niềm tin rằng chế độ chính trị hiện tại là chế độ phù hợp và thích hợp nhất cho xã hội”(2). Về thực chất, khái niệm này chỉ cơ sở của sự thống trị là sự thừa nhận và ủng hộ của quần chúng nhân dân. Nhà chính trị người Pháp Jean - Marc Coicaud cũng đưa ra cách nhìn giống như vậy. Ông nói: “Tính chính đáng tức là sự thừa nhận quyền lực thống trị. Xét từ góc độ này, nó giải quyết vấn đề cơ bản mà cách giải quyết lại đồng thời chứng minh được quyền lực chính trị và tính phục tùng”(3).
một thể chế nào đó được coi là chính đáng nếu như có sự chấp nhận của mọi người rằng, thể chế đó đại diện cho tất cả mọi người, trong đó họ là chủ thể quyền lực của nó. John Locke, nhà tư tưởng lớn người Anh, đã nhìn nhận vấn đề tính chính đáng có liên quan tới sự đồng ý, ưng thuận của người bị cai trị đối với chủ thể cai trị. Trong chuyên luận thứ hai (second treaties), ông đưa ra luận cứ cho rằng, “chính phủ được coi là không chính đáng nếu nó không được thực hiện dựa trên sự ưng thuận về sự cầm quyền”(4).
Như vậy, qua quan niệm của một số nhà khoa học chính trị phương Tây, chúng ta thấy mỗi người có một cách tiếp cận dưới góc nhìn của những ngành khoa học khác nhau. Họ đều thống nhất ở một điểm rằng, tính chính đáng chính là sự chấp nhận của người dân đối với chủ thể cai trị. Trong những quan niệm về tính chính đáng được nêu ở trên, sự chấp nhận của người dân đối với sự cai trị là yếu tố hạt nhân của khái niệm tính chính đáng chính trị. Tuy nhiên, các nhà khoa học này mới chỉ nhìn nhận tính chính đáng trong mối quan hệ của quyền lực, đó là chủ thể này ra lệnh và chủ thể kia tuân thủ, phục tùng. Họ đều không đề cập đến vấn đề cái gì đã khiến những người bị cai trị phải tuân thủ, phục tùng chủ thể cai trị. Nói cách khác, điều gì của chủ thể cai trị làm cho người dân chấp nhận sự cai trị đó nhằm đạt được hiệu lực và hiệu quả của các mệnh lệnh. Đây mới thực sự là vấn đề quan trọng và cần phải được nghiên cứu.(3)
Về căn bản, việc sử dụng quyền lực của chủ thể quyền lực nói chung, nhà nước nói riêng, luôn gây ra khuynh hướng chống đối và do vậy, vấn đề nghiên cứu chính ở đây là, tại sao người dân công nhận và thực hành tự nguyện các quy định, các mệnh lệnh của các cơ quan nhà nước, ngay cả khi người đó (không muốn) - giống như Ph.Ăngghen từng khẳng định: quyền lực làm người ta khó chịu. Nói cách khác, mọi sự khủng hoảng chính trị có thể coi là sự mất tin tưởng vào khả năng cầm quyền, sự không chấp nhận tính đại diện của nhà nước, hoặc tổng quát hơn là khủng hoảng về tính chính đáng chính trị. Vì vậy, chủ thể quyền lực luôn phải tìm cách làm cho những người bị trị phải phục tùng, nếu không chủ thể đó sẽ mất quyền cai trị. Điều đó có nghĩa, chủ thể cai trị phải tìm được quá trình và phương thức thuyết phục của chính quyền đối với người dân, bằng lý lẽ và lương tri – tức là thiết lập được tính chính đáng. Từ chỗ chấp nhận, người dân tự thấy nghĩa vụ, bổn phận của mình phải
ủng hộ và tuân thủ các mệnh lệnh mà nhà nước đưa ra. Có thể nói, cơ chế của tính chính đáng chính trị chính là nhằm thiết lập sự chấp nhận quyền cai trị. Như vậy, có thể hiểu: tính chính đáng chính trị là những yếu tố mà chủ thể cai trị thiết lập được để thuyết phục những người bị trị tuân thủ, ủng hộ các mệnh lệnh mà chủ thể cai trị đưa ra một cách tự nguyện nhằm đạt được hiệu lực và hiệu quả của quyền lực.
Theo đó, hạt nhân của khái niệm này là điều khiến người dân chấp nhận sự cai trị của chủ thể quyền lực, tức những yếu tố ngầm bên dưới quy định, ảnh hưởng đến sự chấp nhận chứ không phải bản thân sự chấp nhận, ủng hộ.