TRẦN VĂN PHÒNG (*)
Trên cơ sở luận giải học thuyết về phê phán, về phương pháp thực nghiệm và thuyết quy nạp mới của Ph.Bêcơn, trong bài viết này, tác giả đã chứng minh phương pháp luận của Ph.Bêcơn xứng đáng được gọi là phương pháp luận cải tiến và bản thân ông xứng đáng được coi là nhà cải tiến trong phương pháp.
Phranxi Bêcơn (Francis Bacon, 1561-1626) được C.Mác coi là ông tổ chân chính của chủ nghĩa duy vật Anh và toàn bộ khoa học thực nghiệm hiện đại. Ông đã có đóng góp to lớn trong sự nghiệp phát triển khoa học và triết học của thời kỳ cận đại nói riêng, của nhân loại nói chung. Mặc dù không phải là người sáng lập ra ngành khoa học cụ thể nào, không phát minh ra một quy luật mới nào của thế giới tự nhiên, nhưng những tư tưởng tiến bộ của Ph.Bêcơn, nhất là học thuyết về phương pháp luận cải tiến của ông nhằm chống lại phương pháp của triết học kinh viện, giáo điều, cho đến nay vẫn giữ nguyên ý nghĩa và tính thời sự cấp bách.
Trước hết, cần trả lời câu hỏi, liệu có cơ sở khẳng định về sự sáng tạo, sự cải tiến trong phương pháp luận của Ph.Bêcơn? Theo Từ điển tiếng Nga (4 tập) xuất bản năm 1971, người có sáng kiến cải tiến là người đã “đóng góp và thực hiện những tư tưởng, những nguyên tắc, những phương pháp mới trong một lĩnh vực nào đó”. Theo chúng tôi, sự cải tiến sáng tạo là những nguyên tắc, những tư tưởng, những thủ pháp mới được ai đó thực hiện trong một lĩnh vực nào đó và những nguyên tắc, tư tưởng,
thủ pháp mới này phải có ý nghĩa lịch sử mang tính thời đại. Nếu vậy, chúng ta phải làm sáng tỏ những tư tưởng mới, nguyên tắc mới, những thủ pháp mới mà Ph.Bêcơn đã đề xuất trong học thuyết về phương pháp luận của mình so với những tư tưởng, những nguyên tắc, những thủ pháp của các nhà triết học trước đó. Sự cải tiến, sáng tạo của Ph.Bêcơn về phương pháp chính là học thuyết của ông về phương pháp luận.(*)
Phương pháp luận của Ph.Bêcơn gồm ba phần: Học thuyết về phê phán; phương pháp thực nghiệm và thuyết quy nạp mới. Trong Học thuyết về phê phán, Ph.Bêcơn đã phê phán chủ nghĩa kinh viện, giáo điều, chủ nghĩa kinh nghiệm và luận ba đoạn. Thực tiễn phát triển của những mầm mống kinh tế tư bản chủ nghĩa ở nước Anh khi ấy đã giúp Ph.Bêcơn hiểu rằng, những phương pháp của chủ nghĩa kinh viện, giáo điều, chủ nghĩa kinh nghiệm và luận ba đoạn không thể làm công cụ cho những phát minh khoa học và những sáng chế kỹ thuật được. Ông cho rằng, dưới sự thống trị của những phương pháp kinh viện, con người cho tới bây giờ “lấn át khoa học bằng hàng loạt các điều khoản, hơn là bổ sung cho nó, v.v.”(1). Ph.Bêcơn cũng cho rằng, chủ nghĩa kinh viện lấy những chỉ dẫn của các nhà tư tưởng cổ đại và thời kỳ trung cổ làm tiêu chuẩn chân lý, còn luận ba đoạn là “nghệ thuật hình thức” để chứng minh cho các học thuyết tín ngưỡng.
Chúng ta đều rõ, tác phẩm nổi tiếng về phương pháp của Ph.Bêcơn có tên là “Organon mới – Công cụ mới”. Ngay tên gọi của tác phẩm đã thể hiện tinh thần chống lại những phương pháp nhận thức cũ của triết học kinh viện. Bởi lẽ, những phương pháp nhận thức cũ của triết học kinh viện về thực chất được Arixtốt trình bày trong tác phẩm “Organon – Công cụ” - đã bị các nhà triết học kinh viện biến thành những phương pháp giáo điều trong nhận thức. Chính vì vậy, Ph.Bêcơn muốn xây dựng một quan niệm mới về triết học khác với triết học kinh viện. Mặc dù triết học trong quan niệm của ông bao gồm cả học thuyết về Thượng đế, về tự nhiên và về con người, nhưng ông có lý khi cho rằng, nhiệm vụ của triết học là phải "Đại khôi phục các khoa học" (một tác phẩm cơ bản của ông) - nghĩa là phải cải tạo lại toàn bộ những tri thức của triết học kinh viện. Vì thế, để xây dựng được một phương pháp nhận thức mới, để đạt tới chân lý, theo ông, còn phải làm trong sạch trí tuệ của con người khỏi các idola(2) - ảo ảnh. Thuật ngữ idola mà Ph.Bêcơn dùng ở đây có nghĩa
đen là hình ảnh bị bóp méo, bị xuyên tạc. Nó xuất phát từ thuật ngữ êiđôlôn – tiếng Hy Lạp cổ có nghĩa là “bóng của người chết”, tức là ảo ảnh. Tuy nhiên, ở Hy Lạp cổ đại, Êpiquya lại sử dụng thuật ngữ idola như là hình ảnh chân thực của nhận thức. ở thời trung cổ, thuật ngữ idola được dùng để chỉ những thần tượng mà không có thật. Ph.Bêcơn sử dụng thuật ngữ idola theo tinh thần là những ảo ảnh cản trở nhận thức chân thực của con người.
Ph.Bêcơn cho rằng, trí tuệ có khả năng giúp con người nhận thức đạt chân lý, nhưng luôn phải chú ý làm sạch trí tuệ khỏi các ảo ảnh. Bởi lẽ, các ảo ảnh luôn cản trở trí tuệ trong việc giúp con người đạt chân lý. Theo ông, có 4 loại idola - ảo ảnh cần làm trong sạch khỏi trí tuệ con người trong quá trình nhận thức. Một là, ảo ảnh loài (chủng tộc - idola tribus). Đây chính là những sai lầm do hạn chế của các cơ quan cảm giác của con người có thể đem lại cho trí tuệ. Bởi lẽ, thế giới tự nhiên thì vô cùng tận, nhưng các cơ quan cảm giác của con người lại có giới hạn. Ví dụ như các nguyên tử rất nhỏ lại chuyển động rất nhanh, mắt của con người không thể nhìn thấy được. Trong những trường hợp này, các dụng cụ vật lý, cơ học có thể giúp con người nhưng không thể tránh khỏi sai lầm. Idola loài còn xuất hiện do hạn chế về tâm lý của chính con người, chẳng hạn, con người thường có tâm lý giải thích những tư tưởng mới trên tinh thần những quan niệm đã cũ(3). Vì vậy, trong nhận thức phải lưu ý làm sạch idola - ảo ảnh - loài này. Hai là, ảo ảnh hang động (idola specus). (Ph.Bêcơn lấy thuật ngữ "hang động" từ Platôn khi Platôn đề cập về “nguyên nhân hang động” của sự hoàn hảo, đúng đắn, chân thực của thế giới ý niệm). Theo tinh thần “hang động”, Ph.Bêcơn muốn nhấn mạnh đây chính là ảo ảnh loài nhưng biểu hiện cụ thể ở từng cá nhân riêng biệt. ảo ảnh này xuất hiện do thiên kiến cá nhân, do hạn chế của các cơ quan cảm giác của cá nhân là chủ yếu. Nói cách khác, ảo ảnh “hang động” thuộc về cá nhân, mặc dù nó có liên quan tới hạn chế có tính bản chất chung của loài người(4). Ba là, ảo ảnh công cộng (thị trường - idola fori). Đây chính là những sai lầm xuất hiện trong giao tiếp giữa con người với nhau cũng như do trong giao tiếp, con người sử dụng ngôn ngữ sai. Nó xuất hiện bởi những đặc thù cuộc sống xã hội của con người. ở đây, Ph.Bêcơn ngụ ý muốn phê phán thuyết tam đoạn luận và triết học kinh viện – chỉ bàn về những vấn đề có tính chất câu, chữ, những vấn đề triết học có tính “trường học” xa rời cuộc sống, mà không bàn về bản
thân sự vật.
Cuối cùng là ảo ảnh sân khấu (nhà hát - idola theatri). Theo Ph.Bêcơn, ảo ảnh này xuất hiện do sùng bái mù quáng những học thuyết của thời đại trước, do ảnh hưởng của chủ nghĩa quyền uy, chủ nghĩa uy tín, v.v.. ở đây, Ph.Bêcơn muốn ám chỉ trong các vở kịch ở nhà hát (thời kỳ này ở Anh rất thịnh hành) thì suy nghĩ, cảm xúc của khán giả đã bị “suy nghĩ” của nhà biên kịch, của vở kịch định trước rồi. Vở kịch kết thúc bi hay hài, buồn hay bất hạnh, v.v. đều đã được định sẵn, khán giả không có quyền tự do sáng tạo trong những vở kịch này. Do vậy, không phải ngẫu nhiên mà khi đề cập đến việc phải làm sạch ảo ảnh này, Ph.Bêcơn đã khảng định rằng, ông ủng hộ quan niệm “chân lý là con gái của thời gian chứ không phải của uy tín”(5).
Rõ ràng, học thuyết về sự làm sạch trí tuệ của con người khỏi các idola - ảo ảnh của Ph.Bêcơn có ý nghĩa to lớn trong việc chống các phương pháp nhận thức của triết học kinh viện, giáo điều. Gần 400 năm đã qua kể từ ngày Ph.Bêcơn qua đời, nhưng học thuyết này vẫn có ý nghĩa đối với chúng ta trong việc ngăn ngừa, khắc phục bệnh kinh nghiệm cũng như bệnh giáo điều không chỉ trong nhận thức, mà cả trong hoạt động thực tiễn.
Cùng với việc làm trong sạch trí tuệ của con người khỏi các ảo ảnh, Ph.Bêcơn còn đề ra nhiệm vụ khắc phục hạn chế của các phương pháp nhận thức của triết học kinh viện. Ông cho rằng, có ba phương pháp nhận thức đã từng tồn tại. Đó là phương pháp nhận thức kiểu “con nhện”, phương pháp nhận thức kiểu “con kiến” và phương pháp nhận thức kiểu “con ong”. Theo ông, phương pháp “con nhện” đi tìm chân lý từ ý thức thuần túy. Phương pháp này sẽ dẫn tới sai lầm trong nhận thức, vì nó hoàn toàn coi thường những sự kiện thực tế, các yếu tố khách quan. Các nhà kinh viện thường sử dụng phương pháp này, họ chỉ quan tâm tới các định lý mà không chú ý xem chúng có phù hợp với thực tế hay không. Khi đề cập tới phương pháp “con nhện”, ông ám chỉ đây là phương pháp nhận thức mang tính chủ quan, giống như con nhện tự nhả tơ từ trong miệng ra vậy. Ngược với phương pháp “con nhện”, phương pháp “con kiến” lại quá chú ý tới các sự kiện mà không biết khái quát thành lý luận, như con kiến chỉ biết tha mồi về tổ và bằng lòng với những gì tha được mà không biết chế biến lại những cái tha được về. Nó cũng giống như những người mắc bệnh kinh nghiệm, họ tuyệt đối hóa kinh nghiệm cụ thể, cá biệt, từ những tri thức kinh
nghiệm không biết khái quát thành lý luận. Hai phương pháp nhận thức “con nhện” và “con kiến” đều có những hạn chế nên không thể giúp con người đạt chân lý(6). Theo Ph.Bêcơn, phương pháp nhận thức tối ưu là phương pháp nhận thức “con ong”. Phương pháp nhận thức “con ong” khắc phục được hạn chế của cả phương pháp “con nhện” cũng như phương pháp “con kiến”, đồng thời kế thừa được mặt mạnh của hai phương pháp này. Phương pháp “con ong” “biết lấy những vật liệu từ hoa vườn và hoa đồng để chế biến ra mật theo cách của mình”(7). Do vậy, phương pháp này bảo đảm quá trình nhận thức từ trực quan tới chân lý được thực hiện một cách liên tục, từ từ, không tách rời nhau. Để đạt chân lý, triết học mới phải sử dụng phương pháp “con ong”. Tư tưởng về phương pháp nhận thức kiểu “con ong” của Ph.Bêcơn có giá trị to lớn đối với nhận thức của loài người. Mặc dù, Ph.Bêcơn chưa hiểu được sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, nhưng rõ ràng, con ong muốn mang lại mật ngọt cho đời thì phải đi kiếm mật hoa. Mật hoa chưa phải là mật ong. Do vậy, muốn có mật ong từ mật hoa thì con ong phải biết chắt lọc. Phải chăng, từ những kinh nghiệm (mật hoa), con người phải biết khái quát thành lý luận (mật ong)! Nhưng Ph.Bêcơn còn tiến xa hơn các nhà tư tưởng đương thời, khi cho rằng, để thực sự có kết quả thì phương pháp “con ong” phải được dựa trên cơ sở phương pháp thực nghiệm.
Với phương pháp thực nghiệm, Ph.Bêcơn đã chỉ ra rằng, mọi tri thức khoa học đều bắt nguồn từ kinh nghiệm. Tuy nhiên, không phải từ những kinh nghiệm trực tiếp đơn thuần, mà từ những kinh nghiệm có mục đích rõ ràng – tức là những thực nghiệm. Có thể nói, Ph.Bêcơn là người đầu tiên trong lịch sử triết học đề ra những phương pháp và cách tiến hành khác nhau đối với các thực nghiệm cùng với những biến dạng khác nhau của nó. Ông đã chỉ ra một số hiện tượng biến dạng của thực nghiệm như sự thay đổi, sự phổ biến, sự chuyển qua, sự đảo, sự tăng cường, sự ứng dụng, sự nối tiếp và sự ngẫu nhiên(8). Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà C.Mác gọi Ph.Bêcơn là ông tổ thực sự của khoa học thực nghiệm hiện đại. Chúng ta cũng cần lưu ý là, Ph.Bêcơn không chỉ đơn giản phân tích thực nghiệm, mà còn yêu cầu kiểm tra tri thức khoa học bằng thực nghiệm. Rõ ràng, chỉ có những thực nghiệm có tổ chức, có mục đích mới có thể điều chỉnh, sửa chữa những sai sót cảm tính. Chính vì vậy, theo ông, cần phải tìm cho được một phương pháp tối ưu để phân tích và tổng
hợp những kết quả thực nghiệm, mà những kết quả này cho phép ta nhận thức được bản chất sự vật. Phương pháp có thể đáp ứng yêu cầu trên, theo Ph.Bêcơn, chỉ có thể là phương pháp quy nạp mới.
Phương pháp quy nạp mới này, theo Ph.Bêcơn, được tiến hành bằng cách, ban đầu người ta tìm chọn những hiện tượng khác nhau của một số thuộc tính nào đó của sự vật, mà bản chất của nó cần phát hiện. Sau đó, người ta tìm những hiện tượng gần giống với những hiện tượng đã tìm được, nhưng ở những hiện tượng này, thuộc tính của sự vật đã vắng mặt. Cuối cùng, người ta so sánh các tập hợp hiện tượng này với nhau để tìm ra nguyên nhân của thuộc tính cần nhận thức. Phương pháp quy nạp mới này đã loại trừ được những yếu tố không kèm theo ở những nơi mà thuộc tính của sự vật đang tồn tại, hoặc là những yếu tố xuất hiện ở những nơi mà thuộc tính của sự vật không xuất hiện. Cuối cùng, ta có thể thấy được một kết quả nhất định kèm theo phù hợp với thuộc tính của sự vật mà ta đang muốn nhận biết(9). Có thể diễn đạt theo cách khác rằng, phương pháp quy nạp mới của Ph.Bêcơn gồm 3 bảng. ở bảng 1 phải đưa ra được một số hiện tượng khác nhau của một thuộc tính của sự vật, mà bản chất của nó cần phát hiện. Theo Ph.Bêcơn, liệt kê tất nhiên không thể đầy đủ được, nhưng càng chọn được nhiều hiện tượng khác nhau có chứa thuộc tính cần nhận thức đó càng tốt.
Từ những bảng tìm bản chất (nguyên nhân) của thuộc tính nóng (a) được Ph.Bêcơn trình bày trong “Công cụ mới”, có thể diễn đạt phương pháp quy nạp mới như sau(10): Trong bảng 1 ta có:
1/ Ngọn lửa: A, B, C, D, a. v.v.. 2/ Mặt trời: A, B, C, E, a. v.v..
3/ Trong cơ thể động vật: A, B, F, G, a. v.v..
(Trong đó: A là vận động của những phần tử nhỏ, B - sự thay đổi nói chung, C - sự sáng sủa, D - lửa, F - tối, E - tia sáng, G - cuộc sống). Từ bảng 1 ta thấy: Bản chất hay "hình thức" của thuộc tính nóng (a) có thể là: A, là B hoặc là AB. Vì A, B, hoặc AB đều có ở hiện tượng ngọn lửa, mặt trời và trong cơ thể động vật. Nhưng rõ ràng là, ta vẫn chưa tìm được "hình thức" đích thực của thuộc tính (a). Vì vậy, Ph.Bêcơn yêu cầu phải đưa ra được những hiện tượng giống như bảng 1, nhưng bản chất (nguyên nhân) của thuộc tính mà ta đi tìm không có. Nghĩa là, trong bảng 2, ta phải
liệt kê những hiện tượng mà thuộc tính nóng (a) vắng mặt. Chẳng hạn, từ bảng 1 ở trên, ta có thể có bảng 2 như sau: 1/ Những ánh sáng đầm lầy: B, C, D...
2/ ánh sáng mặt trăng: B, C, E...
3/ Trong lòng thực vật: B, F, G... Trong bảng 2 này, chúng ta thấy ở những hiện tượng gần giống với những hiện tượng ở bảng 1, nhưng thuộc tính nóng (a) không có.
Trên cơ sở bảng 1 và 2, Ph.Bêcơn đưa ra bảng 3 - bảng so sánh để tìm bản chất (nguyên nhân) của thuộc tính nóng (a). Từ bảng 1, 2 ở trên, ta thấy: Không phải B - sự thay đổi nói chung, không phải D – lửa, không phải E - tia sáng, cũng không phải G - cuộc sống là nguyên nhân của thuộc tính nóng (a). Vì tất cả những thuộc tính B, D, E, G vừa có ở những hiện tượng có thuộc tính nóng (a), vừa có ở những hiện tượng không có thuộc tính nóng (a). Như vậy, chỉ có A - sự vận động của những