3.4.1.1. Sản phẩm và dịch vụ
TYM cung cấp ba loại vốn vay với chu kì cho vay và lãi suất khác nhau, mở ra nhiều lựa chọn cho khách hàng. Bên cạnh đó, TYM cũng cung
cấp nhiều dịch vụ đi kèm như hỗ trợ về mặt y tế, bảo hiểm cơ sở vật chất, bảo hiểm cho vay, và quỹ an ninh hay còn gọi là bảo hiểm nhân thọ. Thành viên khi bệnh tật hay gặp tai nạn, hoặc gia đình có tang, sẽ được hỗ trợ các chi phí điều trị các bệnh cấp tính và mãn tính. TYM còn tổ chức khám chữa bệnh mà ở đó phụ nữ và trẻ em dưới 6 tuổi được phát thuốc miễn phí; các thành viên còn được hỗ trợ kinh phí xây nhà tắm, bể lọc nước. Các loại dịch vụ trên đều hoàn toàn là miễn phí, không yêu cầu bất cứ chi phí bảo hiểm nào.
Bảng 3.3: Các loại vốn vay
Loại vốn Chu kì cho vay Lãi suất
Vốn chung 25-50 tuần 1.2% / tháng
Vốn dài hạn 70-100 tuần 14.4% / năm
Vốn đa mục đích 20-25 tuần 0,3% / tuần
(Nguồn: Kết quả nghiên cứu của tác giả, 2012) 3.4.1.2. Chính sách
Về mặt tích cực của sự thay đổi này, hình thức cho vay cá nhân thực sự nhanh chóng và dễ dàng hơn nhiều so với cho vay theo nhóm, và mức độ tiếp cận đối với khách hàng cũng từ đó tăng cao. Lý do chính là những chính sách phức tạp của hình thức nhóm: khi lập nhóm khách hàng phải kiếm đủ thành viên, khi một thành viên muốn vay tiền cần phải có sự chấp thuậncủa những thành viên khác, do đó mất thời gian trong việc sắp xếp các cuộc họp hàng tuần nào do lịch làm việc khác nhau của mỗi gia đính. Mô hình ASA đã khiến mọi thứ trở nên đơn giản hơn, các cuộc họp chỉ còn là 1 lần mỗi tháng, thành viên có thể tham gia đơn lẻ, không đòi hỏi phải có sự thống nhất và bảo lãnh theo nhóm. Hình thức này giảm chi phí đáng kể, do TYM chú trọng vào cách truyền đạt từ cán bộ hay cụm trưởng đến thành viên hơn là hình thức họp để tuyên truyền.
Đồng thời, vay cá nhân sẽ tạo nên sự hỗ trợ giữ các khách hàng tốt hơn, vì mỗi cụm bao gồm khoảng từ 30 đến 45 người. Những người trong cụm có
nhiều cơ hội tiếp cận, giúp đỡ và nhắc nhở lẫn nhau trong các hoạt động làm kinh tế và thời hạn trả nợ định kỳ.
3.4.1.3. Phân loại khách hàng
Tuy là hình thức cho vay cá nhân, các hộ dân có địa bàn cư trú gần nhau sẽ được gom thành các cụm. Cụm được sắp xếp dựa trên vị trí địa lý nên khá thuận lợi cho cả cán bộ, trưởng cụm, và các thành viên trong việc quản lý, nắm giữ thông tin về tình hình làm kinh tế cũng như khả năng trả nợ của các thành viên.
Bên cạnh đó cũng tồn tại một cách phân loại khác, tuy không được ghi trên giấy tờ, là dựa trên khả năng tài chính của khách hàng. Cách này giúp cán bộ dễ xem xét để cấp vốn mới hay đưa ra quyết định có cho tiếp tục vay vốn hay không. Ví dụ sau khoản vay thứ nhất mà kinh tế của khách hàng không cải thiện thì không thể cho vay nữa hoặc chỉ được vay ít hơn.
Một điều mà TYM nhấn mạnh là không phân loại khách hàng theo mục đích sử dụng vốn, bởi cách chia này tạo nên sự phân cấp. TYM cho rằng đây là điều nên tránh giữa những người làm nghề nông với những người làm nghề kinh doanh.
3.4.1.4. Phương thức quản lý
Một mặt trái của phương thức cho vay cá nhân là quản lý một trung tâm của 45 người phức tạp hơn so với 9 nhóm 5 người. Một mặt,việc chia nhóm nhỏ dễ dàng hơn cho các cán bộ tín dụng trong việc quản lý và hỗ trợ; do mọi hoạt động thanh toán cũng như truyền tải các thông tin quan trọng đều được thông qua 9 nhóm trưởng và đến với người sử dụng dịch vụ. Mặt khác, với 45 cá nhân, sẽ có nhiều khó khăn hơn cho TYM để quản lý và kêu gọi từng người trả nợ đầy đủ và đúng hạn. Từ đó có thể tạo ra áp lực đối với cán bộ tín dụng và có thể dẫn đến rủi ro khác như làm tăng chi phí quản lý và giảm hiệu
quả hoạt động. Điều này cũng có thể giải thích cho lí do chi phí tăng cao dù TYM đã áp dụng mô hình ASA.
Như ở trên đã xét về phương diện cụm được sắp xếp dựa trên vị trí địa lý, việc nắm giữ thông tin giữa các cán bộ, trưởng cụm, và các thành viên được đảm bảo. Nếu xét về số lượng thành viên, số người trong cụm nhiều như vậy cũng là một khó khăn cho khách hàng trong việc nắm giữ thông tin về tình hình làm kinh tế cũng như khả năng trả nợ của các thành viên khác cùng cụm.
Ngoài ra, TYM thường có các cuộc viếng thăm và kiểm tra đột xuất bởi giám đốc, kế toán hoặc thư kí; đến tận các xã, thôn, nơi cán bộ tín dụng làm việc để quan sát, nói chuyện trực tiếp với các thành viên. Các cuộc thanh tra này đều diễn ra bất ngờ, và khoảng một lần mỗi tháng. Đặc điểm này đáp ứng được mục tiêu của mô hình ASA, giúp tăng hiệu quả dịch vụ.
3.4.1.5. Mức độ tiếp cận dịch vụ của những người thất nghiệp
Đối tượng thất nghiệp là một trong những đối tượng có thể được coi là khó khăn nhất do họ không có thu nhập. Với sứ mệnh cải thiện đời sống người nghèo của TYM là thì đây đối tượng đặc biệt cần được quan tâm. Tuy nhiên khi hỏi về mức độ tiếp cận dành cho đối tượng này, câu trả lời mà nhóm nghiên cứu nhận được lại khác nhau giữa các cán bộ được phỏng vấn cũng như người ban lãnh đạo chi nhánh.
Theo trưởng chi nhánh TYM Hà Nội, đối tượng thất nghiệp nhưng có khả năng lao động thì vẫn được vay. Như vậy cơ hội tiếp cận dịch vụ hoàn toàn rộng mở đối với những người thất nghiệp. Tuy nhiên, trưởng chi nhánh lại không phải là người trực tiếp tiếp cận người dân, mà là cán bộ tín dụng – những người thẩm định và quyết định có cho vay hay không.Các cán bộ thường xem xét động cơ vay vốn và sự bảo lãnh để đưa ra quyết định. Ở đây người thực chất ra quyết định lại khắt khe hơn so với người đứng đầu tổ chức. Ngoài ra, cụm trưởng là người đầu tiên thẩm định trước khi đưa lên cán bộ để
xem xét, lại khẳng định là trường hợp thất nghiệp thì không được cho vay. Điều này thể hiện sự không nhất quán giữa người đứng đầu tổ chức và đến người ra quyết định và thẩm định.
Những luồng ý kiến trái chiều này sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến quan niệm của tất cả người dân về chính sách của TYM. Từ đó, ngay cả những người thất nghiệp nhưng có ý tưởng, kế hoạch tốt, có khả năng chi trả cũng không dám và không có cơ hội chứng tỏ bản thân.
Tình trạng này cũng chứng tỏ hoặc là cán bộ tín dụng không nắm rõ chính sách của tổ chức, hay nói cách khác, họ không có đủ kiến thức về yêu cầu công việc; hoặc là phía tổ chứ không cung cấp đủ các khoá đào tạo chuyên môn cho nhân viên. Nguyên nhân có thể đến từ một trong hai, hoặc từ cả hai phía.