Năng lực tư duy, lý luận và khả năng vận dụng lý luận vào thực tiễn

Một phần của tài liệu NÂNG CAO NĂNG LỰC LÃNH ĐẠOCỦA ĐỘI NGŨ CÁN BỘ CHỦ CHỐT TRONG HỆ THỐNGCHÍNH TRỊ CƠ SỞ Ở HUYỆN CẨM XUYÊN, TỈNH HÀ TĨNHTRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY (Trang 59 - 64)

- Thu ngân sách

2.3.1. Năng lực tư duy, lý luận và khả năng vận dụng lý luận vào thực tiễn

Năng lực tư duy, lý luận có vai trò hết sức to lớn đối với hoạt động lãnh đạo của người CBCC cấp xã. Có năng lực tư duy lý luận, hoạt động chỉ đạo thực tiễn của người cán bộ lãnh đạo vừa ở tầm khái quát, hệ thống, vừa cụ thể, chặt chẽ, mềm dẻo sinh động.

Năng lực tư duy lý luận của đội ngũ CBCC cấp xã trong HTCT ở huyện Cẩm Xuyên được thực hiện chủ yếu ở: năng lực tiếp thu lý luận, đường lối, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước; năng lực suy nghĩ, tìm tòi, phát hiện những vấn đề mới trong thực tiễn ở địa phương; năng lực vận dụng linh hoạt, sáng tạo lý luận, đường lối để xây dựng các phương hướng, các mô hình, chương trình, kế hoạch phù hợp với thực tế địa phương; năng lực hoạt động thực tiễn sáng tạo cũng như tổng kết kinh nghiệm rút ra các bài học để góp phần xây dựng, bổ sung cho đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; năng lực xử lý thông tin, dự báo về sự phát triển của địa phương. Đó cũng chính là những tiêu chí có thể căn cứ vào để đánh giá về những ưu điểm cũng như hạn chế về năng lực tư duy lý luận của người CBCC trong HTCT cơ sở.

Đội ngũ CBCC trong HTCT cơ sở ở huyện Cẩm Xuyên có những ưu điểm về năng lực tư duy lý luận chủ yếu sau:

Thứ nhất, đội ngũ CBCC trong HTCT cơ sở ở huyện Cẩm Xuyên có sự nhạy cảm chính trị nhất định. Khả năng đó đã được nâng lên thành năng lực định hướng chính trị trong hoạt động nhận thức và tổ chức thực tiễn.

Đa số CBCC được thử thách từ thực tiễn cơ sở. Trong quá trình ấy, họ được bồi dưỡng, giáo dục những phẩm chất tốt đẹp của truyền thống yêu nước, cần cù trong lao động; họ được tham gia các khóa bồi dưỡng, đào tạo, tập huấn và trực tiếp thực thi những nội dung được học tại cơ sở nên đội ngũ này có bản lĩnh chính trị vững vàng, ý thức trách nhiệm cao. Tuy nhiên, tất cả những điều ấy được hun đúc nên từ yếu tố tâm lý, tình cảm, truyền thống chứ chưa phải từ tư duy khoa học để có được niềm tin trên cơ sở khoa học.

Trong số 272 người, có 6 người có trình độ Cao cấp LLCT (tỷ lệ 2,2%), có 183 người có trình độ Trung cấp LLCT (tỷ lệ 67,28%), có 28 người có trình độ Sơ cấp LLCT (tỷ lệ 10,29%), tỷ lệ chưa đào tạo LLCT chỉ còn 20,2%. Do được nâng cao trình độ LLCT nên đội ngũ CBCC cấp xã nắm bắt được thực chất quan điểm, đường lối của Đảng, chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước

trong quan hệ khăng khít với bản chất của các vấn đê đặt ra ở địa phương. Từ đó họ biết huy động kiến thức vốn có của mình để làm sáng tỏ con đường, phương thức nhằm giải quyết một cách tốt nhất những vấn đề nảy sinh ở địa phương. Họ đã thấy được mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị; giữa phát triển kinh tế với giải quyết những vấn đề về văn hóa, xã hội; đã thấy được nhiệm vụ của từng giai đoạn trong tính tổng thể của một quá trình phát triển, gắn sự phát triển của xã với sự phát triển của huyện, của tỉnh và cả nước. Họ đã xây dựng được chiến lược phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương với những chỉ tiêu và hệ thống giải pháp cụ thể, đồng bộ nhằm đạt được những chỉ tiêu đó. Các vấn đề do họ đưa ra thể hiện sinh động việc cụ thể hóa đường lối của Đảng với những nét riêng, độc đáo của địa phương. Do vậy, trong những năm qua, Cẩm Xuyên đã có những bước phát triển trên tất cả các mặt KT-XH.

Thứ hai: đội ngũ CBCC trong HTCT cơ sở ở Cẩm Xuyên có thế mạnh về kinh nghiệm thực tiển. Do đều trưởng thành từ phong trào thực tiển ở địa phương nên họ luôn đắm mình trong phong trào quần chúng, hiểu tâm tư, nguyện vọng của quần chúng, hiểu rõ đặc điểm của địa bàn mình phụ trách. Mặt khác, do tính chất công việc ở cấp xã, cấp sát với nhân dân nên đội ngũ CBCC vừa là lãnh đạo, vừa là người trực tiếp giải quyết, xử lý nhiều vấn đề cụ thể trong từng tình huống cụ thể. Do đó, họ tích lũy được nhiều kinh nghiệm từ thực tiễn phong phú, tạo khả năng phát hiện những vấn đề và các giải pháp giải quyết vấn đề nảy sinh từ thực tiễn, đặc biệt là những giải pháp mang tính chất tình huống. Họ có khả năng vận dụng những kinh nghiệm được rút ra từ chính hoạt động của mình và những người khác.

Thứ ba: Đội ngũ CBCC cấp xã trong HTCT ở huyện Cẩm Xuyên có năng lực nhất định trong việc vận dụng đường lối của Đảng trong việc xây dựng các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội cụ thể trên địa bàn xã, thị trấn.

Biểu hiện rõ nhất là họ rất mau chóng trong việc chuyển đổi tư duy kinh tế, sớm thích nghi với nền kinh tế sản xuất hàng hóa vận hành theo cơ chế thị trường. Ở họ có tính năng động, sự nhạy bén trong chỉ đạo phát triển kinh tế, biết cách phát huy lợi thế địa phương, nắm chắc các chính sách hỗ trợ nhân dân

đồng thời có những tư vấn hiệu quả, khuyến khích kịp thời nhân dân xây dựng các mô hình kinh tế lớn.

Thứ tư: CBCC cấp xã trong HTCT ở Cẩm Xuyên có năng lực nhất định trong việc tổng kết thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước trên địa bàn cấp xã. Đồng thời họ đã có khả năng dự báo xu hướng phát triển KT-XH của địa phương, trên cơ sở đó họ đề ra những phương hướng cho phát triển KT-XH của cấp xã trong những năm tới. Một địa phương phát triển, đòi hỏi phải có dự báo chính xác, yêu cầu này tùy thuộc vào khả năng nắm bắt thực tế, khả năng tổng kết thực tiễn và khả năng vận dụng, chỉ đạo sáng tạo chủ trương của Đảng và Nhà nước tại địa phương. Chính ở đây, năng lực tư duy lý luận của người CBCC thể hiện rõ nét nhất. Bởi thế, đánh giá những cái đã làm được và chưa làm được một cách đúng đắn, khách quan trên cơ sở ấy mà đề ra phương hướng một cách phù hợp là một việc làm không đơn giản, đòi hỏi người CBCC ngoài nhiệt tình, đạo đức cách mạng phải có năng lực lãnh đạo mà trước hết là năng lực tư duy lý luận.

Bên cạnh đó, năng lực tư duy lý luận của đội ngũ CBCC ở nước ta còn hạn chế. Biểu hiện rõ nhất đó là còn kinh nghiệm, giáo điều, chủ quan, tư duy lô gic còn hạn chế. Đội ngũ CBCC cấp xã trong HTCT ở huyện Cảm Xuyên cũng ở trong thực trạng chung đó, tuy nhiên có khác về mức độ, cách thức biểu hiện:

Thứ nhất: đội ngũ CBCC cấp xã mặc dù đã có sự phát triển nhất định về năng lực tư duy lý luận nhưng cấp độ đạt được còn thấp, tư duy lô gic còn yếu, mơi chỉ làm quen với tư duy khoa học.

Tư duy khoa học là sự thống nhất giữa tư duy chính xác và tư duy biện chứng. Năng lực tư duy chính xác đảm bảo cho tính đúng đắn, nhất quán, chặt chẽ trong quá trình xác lập tri thức, nếu biết phát hiện chọn ra những tiền đề đúng đắn và tuân theo những quy luật tư duy lô gic thì quá trình xác lập tri thức sẽ đem lại những tri thức chân thực. Tuy nhiên, điều kiện của nó là phải phản ánh các vấn đề trong trạng thái ổn định, tĩnh tại. Chính vì thế, cùng với tư duy chính xác, cần phải có tư duy biện chứng, nó là sự phản ánh các mối quan hệ phổ biến trong sự vận động của phát triển. Và như vậy, để đạt được trình độ tư

duy khoa học đòi hỏi phải có khả năng lô gic, tức là phải có năng lực trìu tượng hóa, khái quát hóa trong phân tích, tổng hợp.

Thứ hai: trong chỉ đạo thực tiễn, người CBCC cấp xã ở huyện Cẩm Xuyên còn biểu hiện của bệnh giáo điều, rập khuôn, máy móc.

Trước hết, biểu hiện của việc tiếp thu lý luận Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của cấp ủy cấp trên một cách thụ động theo kiểu sao chép lại mà không hiểu thực chất vấn đề để hình thành phương pháp luận cho hoạt động nhận thức và thực tiễn của mình. Còn hiện tượng nghị quyết Huyện ủy nói vấn đề gì thì nghị quyết đảng ủy cấp xã nói tới vấn đề đó mà không tính đến đặc điểm riêng của xã mình. Chẳng hạn, đối với mô hình kinh tế trang trại là rất phù hợp với điều kiện đất đai ở Cẩm Xuyên, nhưng cho phát triển quy mô bao nhiêu là phù hợp thì xã chưa trả lời được, chưa tổng kết những mô hình làm ăn hiệu quả để khẳng định và nhân rộng.

Bệnh giáo điều còn biểu hiện ở chỗ học tập và vận dụng theo kiểu rập khuôn máy móc, kinh nghiệm của người khác, của địa phương khác mà chưa biết chắt lọc, kết hợp nhiều yếu tố, nhiều mặt kinh nghiệm của nhiều người, nhiều địa phương để hình thành mô hình mới, cách làm mới, phù hợp với điều kiện của địa phương mình.

Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy phát triển làng nghề là chủ trương đúng, song ở Cẩm Xuyên làng nghề có quy mô nhỏ, chưa đem lại hiệu quả kinh tế cao như nghề nấu rượu, làm bánh đa...thì không thể coi đây là một định hướng phát triển của địa phương. Thế mạnh của các xã ở Cẩm Xuyên là cây ăn quả, cây lúa, chăn nuôi thì định hướng kinh tế phải là công nghiệp chế biến ngay tại địa phương nhằm khép kín trong sản xuất, chế biến và bao tiêu sản phẩm đem lại giá trị hàng hóa cao.

Thứ ba: trong hoạt động lãnh đạo của mình, đội ngũ CBCC cấp xã vẫn nặng về triển khai nghị quyết mà chưa coi trọng đúng mức khâu tổng kết thực tiễn để cùng cấp trên giải quyết những vấn đề nảy sinh.

Biểu hiện rõ nhất, khi gặp một vấn đề gì thì ban hành nghị quyết và tổ chức thực hiện, nếu có vướng mắc gì thì cấp dưới báo cáo lên cho CBCC. Đội

ngũ CBCC chưa thực sự coi trọng tổng kết việc thực hiện chỉ thị, nghị quyết nên còn những vấn đề bất cập chưa kịp thời tổng kết. Tư tưởng thành tích, không dám chịu trách nhiệm dẫn đên việc chỉ thích giải quyết những việc ngắn, trước hết mà quên đi chiến lược lâu dài vẫn còn ở một số CBCC.

Những hạn chế về năng lực tư duy lý luận của đội ngũ CBCC trong HTCT ở huyện Cẩm Xuyên xuất phát từ nguyên nhân sau:

- Hoàn cảnh KT-XH, môi trường sống, môi trường làm việc và trình độ dân trí thấp đã ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển năng lực tư duy lý luận của đội ngũ CBCC nói chung, CBCC cấp xã ở huyện Cẩm Xuyên nói riêng.

- Trình độ chuyên môn, trình độ lý luận hạn chế và ý thức học tập, rèn luyện nâng cao trình độ về mọi mặt của đội ngũ CBCC cấp xã chưa cao. Thậm chí, một số người vẫn chạy theo bằng cấp để đảm bảo tiêu chuẩn hóa chức danh, chưa nhận thức học để nâng cao năng lực tư duy lý luận, năng lực lãnh đạo của người CBCC trong HTCT cơ sở.

- Những hạn chế, bất cập trong công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự yếu kém về năng lực tư duy của đội ngũ CBCC trong HTCT cơ sở ở huyện Cẩm Xuyên. Đó là: công tác cán bộ chưa đảm bảo tính đồng bộ, tính chuẩn hóa; một số CBCC có tâm lý hoạt động cầm chứng, tránh “tai tiếng”, “va chạm” chờ đợi sự đè bạt tiếp theo, trốn tránh đi học khi được cấp trên cử đi học... Những nguyên nhân trên có quan hệ tác động lẫn nhau, tạo ra một hệ thống các nguyên nhân cùng tác động làm cho năng lực tư duy của người CBCC không những không được nâng cao mà còn bị mai một đi.

Một phần của tài liệu NÂNG CAO NĂNG LỰC LÃNH ĐẠOCỦA ĐỘI NGŨ CÁN BỘ CHỦ CHỐT TRONG HỆ THỐNGCHÍNH TRỊ CƠ SỞ Ở HUYỆN CẨM XUYÊN, TỈNH HÀ TĨNHTRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY (Trang 59 - 64)