Nhóm nhạc cụ phổ thông

Một phần của tài liệu Sử dụng một số phương tiện trực quan trong dạy học môn nhạc lý phổ thông tại trường cao đẳng sư phạm nam định (Trang 28 - 32)

7. Cấu trúc của luận văn

2.2.1. Nhóm nhạc cụ phổ thông

Nhạc cụ phổ thông là những nhạc cụ mà giảng viên có thể dễ dàng sử dụng và được sử dụng một cách rộng rãi. Sử dụng phương tiện dạy học là nhạc cụ, giảng viên sẽ thể hiện được trình độ học vấn âm nhạc, kiến thức và đặc biệt là năng lực hoạt động âm nhạc của bản thân.

Đặc biệt khi sử dụng nhạc cụ phổ thông trong dạy học Nhạc lý phổ thông, giảng viên sẽ trực tiếp truyền đạt các nội dung bài học đến sinh viên bằng con đường tác động vào thính giác, giúp sinh viên cảm nhận được dễ dàng hơn các cao độ, tiết tấu, giai điệu, tính chất của các quãng, các hợp âm...

Một số loại nhạc cụ phổ thông có thể kể đến như: Đàn Organ, đàn Guitar, Trống, Thanh phách, Song loan...

Đàn Organ

Đàn Organ có hình dạng giống như đàn piano với một bảng điều khiển có nhiều nút phía trên, mỗi nút có một chức năng khác nhau.

Nút style dùng để lựa chọn nhiều loại tiết tấu khác nhau. Nút voice dùng để lựa chọn âm sắc. Nút tempo dùng để điệu chỉnh tốc độ nhanh hoặc chậm. Nút transpose dùng điều chỉnh độ cao tự động. Nút...dùng để soạn một phần đệm, soạn một giai điệu hoặc một giai điệu kết hợp với phần đệm. Ngoài ra đàn Organ còn có cổng kết nối với các thiết bị bên ngoài để thu âm... Đa số đàn Organ hiện nay sử dụng công nghệ DSP (công nghệ xử lý tín hiệu số) và chia làm hai loại:

Đàn Organ thông thường có 61 phím. Đàn Organ hoạt động dựa trên băng thu. Người ta thu âm thanh của các nhạc cụ khác rồi cài vào trong đàn

theo hệ thống phím. Một đàn Organ thông dụng sẽ nhại được khoảng gần 200 tới 600 âm sắc nhạc cụ, tùy thuộc vào bộ nhớ trong đàn. Ngoài ra, hầu hết đàn Organ đều trang bị chức năng hòa đệm tự động với các tiết tấu, nhịp điệu đa dạng và sáng tạo được thu sẵn trong đàn như: Rumba, chachacha, pop, rock...

Đàn Organ được xem là nhạc cụ có khả năng ứng dụng cao, dễ học và khả năng trình diễn đa dạng. Tuy nhiên, đàn Organ phát ra âm lượng khá to và khá ồn, sử dụng trong dạy học dễ ảnh hưởng đến các lớp khác.

Đàn Organ có thể được sử dụng để minh họa nhiều nội dung nhạc lý phổ thông. Để phù hợp với việc dạy học âm nhạc nói chung và dạy học phân môn nhạc lý phổ thông nói riêng cho hệ CĐSP Tiểu học, giảng viên nên chọn những loại đàn Organ có nhiều ứng dụng hơn trong việc phối âm, có nhiều âm sắc, điệu nhạc nền.

Đàn Guitar:

Đàn Guitar là loại nhạc cụ có phím và dây. Đàn Guitar ngày nay có 6 dây, tuy nhiên vẫn tồn tại những loại đàn Guitar có 4, 7, 8, 10 và 12 dây. Đàn Guitar được cấu tạo bởi nhiều bộ phận:

Thùng đàn: Đây là bộ phận quan trọng nhất của đàn Guitar. Nó có tác dụng cộng hưởng và khuếch đại âm thanh.

Đầu đàn và bộ khóa trên đàn: Đầu đàn là bộ phận để gắn bộ khóa đàn. Bộ khóa đàn có công dụng giữ dây và điều chỉnh cao độ của từng dây đàn.

Lược đàn: Lược đàn có thể được làm từ xương hoặc nhựa dùng để chia dây đàn. Lược đàn giúp cho dây đàn có một khoảng cách nhất định so với phím đàn, để các dây khi rung không chạm vào phím, gây rè tiếng.

Cần đàn: Trên cần đàn có mặt phím và phím đàn. Cần đàn là bộ phận liên kết đầu và thùng đàn. Mặt phím là một miếng gỗ dài được gắn với cần đàn đó là nơi các ngón của tay trái bấm vào đó để tạo ra các nốt nhạc, các giai điệu có cao độ khác nhau.Phím đàn là các thanh kim loại để chia mặt phím thành các ngăn phím. Mỗi một ngăn phím là một nốt nhạc.

Các chấm đánh dấu: Các chấm đánh dấu có mầu trắng hoặc đen trên cần đàn ở ngăn phím số 3, 5, 7, 9, 12. Đó là các dấu mốc quan trọng để sử dụng 5 thế bấm trên đàn Guitar.

Lỗ thoát âm: Lỗ thoát âm là nơi khuếch đại âm thanh của đàn. Lực gảy của các ngón ở bàn tay phải, kết hợp với vị trí gảy trên lỗ thoát âm sẽ tạo ra cường độ to nhỏ, mạnh nhẹ khác nhau của tiếng đàn Guitar.

Ngựa xương đàn: là một miếng gỗ mỏng được đặt ngay trên mặt đàn phía dưới lỗ thoát âm dùng để “neo” dây đàn vào thùng đàn.

Đàn Guitar có ứng dụng rộng rãi trong thể hiện các loại nhạc. Có thể dùng đàn này đệm cho hát, hòa tấu hoặc chơi độc tấu.

Đàn Guitar có ưu điểm là nhẹ nhàng, dễ di chuyển, không gây tiếng ồn lớn trong không gian cần yên tĩnh, trong khi lớp học Nhạc lý phổ thông diễn bên cạnh các lớp học khác. Đặc biệt, khi không có điện thì đàn Guitar rất hữu ích.

Đàn Guitar cũng có nhược điểm là âm thanh nhỏ, chỉ có một âm sắc… Trong dạy học các nội dung phân môn Nhạc lý phổ thông giảng viên nên chọn loại đàn Guitar thùng có 6 dây (mi, la, rê, sol, si, mi) loại đàn Guitar này rất gọn, nhẹ và. Giảng viên có thể dùng đàn Guitar vào minh họa mộ số nội dung: Âm thanh, cao độ, quãng hòa thanh, quãng giai điệu, tiết tấu, hợp âm, gam…

Trống:

Trống là nhạc cụ quan trọng trong bộ gõ, trống có rất nhiều loại, trống cái, trống con, trống, trống bongo,…

Trống giữ nhịp cho nhạc, làm cho âm nhạc trở nên sinh động. Trống được chia làm ba phần là mặt trống, thân trống và đế trống. Trống thường được chơi bằng cách đánh bằng tay hoặc với một hoặc hai dùi trống.

Khi dùng dùi trống gõ vào thân trống tạo ra những âm sắc khác biệt để thể hiện phách. Khi dùng tay vỗ vào mặt trống những lực khác nhau tạo ra độ mạnh nhẹ của phách.

Loại nhạc cụ này có ưu điểm là nhỏ gọn và dễ sử dụng tuy nhiên Trống có độ âm vang lớn, gây ồn ào, mặt trống thường được làm bằng da, thân trống làm bằng gỗ nếu không được bảo quản tốt mặt trống dễ bị mốc và thân trống dễ bị mối mọt.

Giảng viên có thể sử dụng trống trong khi giới thiệu hoặc ôn tập nội dung nhịp, phách. tiết tấu.

Song loan:

Song loan là một loại mõ nhỏ bằng gỗ cứng, hình tròn dẹt, được xẻ miệng sâu vào thân để thoát âm. Song loan có một cần gõ bằng sừng trâu uốn mỏng hoặc lá thép có độ đàn hồi cao.Trên đầu cần có gắn một miếng gỗ nhỏ để gõ xuống thân của nó, tạo ra âm thanh “Cốp. cốp” đều đặn.

Song loan dùng để giữ nhịp, không thể độc tấu. Song loan có vị trí cơ bản trong dàn nhạc tài tử và cải lương, nó có vai trò rất quan trọng trong việc giữ trường can, các nhạc cụ khác theo đó mà giữ tiết tấu, nhịp điệu của mình trong hòa tấu. Âm thanh của song loan nghe đanh và gọn, vang rất xa, không cần qua hệ thống khuếch đại.

Khi sử dụng song loan, người dùng thường dùng tay hoặc chân đập vào dùi gõ, dùi gõ đập vào song loan tạo ra âm thanh.

Giảng viên có thể sử dụng song loan để giữ nhịp cho sinh viên tập đánh một số các loại nhịp cơ bản, trong thực hành, ôn tập nội dung loại nhịp, tiết tấu.

Thanh phách:

Thanh phách bao gồm hai thanh gỗ cứng hoặc bằng hai thanh tre dài khoảng 18 cm, đường kính khoảng 2 cm. Âm thanh của phách thanh thoát,

nhẹ nhàng. Phách gỗ tiếng vang, phách tre tiếng gọn. Phách có thể giữ nhịp, gõ phách.

Thanh phách là loại nhạc cụ có ưu điểm dễ chế tạo và sử dụng. Giảng viên nên tận dụng các chất liệu sẵn có của địa phương như: gỗ, tre, nứa, sừng trâu… để làm thanh phách.

Trong dạy học phân môn Nhạc lý phổ thông, thanh phách có thể dùng khi ôn tập hoặc kiểm tra để sinh viên gõ tiết tấu, làm quen với nhịp, phách.

Tóm lại mỗi loại nhạc cụ nêu trên đều có cấu tạo, chức năng khác nhau. Cách sử dụng chúng không giống nhau. Mỗi nhạc cụ lại có những ưu điểm riêng và những hạn chế nhất định. Nắm vững các đặc điểm của mỗi nhạc cụ, sẽ giúp giảng viên lựa chọn để sử dụng minh họa phù hợp với từng nội dung nhạc lý phổ thông.

Bên cạnh nhóm nhạc cụ phổ thông, trong thực tế dạy học còn có những phương tiện trực quan khác cũng rất thuận tiện để hỗ trợ cho các phương pháp dạy học âm nhạc.

Một phần của tài liệu Sử dụng một số phương tiện trực quan trong dạy học môn nhạc lý phổ thông tại trường cao đẳng sư phạm nam định (Trang 28 - 32)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(106 trang)
w