Nghiên cứu về phân hủy sinh học chất diệt cỏ chứa dioxin ở Việt Nam

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đa dạng quần xã vi khuẩn kỵ khí trong các lô xử lý chất diệt cỏdioxin bằng phương pháp phân hủy sinh học (Trang 59 - 60)

Các nghiên cứu trên thế giới đã cung cấp các bằng chứng về khả năng VSV loại bỏ các hợp chất PCDD/F trong đất thông qua nhiều công trình từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Các nghiên cứu xây dựng công nghệ khử độc các vùng ô nhiễm các hợp chất PCDD/F ở quy mô từ phòng thí nghiệm đến thử nghiệm hiện trường nhằm xử lý đất nhiễm chất diệt cỏ và đồng phân dioxin 2,3,7,8-TCDD ở các “điểm nóng” tại Việt Nam đã được thực hiện. Trong hơn mười năm qua bắt đầu từ 1999, nhiều đề tài khoa học và dự án thử nghiệm đã được tiến hành để tạo ra công nghệ khử độc đất bị ô nhiễm chất diệt cỏ/dioxin ở Đà Nẵng và Biên Hòa với mức độ ô nhiễm khác nhau (từ 10.000 đến 43.000 pg TEQ/g đất khô) bằng công nghệ phân hủy sinh học. Sử dụng công nghệ phân hủy sinh học ở các điều kiện, quy mô khác nhau, từ phòng thí nghiệm đến pilot hiện trường đã được thực hiện từ năm 2000 đến 2009 và quá trình đánh giá sự phân hủy sinh học kéo dài cho đến nay. Ngay từ những giai đoạn đầu tiên, dựa trên kết quả xử lý ở quy mô phòng thí nghiệm dạng pilot với 15 kg, 50 kg đất ô nhiễm, các công thức xử lý bằng chôn lấp tích cực đơn giản quy mô 10 và 100 m3 đã tiến hành. Ở quy mô 0,5 và 1,5 m3, với 10 công thức xử lý khác nhau nhằm kích thích quần xã VSV hiếu khí và vi hiếu khí đã được thử nghiệm tại Đã Nẵng. Mục đích của các công thức khác nhau là tìm được tổ hợp “chất nuôi” phù hợp nhất để VSV hiếu khí khử độc có hiệu quả cao nhất. Trong các nghiên cứu này cũng đã khẳng định với tổng độ độc lên tới 268.000

ng TEQ/kg VSV vẫn loại bỏ được 51% tổng độ độc sau 2 năm xử lý. Kết quả thu được đã góp phần vào việc xác định ngưỡng độc của đất cao đến vài trăm nghìn ng TEQ/kg đất mà VSV vẫn sinh trưởng và phân hủy được chất diệt cỏ/dioxin. Công nghệ xử lý khử độc bằng phân hủy sinh học trong các hố chôn lấp (gọi là chôn lấp tích cực) đã được tiến hành quy mô 3.384 m3 thành công. Sau 27 tháng và 40 tháng xử lý, 99,48 % đến 99,8 % tổng độ độc của lô xử lý đã được loại bỏ khi kết quả phân tích được đánh giá bởi các phòng thí nghiệm khác nhau trong nước và quốc tế.

Năm 2009, sau khi thực hiện khử độc 3.384 m3

tại sân bay Biên Hòa, để so sánh hiệu quả tốc độ khử độc bởi công nghệ của Việt Nam và Hoa Kỳ, các lô xử lý ở quy mô nhỏ hơn 2 m3 với 11 công thức xử lý khác nhau đã được thực hiện ở Đà Nẵng. Trong số 11 công thức xử lý có 5 công thức xử lý kỵ khí đã được thiết kế và thực hiện bởi Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) và EPA. Quá trình phân hủy sinh học thành công khi kích thích và điều khiển được cả 4 quá trình phân hủy sinh học xảy ra trong các hố chôn lấp. Đó là oxy hóa cắt vòng thơm, loại clo các sản phẩm cắt vòng, xúc tác bởi enzyme ngoại bào và loại khử clo. Quá trình loại khử clo xảy ra trong điều kiện kỵ khí và kỵ khí bắt buộc còn ba con đường còn lại xảy ra ở điều kiện hiếu khí. Đây là bài toán rất khó và chỉ có thể điều khiển các quá trình phân hủy sinh học thông qua “thức ăn” cho tất cả quần xã VSV và điều kiện môi trường để “thức ăn” đó tác động làm cho chúng hoạt động trong các hệ mini sinh thái và ở các tầng đất khác nhau của hố chôn.

Thông tin về sự đa dạng VK KK bắt buộc và không bắt buộc, hiệu quả xử lý ở hai sân bay Đà Nẵng và Biên Hòa trong quá trình nghiên cứa xử lý sẽ được trình bày ở phần tiếp theo dưới đây.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đa dạng quần xã vi khuẩn kỵ khí trong các lô xử lý chất diệt cỏdioxin bằng phương pháp phân hủy sinh học (Trang 59 - 60)