Về phương thức tổ chức cho vay vốn:
Để hoạt động hiệu quả và bền vững Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo cần giữ vững nguyên tắc “không bao giờ từ bỏ họp tổ”. Và cần giữ vững hình thức cho vay theo nhóm nhằm thúc đẩy tạo nên các nhóm liên đới trách nhiệm, cung cấp cho đơn vị quản lý kiến thức về khả năng quản lý sổ sách, giám sát món vay tới từng thành viên của
nhóm... từ đó tổ chức hạch toán vay theo từng nhóm chứ không tới từng thành viên nữa.
Về quy trình thẩm định:
Khâu thẩm định hồ sơ vay vốn có vai trò rất quan trọng. Việc nâng cao chất lượng của khâu thẩm định giúp cho Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo chọn được đúng đối tượng cho vay, nguồn vốn của Quỹ có ý nghĩa hơn trong công cuộc xóa đói giảm nghèo cũng như giảm thiểu được rủi ro nợ xấu thấp nhất có thể xảy ra.
Để tránh xảy ra rủi ro tín dụng cho cả khách hàng vay vốn lẫn Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo phải làm tốt khâu thẩm định hồ sơ vay vốn. Để công tác thẩm định được tốt đòi hỏi phải có đầy đủ các thông tin cần thiết cho quá trình thẩm định như: thông tin về khách hàng vay vốn, về phương án sản xuất kinh doanh của người vay... Ngoài ra còn có những thông tin khác liên quan như thông tin về thị trường, về môi trường kinh tế xã hội. Các thông tin này có đầy đủ và chính xác mới có thể đưa ra được quyết định đúng đắn.
Nguồn thông tin chủ yếu là do người vay vốn cung cấp do đó mà nguồn này không phải lúc nào cũng trung thực. Do đó để thẩm định tốt cán bộ tín dụng cần thu thập thêm thông tin từ một số nguồn khác như nói chuyện trực tiếp với người vay để lấy thêm tin tức, vào nhà của người vay để xác nhận một số thông tin, hỏi những người biết rõ người vay.
Từ những thông tin thu thập được cần xác định chính xác mục đích vay vốn thực sự của khách hàng, khả năng tài chính của khách hàng, tư cách của người vay, khả năng thành công của phương án sản xuất kinh doanh của người vay. Sau đó cán bộ tín dụng phân tích, đánh giá về khách hàng vay vốn, kiểm tra tính hợp lệ, hợp pháp của các tài liệu do khách hàng cung cấp, phân tích tính khả thi, khả năng trả nợ của phương án sản xuất kinh doanh, từ đó đưa ra đề xuất cho thành viên vay vốn hay không.
Bên cạnh đó Quỹ cần cải tiến quy trình thẩm định nhanh hơn, rút ngắn thời gian thẩm định, tránh để thành viên chờ đợi lâu tuy quy trình vẫn phải đảm bảo kết quả tốt. Thủ tục hồ sơ vay vốn có ảnh hưởng đến việc tiếp cận vốn của hội viên phụ nữ nghèo. Thủ tục rườm rà phức tạp gây khó khăn cho người vay và không đảm bảo được tính kịp thời của nguồn vốn cho hội viên phụ nữ nghèo. Theo kết quả nghiên cứu cho thấy có tới 20.4% khách hàng phàn nàn là thủ tục vay vốn rườm rà, gây khó khăn cho người vay vốn (đặc biệt là đối với những khách hàng có trình độ dân trí thấp, không biết đọc, viết). Điều này ảnh hưởng rất lớn đến công tác giảm nghèo tại các địa phương có nguồn vốn vay của Quỹ. Do đó, tác giả nhận thấy cần phải tiếp tục cải tiến thủ tục hồ sơ vay vốn nhằm rút ngắn được thời gian vay vốn và cung cấp nhanh chóng kịp thời vốn đến cho hội viên phụ nữ nghèo.
Tại Quỹ hiện tại đang thực hiện cho vay theo tổ/nhóm và tổ chức thu vốn, giải ngân vào một ngày cố định trong tháng. Tuy nhiên Quỹ cần quy định ngày làm việc cụ thể, nên sắp xếp 1 tuần có một ngày làm việc với tổ vay vốn về xét duyệt cho vay, tránh tình trạng yêu cầu số lượng vay vốn của tổ/nhóm phải đủ lớn thì cán bộ tín dụng mới làm thủ tục cho vay sẽ làm giảm đi tính kịp thời của nguồn vốn.
Thực tế cho thấy, kết quả hoạt động tín dụng những năm qua cho thấy phụ nữ quản lý và sử dụng vốn có hiệu quả hơn nam giới. Vì thế, đây là một lợi thế cho Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo cung cấp vốn cho các hội viên phụ nữ nghèo thông qua Hội phụ nữ xã, tuy nhiên cần cải tiến thủ tục cho vay là rút ngắn thời gian làm thủ tục vay từ khâu xét duyệt đến khi cho vay chỉ nên trong vòng 1 tuần.