Phương pháp xác định tỉ lệ tiêu hóa

Một phần của tài liệu Xác định tỷ lệ tiêu hóa và năng lượng trao đổi của bột lá keo giậu đối với gà thịt (Trang 34 - 37)

4. Điểm mới của đề tài

1.3.1.Phương pháp xác định tỉ lệ tiêu hóa

1.3.1.1. Nguyên lý và phương pháp nghiên cứu * Nguyên lý

Nguyên lý của phương pháp xác định tỷ lệ tiêu hóa thức ăn (các chất dinh dưỡng trong thức ăn) của vật nuôi là dựa vào định luật bảo toàn vật

chất. Đó là “Vật chất không tự sinh ra cũng không tự mất đi mà nó chỉ chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác”. Như chúng ta đã biết: một lượng thức ăn hoặc chất dinh dưỡng nào đó được gia súc ăn vào (gọi là A), một phần thức ăn hoặc chất dinh dưỡng sẽ được thải ra ngoài theo phân (gọi là B), phần B này luôn nhỏ hơn phần A (B < A). Như vậy, một phần thức ăn đã được tiêu hóa hấp thu vào cơ thể vật nuôi (gọi là C). Theo định luật trên thì A = B + C hay C = A - B và tỷ lệ tiêu hóa của thức ăn hoặc chất dinh dưỡng sẽ là: Y (%) = A - B/A x 100.

* Phương pháp nghiên cứu

Người ta chia phương pháp nghiên cứu tỷ lệ tiêu hóa của thức ăn thành hai nhóm chính: i) nghiên cứu trực tiếp trên vật nuôi (invivo), và ii) nghiên cứu trong phòng thí nghiệm (invitro). Đôi khi người ta cũng kết hợp cả hai phương pháp trên.

Một số phương pháp thí nghiệm thử mức tiêu hóa thuộc nhóm thứ nhất (invivo) sẽ được mô tả tóm tắt dưới đây:

Phương pháp thử mức tiêu hóa toàn phần: Đây là phương pháp thí nghiệm kinh điển, thường được sử dụng trên lợn và gia cầm. Nguyên lý của phương pháp này hoàn toàn dựa vào định luật bảo toàn vật chất. Tỷ lệ tiêu hóa các chất dinh dưỡng sẽ được tính theo công thức :Y (%) = A - B/A x 100. Nhược điểm của phương pháp này là: i) phải thu phân hàng ngày, ii) các chất bài thải của đường tiêu hóa lẫn vào phân làm giảm sự chính xác của kết quả, iii) nước tiểu của gia cầm được thải cùng với phân gây ảnh hưởng tới kết quả. Để khắc phục các nhược điểm này, người ta đã cải tiến phương pháp thử mức tiêu hóa toàn phần thành các phương pháp mới dưới đây:

Phương pháp thí nghiệm thử mức tiêu hóa sử dụng khoáng không tan trong axit clohydric (cũng không bị tiêu hóa trong đường tiêu hóa): Người ta trộn khoáng không tan vào thức ăn, sau đó phân tích và tính tỷ lệ các chất

dinh dưỡng và khoáng không tan trong thức ăn và trong phân, từ đó tính tỷ lệ tiêu hóa các chất dinh dưỡng của thức ăn. Như vậy, người ta chỉ cần lấy mẫu thức ăn và phân để phân tích mà không cần thu toàn bộ phân để định lượng, cũng không cần định lượng toàn bộ thức ăn gia súc ăn vào hàng ngày. Phương pháp này chủ yếu áp dụng trên lợn.

Phương pháp thử mức tiêu hóa hồi tràng: Phương pháp này giống như phương pháp trên nhưng thay vì phân tích phân thải ra, người ta phân tích dịch hồi tràng. Như vậy, vấn đề nước tiểu lẫn với phân đã được giải quyết. Phương pháp này áp dụng chủ yếu trên gia cầm.

Đại diện điển hình cho nhóm phương pháp nghiên cứu thứ hai (invitro) là xác định tỷ lệ tiêu hóa chất hữu cơ của thức ăn đối với gia súc nhai lại bằng phương pháp sinh khí (gas production technique). Phương pháp này dựa trên nguyên lý sau: Khi các chất dinh dưỡng của thức ăn được tiêu hóa thì sinh khí (CO2, CH4). Trên cơ sở lượng khí sinh ra sẽ tính được tỷ lệ tiêu hóa chất hữu cơ của thức ăn. Vì vậy, người ta đã lấy dịch dạ cỏ, cho dịch này và mẫu thức ăn vào xilanh và để trong môi trường giống như dạ cỏ, đo lượng khí thoát ra để tính tỷ lệ tiêu hóa chất hữu cơ của thức ăn. Một số phương pháp thử mức tiêu hóa invitro khác cũng được áp dụng khá phổ biến, đó là phương pháp túi nylon (Nylon bag technique) và phương pháp 2 giai đoạn (Two stages). Các phương pháp này chủ yếu được sử dụng xác định tỷ lệ tiêu hóa thức ăn đối với gia súc nhai lại.

1.3.1.2. Một số kết quả nghiên cứu xác định tỷ lệ tiêu hóa thức ăn của vật nuôi

Hồ Lê Quỳnh Châu (2014) [3] đã tiến hành thí nghiệm xác định tỷ lệ tiêu hóa hồi tràng một số loại thức ăn cho gà. Thí nghiệm được thiết kế theo kiểu thí nghiệm một nhân tố và được bố trí theo phương pháp ngẫu nhiên hoàn toàn, thí nghiệm trên 570 con gà Lương Phượng 35 ngày tuổi. Các loại thức ăn dùng trong thí nghiệm để xác định tỷ lệ tiêu hóa bao gồm: Cám gạo,

ngô, bột cá , bột sắn, khô dầu đậu tương. Tỷ lệ tiêu hóa hồi tràng protein tổng số của ngô là 79,8%, cám gạo là 62,9%, cám gạo sấy 62,1%, cám gạo trích ly 41,6%, bột sắn 77,6%, đậu tương đùn ép 83,6%, bột cá 77,6%.

Phạm Tấn Nhã (2014) [9], tiến hành thí nghiệm trên 5 loại thức ăn gồm: bột phụ phẩm cá tra, bã bia, tấm gạo, cám gạo và cám gạo trích ly. Động vật thí nghiệm là gà Sao giai đoạn 35 - 42 ngày tuổi. Tỷ lệ tiêu hóa các chất hữu cơ của bột phụ phẩm cá tra, cám gạo, bã bia, tấm gạo và cám gạo trích ly lần lượt là: 59,0%; 63,7%; 32,6%; 90,4% và 61,9%. Tỷ lệ tiêu hóa lipit của bột phụ phẩm cá tra, cám gạo, bã bia, tấm gạo và cám gạo trích ly lần lượt là: 94,0%; 87,3%; 45,9%; 54,7% và 53,5%. Tỷ lệ tiêu hóa toàn phần dẫn xuất không nitơ của của bột phụ phẩm cá tra, cám gạo, bã bia, tấm gạo và cám gạo trích ly lần lượt là: 70,7%; 77,8%; 46,3%; 95,4% và 80,4%.

Người ta nhận thấy, protein của keo giậu khá dễ dàng được tiêu hóa bởi động vật. Tỷ lệ tiêu hóa in vitro của protein chiết xuất từ hạt keo giậu đạt tới 76%; tỷ lệ tiêu hóa protein của hỗn hợp cành, lá keo giậu ở động vật nhai lại đạt từ 64,7% đến 78,0%. Upadhyay và cs (1974) [77] cho biết, khả năng tiêu hóa vật chất khô, protein thô, lipit và xơ thô của hỗn hợp cành là keo giậu ở động vật nhai lại lần lượt là 71; 78; 48 và 57%. Nguyễn Ngọc Hà (1996) [5] cho biết, tỷ lệ tiêu hóa vật chất khô và protein keo giậu lần lượt là 51,3 và 42% ở 24h; 60,8 và 56,9 ở 48h. Tỷ lệ tiêu hóa keo giậu thay đổi theo giống, tuổi, các phần khác nhau của cây và đạt giá trị cao nhất đối với hạt keo giậu (Damothiran và Chandresekaran, 1982 [36]). Garcia (1988) [41] nhận thấy năng lượng tiêu hóa (DE) và tỷ lệ tiêu hóa protein thô giảm theo sự tăng lên của tuổi lá.

Một phần của tài liệu Xác định tỷ lệ tiêu hóa và năng lượng trao đổi của bột lá keo giậu đối với gà thịt (Trang 34 - 37)